Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 1 tháng 9 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 2 tháng 9 năm 2017 | 10:16

Tam Đảo vui đón Tết Độc lập

Những lão thành cách mạng tham gia giành độc lập mùa Thu năm 1945 ở thị trấn Tam Đảo (huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc), giờ không còn nhiều. Song, đổi thay ở Tam Đảo thì vẫn diễn ra hàng ngày, với nhiều cung bậc, nhiều thành tựu đáng lưu ý.

Khu vui chơi Tam Đảo chuẩn bị đưa vào hoạt động.

Ký ức không bao giờ quên

Ông Nguyễn Phúc Kế ở thôn 2 thị trấn Tam Đảo nguyên là Chủ tịch Hội Liên Việt thị trấn (nay là Mặt trận Tổ quốc) nhớ lại: Tam Đảo giành độc lập rất sớm, ngay từ ngày 16/7/1945. Không khí ăn mừng chiến thắng nô nức lòng người, suốt từ đó đến ngày mít-tinh mừng Tết Độc lập. Còn nhớ 2/9/1945, thị trấn Tam Đảo chỉ có mấy trăm người, bao gồm cả người già, thanh niên và trẻ em nhưng cũng như người dân cả nước, chỉ ít lâu sau ngày độc lập, năm 1946, Tam Đảo đã phải tiêu thổ kháng chiến, đập phá 145 vila, biệt thự của Thực dân Pháp để bước vào cuộc chiến mới.

Kỷ niệm mà ông Kế nhớ nhất là những ngày tham gia công tác chính quyền ở thị trấn Tam Đảo, với khá nhiều nhiệm vụ được giao như: Xã đội trưởng, Bí thư Đoàn thanh niên cứu quốc, Trưởng ban Y tế, chủ nhiệm Hợp tác xã cấp thấp, Hợp tác xã cấp cao và cuối cùng là Chủ tịch Hội Liên Việt.

Điều ông tự hào nhất là khi ông còn làm Bí thư Đoàn thanh niên, cùng với 5 người bạn nữa (nay chỉ còn lại mình ông) đã được gặp Bác Hồ. Những điều Bác nói, theo ông, đến nay vẫn không hề xưa cũ, đó là phải giữ gìn sự đoàn kết, quan tâm đời sống của người dân. Nghe nhân dân phê bình, sau đó đảng viên nhớ mà sửa chữa. Rồi Bác tặng ông quyển “Sửa đổi lối làm việc”, đây là bản gốc in trên giấy dó. Khi Bảo tàng Hồ Chí Minh biết ông có quyển sách này đã đến xin để in lại và phát hành, ông cũng được biếu một cuốn bằng bản in.

Những năm sau khi Bác Hồ mất, ông Kế còn được bác Phạm Văn Đồng đến thăm 4 lần, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm nhiều lần (anh cả của ông làm thư ký cho đại tướng Giáp).

Ngoài ra, ông còn kể cho chúng tôi nghe rất nhiều kỷ niệm trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước tại thị trấn Tam Đảo một thời oanh liệt.        

Mùa thu nay khác rồi...

Nhà thờ đá xây dựng trước năm 1945.

Ngày nay, Tam Đảo đã hoàn toàn đổi khác, thị trấn có 214,87ha đất tự nhiên, dân số 995 người, chia thành 2 tổ: kinh doanh dịch vụ và sản xuất. Đảng bộ có 80 đảng viên, sinh hoạt tại 07 Chi bộ. Tam Đảo giờ đã là địa phương có khu du lịch nổi tiếng, tiềm năng dồi dào, khí hậu mát mẻ, rừng thiên nhiên phong phú; giao thông thuận tiện, mỗi năm có hàng trăm ngàn lượt khách đến nghỉ mát, tham quan và làm việc

Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Tam Đảo, ông Lưu Bằng Hội, cho hay, trước đây thế mạnh của Tam Đảo là cây su su và cây dược liệu, song, do quỹ đất ngày càng bị thu hẹp để mở đường và làm các công trình công cộng khác, nên diện tích su su giảm từ 52ha xuống còn 32ha. Hiện, có khoảng 150hộ dân trồng su su, hộ nhiều nhất 1ha, bình quân thu hoạch 40 tấn/ha, giá bán buôn tại thị trấn 12.000 đồng/kg. Tuy nhiên, lượng su su tiêu thụ ở Tam Đảo chỉ khoảng 1/3, còn lại thương lái đem đi tiêu thụ ở Hà Nội, Hải Phòng, T.P Vĩnh Yên...  Ba năm gần đây, Tam Đảo đã đưa vào trồng cây dược liệu: Giảo cổ lam (2ha), bình quân thu nhập 300 triệu đồng/ha/năm. Những hộ dân trồng su su và cây dược liệu bình quân thu nhập 90 -100 triệu đồng/hộ/năm. Đặc biệt, những gia đình vừa tham gia sản xuất vừa đi chợ bán hàng thu nhập 120 – 150 triệu đồng/năm.

Đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp nên đa phần người dân chuyển sang kinh doanh dịch vụ du lịch. Ông Trần Văn Dũng, Trưởng khu dân phố số 1, cho biết, những năm gần đây, nhờ kinh doanh dịch vụ du lịch phát triển, nhân dân tập trung nguồn lực đầu tư và nâng cao chất lượng dịch vụ, nhiều hộ kinh doanh nhanh chóng giàu lên từ nghề này. Du lịch Tam Đảo thường tập trung vào 2 mùa chính, đó là dịp nghỉ lễ 30/4 và Quốc khánh 2/9. Số hộ kinh doanh toàn thị trấn 100 -120 hộ; hộ nhiều nhất có 20 - 30 phòng, giá ngày nghỉ cuối tuần 800.000 - 1.200.000 đồng/phòng, ngày thường 400.000 - 600.000 đồng/phòng; bình quân thu nhập 25 – 30 triệu đồng/hộ/tháng. Riêng gia đình ông Dũng chỉ phục vụ quán ăn bình dân và cà phê giải khát, bình quân thu nhập 15 -20 triệu đồng/tháng.

Toàn cảnh Tam Đảo mờ sương.

Thay đổi mạnh mẽ nhất chính là khu vui chơi Tam Đảo, rộng 2ha trên nền công viên cũ cách đây 72 năm, dự kiến đưa vào sử dụng nhân dịp Quốc khánh 2/9/2017. Chị L., một khách du lịch cho biết, tôi ở TP. Vĩnh Yên, rất hay đi du lịch Tam Đảo. Mới vài tháng không lên đây, nay khu vui chơi sắp khánh thành. Có khu vui chơi này, bộ mặt thị trấn rạng rỡ hẳn lên. Điều tôi thú vị nhất là khung xích đu bằng cột đá, những quả cầu đá đã ở đó trên 70 năm qua, nay được tô điểm thêm bằng những luống hoa, lối đi có thảm cỏ, khiến cho công viên vừa có nét cổ kính, vừa có nét hiện đại.

Được biết, từ nay đến năm 2020 và giai đoạn tiếp theo, Tam Đảo vẫn lấy dịch vụ, du lịch làm mũi nhọn, xây dựng thị trấn  thành điểm đến hấp dẫn, thân thiện của cả nước, với đầy đủ các yếu tố của huyện du lịch trọng điểm khu vực phía Bắc vào năm 2020. Vì vậy, Tam Đảo sẽ tập trung mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế, xã hội, lấy dịch vụ, du lịch làm mũi nhọn, đồng thời phát triển kết cấu hạ tầng đô thị và sản xuất hàng hoá trong nông nghiệp, là động lực thúc đẩy phát triển xã hội. Gắn phát triển kinh tế với văn hoá, con người và bảo vệ môi trường sinh thái, tài nguyên rừng, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Vì là huyện du lịch trọng điểm của miền Bắc nên công tác vệ sinh môi trường và các công trình xây dựng, nhất là ở các tuyến suối công cộng trong nội thị được Tam Đảo quan tâm chỉ đạo. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2017, đã có 2 đợt tổng vệ sinh với 600 người tham gia, khối lượng rác thu gom khoảng 50m3. Lập biên bản và đề nghị cơ quan chức năng xử lý 1 vụ xả thải sai quy định, xử phạt tại chỗ 15 triệu đồng. Giải toả vi phạm lòng lề đường, hành lang ATGT đường bộ 63 trường hợp, hiện vẫn đang tiếp tục kiểm soát để không tái lấn chiếm.             

Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Tam Đảo, ông Trần Quang Thà, cho biết: “Nhiều năm trở lại đây, bộ mặt thị trấn có nhiều khởi sắc, nổi bật là khu vui chơi Tam Đảo, với nhiều cấu trúc mới và hạng mục kiên cố như hệ thống điện thắp sáng đường hạ ngầm để đảm bảo mỹ quan; các trục đường chính quanh khu công viên được lát bằng đá đen Thanh Hoá. Dự án trồng cây xanh quanh khu công viên bằng các loại cây như: sa mộc, ban đỏ, ban trắng… chiều dài 14 -15km. Thảm lại toàn bộ hệ thống đường nhựa từ km13 lên thị trấn Tam Đảo dài 25km, tất cả đều đang tiến hành, dự kiến đến năm 2018 sẽ hoàn thành”.

Hy vọng, với bề dày lịch sử cùng quyết tâm cao của người dân, chính quyền, Tam Đảo luôn là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước, không kể ngày thường hay dịp lễ, Tết.

Dương An Như

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Lễ hội Sầu riêng Krông Pắc lần thứ II năm 2024: Tưng bừng vào hội

    Lễ hội Sầu riêng Krông Pắc lần thứ II năm 2024: Tưng bừng vào hội

    Tối 31/8, Lễ hội Sầu riêng Krông Pắc ( Đắk Lắk ) lần thứ II năm 2024, với chủ đề “Sầu riêng Krông Pắc: Phát triển và Hội nhập” đã chính thức khai mạc tại trung tâm thị trấn Phước An.

  • Đêm nhạc đặc sắc “Lào Cai sông núi hoà ca”

    Đêm nhạc đặc sắc “Lào Cai sông núi hoà ca”

    Nhân dịp kỷ niệm 79 năm ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2024), chào mừng ngày âm nhạc Việt Nam mùng (3/9) và hưởng ứng Festival Sông Hồng Lào Cai năm 2024, Hội Văn học - Nghệ thuật Lào Cai phối hợp với Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tại Lào Cai đã tổ chức Ðêm nhạc “Lào Cai sông núi hoà ca”.

  • Độc đáo nghi lễ cúng no đủ của người Ê Đê

    Độc đáo nghi lễ cúng no đủ của người Ê Đê

    Thông qua nghi lễ cúng no đủ, người Ê Đê không chỉ cầu mong cho mưa thuận, gió hòa, rẫy nương tươi tốt, mùa màng bội thu, mà còn khơi dậy niềm đam mê văn hóa truyền thống cho các thế hệ trẻ.

Top