Hơn một tháng nay, dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò diễn biến phức tạp tại Hà Tĩnh, người tiêu dùng có tâm lý lo lắng, hạn chế sử dụng loại thịt này khiến sức mua giảm.
Sức mua giảm
Chị Nguyễn Thị Hà, tiểu thương chợ TP. Hà Tĩnh, chia sẻ: “Từ ngày mùng 6 tháng Giêng trở lại đây, tin dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò xuất hiện ở nhiều địa phương nên lượng khách mua hàng sụt giảm đáng kể, thậm chí các mối bỏ sỉ cũng hạn chế nhập nhiều. Như tôi chuyên cung cấp thịt bò từ lò mổ Thạch Tân (Thạch Hà), trung bình ngày thường lấy 4 - 5 tạ nhưng đợt này chỉ còn khoảng 2 tạ”.
Chị Nguyễn Thị Hằng, chủ quầy thịt bò lớn nhất trong chợ Vườn ươm (TP. Hà Tĩnh), cho biết, những con bò được giết mổ đều khỏe mạnh, đã qua kiểm dịch tại các lò giết mổ trên địa bàn. Thế nhưng do tâm lý nên nhiều người dân vẫn quay lưng với thịt bò. “Trước khi có dịch bệnh viêm da nổi cục, mỗi ngày quầy của tôi bán ra 60 - 70kg thịt bò. Thế nhưng, một tháng trở lại đây, lượng thịt bán ra giảm hẳn, có khi chỉ tiêu thụ được 10kg thịt bò”, chị Hằng thở dài.
Tương tự, tại một số chợ trên địa bàn như chợ tỉnh Hà Tĩnh; chợ Cày, chợ Mương (huyện Thạch Hà)..., thịt bò ế ẩm là tình trạng chung của các quầy kinh doanh, thậm chí nhiều tiểu thương phải nghỉ bán.
Thời điểm hiện nay, giá thịt bò ở Hà Tĩnh đang có xu hướng giảm nhẹ, dao động ở mức 200 - 230.000 đồng/kg, tuỳ loại.
Nhu cầu thị trường hạn chế trước thông tin dịch tiếp tục lây lan cũng khiến bà con chăn nuôi, chủ các lò mổ gặp khó khăn. Ông Hoàng Cu, chủ lò mổ Cẩm Lộc (Cẩm Xuyên), cho biết: “Bình thường, lò giết mổ trung bình 8 - 10 con trâu, bò/đêm. Tuy nhiên, khi dịch diễn biến phức tạp ở Cẩm Xuyên thì giảm xuống chỉ còn 4 - 5 con/đêm. Lượng giết mổ tại lò giảm thì chắc chắn việc xuất bán, kinh doanh trâu, bò của người dân địa phương cũng bị ảnh hưởng”.
Tâm lý kiêng kị, e ngại
Chị Trần Thị Mai (phường Tân Giang, TP. Hà Tĩnh) chia sẻ: “Khi biết có loại dịch bệnh viêm da nổi cục thì tâm lý người nội trợ chắc chắn cũng bị tác động ít nhiều, mình lựa chọn phương án an toàn là mua sản phẩm khác hoặc vào siêu thị mua cho chắc”.
Hiện, nhiều nhà hàng, quán ăn, người tiêu dùng có tâm lý kiêng kị, e ngại, thậm chí đưa sản phẩm thịt trâu, bò ra khỏi bữa ăn hàng ngày.
Theo ông Trần Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh, bệnh viêm da nổi cục là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do một loại virus thuộc họ Poxviridae gây ra trên trâu, bò. Virus này không gây bệnh trên người và không lây lan sang người, vì vậy, việc người tiêu dùng tẩy chay, quay lưng với thịt trâu, bò là không cần thiết.
Ông Hùng khuyến cáo, để đảm bảo sức khỏe, người tiêu dùng nên thực hiện các biện pháp an toàn như ăn chín, uống sôi, lựa chọn thịt có nguồn gốc tại chợ dân sinh, có dấu kiểm dịch, phiếu kiểm dịch, tránh các điểm kinh doanh hàng rong dọc đường; khi mua cần kiểm tra kỹ các dấu hiệu trên thịt… Hiện nay, các địa phương đang chủ động, tập trung các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; nhập vắc-xin về tiêm phòng để tạo điều kiện bao vây, khống chế dịch lây lan trên diện rộng.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hà Tĩnh cho biết, đến nay, toàn tỉnh đã có 3.785 con trâu, bò bị nhiễm bệnh viêm da nổi cục. Tỉnh đang tập trung đồng bộ các giải pháp phòng, chống, khoanh vùng dịch bệnh.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.