Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 4 tháng 1 năm 2019 | 13:49

“Cá thần” suối Ngọc hút khách du lịch

“Cá thần” suối Ngọc nằm ẩn mình trong hang động Cây Đăng, dưới chân núi Trường Sinh, thuộc địa bàn xã Cẩm Lương (Cẩm Thủy - Thanh Hóa).

tr23d.JPG
Du khách chiêm ngưỡng “cá thần” suối Ngọc.

Sự kết hợp giữa “cá thần” với danh lam thắng cảnh sơn thủy hữu tình nơi đây đã thu hút du khách đến với xứ Thanh ngày càng nhiều.

Huyền bí

“Cá thần” sống trong hang đá rất sâu, có dòng suối bắt nguồn từ sông Mã hùng vĩ đi qua, nằm dưới chân núi Trường Sinh (thuộc dãy núi đá vôi Pù Luông - Cúc Phương). Thật kỳ lạ, dòng suối chỉ rộng khoảng 3m, dài 150m, sâu 80cm, là nơi trú ngụ, sinh sôi của đàn “cá thần” với số lượng ước hàng ngàn con vẫy vùng, chao lượn, nhưng dòng nước vẫn trong xanh như ngọc, không một chút  hôi tanh, có thể nhìn thấy rõ lớp sỏi đá dưới đáy.

Ngày nào cũng vậy, đàn “cá thần” chỉ sống quanh quẩn nơi dòng suối này theo một lịch trình bất di bất dịch: Khoảng 5 giờ sáng, chúng bơi lội thành đàn dày đặc ra khu vực suối Ngọc để tung tăng kiếm mồi. Thức ăn của “cá thần” chủ yếu là rong, rêu, tảo, lá cây, tấm, cám, ngô rang… Đến khoảng 18 giờ, chúng lại kéo nhau thành đàn bơi vào hang động để nghỉ, kết thúc một ngày “mưu sinh”.

Sự kỳ lạ của “cá thần” nơi đây nằm ở chỗ: Chúng không hề có dấu hiệu sợ hãi con người. Bất cứ ai đến khu vực suối, chúng đều cho chiêm ngưỡng thoái mái. Thậm chí, mỗi khi có ai đó cầm thức ăn lội xuống suối để cho ăn, “cá thần” liền quấn quýt lấy người đó. Có khi, “cá thần” còn tung mình lên khỏi mặt nước để đớp lấy thức ăn trên tay người. Sự thân thiện với con người của đàn “cá thần” ở suối Ngọc đã tạo nên sự kỳ thú cho tất cả những ai đã từng đặt chân đến suối Ngọc.

“Cá thần” suối Ngọc gắn liền với sự tích đượm màu huyền bí, tâm linh. Người dân tộc Mường nơi đây luôn tin vào sự sinh sôi, phát triển của đàn “cá thần” ở suối Ngọc sẽ đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho dân bản. Bởi thế, trong cuộc sống thường nhật, người dân thôn bản luôn bảo vệ “cá thần”.

Tương truyền rằng: Thuở xa xưa, có  vợ chồng già người Mường không có con, một lần ra suối mò ốc, vô tình nhặt được một quả trứng ngũ sắc. Họ đem trứng về cho gà ấp. Kỳ lạ thay, quả trứng lại nở ra một con rắn. Ngay lập tức, ông bà thay nhau mang rắn ra suối Ngọc thả, nhưng rắn cứ dõi nhìn theo, rồi bò theo về nhà. Thấy vậy, ông bà đành giữ rắn để nuôi. 

Kể từ khi vợ chồng ông lão quyết định đem rắn về nuôi, dân làng không còn gặp cảnh khô hạn, mất mùa, vì bỗng nhiên nước từ đâu đổ về ngập đồng. Nguồn nước đã tạo thuận lợi cho dân bản cấy cày, chăn nuôi, đem lại mùa màng bội thu. Cuộc sống thanh bình, no ấm. Song, vào một đêm, nước sông Mã bỗng dưng dâng cao, sấm chớp ầm ầm, rồi xuất hiện một đàn thủy quái vào bản phá hoại. Thế rồi, rắn đã xông ra chiến đấu với thủy quái để bảo vệ dân bản. Sau đó, vì kiệt sức nên rắn nằm chết bên bờ suối dưới chân núi Trường Sinh. Ngọc Hoàng xét thấy rắn có công lớn, nên phong “thần” cho rắn với hiệu Tứ Phủ Long Vương, rồi cho cai quản suối Ngọc, để giữ dòng suối không bao giờ cạn, mang nguồn nước dồi dào cho người dân. Dân bản nhớ ơn  lập đền thờ “thần Rắn”. Từ hôm ấy xuất hiện một đàn cá đông đúc bơi lượn dưới dòng suối trong veo. Đàn cá ấy chính là quân lính của “thần Rắn” lượn lờ canh gác dưới chân đền. Và, đó là “nguồn gốc” của đàn “cá thần” suối Ngọc hôm nay.

Hút khách du lịch

Chính đặc tính thân thiện với con người và màu sắc lạ mắt của đàn “cá thần” suối Ngọc, kết hợp thắng cảnh sơn thủy hữu tình nơi đây đã tạo nên cho xứ Thanh một loại hình du lịch độc nhất vô nhị, thu hút hàng vạn lượt khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan mỗi năm.

Đến suối Ngọc, khách du lịch không chỉ bị “hút hồn” bởi đàn “cá thần” và danh lam thắng cảnh miền sơn cước Cẩm Lương, mà còn bị thôi miên bởi  hướng dẫn viên du lịch nghiệp dư là  nam thanh, nữ tú người Mông ở bản làng Lương Ngọc giới thiệu về “cá thần”, đền thờ Thần Rắn, nhân vật Tứ Phủ Long Vương…

Người dân sinh sống tại thôn Lương Ngọc cho biết, ngoài đàn “cá thần” thường xuyên xuất hiện ở suối Ngọc, ở trong hang động cây Đăng - nơi trú ngụ của “cá thần” - còn có một con “cá chúa” nặng khoảng 30kg. Theo quan niệm, năm nào “cá chúa” xuất hiện, năm đó sẽ được mùa. 

Hàng năm, vào dịp đầu Xuân, tại Khu du lịch suối cá thần, diễn ra Lễ hội Khai hạ rất độc đáo, thu hút hàng ngàn người dân và du khách đến tham dự. Lễ hội  diễn ra vào ngày mồng 8-9 tháng Giêng.

 

 

Văn Cương - Xuân Sơn
Ý kiến bạn đọc
Top