Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 31 tháng 8 năm 2018 | 14:35

Tân Trào ngày ấy, bây giờ

73 năm sau Cách mạng Tháng Tám thành công, Tân Trào giờ đã có nhiều đổi thay.

Xã Tân Trào (Sơn Dương - Tuyên Quang) - nơi Bác Hồ chọn làm “Thủ đô khu giải phóng”, trung tâm lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám (1945), nơi diễn ra những sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc ta trong Cách mạng Tháng Tám, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới: độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. 

 

tr4.jpg
Ông Hoàng Ngọc (82 tuổi)  - người sống gối hai thế kỷ - kể lại về sự đổi thay của xã Tân Trào.

 

Hồi ức người sống gối hai thế kỷ

Những ngày này, cả nước đang trọng thể tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 73 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2/9 (2/9/1945 - 2/9/2018), tôi vinh dự được về Tân Trào thăm nhiều di tích lịch sử - là những cơ quan đầu não của Trung ương trước đây, được nghe hồi ức của người sống giữa hai thế kỷ, thấy được sự đổi thay của Tân Trào hôm nay.

Trao đổi với phóng viên về những khó khăn trước đây, ông Hoàng Ngọc (82 tuổi), dân tộc Tày, ở thôn Tân Lập, xã Tân Trào nhớ lại: Trước năm 1945, đời sống của người dân nơi đây vô cùng khó khăn. Đường sá lầy lội, điện không có, phải thắp đóm, đến ăn cơm cũng phải thắp đóm mà ăn. Đời sống cơ cực, nghèo đói, cày, cấy vất vả nhưng áo không đủ mặc, cơm không đủ ăn, có những vạt áo cũ may chồng lên thành quần, thành áo. Rồi thuế đinh, thuế điền, nếu không nộp nó đánh kinh khủng lắm.

Sau khi đất nước giành độc lập, Bác Hồ phát động diệt “giặc đói, giặc dốt”, bình dân học vụ nhưng vẫn có nhiều người dân không biết chữ. Mọi thứ tập trung phục vụ cho chiến tranh nên người dân còn quá vất vả, nhiều gia đình thuộc diện bần cố nông.

Ông Ngọc giải thích, cấy 1 sào lúa được 30kg thóc thì làm gì mà không đói. Gia đình tôi cấy 3 mẫu nhưng không được bao nhiêu, mương máng không có, tưới tiêu phụ thuộc vào nước trời, năm nào thuận thì được mùa, không thuận thì mất mùa, khi đó người dân lại đói. Thời điểm đó, trong làng có tới 30% số hộ thuộc bần cố nông; trung nông lớp dưới khoảng 50%; trung nông lớp trên khoảng 25%; chỉ duy nhất có 1 gia đình là phú nông.

 

tr4a.jpg
Thu nhập bình quân của người dân xã Tân Trào đạt 30,5 triệu đồng/người/năm. Trong đó, thu nhập chính từ sản xuất nông, lâm nghiệp, thương mại, du lịch và dịch vụ.

 

Trường học, bàn, ghế đều làm bằng nứa dựng trong gốc cây. Đường đi lại rất khó khăn, cỏ cây mọc um tùm, men theo bờ ruộng mà đi. “Đặc biệt, năm 1945, dịch tả hoành hành, trong làng (trước đây là làng Cả, nay là thôn Tân Lập) có 5 - 7 người chết do dịch tả. Em tôi cũng chết vì dịch tả”, ông Ngọc kể.

Những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, dân trí  đã được nâng cao, thôn Tân Lập có 3 - 4 cháu đậu đại học. Người dân mạnh dạn đưa khoa học kỹ thuật, giống mới vào sản xuất, nhờ vậy, năng suất tăng lên gấp nhiều lần so với trước kia. Trong xã ngày càng có nhiều hộ giàu, hộ khá giả...

“Giờ đây, các tuyến đường liên thôn, liên ngõ, liên nhà đã được bê tông hóa. Thay vì cúng bái mỗi khi có người ốm như trước đây, giờ thì đưa ngay ra bệnh viện khám, chữa trị kịp thời. Xã có 3 trường học, các cháu đến tuổi nào thì đi học tuổi đó, các cháu giờ có cuộc sống sung sướng lắm, ngày xưa chỉ mong được cơm no, áo ấm, giờ đây được ăn ngon, mặc đẹp. Đường làng, ngõ xóm sạch sẽ, ban đêm điện sáng như thành phố. Ơn Bác Hồ mà giờ đây người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc”, ông Ngọc phấn khởi tâm sự.

Đổi thay ở quê hương cách mạng

Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, người dân Tân Trào hôm nay đang nỗ lực, đoàn kết xây dựng quê hương, khí thế sục sôi trong cuộc Tổng khởi nghĩa năm xưa, nay đã thành khí thế lao động sản xuất…

Những năm gần đây, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM), Tân Trào đã cơ cấu lại tổ chức sản xuất các giống cây trồng, vật nuôi mà xã có thế mạnh, từ đó nâng cao giá trị kinh tế, giúp người dân giảm nghèo, vươn lên làm giàu.

Trong trồng, chế biến chè, nổi hơn cả là hợp tác xã (HTX) sản xuất chè Vĩnh Tân. HTX được đầu tư 9,5 tỷ đồng, hàng năm thu mua 1.500 tấn chè búp. Riêng 6 tháng đầu năm 2018, HTX chế biến được 200 tấn chè khô, xuất khẩu 160 tấn sang các nước Trung Đông, Dubai… Năm 2018, doanh thu ước đạt 18 tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 30 lao động với mức thu nhập 6-7 triệu đồng/người/tháng. Quan trọng nhất là hàng trăm hộ dân trồng chè trong xã có đầu ra ổn ổn định, không lo bị ép giá.

Trao đổi với phóng viên về tiêu chí y tế, bà Phạm Thị Toan, Trưởng trạm Y tế xã Tân Trào cho biết: Tôi về công tác tại đây từ năm 1993. Trước đây, trạm y tế chỉ có 3 dãy nhà cấp 4, cơ vật chất, trang thiết bị nghèo nàn, chỉ có phòng xét nghiệm và kho thuốc.

Gần đây, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị được quan tâm đầu tư. Đến nay, trạm (ghép với Phòng khám Đa khoa Tân Trào) có 21 phòng khám, điều trị với nhiều trang thiết bị hiện đại như: máy chụp X-quang, phòng siêu âm, phòng xét nghiệm, phòng điện tim…

Cùng với đó, nguồn lực con người cũng được đầu tư. Trước đây cả phòng khám và trạm có 8 cán bộ, trong đó có 1 bác sỹ. Hiện có 13 cán bộ, 2 bác sỹ. Công tác khám - chữa bệnh cho người dân từng bước được nâng cao. Từ đầu năm đến nay, Trạm y tế đón gần 2.000 lượt người đến khám bệnh.

Trong XDNTM, tiêu chí trường học là tiêu chí được quan tâm hàng đầu. Bà Dương Thị Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Trào, cho biết, năm học 2017 – 2018, trường có 455 học sinh, trong đó, 189/455 em được khen thưởng cấp trường, 1 học sinh đạt giải cấp huyện. Trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1 từ năm 2007 và nhiều năm liên tục trường đạt lao động tiên tiến.

Theo bà Hương, giờ đây ý thức của người dân về xã hội hóa trong giáo dục khá tốt. Từ nguồn vốn này, trường đã chỉnh trang khuôn viên, xây dựng công trình vệ sinh, mua bàn ghế, đặc biệt là mua được 5 máy tính xách tay phục vụ cho việc học của học sinh.

Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Cao Khải, Chủ tịch UBND xã Tân Trào cho biết, năm 2010, xã có 575/980 hộ nghèo, chiếm 55 - 57%, thu nhập chỉ đạt 8 triệu đồng/người; cơ sở hạ tầng, đường giao thông thôn chưa được cứng hóa; chưa quy hoạch được khu sản xuất tập trung; hệ thống đường nội đồng, thủy lợi nội đồng chưa được xây dựng kiên cố hóa.

Tân Trào hiện có 1.213 hộ, với 5.127 khẩu, chỉ còn 46 hộ nghèo;  300 - 400 hộ khá - giàu (chiếm 30%), thu nhập bình quân đạt 30,5 triệu đồng/người/năm. Cơ cấu ngành nghề tại địa phương ngày càng đa dạng, ngoài sản xuất nông nghiệp, Tân Trào còn đang đẩy mạnh phát triển du lịch, dịch vụ, hàng hóa…

 

tr4b.jpg
Các tuyến đường liên thôn, liên xóm, liên nhà tại xã Tân Trào đã được bê tông hóa, tạo thuận lợi cho việc giao thương của người dân.

Cả 8/8 thôn đều có nhà hóa, có sân thể thao để người dân sinh hoạt cộng đồng. Tân Trào đã đầu tư xây dựng nhà văn hóa trung tâm xã, sân thể thao, trụ sở làm việc; xây dựng, nâng cấp các hồ đập thủy lợi phục vụ sản xuất; 100% đường giao thông được kiên cố hóa. Với kết quả nổi bật này, Tân Trào được công nhận xã NTM vào năm 2014.

Để tiếp tục duy trì và nâng cao những tiêu chí đạt được, thời gian tới, xã sẽ đẩy mạnh các giải pháp nhằm nâng cao thu nhập cho người dân: Tiếp tục tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Xây dựng và phát triển nhiều mô hình mẫu về phát triển kinh tế để nhân ra diện rộng. Đẩy mạnh phát triển kinh tế hộ gia đình, đa dạng hóa ngành nghề sản xuất - kinh doanh; phát huy thế mạnh làng nghề sản xuất chế biến chè thôn Vĩnh Tân; phát triển thương hiệu gạo chất lượng cao Tân Trào.

Đồng thời, đẩy mạnh các phong trào thi đua, trọng tâm là phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh tham gia xây dựng các khu dịch vụ, du lịch phục vụ khách thăm quan khi đến Tân Trào theo hình thức xã hội hóa. Từng bước thay đổi nhận thức, tư duy về kinh doanh, dịch vụ du lịch của người dân địa phương… Phấn đấu đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người ở Tân Trào đạt trên 36 triệu đồng.

 


 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
Top