Hiện, bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò xuất hiện tại nhiều tỉnh, thành phố trong nước làm hàng trăm con trâu, bò mắc bệnh, buộc phải tiêu hủy.
Tuy nhiên, đại đa số trâu, bò chưa bị bệnh viêm da nổi cục, vì vậy, người dân có thể yên tâm sử dụng các sản phẩm từ trâu, bò.
Sa Pa: Tiêu hủy trên 300 kg bò mắc bệnh viêm da nổi cục
Từ ngày 15 - 18/4 dịch bệnh viêm da nổi cục trâu, bò xảy ra tại xã Thanh Bình, thị xã Sa Pa làm 9 con bò của 6 hộ dân bị mắc bệnh. Lực lượng chức năng đã tiến hành tiêu hủy 2 con bò bị mắc bệnh, tổng trọng lượng 335 kg.
Để phòng, chống dịch bệnh lây lan, UBND thị xã Sa Pa đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuyên môn và UBND xã Thanh Bình xử lý ổ dịch theo quy định; thực hiện phun khử trùng tiêu độc toàn bộ khu vực chăn thả có gia súc mắc bệnh; đồng thời, thống kê số trâu, bò của các hộ dân chăn thả cùng khu vực với những con bò đã bị mắc bệnh để chăm sóc, điều trị bệnh.
UBND thị xã Sa Pa đã cấp 24 lít hóa chất, 40 bộ quần áo bảo hộ sinh học, 40 khẩu trang, 40 đôi gang tay phục vụ công tác phòng chống và tiêu hủy gia súc mắc bệnh; tổ chức tiêm phòng bao vây ổ dịch, hiện tại đã tiêm được 50 liều vắc xin viêm da nổi cục trâu, bò.
Bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò là do virus. Véc tơ gây bệnh chủ yếu là ruồi, muỗi, côn trùng đốt máu từ con bị bệnh truyền cho con chưa bị bệnh. Đối với trâu, bò thì bệnh viêm da nổi cục làm giảm năng suất sữa, tỷ lệ chết từ 5 - 7%, những con mắc bệnh nặng sẽ bị chết.
Hiện, đã có vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục. Tuy nhiên, vắc xin này có giá khá cao khoảng 35.000 đồng/mũi, chưa có công tiêm, công vận chuyển và bảo quản vắc xin. Vì vậy, việc triển khai tiêm trên diện rộng để bảo vệ đàn trâu, bò của địa phương rất khó thực hiện.
Yên Bái: Xuất hiện ổ dịch viêm da nổi cục trên đàn bò thứ 5
Những ngày qua, Yên Bái tiếp tục ghi nhận thêm một ổ dịch viêm da nổi cục trên đàn bò ở hộ ông Hoàng Ngọc Sử, thôn Phú Mỹ, xã Mỹ Gia, huyện Yên Bình. 2 trong số 4 con bò của gia đình có các triệu chứng lâm sàng của bệnh Viêm da nổi cục (VDNC). Cán bộ thú y đã tới kiểm tra và lấy mẫu bệnh phẩm gửi xét nghiệm.
Biết tin về tình hình VDNC trên đàn bò bùng phát trên địa bàn tỉnh Yên Bái thời gian qua, thông qua những triệu chứng lâm sàng về bệnh này, gia đình ông Sử đã nắm bắt và phát hiện đàn bò của gia đình mình có biểu hiện kém ăn, da nổi cục và bắt đầu lở loét. Để hạn chế việc lây bệnh, gia đình kịp thời thông tin tới cơ quan chức năng, chủ động cách ly những con bò mắc bệnh và những con còn khỏe mạnh.
Theo thống kê, đến ngày 16/4 ngoài phát sinh một ổ dịch mới tại Yên Bình, thì tại 2 ổ dịch cũ ở bản Phạ, xã Việt Hồng và thôn Gò Cấm, xã Vân Hội, huyện Trấn Yên có thêm 2 con bò nữa phát bệnh.
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã xuất hiện 5 ổ dịch tại 5 xã, 3 huyện với 10 con bị mắc bệnh VDNC, ngoài 5 con đã được tiêu hủy, những con bò mắc bệnh mới đã được cách ly và tiến hành các bước tiêu hủy.
Bệnh viêm da nổi cục ở gia súc đã lan rộng đến 25 địa phương
Tính từ tháng 10/2020 đến nay, cả nước đã xảy ra 950 ổ dịch viêm da nổi cục tại 917 xã thuộc 151 huyện của 25 tỉnh, thành phố với tổng số 22.397 con gia súc mắc bệnh.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, tính từ tháng 10/2020 đến nay, cả nước đã xảy ra 950 ổ dịch viêm da nổi cục tại 917 xã thuộc 151 huyện của 25 tỉnh, thành phố. Tổng số gia súc mắc bệnh là 22.397 con, trong đó, đã tiêu hủy 1.761 con.
Đáng chú ý, hiện nay, cả nước có 761 ổ dịch tại 126 huyện của 21 tỉnh chưa qua 21 ngày. Tổng số gia súc mắc bệnh 20.478 con, số gia súc đã tiêu hủy 1.525 con. Trong thời gian tới, dự báo bệnh viêm da nổi cục trên đàn gia súc có thể sẽ xuất hiện tại nhiều địa phương.
Theo Bộ NN&PTNT, để triển khai công tác phòng chống dịch bệnh viêm da nổi cục, Bộ đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, thành lập nhiều đoàn công tác trực tiếp đến các địa phương để phối hợp với chính quyền chỉ đạo xử lý các ổ dịch cũng như triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh lây lan trên diện rộng.
Đặc biệt, Cục Thú y đã ban hành Quyết định số 515/QĐ-TY-DT ban hành tiêu chuẩn cơ sở xét nghiệm phát hiện vi rút gây bệnh viêm da nổi cục trên mẫu sinh phẩm từ trâu, bò để thống nhất áp dụng tại tất cả 8 phòng thí nghiệm thuộc Cục.
Song song với việc chủ động trong công tác chẩn đoán xét nghiệm, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo Cục Thú y chủ động phối hợp với các Viện nghiên cứu, học viện và các doanh nghiệp có tiềm năng, kinh nghiệm để tổ chức nghiên cứu đặc điểm dịch tễ để làm cơ sở để nghiên cứu, sản xuất vắc xin phòng bệnh.
Kiểm soát chặt dịch bệnh
Từ tháng 7/2020, khi bệnh VDNC xuất hiện trên đàn gia súc với 13 ổ dịch tại Trung Quốc, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) đã có những cảnh báo về dịch bệnh này. Tuy nhiên, đến tháng 10/2020, bệnh VDNC đã xuất hiện tại Việt Nam với 2 ổ dịch đầu tiên tại Lạng Sơn và Cao Bằng.
Ông Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết, tuy cơ quan chức năng đã có văn bản cảnh báo và hướng dẫn nhận biết bệnh VDNC về các địa phương, nhưng dịch vẫn xảy ra do nhiều nguyên nhân, trong đó quan trọng nhất chính là các vật truyền bệnh như ruồi, muỗi, ve, mòng… còn tồn tại nhiều, nên dịch lây nhanh và rộng trong thời gian ngắn.
Theo thống kê của Cục Thú y, hiện nay, dịch VDNC đã xảy ra ở 781 xã của 149 huyện tại 25 tỉnh, thành phố. Tổng số gia súc mắc bệnh là 17.544 con. Số lượng này chỉ chiếm chưa đến 0,2% tổng đàn trâu bò của cả nước. Tổng số gia súc buộc phải tiêu hủy, hoặc bị chết cũng chỉ chiếm khoảng 7% số bị bệnh.
“Có thể khẳng định, tuyệt đại đa số trâu, bò trên lãnh thổ Việt Nam chưa mắc bệnh VDNC, vẫn còn an toàn, cho nên bà con và người tiêu dùng yên tâm sử dụng sản phẩm từ trâu, bò”, ông Nguyễn Văn Long cho biết, đồng thời khuyến cáo người tiêu dùng cần tìm hiểu về nguồn gốc sản phẩm trước khi mua.
Cũng theo Phó Cục trưởng Cục Thú y, thông tin dịch bệnh phát sinh ở đâu Cục đều có công bố rõ ràng, nên địa phương có thể kiểm soát và xử lý dựa trên công bố này. Các địa phương đang triển khai tích cực các biện pháp phòng chống dịch, như vệ sinh tiêu độc, khử trùng, nhất là việc tiêu diệt các đối tượng truyền bệnh.
Một biện pháp kiểm soát dịch VDNC cũng đang được thực hiện khá hiệu quả, đó là tiêm phòng vaccine cho trâu, bò. Vì đây là loại bệnh mới, nên chưa có vaccine tiêm phòng trong danh mục được cấp phép lưu hành tại Việt Nam, Cục Thú y đã tham mưu để Bộ NN&PTNT ra quyết định nhập trên 4 triệu liều vaccine theo Luật Thú y.
Theo tính toán của Cục Thú y, nếu có kế hoạch cụ thể và khoa học về tiêm phòng tại các địa phương, thì lượng vaccine nhập về sẽ đảm bảo phủ rộng được trên 50% đàn gia súc cả nước. Ghi nhận từ địa phương, việc tiêm vaccine rất khả quan. Những đàn gia súc nào được tiêm phòng đến thời điểm này đều phát triển tốt và không mắc bệnh.
Cần bám sát thông tin dịch
Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết, khi có thông tin dịch bệnh ở Lạng Sơn, Cục lập tức cử đoàn công tác đến địa phương này. “Chúng tôi nhận được thông tin có dịch vào ngày 20/10. Khi chúng tôi đến kiểm tra, người dân nói bệnh xuất hiện từ đầu tháng 10. Sau đó, khi nhận được thông tin tỉnh Cao Bằng bệnh cũng đã xuất hiện, chúng tôi cũng cử đoàn công tác đến ngay, thì cũng nhận được phản ánh từ người dân là bệnh xuất hiện ở địa phương từ đầu tháng 10. Chính vì thế, không thể biết chính xác dịch bắt đầu từ địa phương nào”, ông nói.
Theo ông Nguyễn Văn Long, điều này cho thấy, việc chủ động giám sát dịch bệnh ở nhiều địa phương cũng chưa kịp thời. Theo quy định, khi dịch bệnh xảy ra, chủ vật nuôi phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo đúng chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền và cơ quan chuyên môn. Trong trường hợp không thực hiện những quy định đó, dẫn tới dịch bệnh lây lan thì các cơ quan có thẩm quyền sẽ lập biên bản xử lý vi phạm trong lĩnh vực thú y, nhất là trong việc buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia súc bị bệnh. Tuy nhiên, việc này cũng chưa thực sự làm triệt để ở các địa phương do phát hiện muộn, dịch lây lan rất khó truy vết.
Ông Nguyễn Văn Long nhấn mạnh: Quy định thì đã có đầy đủ, nhưng việc triển khai thực hiện mỗi địa phương lại có mức độ khác nhau, tùy thuộc vào nhận thức và nguồn lực từng nơi. Một trong yếu tố rất quan trọng để triển khai thực hiện được là hệ thống thú y các cấp, nhất là cấp Trung ương phải đảm bảo duy trì theo đúng quy định của Luật Thú y, Nghị định 42 của Chính phủ.
“Việc cần làm ngay là các địa phương phải khẩn trương lên kế hoạch, đăng ký mua vaccine và vào cuộc quyết liệt để phòng chống dịch bệnh có hiệu quả. Từ cơ sở mới có thể xây dựng kế hoạch trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí và đăng ký với nhà cung ứng vaccine để có cơ sở nhập khẩu. Nếu chúng ta tổ chức tiêm phòng tốt thì hy vọng sẽ sớm kiểm soát được dịch bệnh này”.
Do vaccine cho bệnh VDNC cần tối thiểu 3 tuần sau tiêm mới có thể có miễn dịch cho đàn gia súc, vì vậy các công tác chuẩn bị vaccine, tiêm cũng như theo dõi sau tiêm cũng bị chi phối theo về thời gian, nên các tỉnh cần khẩn trương lên kế hoạch về nhu cầu sử dụng vaccine.
Lãnh đạo Cục Thú y cũng cho biết, đến nay chưa có bất kỳ bằng chứng hay tài liệu nào cho thấy bệnh VDNC lây sang người, nhưng không vì thế mà người dân chủ quan, hay vì lòng tham mà buôn bán, vận chuyển gia súc bị bệnh.
“Về nguyên tắc, Luật Thú y đã cấm vận chuyển, buôn bán, giết mổ và tiêu thụ gia súc bị bệnh và gia súc nghi bị bệnh, gia súc nằm trong các vùng, ổ dịch. Nhưng thực tế, với giá trị mỗi con gia súc lên đến hàng chục triệu đồng như hiện nay, nếu địa phương không kiểm soát nghiêm ngặt thì chắc chắn sẽ có hiện tượng ‘bán chạy’ khi gia súc bị bệnh”.
UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa tổ chức Lễ đón nhận Bằng công nhận di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO cho “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế”; công bố hoàn thành Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa” và động thổ công trình “Tu bổ, phục hồi di tích Điện Cần Chánh”.
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.