Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 19 tháng 6 năm 2017 | 3:9

Thiên ưu 8, nỗi kinh hoàng của nông dân Hà Tĩnh

Hơn 21.000ha/58.000ha gieo cấy giống lúa Thiên ưu 8 bị mất trắng, sản lượng giảm từ 335.000 tấn xuống còn 215.000 tấn (thiệt hại 120.000 tấn) với giá trị lên tới trên 700 tỷ đồng, tương đương với 50 vạn người mất ăn trong 1 năm… là những gì mà giống Thiên ưu 8 của Công ty CP Giống cây trồng Trung ương gây ra cho nông dân Hà Tĩnh.

Nhiều nông dân Hà Tĩnh bị thiệt hại nặng do gieo cấy giống lúa Thiên ưu 8.

Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà Trần Việt Hà buồn bã nói với chúng tôi: “Nguy cơ dân thiếu đói là rất cao bởi nhiều hộ chỉ trồng giống lúa Thiên ưu 8 nên đều mất trắng do bệnh đạo ôn cổ bông gây ra”.

Thế nhưng, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện này lại cho rằng: Do phát hiện sớm bệnh đạo ôn cổ bông nên chúng tôi đã tập huấn cho người dân phun thuốc bảo vệ thực vật 3-4 lần, nhờ đó số diện tích bị thiệt hại không đáng kể.

Trong khi đó, theo số liệu điều tra của phóng viên cũng như Chủ tịch UBND huyện Trần Việt Hà, tổng thiệt hại do bệnh đạo ôn cổ bông ở Thạch Hà lên tới trên 3.600ha, trong đó số diện tích mất trắng là 70%, khoảng 3.300ha.

Chúng tôi đến xã Phù Việt, huyện Thạch Hà, nơi có 2/3 diện tích lúa bị mất trắng do gieo cấy giống lúa Thiên ưu 8. Để minh chứng cho sự mất mát của nông dân, Phó chủ tịch UBND xã Nguyễn Đăng Thuần dẫn chúng tôi đến một số hộ nông dân bị thiệt hại nặng nhất, đó là gia đình chị Nguyễn Thị Khánh, thôn Bùi Xá, thuộc diện hộ nghèo của xã, có 3 sào ruộng đều gieo cấy giống Thiên ưu 8. Đến vụ thu hoạch, biết rằng mất mùa nhưng chị Khánh vẫn cố bòn mót thuê máy gặt đập 3 sào lúa hết 200.000 đồng nhưng sau khi gặt đập xong chỉ được 3 bao tải nhỏ, hầu hết hạt bị lép.

Ông Đặng Quốc Khánh, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, khẳng định, do giống lúa Thiên ưu 8 gây mất mùa đối với nông dân toàn tỉnh nên ngành nông nghiệp tuyệt đối không tiếp tục cơ cấu giống lúa này để gieo cấy vào các vụ mùa tiếp theo, đồng thời ông Khánh giao ngành nông nghiệp phải tổ chức kiểm kê, rà soát xác thực số diện tích bị mất trắng để có hướng xử lý.

Thế nhưng, qua khảo sát thực tế, chúng tôi thấy, một số vùng bà con vẫn đang gieo cấy giống lúa này. Tại xã Phù Việt, nông dân vẫn sử dụng giống lúa Thiên ưu 8 cho vụ sau. Phó chủ tịch UBND xã Phù Việt, ông Nguyễn Đăng Thuần nói: “Do vụ hè thu buộc phải gieo cấy đúng lịch thời vụ kết thúc trước ngày 10/6 nên xã phải chủ động thực hiện theo phương án của Sở Nông nghiệp và PTNT trước đây, vẫn phải để nông dân gieo cấy giống Thiên ưu 8”.

Tiếp xúc với ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Tĩnh, người được phân công phụ trách nông nghiệp, sau nhiều câu hỏi của chúng tôi, ông Thanh lúng túng: “Nguyên nhân gây mất mùa có phải từ giống Thiên ưu 8 hay không còn phải đợi ý kiến của Bộ Nông nghiệp và PTNT nên chưa thể trả lời nhà báo về vấn đề này. Còn nói về khách quan, nguyên nhân chính là do thời tiết”.

Liên quan đến việc một số địa phương vẫn để nông dân gieo cấy giống lúa Thiên ưu 8, ông Thanh cho hay, trước khi chưa bị sự cố mất mùa thì Sở đã đưa giống này vào cơ cấu sản xuất vụ hè thu, nhưng sau khi xảy ra sự việc, ngày 29/05/2017, Sở đã ký Công văn số 950 gửi các địa phương trong đó có đoạn: “Trong điều kiện thời tiết biến đổi bất thường, mặc dù giống Thiên ưu 8 đã được đưa vào cơ cấu giống chủ lực của tỉnh nhưng các địa phương cần “xem xét” nên đưa ra ngoài cơ cấu, nhằm tránh rủi ro gây ra, nhất là ở cuối vụ thường có mưa ẩm kéo dài”.

Theo như công văn ông Thanh giao các địa phương thì chỉ là xem xét chứ không kiên quyết như ông Đặng Quốc Khánh đã chỉ đạo. Nếu tới đây Thiên ưu 8 tiếp tục mất mùa, ai sẽ chịu trách nhiệm?

Còn nhớ năm 2014, một công ty vật tư nông nghiệp vào đầu tư trọn gói từ phân bón, giống, kỹ thuật đến bao tiêu sản phẩm cho nông dân Hà Tĩnh, nhưng gặp sự cố khi ngâm ủ, giống nảy mầm chậm do rét đậm, rét hại kéo dài, chưa gây thiệt hại gì nhiều đối với nông dân. Tuy nhiên, chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh thời điểm đó buộc công ty này phải bồi thường thiệt hại cho nông dân, đồng thời phạt 3 tỷ đồng và không được đưa một loại giống nào của công ty này vào sản xuất vụ mùa tiếp. Công ty này cũng kịp thời bồi thường đầy đủ kể cả lãi suất ngân hàng.

Với Công ty CP Giống cây trồng Trung ương, đơn vị sản xuất giống lúa Thiên ưu 8, trên bao bì thì khẳng định “đặc biệt kháng bệnh đạo ôn” nhưng ngược lại, giống kháng bệnh đạo ôn rất kém. Rõ ràng Công ty CP Giống cây trồng Trung ương phải chịu trách nhiệm về thiệt hại này nhưng cho đến nay công ty này vẫn chưa lên tiếng về sự cố ở Hà Tĩnh.

Bên cạnh đó, các đơn vị quản lý nhà nước cũng phải chịu trách nhiệm, không thể đổ lỗi cho thời tiết và thiệt hại lên đầu nông dân.

Anh Bình

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).

  • Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Sáng 22/11, Thị ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ thị xã Duy Tiên long trọng tổ chức Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên (1469 - 2024) và 95 năm thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Duy Tiên (11/1929 - 11/2024).

  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

Top