Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 1 tháng 9 năm 2024  
Thứ năm, ngày 31 tháng 12 năm 2015 | 1:17

Thành tỷ phú nhờ trồng lúa theo phương pháp mới

Với niềm đam mê với ruộng đồng, anh Hồ Sĩ Quảng (SN 1961) ở xã Thọ Thành (Yên Thành - Nghệ An) đã biến khu đầm hoang nổi tiếng ma thiêng nước độc thành bờ xôi ruộng mật để trồng lúa theo phương pháp mới. Mỗi vụ, anh Quảng lãi ròng hơn nửa tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hàng chục lao động địa phương.

Anh Hồ Sĩ Quảng kể chuyện chinh phục vùng Rộc Dứa.

Giấc mơ một cánh đồng

Thuở thiếu thời, Hồ Sĩ Quảng nuôi ước mơ thành kỹ sư nông nghiệp để phục vụ quê hương. Thế nhưng, giấc mơ đó không thể trở thành hiện thực vì hoàn cảnh gia đình anh lúc bấy giờ quá khó khăn, mẹ mất sớm, lại có đến 8 anh chị em, vậy nên, Quảng phải ở nhà giúp bố nuôi các em ăn học. Do tính tình sôi nổi, ham văn nghệ và tham gia tích cực các hoạt động của địa phương nên anh được tín nhiệm bầu làm Bí thư Đoàn Thanh niên, rồi sau đó là trưởng thôn. Làm cán bộ thôn một thời gian, Quảng xin nghỉ để đi xuất khẩu lao động. Hơn 10 năm vật lộn mưu sinh ở Hungary, Quảng trở về địa phương và tiếp tục gắn bó với ruộng đồng.

Quảng tâm sự: “Quê hương và ruộng đồng cứ đau đáu trong tôi suốt chặng đường mưu sinh nơi xứ người. Ở Hungary, có những ngày nhàn rỗi tôi đi đến các tỉnh lẻ chơi,  bởi nông nghiệp là đam mê của tôi. Tôi thấy ở bên họ, chỉ 1 lao động nhưng điều khiển được nhiều loại máy móc và làm hàng chục mẫu ruộng mà hiệu quả rất cao, nên tôi mê lắm. Tôi nuôi mơ ước sau này về có một vùng đất, một cánh đồng để mình thực nghiệm niềm đam mê đó. Thật may mắn, năm 2013, xã có chủ trương dồn điền đổi thửa, tôi làm đơn xin nhận vùng đầm hoang Rộc Dứa năn lác ken dày, nổi tiếng ma thiêng nước độc để trồng lúa”.

Lúc đầu, khi nêu ý tưởng đó, ai cũng cho Quảng là gàn, bởi vùng Rộc Dứa nổi tiếng với những tin đồn rùng rợn, khiến ai nghe đến cũng phải giật mình. Vả lại, nơi này khi mưa xuống là ngập lụt, mùa nắng nóng thì khô hạn, đất cứng như đá, không làm ăn gì được. Thế nhưng, ông Chu Minh Lý, Chủ tịch UBND xã ngày ấy thấy được ý tưởng táo bạo nhưng rất có cơ sở khoa học đó đã kí cái roẹt. Ông vỗ vai Quảng cười: “Dũng cảm lắm! Cố lên anh nhé. Có khó khăn gì xã sẽ ủng hộ”.

Quảng kể: “Tôi nhận được 17ha đất, lòng khấp khởi mừng vui. Tôi ra Rộc Dứa dựng lều và bắt đầu phát dọn năn lác, bụi gai, cồn đá, cồn sỏi… Ngoài thuê máy múc, máy húc để cải tạo thì chủ yếu làm bằng tay. Vợ chồng tôi làm ngày, làm đêm, hai bàn tay phồng rộp, bóc da, toé máu; đêm nằm nghe tiếng ếch nhái kêu, nhiều khi nghĩ cũng nản, nhưng đã “cưỡi lên lưng hổ” là phải phi thôi”.

Mất hơn 1 năm trời, vợ chồng Quảng mới cải tạo xong vùng Rộc Dứa, anh mạnh dạn xây dựng hệ thống tưới tiêu, đầu tư máy móc, bắt tay với các công ty giống để họ về kiểm tra độ pH nhằm cải tạo đất. Từ đây, giấc mơ làm nông nghiệp theo phương pháp mới mà anh từng ấp ủ, từng nghiên cứu và khăn gói đi nhiều nơi để học hỏi từ khi về nước (năm 2011) bắt đầu được thực hiện.

Thành công và hướng đi mới

Khi chúng tôi đến nhà Quảng ở xóm Đông Trung để thực hiện bài viết này, thấy anh quần xắn móng lợn đang hướng dẫn cho nhân công làm giá thể bắc mạ. Quảng dáng người tầm thước, khuôn mặt hiền lành, chân chất của anh nông dân, thế nhưng qua cách trò chuyện, thấy anh là người hiểu biết sâu rộng nhiều lĩnh vực, nhất là về nông nghiệp.

Anh Quảng hướng dẫn nhân công làm giá thể bắc mạ.

Quảng cho biết, vụ mùa trồng lúa đầu tiên, anh thu lãi hơn 400 triệu đồng; tiếp theo, vụ hè thu năm 2015 lãi 600 triệu đồng. Trước nay, nông dân nơi đây cho rằng trồng lúa không có lãi, chưa nói gặp lúc sâu bệnh, hạn hán, lũ lụt còn có thể mất trắng. Vì vậy, một vụ lúa có thể thu lãi hơn 400 triệu đồng quả là hiếm có.

Lý giải về điều này, Quảng cho biết: Riêng thửa ruộng lớn 17ha sẽ tiết kiệm được việc đi lại và thuận tiện trong sản xuất. Cái đó quy ra tiền cũng đã lãi hàng chục triệu đồng. Tiếp đến là khâu làm đất, nếu thuê lao động cày bừa 17ha sẽ mất khoảng 50 triệu đồng, còn sử dụng máy móc tự sản xuất chỉ mất 10 triệu đồng tiền dầu, như thế đã lãi 40 triệu đồng tiền công.

Điều đặc biệt nữa là, Quảng đã nghiên cứu và thực nghiệm thành công làm giá thể bắc mạ theo công nghệ mới. Quảng cho biết, công nghệ này dùng đất đỏ bazan kết hợp với mùn cưa ủ hoai mục. Sau đó trộn với các loại phân vi sinh rồi cho lên khay để bắc mạ. Trước đây, 1 sào phải bắc 2kg giống nhưng nay chỉ cần 1,2kg, bắc trên 2m2 là tối đa, thời gian chỉ 12-15 ngày là cấy. Phương pháp này tiết kiệm được giống, diện tích, thời gian, giảm thiểu sâu bệnh, cây lúa phát triển tốt.

Quảng nâng chiếc điếu cày, châm đóm rít một hơi dài, nhả khói sảng khoái rồi xòe bàn tay nhẩm tính: “Hiện nay, thuê người cấy 1 sào chi phí hết hơn 200.000 đồng, còn tôi cấy bằng máy, tính ra 34 mẫu ruộng lãi trên 20 triệu đồng tiền thuê cấy. Ngoài ra, còn tiền vật tư, phân bón, tôi liên hệ lấy tận gốc với số lượng lớn nên giảm được hàng chục triệu đồng. Khi thu hoạch lúa xong có công ty giống đến tận nơi thu mua lúa tươi. Mọi thứ cộng lại sẽ lãi gấp nhiều lần so với làm thủ công manh mún. Còn khâu quan trọng nữa là kỹ thuật trồng lúa. Tôi đã tìm sách vở, lên mạng internet để nghiên cứu và mời cả kỹ sư nông nghiệp về hướng dẫn. Chính mô hình sản xuất lúa theo quy trình đồng bộ, khép kín đó đã giúp tôi thành công”.

Giấc mơ có một cánh đồng để thỏa nguyện niềm đam mê của Hồ Sĩ Quảng đã trở thành hiện thực, nhưng anh không dừng lại ở đó. Vào đầu năm 2014, HTX nông nghiệp Thọ Thành giải thể. Sự kiện này khiến nông dân băn khoăn vì phân bón, vật tư, kỹ thuật nông nghiệp, bà con đều trông chờ vào HTX. Sau khi HTX giải thể, bà con bị tư thương ép giá. Trước thực trạng này, Quảng suy nghĩ rất nhiều và anh đứng ra xin UBND xã thành lập HTX mới để phục vụ bà con và được cấp trên đồng ý.

Ngày 7/9/2015, HTX mới do Hồ Sĩ Quảng làm chủ nhiệm được thành lập, Quảng cho biết: “Hiện, HTX có hơn 40 xã viên đang làm dịch vụ nông nghiệp trọn gói cho dân. Thực tế, bà con làm lúa để phục vụ cuộc sống chứ kinh doanh trên hạt lúa thì không ăn thua, vậy nên tôi cho ra đời dịch vụ này. Hiện, chúng tôi đã có hàng trăm đơn đặt hàng cho vụ đông xuân sắp tới. Ngoài ra, HTX còn cung cấp các loại giống, vật tư, kỹ thuật nông nghiệp, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tín dụng nội bộ. Sắp tới, HTX sẽ mở xưởng may để tạo công ăn việc làm cho thanh niên”, Quảng nhấn mạnh.

Ông Võ Thành Đồng, Chủ tịch UBND xã Thọ Thành, cho biết: Quảng là nông dân năng động, táo bạo và sáng tạo. Việc anh nhận 17ha đất xấu của xã đã rất dũng cảm. Nếu anh không nhận thì diện thích đất đó đến nay vẫn bỏ hoang. Khi nhận xong, Quảng đã cải tạo và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đưa cơ giới vào sản xuất. Mô hình đồng bộ khép kín này đã đem lại hiệu quả rõ rệt, giải phóng sức lao động cho người dân. Chúng tôi tin HTX do anh Quảng làm chủ nhiệm sẽ phát triển hiệu quả. Sắp tới, UBND xã sẽ tổ chức hợp tác theo mô hình của anh Quảng để đem lại hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp cho nông dân.

“Sắp tới, tôi sẽ thả cá, nuôi thêm gia súc, gia cầm. Nhưng để ổn định, cần phải có giấy chứng nhận hợp đồng thuê đất lâu dài. Tôi rất mong cơ chế nhà nước thông thoáng hơn, thủ tục nhanh gọn để khuyến khích các gia trại, trang trại phát triển, nông dân có cơ hội thoát nghèo và làm giàu”, anh Quảng kiến nghị.

Tiến Dũng

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Lễ hội Sầu riêng Krông Pắc lần thứ II năm 2024: Tưng bừng vào hội

    Lễ hội Sầu riêng Krông Pắc lần thứ II năm 2024: Tưng bừng vào hội

    Tối 31/8, Lễ hội Sầu riêng Krông Pắc ( Đắk Lắk ) lần thứ II năm 2024, với chủ đề “Sầu riêng Krông Pắc: Phát triển và Hội nhập” đã chính thức khai mạc tại trung tâm thị trấn Phước An.

  • Đêm nhạc đặc sắc “Lào Cai sông núi hoà ca”

    Đêm nhạc đặc sắc “Lào Cai sông núi hoà ca”

    Nhân dịp kỷ niệm 79 năm ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2024), chào mừng ngày âm nhạc Việt Nam mùng (3/9) và hưởng ứng Festival Sông Hồng Lào Cai năm 2024, Hội Văn học - Nghệ thuật Lào Cai phối hợp với Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tại Lào Cai đã tổ chức Ðêm nhạc “Lào Cai sông núi hoà ca”.

  • Độc đáo nghi lễ cúng no đủ của người Ê Đê

    Độc đáo nghi lễ cúng no đủ của người Ê Đê

    Thông qua nghi lễ cúng no đủ, người Ê Đê không chỉ cầu mong cho mưa thuận, gió hòa, rẫy nương tươi tốt, mùa màng bội thu, mà còn khơi dậy niềm đam mê văn hóa truyền thống cho các thế hệ trẻ.

Top