Nhiều tỉnh, thành phố có diện tích rừng lớn đang ráo riết chuẩn bị công tác phòng, chống cháy rừng trên địa bàn.
Quảng Bình chủ động ứng phó “giặc lửa”
Mặc dù, đã bước sang trung tuần tháng 8, nhưng miền trung nói chung, tỉnh Quảng Bình nói riêng vẫn trong cao điểm của mùa nắng nóng, cháy rừng đã xảy ra ở nhiều nơi. Ðể bảo vệ an toàn những cánh rừng, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các lực lượng, địa phương huy động toàn bộ số lượng, phương tiện để sẵn sàng ứng phó kịp thời nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra.
Trước đó, trưa 9/8, rừng trồng tại khoảnh 6, tiểu khu 150, thôn Vịnh Sơn, xã Quảng Ðông, huyện Quảng Trạch bị cháy.
Nhận được thông tin, Ủy ban nhân dân huyện huy động lực lượng phối hợp với xã Quảng Ðông và đơn vị chủ rừng nhanh chóng đến hiện trường chữa cháy, đến 19 giờ 30 phút cùng ngày đám cháy cơ bản được khống chế. Tuy nhiên, do thời tiết nắng nóng, gió phơn thổi mạnh, cho nên sáng 10/8 một số đám cháy bùng phát trở lại.
Mô hình xe chữa cháy cơ động của kiểm lâm tỉnh Quảng Bình giúp dập lửa nhanh trong các vụ cháy rừng vừa qua.
Ủy ban nhân dân (UBND) huyện đã chỉ đạo các đơn vị huy động thêm lực lượng bổ sung vào các tổ để tập trung chữa cháy. Các đơn vị bộ đội biên phòng, hải quân đóng quân trong khu vực đã cử cán bộ, chiến sĩ và nhiều phương tiện, thiết bị tham gia dập lửa. Công an Quảng Bình huy động nhiều xe chữa cháy cùng hàng chục cán bộ, chiến sĩ leo đến lưng chừng đồi để bơm nước chữa cháy.
Với sự nỗ lực, cơ động của các lực lượng chữa cháy, đến chiều cùng ngày vụ cháy rừng trồng được khống chế hoàn toàn.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, từ đầu năm 2024 đến nay đã xảy ra sáu vụ cháy rừng với diện tích gần 30 ha, làm thiệt hại gần 15 ha rừng trồng tại các xã Hải Ninh, Võ Ninh (Quảng Ninh), Ngư Thủy (Lệ Thủy), Quảng Ðông (Quảng Trạch). Ngoài ra, còn có một số điểm phát lửa trong rừng hoặc khu vực cây bụi, lau lách được lực lượng ở các đơn vị, địa phương dập tắt kịp thời nên chưa cháy lan sang cây rừng.
Theo Phó Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Ðồng Hới và ven biển tỉnh Quảng Bình Ðinh Thanh Quang, hiện đơn vị quản lý hơn 10.000 ha rừng trồng ven biển trên cát cho nên luôn thường trực nguy cơ cháy rừng trong mùa nắng nóng. Ngay từ đầu năm 2024, Ban quản lý đã chủ động xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng. Cùng với việc thường xuyên tuyên truyền nâng cao ý thức, tính tự giác và sự ủng hộ của người dân phòng chống cháy rừng, đơn vị ký cam kết phối hợp trong công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng với chính quyền địa phương và các đơn vị, doanh nghiệp, hộ dân sống gần rừng và ven rừng. Khi xảy ra cháy rừng, các bên liên quan cùng phối hợp kịp thời dập lửa và huy động người dân cùng tham gia chữa cháy.
Trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng Dinh Mười (huyện Quảng Ninh) Trần Văn Châu cho biết, khu vực rừng phòng hộ trên cát phía nam tỉnh Quảng Bình mà đơn vị được giao quản lý đều có hoặc gần các khu dân cư, lại có tuyến tránh Quốc lộ 1A xuyên qua, cho nên nhiều phương tiện dừng chân cho khách nghỉ ngơi, hút thuốc gây nguy cơ cháy rừng rất cao; người dân đốt ong, đốt vàng mã ở các nghĩa trang, đốt rác vô ý cũng có thể gây cháy rừng. Vì thế đơn vị thành lập các tổ cơ động để tuần tra, kiểm tra rừng ở các khu vực được "khoanh đỏ" để đề phòng ngọn lửa bùng phát; các chòi canh trên cao cũng luôn có người trực dùng ống nhòm quan sát để kịp phát hiện ra điểm có khói bốc lên và điện báo cho lực lượng cơ động đến ứng cứu.
Ở phía tây Quảng Bình, công tác phóng cháy, chữa cháy trên những cánh rừng đặc dụng cũng không kém phần vất vả nhưng được thực hiện với quyết tâm cao nhất để giữ bình yên cho rừng di sản.
Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng Phạm Văn Tân cho biết, đơn vị được giao, quản lý, bảo vệ hơn 123.326 ha rừng đặc dụng, hơn 3.153 ha rừng phòng hộ và 20 ha rừng sản xuất. Hiện trạng tài nguyên rừng phần lớn là rừng giàu và rừng trung bình được bảo vệ nghiêm ngặt cho nên ít có nguy cơ cháy rừng. Tuy nhiên, diện tích rừng nghèo, rừng nghèo kiệt tiếp giáp với các khu dân cư, vùng sản xuất nông nghiệp, nương rẫy là những khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy.
Ðể chủ động công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, Vườn quốc gia đã thành lập 50 tổ phòng cháy, chữa cháy với gần 550 người tham gia, trong đó nòng cốt là cán bộ, nhân viên Hạt Kiểm lâm Vườn. Công tác này còn có sự phối hợp, tham gia của các cơ quan, đơn vị, lực lượng dân quân của các huyện Quảng Ninh, Bố Trạch và Minh Hóa.
Ðể chủ động trong mọi tình huống, Hạt Kiểm lâm Vườn xác định địa bàn trọng điểm cháy rừng, trên cơ sở đó lập bản đồ phân vùng, có phương án cụ thể và cử lực lượng ứng trực 24/24 giờ.
Ngoài ra còn có lực lượng thường trực, sẵn sàng chữa cháy khi bùng phát ngọn lửa. Mặt khác, các cơ quan, đơn vị của Vườn và doanh nghiệp khai thác du lịch trong phạm vi của Vườn quốc gia tuyên truyền đến du khách, người dân ý thức chấp hành phòng chống cháy rừng; kiểm soát các hoạt động đốt nương làm rẫy, du lịch cá nhân trái phép...
Chi cục trưởng Kiểm lâm tỉnh Nguyễn Văn Long cho biết, thời gian gần đây, các đơn vị chủ rừng và địa phương trong tỉnh đã áp dụng biện pháp ứng dụng kỹ thuật số vào phát hiện cháy rừng. Các Hạt Kiểm lâm thường xuyên sử dụng thiết bị bay không người lái để phát hiện cột khói ở các vùng rừng có nguy cơ cháy rất cao. Ở phía tây Ðồng Hới, chính quyền thành phố đã đưa hệ thống giám sát và cảnh báo cháy rừng vào hoạt động rất hiệu quả. Khi phát hiện khói, hệ thống tự động gửi thông tin định vị và hình ảnh vào điện thoại di động của cán bộ ở bộ phận thường trực phòng cháy, chữa cháy rừng, từ đó kịp thời triển khai công tác dập lửa để hạn chế thiệt hại. Hệ thống này cung cấp thông tin vừa chính xác, vừa ít tốn thời gian nên từ khi phát hiện đến ứng cứu, dập lửa tốn rất ít thời gian, hiệu quả chữa cháy cao.
Từ kinh nghiệm chữa cháy rừng của mình, gần đây, ngành kiểm lâm tỉnh Quảng Bình sáng tạo ra mô hình chữa cháy rừng cơ động, giá rẻ (khoảng 30 triệu đồng/hệ thống) nhưng có thể đưa nước lên trên đồi cao và vào sâu trong khu vực rừng bị cháy để dập lửa.
Cụ thể, trên từng chiếc xe bán tải hoặc xe tải nhỏ của Hạt Kiểm lâm cấp huyện, các chiến sĩ kiểm lâm mua một động cơ xăng, đầu bơm nước có ba van, bồn chứa nước dung tích từ 500-2.000 lít, lô cuốn và dây dẫn nước 300m lắp đặt trên thùng xe. Khi nguy cấp, hệ thống bơm có thể dùng tới ba đầu bơm để dập lửa nhanh hơn.
Ðồng thời, để cấp nước liên tục cho bồn chứa trên xe ô-tô, đơn vị kiểm lâm tổ chức các xe máy vận chuyển bằng can (có các giá nên khá dễ dàng và an toàn) để bảo đảm có đủ nước dập tắt hoàn toàn ngọn lửa. Mô hình này phát huy hiệu quả trong các vụ chữa cháy rừng vừa qua ở Quảng Bình nhờ tính cơ động trên mọi địa hình và đang được Cục Kiểm lâm nhân rộng trong toàn quốc.
Yên Bái "bày binh bố trận" một cách thường xuyên cho phòng, chống cháy rừng
Xã Chế Tạo (huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) là xã có diện tích rừng lớn chiếm tới 82% diện tích tự nhiên toàn huyện, trong đó chủ yếu là rừng đặc dụng thuộc khu bảo tồn loài sinh cảnh.
Cùng với đó xã có nhiều diện tích rừng giáp ranh với các xã của huyện Mường La (tỉnh Sơn La) và huyện Than Uyên (tỉnh Lai Châu) và nhiều xã khác của huyện, nên công tác bảo vệ rừng, PCCC rừng đã được Hạt Kiểm lâm huyện đặc biệt quan tâm.
Hiện nay, tại xã Chế Tạo đã bố trí 2 Trạm kiểm tra lâm sản và bảo vệ rừng. Trong thời gian qua, lực lượng Kiểm lâm tại 2 Trạm này đã phối tốt với chính quyền địa phương làm tốt công tác tuần tra, kiểm soát bảo vệ rừng.
Ông Sùng A Rùa , Trạm trưởng Kiểm lâm xã Chế Tạo, huyện Mù Cang Chải nhấn mạnh: "Với nhiệm vụ được giao tôi đã tham mưu cho UBND xã phối hợp tuyên truyền cho bà con. Nhất là vào mùa khô hanh, tổ chức tuyên truyền, đôn đốc các bản trực phòng cháy chữa cháy 24/24 trên địa bàn toàn xã...".
"Do diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn Chế Tạo rất rộng, trong khi lực lượng kiểm lâm mỏng nên thời gian tới tôi mong Chi cục kiểm lâm tỉnh, Hạt kiểm lâm huyện bố trí tăng cường lực lượng để chúng tôi bảo vệ và quản lý được tốt hơn khu bảo tồn và diện tích rừng của xã", ông Sùng A Rùa nói thêm.
Một địa phương khác trên địa bàn huyện Mù Cang Chải có diện tích rừng lớn là xã La Pán Tẩn với tổng diện tích rừng trên 1.000 ha, trong đó rừng tự nhiên gần 535 ha, trên 470 ha rừng trồng. Trong thời gian qua, địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho nhân dân về lợi ích của bảo vệ, phát triển rừng và công tác phòng cháy chữa cháy rừng.
Cùng với đó, xã xây dựng phương án bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, trong đó lấy lực lượng kiểm lâm phụ trách địa bàn là lực lượng nòng cốt.
Anh Vàng A Lử, Kiểm lâm viên phụ trách xã La Pán Tẩn cho biết, hàng năm các anh xác định các địa điểm nguy cơ cao có thể xảy ra cháy rừng, đồng thời xác định các đường mòn vào rừng để từ đó kiểm soát người ra, vào rừng để đảm bảo tốt nhất công tác phòng cháy chữa cháy rừng.
"Trên địa bàn bàn huyện Mù Cang Chải mùa khô hanh kéo dài làm thảm thực vật chết khô trên diện rộng, nguy cơ bắt lửa dẫn đến cháy rừng rất cao nên hàng năm lực lượng Kiểm lâm tại các Trạm Kiểm lâm thuộc các khu vực trên địa bàn huyện đã thường xuyên bố trí lực lượng phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường công tác kiểm tra, tuần bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng", anh Vàng A Lử thông tin.
Tại xã Púng Luông, ông Sùng A Chay, Trạm trưởng Kiểm lâm xã cho biết, vào mùa cao điểm Trạm chỉ đạo anh em kiểm lâm địa bàn xuống cơ sở trực tiếp cùng ban chỉ đạo của xã thực hiện phương án chữa cháy rừng của xã theo phương án 4 tại chỗ.
Trạm cũng phân công lịch trực cho từng cán bộ, chỉ đạo cán bộ thường xuyên đi cơ sở, vào thời gian cao điểm thì cán bộ phụ trách phải xuống địa bàn 24/24 giờ, phối hợp với xã tuần tra, kiểm tra các điểm trực, các lán trực từ đó phát hiện và ngăn chặn kịp thời các tình huống xảy ra.
Tổ chức trực 24/24 giờ tại các lán trực ở các vùng trọng điểm
Mù Cang Chải là huyện có nhiều tiềm năng, lợi thế về phát triển lâm nghiệp với tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp là gần 100.000 ha rừng, trong đó, diện tích rừng tự nhiên trên 80.435 ha, diện tích rừng trồng 20.256 ha.
Trong những năm qua, huyện Mù Cang Chải đã chỉ đạo hai chủ rừng đó là Ban quản lý rừng phòng hộ, Hạt Kiểm lâm huyện cùng các xã trên địa bàn huyện làm tốt công tác tuyên truyền cho nhân dân về bảo vệ và phát triển rừng trong mùa khô hanh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm liên quan đến công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, đồng thời phát huy có hiệu quả 4 tại chỗ khi có tình huống xảy ra.
Ông Sùng A Thênh, Phó Hạt Trưởng Hạt Kiểm Lâm huyện Mù Cang Chải cho biết, trước tiên chỉ đạo các kiểm lâm địa bàn bám sát cơ sở, tổ chức tuần tra, kiểm tra và phát đường băng cản lửa. Tổ chức trực 24/24 giờ tại các lán trực ở các vùng trọng điểm ở tất cả các xã, thị trấn.
"Thời gian qua, do thời tiết nắng nóng, gió khô hanh kéo dài nên công tác quản lý bảo vệ và công tác phòng cháy chữa cháy rừng khá phức tạp, tuy làm tốt các nhiệm vụ nhưng do bất cẩn của bà con nên một số điểm vẫn có sơ xuất xảy ra cháy. Hạt kiểm lâm rút kinh nghiệm từ đó chỉ đạo tuần tra, trực tại các điểm nóng. Báo cáo, huy động lực lượng kịp thời để cứu chữa hạn chế thấp nhật thiệt hại", ông Thênh cho hay.
Tuy nhiên, thời gian qua trên địa bàn huyện Mù cang Chải thời tiết khô hanh kéo dài, địa hình phức tạp, gió lào thổi mạnh cộng với phong tục canh tác của người dân, nên trên địa bàn huyện đã xảy ra 4 vụ cháy rừng gây thiệt hại khoảng 6 ha rừng, trong đó tập trung yếu là tại xã Lao Chải.
Vì vậy, hiện nay Hạt Kiểm Lâm huyện Mù Cang Chải đang tập trung các giải pháp phòng cháy chữa cháy rừng, nhất là công tác tuyên truyền cho người dân để nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng nhằm góp phần giảm thiểu tối đa thiệt hại do cháy rừng gây ra.
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.