Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 16 tháng 5 năm 2022 | 17:5

“Mặc áo” cho táo: Nâng chất lượng và thu nhập

Thời gian qua, mô hình trồng táo bao lưới đã và đang được nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận áp dụng và nhân rộng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Qua đó, góp phần tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường.

Thế mạnh

Với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu đặc thù, Ninh Thuận được đánh giá là địa phương có nhiều điều kiện thích hợp để trồng táo so với cả nước và được ưu tiên khuyến khích mở rộng với diện tích hiện có 1.017ha. Để sản phẩm táo khẳng định được thương hiệu, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, ngành Nông nghiệp tỉnh đã có nhiều giải pháp nhằm mở rộng quy mô sản xuất, chuyển giao các giống mới cũng như đẩy mạnh việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong canh tác...

Năm 2019, từ nguồn kinh phí hỗ trợ trên 100 triệu đồng của Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Ninh Thuận triển khai thí điểm mô hình trồng táo bao lưới cho 13 hộ, diện tích 2,35ha ở huyện Ninh Phước và TP. Phan Rang - Tháp Chàm. Thành công bước đầu của mô hình đã tạo sự lan tỏa sâu rộng, được đông đảo nhà vườn hưởng ứng tham gia và liên tục nhân rộng ra các địa phương khác.

“Mặc áo” cho táo

Tại huyện Ninh Phước, cây táo đang dần chiếm vị trí quan trọng trong cơ cấu cây trồng, với khoảng 730ha, sản lượng hằng năm đạt trên 28.400 tấn, từ việc sử dụng phương pháp bao lưới trên giàn táo, đem lại thu nhập ổn định cho các hộ dân.

 

21b.jpg
Nông dân Phước Mỹ (TP.Phan Rang-Tháp Chàm) trồng táo bao lưới đạt sản lượng cao. Ảnh: Văn Nỷ.

 

Gắn bó với cây táo hơn chục năm nay, ông Hồ Mừng (thôn Hiệp Hòa, xã Phước Thuận) rất tâm đắc với cây trồng này. Theo ông Mừng, mặc dù có nhiều kinh nghiệm trong việc canh tác nhưng nghề trồng táo luôn đối diện với nhiều rủi ro, do các loại côn trùng phá hoại, nhất là bị ruồi vàng đục quả khiến sản lượng thu hoạch đạt thấp, trung bình 1 tấn táo khi thu hoạch bị hao hụt 2,5-3 tạ vì trái bị hư. Năm 2021, ông quyết định đầu tư 24 triệu đồng bao lưới cho 2,2 sào (1sào Nam Trung Bộ = 1.000m2) táo, đem lại kết quả như mong đợi, không chỉ tránh được các loại sâu bệnh gây hại, mà công chăm sóc cũng ít hơn, tiết kiệm đáng kể lượng thuốc BVTV, giá bán cao hơn so với sản xuất thông thường nhờ chất lượng cao hơn.

Còn đối với chị Tống Thị Thảo (thôn Trường Thọ, xã Phước Hậu), qua gần 2 năm sử dụng nhà lưới, giúp táo của gia đình có tỷ lệ đậu trái nhiều hơn; đồng thời, giúp giảm bớt ánh sáng chiếu trực tiếp lên quả táo gây nám vỏ, sậm màu, tạo môi trường thuận lợi cho cây sinh trưởng, phát triển. Theo các hộ trồng táo, chi phí lắp đặt lưới cho 1 sào táo khoảng 13-15 triệu đồng, thời gian sử dụng kéo dài đến 5 năm và đem lại nhiều ưu điểm nổi bật. Tính đến nay, Ninh Thuận triển khai áp dụng bao lưới trên cây táo đạt 485,50 ha/1.424 hộ; trong đó, huyện Ninh Phước có 276,30 ha/874 hộ; TP. Phan Rang - Tháp Chàm là 58 ha/294 hộ; Thuận Nam 96,2 ha/141 hộ. Qua kết quả khảo sát, hiệu quả kinh tế bao lưới trên cây táo làm giảm số lần phun thuốc, tỷ lệ trái hư hại 5-10%, giảm  4-6 lần; năng suất bình quân đạt 40-50 tấn/ha/vụ, cao hơn từ 1,25-1,5 lần so với vườn táo không bao lưới. Ước tính doanh thu bình quân trên 1ha vườn táo ứng dụng bao lưới cao hơn 100 triệu đồng so với táo trồng thông thường.

Ông Phạm Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Ninh Thuận, nhìn nhận: Mô hình bao lưới trên cây táo đem lại kết quả rõ rệt, giúp nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững cho mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh. Thời gian tới, đơn vị tiếp tục phối hợp với các địa phương tuyên truyền, vận động, khuyến cáo người dân mạnh dạn áp dụng mô hình, hướng tới nhân rộng đại trà, cung cấp sản phẩm táo sạch ra thị trường và nâng cao thu nhập cho nhà vườn.

 

Hồng Lâm
Ý kiến bạn đọc
Top