Những năm qua, nguồn tín dụng ưu đãi của NHCSXH huyện Con Cuông (Nghệ An) đã giúp cuộc sống của hàng nghìn hộ dân dần ổn định, góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả công tác xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Sử dụng hiệu quả vốn vay
Gia đình ông Vi Văn Miền (bản Tân Hương, xã Yên Khê) là một trong những hộ sử dụng hiệu quả vốn vay của NHCSXH để xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế.
Từng là hộ nghèo của bản, khoảng 7 năm trở lại đây, từ nguồn vốn vay ưu đãi hàng năm, gia đình ông Miền đã phát triển mô hình chăn nuôi, trồng cam hàng hóa, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Gia đình ông hiện trồng 450 cây cam, trong đó có 200 cây đã cho thu hoạch 3 năm nay. Bên cạnh đó, ông còn đầu tư nuôi trâu, bò, đào ao thả cá và trồng trên 1ha keo. Từ nguồn vốn vay để phát triển kinh tế, gia đình ông đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Tổng thu nhập từ chăn nuôi và trồng cam của gia đình lên đến 200 triệu đồng/năm.
Ông Miền chia sẻ: “Trước đây gia đình tôi khó khăn lắm, phần lo con cái ăn học, phần lo cuộc sống hàng ngày. Sau đó, gia đình được vay 50 triệu đồng vốn ưu đãi hộ nghèo của Nhà nước đầu tư phát triển vườn cam, chăn nuôi và lo cho con ăn học. Nay, gia đình đã thoát nghèo, làm được nhà mới để ở, con cái học hành đến nơi đến chốn”.
Nguồn vốn tín dụng ưu đãi của NHCSXH huyện Con Cuông đã tạo điều kiện cho hộ nghèo, các đối tượng chính sách và đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn đầu tư phát triển kinh tế, xây dựng nhà ở, các công trình nước sạch, vệ sinh môi trường, đầu tư cho con cái học hành... Nhờ đó, nhiều hộ đã vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo, chất lượng cuộc sống dần được nâng lên.
Gia điình chị Phan Thị Hữu nhờ nguồn vay đã đầu tư trồng chè kinh doanh, phát triển chăn nuôi.
Gia đình chị Phan Thị Hữu (thôn Trung Yên, xã Yên Khê) cũng nhờ vốn vay ưu đãi 50 triệu đồng đầu tư phát trển chăn nuôi, làm vườn. Hiện gia đình có 3 con bò sinh sản, hàng trăm con gà, 8 con lợn thịt và 8 sào chè kinh doanh. Không chỉ ổn định cuộc sống, gia đình chị đã xây được căn nhà khang trang.
“Chính sách hỗ trợ hộ nghèo rất thiết thực. Như gia đình tôi, nhờ có nguồn vốn ưu đãi mà có điều kiện đầu tư mua cây - con giống phát trển sản xuất. Hiện gia đình đã có cuộc sống khá giả hơn trước nhiều. Mặc dù chưa có của ăn của để, nhưng điều chúng tôi cần là đã có nhà để ở, có tư liệu để sản xuất. Sắp tới, gia đình sẽ xin thoát khỏi danh sách hộ nghèo để nhường lại cho những hộ có hoàn cảnh khó khăn hơn mình”, chị Hữu bày tỏ.
Tạo điều kiện cho người nghèo
Một trong những khó khăn lớn nhất của người nghèo ở miền núi hiện nay là thiếu vốn đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Xác định được điều đó, những năm qua, NHCSXH huyện Con Cuông đã tạo mọi điều kiện để người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách trên địa bàn được tiếp cận vốn vay ưu đãi thông qua các tổ chức hội, đoàn thể...
Ngân hàng CSXH huyện Con Cuông đã kịp thời giải ngân nguồn vốn vay ưu đãi cho các đối tượng
Trên cơ sở đó, ngày càng có nhiều hộ dân đầu tư phát triển sản xuất, bảo đảm việc làm, cuộc sống ổn định, vươn lên thoát nghèo bền vững. Tính đến cuối năm 2018, NHCSXH huyện Con Cuông có tổng dư nợ hơn 300 tỷ đồng; trong đó, số dư nợ cho vay hộ nghèo và cận nghèo hơn 100 tỷ đồng. Chỉ tính riêng trong 3 năm, từ 2016 - 2018, đã có trên 3.000 lượt hộ nghèo, cận nghèo được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. Phần lớn các hộ đều sử dụng vốn vay đúng mục đích, phát huy khá tốt hiệu quả vốn vay trong phát triển kinh tế.
Ông Nguyễn Viết Nam, Giám đốc NHCSXH huyện Con Cuông, cho biết: “Chương trình tín dụng cho hộ nghèo vay được chúng tôi triển khai khá hiệu quả. Chúng tôi triển khai chương trình qua nhiều kênh, giúp cho người dân dễ tiếp cận và phát huy hiệu quả đồng vốn. Đây là điều kiện để nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững”.
Việc phát huy hiệu quả từ chính sách tín dụng ưu đãi đã góp phần giúp huyện miền núi Con Cuông giảm tỷ lệ hộ nghèo 2-3%/năm. Tín dụng chính sách đã hỗ trợ kịp thời cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn phát triển sản xuất, góp phần thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.