Những bãi biển hiền hoà, thơ mộng, những huyền tích gắn liền với các nhân vật lịch sử, những giá trị văn hoá phi vật thể… đã và đang cùng tấu lên bản hoà ca về vùng đất tuy nghèo khó mà luôn vận động, sáng tạo, tuy gian khổ mà đậm nghĩa, đậm tình….
Đó là sức hút về du lịch biển ở Hà Tĩnh, nơi thiên nhiên “ưu ái ban tặng” nhiều cảnh đẹp và nguồn hải sản phong phú.
Giá trị văn hóa phi vật thể nâng tầm phát triển du lịch
Gần 140km bờ biển thoai thoải, với vùng lãnh hải rộng khoảng 20 ngàn kilômét vuông và các trầm tích văn hóa gắn liền với những bãi biển xanh trong chính là tiềm năng để du lịch biển Hà Tĩnh thu hút du khách và các nhà đầu tư.
Theo Nghệ An ký của Bùi Dương Lịch thì vùng Hà Tĩnh có 6 cửa biển (Cửa Hội, Cửa Cương Gián, Cửa Sót, Cửa Nhượng, Cửa Khẩu, Cửa Xích Lỗ) và từ thời Lý – Trần đã có 5 thương cảng: Hội Thống, Cửa Sót, Nhượng Bạn, Hải Khẩu, Xích Lỗ. Nhiều tài liệu lịch sử và khảo cổ học đã chứng minh có một số cảng biển Hà Tĩnh từng rất sầm uất, như cảng Cửa Sót, Hội Thống, hoặc cảng vùng Kỳ Anh.
Sử sách còn chép lại rằng, đến thế kỷ XIX, hoạt động giao lưu, buôn bán ở vùng Nghệ Tĩnh khá sôi động, tỉnh Hà Tĩnh có đến 14 chợ, 15 quán và 31 cầu đò. Nhiều nhà khảo cổ học đã khẳng định từng có nền văn hóa cảng thị ở Hà Tĩnh.
Trên nền tảng nền kinh tế cảng thị đã tạo ra nhiều giá trị vật chất, tinh thần đặc sắc và các làng nghề như gốm Cổ Đạm, bán buôn Giang Đình. Hơn nữa, văn hóa cảng thị Hà Tĩnh còn ghi dấu sự giao thoa của các nền văn hóa khác nhau: Việt - Chăm (Cửa Nhượng), Việt – Hoa (Phù Thạch) và Việt – Nhật (Triều Khẩu)…”.
Hàng loạt bãi biển đẹp chạy từ Nghi Xuân đến Kỳ Anh như: Xuân Thành, Thạch Hải, Thiên Cầm, Kỳ Ninh, Mũi Đao dồi dào về nguồn lợi hải sản đã tạo điểm nhấn cho du lịch Hà Tĩnh.
Trong đó, bãi biển Thiên Cầm đã được Chính phủ phê duyệt là 1 trong 46 khu du lịch quốc gia. Bên cạnh đó, bờ biển Hà Tĩnh còn ẩn chứa tài nguyên du lịch nhân văn để kết hợp hài hòa giữa du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa, du lịch tâm linh.
Từ Hội Thống vào đến Hoành Sơn Quan là hàng trăm di tích lịch sử, văn hoá với đầy đủ các loại hình như đình, chùa, đền thờ, nhà thờ, am miếu, trong đó có 01 di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, 73 di tích cấp quốc gia và 339 di tích cấp tỉnh. Đây cũng chính là điều kiện thu hút đầu tư nhằm hiện đại hoá hạ tầng, nâng tầm giá trị các khu điểm du lịch.
Hà Tĩnh, như trong thơ ca nhạc hoạ, là vùng đất nắng lửa mưa chan nhưng từ trong gian khó, người Hà Tĩnh bao đời nay cũng đã biết sống hài hoà với thiên nhiên, tạo nên những giá trị văn hoá phi vật thể đậm đà bản sắc.
Đó là những lễ hội lớn gắn với các di tích cấp quốc gia như Lễ hội Sỹ - Nông - Công - Thương ở Xuân Thành (Nghi Xuân), Lễ hội đền Chiêu Trưng, Lễ hội chùa Chân Tiên ở Cửa Sót (Lộc Hà), Lễ hội Cầu Ngư ở Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên), Lễ hội đền Chế Thắng phu nhân ở Kỳ Ninh (Kỳ Anh)…
Điểm đặc biệt khiến các nhà đầu tư lưu tâm và quyết định đầu tư phát triển du lịch Hà Tĩnh là hệ thống truyền thuyết, dã sử, những sáng tác văn học nổi tiếng gắn với các danh thắng, di tích vùng ven biển.
Biển Thạch Hải (Thạch Hà) hội tụ được những nét đẹp vốn có mà thiên nhiên ban tặng.
Những truyền thuyết, huyền thoại về các Vua Hùng ở Ngàn Hống, dấu chân Tiên ở Thịnh Lộc, truyền thuyết Chử Đồng Tử - Tiên Dung hiện còn dấu tích ở khu Quỳnh Viên trên núi Long Ngâm Cửa Sót, câu chuyện về cha con Hồ Quý Ly bị bắt giữ ở Thiên Cầm, những chuyến chinh phạt, tuần du phương Nam của các triều vua như Trần Duệ Tông và cung phi Nguyễn Thị Bích Châu (di tích Đền thờ Chế Thắng phu nhân), 10 bài thơ nổi tiếng của Hoàng đế Lê Thánh Tông… cũng là một dạng tài nguyên hết sức hấp dẫn.
Đánh thức tiềm năng du lịch biển
Khai thác tiềm năng du lịch sẵn có đang là một trong những mục tiêu của Hà Tĩnh trong những năm qua. Bước đầu tỉnh đã quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các địa phương vùng ven biển, nhất là về kết cấu hạ tầng kỹ thuật, từng bước kết nối du lịch biển với các trung tâm du lịch của tỉnh, của vùng và các tỉnh của Lào, khu vực Đông Bắc Thái Lan...
Hệ thống tỉnh lộ như: Tỉnh lộ 4 (từ thị trấn Cẩm Xuyên đi Thiên Cầm), Tỉnh lộ 22 (từ thị trấn Nghi Xuân đi Xuân Thành), Tỉnh lộ 9 (từ TP. Hà Tĩnh đi Lộc Hà), Tỉnh lộ 19/5 (từ Thạch Hải đi Thiên Cầm), các tuyến đường nối QL1A với Thạch Khê… và đặc biệt là tuyến đường ven biển Xuân Hội - Thạch Khê - Vũng Áng, tuyến giao thông chiến lược quan trọng của tỉnh đang được đầu tư xây dựng thực sự sẽ mang lại sự khởi sắc cho nền kinh tế - xã hội của Hà Tĩnh nói chung, của ngành kinh tế du lịch nói riêng.
Ngày càng nhiều khu nghỉ dưỡng, resort hiện đại được đầu tư xây dựng. Hà Tĩnh đã có một Quỳnh Viên thơ mộng, một C-Resort - Kỳ Xuân yên tĩnh, một Vinpearl hiện đại và sắp tới sẽ có một Hoa Tiên Xuân Thành với các dịch vụ đi kèm đẳng cấp, hứa hẹn sẽ thu hút một lượng lớn khách du lịch nước ngoài.
Ông Lê Trần Sáng, Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Hà Tĩnh, cho biết, mặc dù có khá nhiều tiềm năng, lợi thế về du lịch nhưng “mảnh đất vàng” này vẫn còn dư địa lớn, chưa được khai thác hết. Để đánh thức tiềm năng này, Hà Tĩnh đã tổ chức hội thảo kết nối đầu tư phát triển du lịch của tỉnh. Hội thảo nhằm tuyên truyền, quảng bá tiềm năng du lịch Hà Tĩnh, trong đó có du lịch biển; thu hút đầu tư, kết nối các doanh nghiệp du lịch trong và ngoài nước có nguyện vọng đầu tư vào Hà Tĩnh; thúc đẩy, hỗ trợ các doanh nghiệp, đơn vị đầu tư du lịch trên địa bàn theo hướng ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển…
Đã qua rồi những tháng ngày giông bão. Biển lại trở lại bình yên trong đời sống của người dân. Sóng biển đã xôn xao gọi mời. Những hàng quán đã mở cửa đón khách nhộn nhịp. Những khu du lịch nghỉ dưỡng cũng đã lên danh sách những gói dịch vụ ưu đãi hấp dẫn khiến những chộn rộn, háo hức càng trở nên mạnh mẽ hơn trong lòng du khách. Để bất kỳ ai đến với biển Hà Tĩnh cũng đều nghe ngân nga ở trong lòng khúc hát của Hồng Đăng. Rằng: “Mỗi một tình yêu, mỗi một cuộc đời/ Qua bao nhiêu thăng trầm lửa thử vàng mới nên người/ Biển xanh vẫn nhắc những lời yêu thương/ Biển lại hát tình ca, biển kể chuyện quê hương”.
UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa tổ chức Lễ đón nhận Bằng công nhận di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO cho “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế”; công bố hoàn thành Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa” và động thổ công trình “Tu bổ, phục hồi di tích Điện Cần Chánh”.
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.