Thỏa thuận giải phóng ngũ cốc Ukraine đã được ký kết, nhưng thách thức để chuyển hàng triệu tấn lương thực từ các cảng ở Biển Đen chỉ mới bắt đầu.
Ngày 22/7, Ukraine và Nga ký thỏa thuận do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn, cho phép chuyển lúa mì, ngô và hạt có dầu của Ukraine ra thị trường thế giới, trong bối cảnh thế giới ngày càng lo ngại về một cuộc khủng hoảng lương thực. Nhưng tìm được tàu vận tải và các đoàn thủy thủ sẵn sàng vận chuyển số ngũ cốc này không phải việc đơn giản.
Các công ty vận tải biển cũng như các thương nhân ngũ cốc đã ca ngợi thỏa thuận là bước đi tích cực, nhưng cảnh báo một số trở ngại phải đối mặt, như đảm bảo an toàn cho thủy thủ đoàn và tàu thuyền, cũng như chính sách bảo hiểm đầy đủ và chi phí phù hợp cho các chuyến vận chuyển hàng qua Biển Đen, nơi tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.
Trước hết, các khu vực ven biển của Ukraine cần được rà phá thủy lôi hoặc ít nhất cần khai thông một hành lang kéo dài vài km. Kiev cho hay quá trình rà phá thủy lôi có thể mất từ 10 ngày tới vài tháng.
Thứ hai, nỗ lực giải phóng ngũ Ukraine sẽ yêu cầu khoảng 400 tàu chở hàng rời (tàu trọng tải lớn vận chuyển hàng hóa không đóng gói), được thiết kế để có thể chở tới 50.000 tấn ngũ cốc giữa các lục địa. Mục tiêu của hoạt động này là giải phóng càng nhanh càng tốt hơn 20 triệu tấn ngũ cốc đang mắc kẹt ở Ukraine.
Các nhà phân tích vận tải ước tính sẽ cần vài tuần để các tàu có thể tới Biển Đen. Peter Sand, nhà phân tích trưởng của công ty phân tích thị trường vận tải hàng hóa Xeneta, cho biết mức độ nhanh chậm sẽ phụ thuộc vào việc tàu thuyền có sẵn ở các khu vực lân cận như Địa Trung Hải hay không.
Hơn 100 tàu không thể rời cảng Ukraine kể từ khi xung đột quân sự bắt đầu, trong đó phần lớn là các tàu chở hàng rời. Tuy nhiên, Guy Platten, tổng thư ký của Phòng Vận chuyển Quốc tế, cho biết những con tàu này không thể ra khơi ngay lập tức.
"Các tàu đã dừng hoạt động từ ngày 24/2, nên chúng tôi phải xem xét chúng còn đủ khả năng đi biển hay không. Chúng tôi phải đảm bảo thủy thủ đoàn đầy đủ vì rất nhiều thành viên đã được sơ tán", Platten nói.
Khi xung đột mới bắt đầu, khoảng 2.000 thuyền viên có mặt ở các cảng Ukraine, nhưng hiện tại con số này chỉ còn khoảng 450.
Chưa rõ liệu Ukraine có thể cung cấp đủ số thuyền viên cho các đội tàu vận chuyển ngũ cốc hay không. Trước xung đột, công dân Nga và Ukraine thường chiếm khoảng 1/5 tổng số thành viên của thủy thủ đoàn.
Sau khi đảm bảo được số lượng tàu và thủy thủ cần thiết, các chủ tàu cũng cần phải có đủ "bảo hiểm xung đột" để đảm bảo cho tàu và nhân viên của họ. Điều này có thể khiến phí bảo hiểm cho các chuyến hàng này cao hơn bình thường.
Bất chấp những đảm bảo quốc tế, các chủ tàu vẫn có thể ngần ngại cử nhân viên và tàu thuyền của họ tham gia sứ mệnh này, bởi rủi ro từ xung đột là quá lớn.
Các nhà phân tích nhận định quá trình này tốn rất nhiều thời gian để xử lý, trong khi quỹ thời gian ngày càng cạn dần. Nông dân Ukraine sắp bắt đầu mùa thu hoạch mới và các kho chứa cần được giải phóng trước thời điểm đó.
Trong thời gian các cảng của Ukraine ở Biển Đen bị phong tỏa, quan chức chính phủ Ukraine và các nhà sản xuất nông nghiệp đã cố gắng giải quyết vấn đề bằng cách vận chuyển ngũ cốc qua đường bộ, đường sắt và đường sông.
Ngũ cốc xuất khẩu qua các ngả này đạt kỷ lục 2,3 triệu tấn vào tháng trước, theo Hội đồng Ngũ cốc Quốc tế (IGC), tổ chức liên chính phủ tìm cách thúc đẩy hợp tác toàn cầu trong lĩnh vực thương mại ngũ cốc. Tuy nhiên, con số này chỉ chiếm 1/3 lượng ngũ cốc được xuất khẩu bằng đường biển hàng tháng trước xung đột.
IGC cho rằng để đảm bảo có đủ không gian chứa ngũ cốc cho mùa vụ mới, Ukraine cần giải phóng khoảng 7 triệu tấn mỗi tháng trong vòng 3 tháng tới.
"Bắt đầu vận chuyển 5 triệu tấn ngũ cốc trong tháng đầu tiên sau khi mở cửa trở lại tuyến hàng hải ở Biển Đen có thể sẽ là nhiệm vụ đầy khó khăn. Tôi cho rằng ngay cả khi các cảng được mở lại, Ukraine vẫn cần tìm cách tăng thêm không gian chứa ngũ cốc, như xây dựng thêm các nhà kho mới", Alexander Karavaytsev, chuyên gia kinh tế cấp cao tại IGC, nói.
Theo Guardian/VnExpress.net dịch
Trên những triền núi đá ở xã Xuân Quang (Bảo Thắng - Lào Cai), có người đàn ông lặng lẽ theo nghề nuôi ong mật suốt bao năm. Đó là ông Cao Văn Chiến, Giám đốc Hợp tác xã Nậm Dù, người đã miệt mài xây dựng giấc mơ lớn từ những điều nhỏ bé, mang về cho vùng đất khô cằn này nghề nuôi ong đầy triển vọng.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…