Việc hàng trăm con tàu ở hai xã Hải Thanh và Hải Bình (Tĩnh Gia - Thanh Hóa) phải nằm “chết” không ra khơi được khiến ngư dân khốn đốn vì mất đường mưu sinh.
Cát bồi cảng, dân mất nguồn thu
Đấy là thực trạng đáng báo động xảy ra ở cảng Lạch Bạng, huyện Tĩnh Gia khi mấy năm trở lại đây, cảng cá này bị cát bồi lấp khiến hàng trăm tàu thuyền đành nằm lại bờ.
Cảng Lạch Bạng bị bồi lấp đã gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng, khi những con thuyền phải chịu sự tàn phá hàng ngày của mưa nắng. Không chỉ vậy, hàng nghìn ngư dân ở các xã Hải Thanh và Hải Bình đã vô tình rơi vào trạng thái “thất nghiệp” và mất nguồn thu.
Ngư dân Lâm Văn Bình (53 tuổi), trú tại thôn Liên Thịnh, cho biết: “Những năm trước, vào mùa này biển lặng, cá tôm nhiều nên chúng tôi kiếm được kha khá. Giờ đây, các con tàu bị mắc cạn nên chúng tôi cũng không biết lấy gì để mưu sinh”.
Nhìn những con tàu hàng tỷ đồng đang nằm bờ, chịu sự tàn phá của mưa nắng, ngư dân Nguyễn Văn Lợi nói như khóc: “Nhà tôi vay vốn ngân hàng để mua con thuyền này được hơn 1 năm, tiền làm ra chưa được bao lâu vậy mà sắp sửa hỏng vì phơi cạn. Bây giờ đến miếng ăn còn khó kiếm nói gì đến chuyện trả nợ ngân hàng”.
Theo một số người dân địa phương, hiện tượng cát bồi lấp lòng cảng Lạch Bạng diễn ra trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây, tình trạng này diễn ra nhanh và trầm trọng hơn khiến tàu thuyền ra vào cửa Lạch Bạng ngày càng khó khăn, đặc biệt là những ngày mưa gió cần vào cảng gấp để trú ẩn.
Ngư dân Lê Văn Khắc cho biết: “Mấy năm trở lại đây, khi cảng chưa cạn hẳn thì tàu thuyền vào cũng rất khó, chỉ cần sơ ý là tàu có thể mắc cạn vào các bãi cát, hoặc những mỏm đất cao gây hư hỏng nặng”.
Việc các tàu thuyền bị mắc cạn tại đây khiến cho hàng trăm ngư dân không thể vươn khơi đánh cá, gây thiệt hại lớn về mặt kinh tế đối với chủ tàu và những người dân làm nghề biển.
Theo ước tính, mỗi chủ tàu bị mắc cạn sẽ chịu thiệt hại từ vài trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng. Trong đó, bao gồm tiền thuê trục vớt, tiền sửa chữa lại tàu…
Đã nạo vét nhưng tàu vẫn mắc cạn
Cảng Lạch Bạng là cảng cá loại 1, có vị trí đặc biệt thuận lợi, không chỉ giúp ngư dân ra khơi đánh cá mà còn là bến đỗ giúp ngư dân cả nước làm điểm đỗ mỗi khi mưa bão về.
Số lượng tàu thuyền ra vào hàng năm rất lớn. Theo thống kê, riêng năm 2016 có 3.190 phương tiện cập bến với tổng lượng hàng lên đến 246.000 tấn.
Chỉ riêng hai xã Hải Bình và Hải Thanh đã có tới 705 phương tiện, hơn 1.300 người dân sống bằng nghề biển và chế biến, thu mua hải sản. Chính vì vậy, Lạch Bạng được xem là điểm kinh tế lớn của huyện Tĩnh Gia.
Khi tàu không vào cảng được, sản phẩm họ đánh bắt được không thể đưa trực tiếp lên bờ mà phải qua khâu trung chuyển nên rất tốn kém. Từ đó, giá trị sản phẩm cũng đi xuống. Không chỉ có vậy, những con tàu này còn đối diện với nguy cơ bị sóng đánh vỡ hay bị trôi dạt mỗi khi mưa bão về.
Trước thực trạng cảng Lạch Bạng bị cát bồi lấp trầm trọng, nhiều hộ dân đã gửi đơn lên chính quyền kêu cứu, đề nghị nhanh chóng nạo vét cảng để những con thuyền không phải nằm lại bờ, chết mòn theo thời gian.
Được biết, giữa năm 2015, cơ quan chức năng đã phê duyệt, cấp phép cho một doanh nghiệp thực hiện dự án nạo vét, tận thu cát tại khu vực cửa Lạch Bạng nhằm khơi thông dòng chảy, tạo độ sâu cho phương tiện ra vào được an toàn. Tuy nhiên, việc nạo vét tiến hành rất chậm chạp và vướng mắc nhiều vấn đề nên hết hạn chẳng nạo vét được bao nhiêu. Do đó, tình trạng tàu thuyền mắc cạn vẫn không được cải thiện.
Ông Nguyễn Văn Hùng bức xúc nói: “Chúng tôi không biết doanh nghiệp nạo vét hay chỉ lợi dụng để hút cát sinh lời. Nếu nạo vét thật thì làm gì mà đến tận bây giờ cảng vẫn bị bồi lấp đến mức đó”.
Trao đổi về những khó khăn chung của ngư dân, ông Nguyễn Văn Chi, Chủ tịch UBND xã Hải Bình, khẳng định: “Cửa Lạch Bạng bị cát bồi lấp khiến tàu, thuyền bị mắc cạn thường xuyên, gây tổn thất nặng nề đối với ngư dân. Chính quyền địa phương đã nhiều lần kiến nghị và đề nghị cấp trên sớm có phương án nạo vét hợp lý, khai thông cảng”.
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.