Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 31 tháng 8 năm 2018 | 17:39

"Mập mờ" chất lượng, doanh nghiệp TACN chây ì không chịu nộp phạt

Ông Vũ Đắc Biên, Chánh thanh tra Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Giang cho biết, cơ quan chức năng đã tiến hành xử phạt hành chính nhiều DN sản xuất TĂCN đóng trên địa bàn. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn cố tình chây ỳ, không chịu nộp phạt.

Theo ông Biên, hằng năm UBND tỉnh Bắc Giang đều ban hành kế hoạch thanh, kiểm tra các DN với thời gian, địa điểm cụ thể. Năm 2018, đoàn kiểm tra liên ngành của UBND tỉnh giao Sở NN-PTNT Bắc Giang chủ trì kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, giống vật nuôi, TĂCN và thuốc thú y, ATTP nông lâm sản và thủy sản trên địa bàn.

Kết quả kiểm tra tháng 7/2018, phân tích các mẫu TĂCN đã phát hiện 4 Cty sản xuất, kinh doanh TĂCN vi phạm về chất lượng. Đó là Cty CP Nông sản thực phẩm An Phú, Cty CP Dinh dưỡng quốc tế Việt Thái, Cty CP tập đoàn Dinh dưỡng Miền Bắc, Cty TNHH Dinh dưỡng Quốc tế M-T Vina. Tổng số tiền xử phạt 48 triệu đồng. 

Cụ thể, thức ăn hỗn hợp cho lợn siêu nạc từ 15 - 30kg, mã 121S, ngày sản xuất 19/5/2018 của Cty CP Dinh dưỡng quốc tế Việt Thái, thôn Lịm Xuyên, xã Song Khê (TP Bắc Giang) chỉ có hàm lượng protein 15,74%, đạt 87% so với tiêu chuẩn công bố.

Tương tự, Cty TNHH Dinh dưỡng quốc tế M-T Vina, KCN Song Khê – Nội Hoàng có mẫu thức ăn hỗn hợp cao cấp cho gà lông màu từ 22 ngày tuổi đến xuất chuồng, mã DR 511, ngày sản xuất 19/5/2018 và thức ăn hỗn hợp cao cấp cho lợn siêu nạc từ 12 – 30 kg, mã DR 02S ngày sản xuất 19/5/2018 vi phạm về chất lượng.

Cty CP Tập đoàn Dinh dưỡng Miền Bắc, thôn Đồng Phương, xã Ngọc Thiện (huyện Tân Yên) có lô thức ăn hỗn hợp dạng viên dùng cho gà từ 22 ngày tuổi đến xuất bán, mã MB-211, ngày sản xuất 18/5/2018 không bảo đảm hàm lượng protein như công bố trên bao bì. Trong đợt kiểm tra, đoàn phát hiện lô hàng mã AP-051S của Cty CP Nông sản thực phẩm An Phú, phường Ngô Quyền, TP Bắc Giang vi phạm chất lượng.

Theo ông Biên, đây không phải lần đầu các đơn vị này “mập mờ” trong việc công bố chất lượng sản phẩm trên bao bì. Vào tháng 6/2017, Thanh tra Sở đã phối hợp với Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) kiểm tra, thì có tới 6 DN vi phạm, tổng số tiền phạt là 120 triệu đồng. 3 trong 6 DN đó là Cty M-T Vina, Cty An Phú, Cty tập đoàn Dinh dưỡng Miền Bắc tiếp tục tái phạm trong đợt kiểm tra vừa qua.

“Làm việc với đoàn công tác, chủ DN đều lý giải là sơ suất không kiểm tra kỹ trước khi xuất xưởng và hứa nghiêm túc khắc phục. Tuy nhiên chúng tôi vẫn tiến hành xử phạt theo quy định. Ngoài phạt tiền, chúng tôi yêu cầu các DN thu hồi tái chế toàn bộ sản phẩm và hoạt động này được giám sát chặt chẽ”, ông Biên khẳng định.

Thống kê sơ bộ, số cửa hàng, đại lý kinh doanh TĂCN trên địa bàn Bắc Giang lên đến hàng nghìn, đa phần nhỏ lẻ, nằm rải rác nên việc kiểm tra, lấy mẫu gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, theo quy định mới của Chính phủ, việc thanh, kiểm tra hằng năm không được chồng chéo. Tại Bắc Giang, việc thanh, kiểm tra đều có kế hoạch cụ thể, thậm chí cơ sở bị kiểm tra được báo trước 5 ngày.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bắc Giang cho biết, tỉnh này hiện có khoảng 13 triệu con gà, hơn 1 triệu con lợn và các gia súc khác. Chính vì vậy, thị trường TĂCN luôn màu mỡ và sôi động. Tuy nhiên, việc liên tiếp phát hiện các DN cố tình vi phạm, nhiều lần “mập mờ” chất lượng đã khiến người dân hoang mang, mất niềm tin.

Theo ông Biên, không chỉ nhiều lần vi phạm, một số DN còn cố tình chây ỳ, không chịu nộp phạt. Lực lượng chức năng phải nhiều lần đốc thúc, phối hợp với Kho bạc Nhà nước địa phương để truy thu tiền phạt của các DN. Ngày 29/7, ông Biên lại gửi công văn đốc thúc nộp phạt nhưng các DN chưa có phản hồi.

4.JPG
Kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh TACN trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. (Ảnh: NN)

 Khẩn cấp ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi vào Việt Nam

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường vừa có công điện khẩn gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Bộ trưởng các Bộ Thông tin và Truyền thông, Công Thương, Giao thông vận tải, Tài chính, Công an và Bộ Quốc phòng về việc chủ động ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh Dịch tả lợn Châu Phi vào Việt Nam.

Theo thông tin của Tổ chức Thú y thế giới (OIE), ngày 01/8/2018, bệnh Dịch tả lợn Châu Phi lần đầu tiên được báo cáo xuất hiện tại tỉnh Hắc Long Giang của Trung Quốc.

Tính đến ngày 25/8/2018, tổng cộng đã có 04 ổ dịch Dịch tả lợn châu Phi được Trung Quốc báo cáo cho OIE với tổng số lợn buộc phải tiêu hủy là gần 10.000 con.

Mặt khác, từ cuối năm 2017 đến nay, đã có 12 quốc gia (bao gồm: Trung Quốc, Liên bang Nga, Ba Lan, CH Séc, Hunggari, Latvia, Mônđôva, Phần Lan, Romani, Nam Phi, Ucraina và Zambia) báo cáo có dịch tả lợn Châu Phi.

Bộ Nông nghiệp và PTNT cho biết, bệnh Dịch tả lợn Châu Phi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra. Bệnh có đặc điểm lây lan nhanh trên loài lợn (gồm cả lợn nhà và lợn hoang dã); bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi và mọi loại lợn.

Bệnh gây thiệt hại nghiêm trọng với tỷ lệ chết cao lên đến 100%. Vi rút gây ra bệnh Dịch tả lợn Châu Phi có sức đề kháng cao trong môi trường. Sau khi khỏi bệnh lâm sàng, lợn vẫn có khả năng mang vi rút trong thời gian dài và có thể trở thành vật chủ mang trùng suốt đời, do vậy nếu để xảy ra bệnh sẽ rất khó để loại trừ được mầm bệnh.

Hiện nay, chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu bệnh Dịch tả lợn Châu Phi. Vì vậy giải pháp phòng bệnh là chính, phát hiện và xử lý triệt để ổ dịch ngay từ khi ở phạm vi nhỏ và chưa lây lan; các biện pháp chủ yếu như kiểm dịch nhập khẩu, kiểm soát vận chuyển lợn và chăn nuôi an toàn sinh học được nhiều nước đã và đang áp dụng.

Để chủ động ngăn chặn sự xâm nhập và lây lan của vi rút Dịch tả lợn Châu Phi vào Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác chống buôn lậu lợn và các sản phẩm của lợn từ nước ngoài vào Việt Nam; tuyệt đối không cho phép buôn bán, vận chuyển lợn và sản phẩm của lợn bất hợp phát qua biên giới, không rõ nguồn gốc, kể cả quà tặng, quà biếu của cư dân biên giới; phát hiện và kiên quyết xử lý tình trạng buôn lậu lợn, sản phẩm của lợn theo đúng quy định của pháp luật; tổ chức giám sát chặt chẽ, tăng cường công tác kiểm dịch động vật.

 

5.jpgẢnh minh họa. (Nguồn: Internet)

 

Sản xuất không đủ, Việt Nam phải nhập khẩu thêm ngô từ Ấn Độ

Theo Tổng cục Hải quan, sau một thời gian dài Việt Nam không nhập khẩu ngô từ Ấn Độ, gần đây các doanh nghiệp đã bắt đầu nhập khẩu trở lại mặt hàng này. Gần đây, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này từ Ấn Độ đã tăng đến 1.785%.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, ước tính khối lượng ngô nhập khẩu trong tháng 7/2018 đạt 333 nghìn tấn với giá trị đạt 72 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị ngô nhập khẩu trong 7 tháng đầu năm 2018 đạt 5,22 triệu tấn và giá trị đạt 1,06 tỷ USD, tăng 23,3% về khối lượng và tăng 25% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.

Ngoài Ấn Độ, tăng trưởng nhập khẩu ngô của Việt Nam từ Achentina cũng tăng mạnh 42,7%. Thị trường có giá trị nhập khẩu mặt hàng ngô giảm mạnh nhất trong 6 tháng đầu năm 2018 là Thái Lan, với mức giảm là 78,7% so với cùng kỳ năm 2017.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2017, sản lượng ngô của Việt Nam đạt 5,13 triệu tấn, giảm 114,6 nghìn tấn so với năm 2016 do diện tích gieo trồng giảm 52,9 nghìn ha.

Hiện nay, sản lượng ngô thu hoạch của Việt Nam chỉ đáp ứng được khoảng 40-50% nhu cầu trong nước, còn lại là phải nhập khẩu. Thông thường, mỗi khi giá cả trong nước biến động tăng cao thì ngô được nhập khẩu để thay thế nguồn ngô trong nước và ngược lại, khi giá ngô trong nước rẻ hơn giá thị trường thế giới thì các nhà máy sản xuất sẽ đẩy mạnh tiêu thụ bằng nguồn trong nước.

 
6.jpg
Ảnh minh họa.

 Giá sắn tăng do nguồn cung khan hiếm

Theo thông tin từ Bộ Công Thương, từ đầu tháng 8/2018 đến nay, giá sắn nguyên liệu và tinh bột sắn về nhà máy tại Tây Ninh tăng do nguồn cung sắn trong vùng, lẫn sắn Campuchia đều giảm mạnh.

Tại Tây Ninh, do nguồn cung sắn trong vùng đạt thấp, các nhà máy lên cửa khẩu mua nhiều hơn đẩy giá sắn củ giao dịch tại cửa khẩu tăng mạnh, lên mức 2.700 đồng/kg. Tuy nhiên, sắn Campuchia hiện nay có trữ độ bột thấp, cao nhất chỉ đạt 24-25% nên giá quy đổi với sắn 30 độ lên tới 3.250 đồng/kg (chưa tính phí vận chuyển và bốc dỡ về nhà máy). Hiện giá sắn củ tại Tây Ninh dao động từ 3.000-3.300 đồng/kg với sắn nội địa và với sắn Campuchia, tăng từ 200-300 đồng/kg so với cuối tháng 7/2018. Nguồn cung sắn đất thấp tại Tây Ninh sắp hết, trong khi đó năng suất sắn chính vụ tại Tây Ninh có thể giảm từ 30-40% so với những vụ trước, do sắn đang bị nhiễm bệnh khảm lá khá nghiêm trọng.

Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho biết, tháng 7/2018 cả nước đã xuất khẩu được 112,27 nghìn tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 50,95 triệu USD, giảm 33,8% về lượng và giảm 34,5% về trị giá so với tháng 6/2018, so với cùng kỳ năm 2017 giảm 58,3% về lượng và giảm 25% về trị giá. Giá xuất khẩu bình quân tăng 79,7% so với cùng kỳ năm 2017 lên 453,8 USD/tấn. Tính chung 7 tháng đầu năm 2018, lượng sắn và các sản phẩm từ sắn đã xuất khẩu đạt 1,58 triệu tấn, với trị giá 593,59 triệu USD, giảm 30,2% về lượng nhưng tăng 4,7% về trị giá, giá xuất khẩu bình quân đạt 374,2 USD/tấn, tăng 50,1% so với cùng kỳ năm 2017.

7.gif
Vận chuyển sắn cung cấp ra thị trường. (Ảnh: Internet)

 Xuất khẩu cá tra tạo đột phá, khả năng đạt kim ngạch trên 2 tỷ USD

Tháng 8/2018, xuất khẩu thủy sản ước đạt 738,7 triệu USD, lũy kế 8 tháng đầu năm 2018 ước đạt 5,47 tỷ USD. Bốn tháng còn lại là mùa tiêu thụ, các nhà nhập khẩu sẽ đẩy mạnh mua vào để phục vụ nhu cầu cuối năm, và đây cũng là mùa để các doanh nghiệp thủy sản tăng tốc xuất khẩu với mong muốn chạm hoặc vượt mục tiêu 9 tỷ USD của năm 2018.

Trong 3 sản phẩm xuất khẩu chính, gồm tôm, cá tra và cá ngừ thì mặt hàng cá tra có nhiều triển vọng lần đầu tiên đột phá để đạt mức trên 2 tỷ USD, cộng với sự tăng trưởng trở lại của ngành tôm và xuất khẩu cá ngừ với nhiều khả quan, trong khi đó xuất khẩu hải sản mỗi năm đều đạt từ 2,2 - 2,3 tỷ USD. Như vậy, khả năng xuất khẩu thủy sản năm nay đạt hoặc vượt mục tiêu đề ra là hoàn toàn khả quan.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, xuất khẩu cá tra đạt trung bình 200 triệu USD/tháng, so với mọi năm tăng khoảng 50 triệu USD/tháng, được vậy là nhờ giá xuất khẩu tăng lên và từ nhu cầu của thị trường.

7 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu cá tra đạt được 1,2 tỷ USD, tăng xấp xỉ 20% so với cùng kỳ, còn lại 5 tháng cũng là mùa nhập khẩu của các nước, nếu từ nay đến cuối năm, xuất khẩu cá tra vẫn giữ mức 200 triệu USD/tháng thì năm nay hoàn toàn có khả năng đạt kim ngạch ít nhất 2 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2017.

"Song, vấn đề là khả năng tiếp tục thiếu cá nguyên liệu đến tháng 4/2019. Do sản lượng cá nuôi thu hoạch không đáp ứng đủ nhu cầu chế biến của các nhà máy, nên giá cá vẫn ở mức cao và giá xuất khẩu cũng cao", ông Hoè khẳng định.

Theo ông Hòe, thông thường, kim ngạch xuất khẩu tôm và cá tra xấp xỉ 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành, phần còn lại là hải sản (bao gồm cá ngừ), hàng năm kim ngạch xuất khẩu hải sản thường mang về khoảng 3 tỷ USD. Như vậy, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2018 có thể đạt và vượt mốc 9 tỷ USD như mục tiêu đề ra hồi đầu năm.

8.jpg
Chế biến cá tra phục vụ xuất khẩu. (Ảnh: TTXVN)./.

 

 

Thanh Tâm (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết vừa ký ban hành Nghị quyết số 40-NQ/TU về tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2035.

  • Việt Nam – Mông Cổ hướng tới tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp

    Việt Nam – Mông Cổ hướng tới tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp

    Sáng 20/11, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tiếp và làm việc với ông Jadamba Enkhbayar - Bộ trưởng Lương thực, Nông nghiệp và Công nghiệp nhẹ Mông Cổ, Chủ tịch Phân ban Mông Cổ trong Ủy ban liên Chính phủ song phương.

  • Ngành gỗ tăng tốc về đích sớm

    Ngành gỗ tăng tốc về đích sớm

    Một trong những điểm nhấn nổi bật trong "bức tranh" xuất khẩu nông lâm thủy sản từ đầu năm đến nay là kết quả xuất khẩu đồ gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Đây là 1 trong 6 mặt hàng có thặng dư thương mại đạt trên 1 tỷ USD và hứa hẹn sẽ lập kỷ lục mới xuất khẩu trong năm 2024.

Top