Những năm gần đây, trên địa bàn huyện Lục Nam (Bắc Giang) xuất hiện nhiều mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao; trong đó phải kể đến mô hình nuôi gà lai Hồ của anh Nguyễn Văn Đoàn ở thôn Là (xã Khám Lạng).
Tiềm năng lớn
Chia sẻ với chúng tôi, anh Đoàn cho biết: Tuổi trẻ bôn ba nhiều nơi, làm nhiều nghề với mong muốn ổn định cuộc sống, tuy nhiên, với hoàn cảnh gia đình, anh không thể đi làm xa nhà liên tục. Nhận thấy điều kiện gia đình có vườn rộng thích hợp cho việc nuôi gà thả vườn, anh tìm hiểu và học hỏi mô hình nuôi gà.
Sau khi tìm hiểu về gà lai Hồ, giống gà có tầm vóc vừa phải, màu lông đỏ đẹp, hợp thị hiếu người tiêu dùng, nhất là khi biết Bắc Ninh là thị trường lớn tiêu thụ gà lai Hồ, anh quyết định lựa chọn nuôi giống gà này để phát triển kinh tế gia đình.
Ban đầu anh Đoàn chỉ nuôi vài trăm con. Nhận thấy gà lai Hồ tăng trưởng nhanh, dễ nuôi, thịt ăn thơm ngon, kháng bệnh tốt, lại có giá bán cao hơn so với các giống gà lông màu khác; đầu ra ổn định nên anh quyết định mở rộng quy mô, luôn duy trì 2.000 con/lứa.
Anh Đoàn cho biết, sau khi nuôi khoảng 3,5 tháng, gà lai Hồ đạt trọng lượng 2,5 - 3kg/con, với giá bán bình quân 50.000 đồng/kg, trừ chi phí, thu lãi 20-25 triệu đồng/lứa. Để tăng số lứa nuôi trong một năm, anh quyết định xây thêm chuồng và nuôi gối đàn. Mỗi năm, quay vòng được 5 lứa, anh có thu nhập trên 100 triệu/năm.
Hướng phát triển bền vững
Ý thức nuôi gối đàn tiềm ẩn một số rủi ro như khả năng lây nhiễm chéo giữa các đàn với nhau nên anh bố trí riêng biệt các khu chuồng nuôi. Sau mỗi đợt xuất bán, anh tiến hành vệ sinh khử trùng chuồng trại, thiết bị trong chuồng và để trống chuồng ít nhất 15 ngày. Đối với chất độn chuồng, anh xử lý ủ theo phương pháp sinh học, sau đó bón cho cây trồng.
Nắm bắt được nhu cầu của người tiêu dùng về thực phẩm sạch nói chung và thịt gà sạch nói riêng, anh Đoàn lựa chọn thức ăn cho gà rất kỹ và tin dùng của các hãng uy tín, đảm bảo thức ăn không chứa các chất gây tồn dư, độc tố nấm mốc và các vi sinh vật có hại làm ảnh hưởng đến chất lượng đàn gà.
Là người trực tiếp chăm sóc đàn gà, anh luôn lập kế hoạch phòng trừ dịch bệnh cho đàn gà, có quy trình phòng bệnh phù hợp với từng đối tượng gà. Để hạch toán lỗ lãi sau mỗi lứa nuôi, anh luôn ghi chép tỉ mỉ, bao gồm cả những thông tin lưu trữ trong quá trình chăn nuôi.
Có thể nói, mô hình nuôi gà lai Hồ của gia đình anh Đoàn đã mở ra hướng mới cho nông dân nơi đây, nhất là khi khuyến nông tỉnh Bắc Giang đang tích cực nhân rộng chăn nuôi gà lông màu thả vườn sang các vùng lân cận.
Được biết, Sở Nông Nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang đang thực hiện xây dựng Chiến lược phát triển nông nghiệp tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035, nội dung thực hiện sẽ tập chung phát triển các nhóm sản phẩm chủ lực, đặc trưng, trong đó có sản phẩm gà lông màu thả vườn. Phấn đấu đến năm 2030 quy mô tổng đàn đạt khoảng 18 triệu con, tập chung ở các huyện: Yên Thế, Lục Nam, Tân Yên, Hiệp Hòa và Lạng Giang… Toàn tỉnh có khoảng 170 loại sản phẩm OCOP, trong đó sản phẩm gà đồi Yên Thế đạt 5 sao.
Trải qua mấy mươi năm chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, đã có nhiều cháu thành đạt, có cuộc sống ổn định, Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em (CTXH-QBTTE) Thừa Thiên - Huế đã thắp lửa “sưởi ấm” cho nhiều phận đời kém may mắn, giúp họ vượt qua những rào cản, phát triển và hòa nhập cộng đồng.
Ngày 20/12, Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng tổ chức Hội nghị sơ kết thực hiện Kế hoạch số 331 và triển khai Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 34 của Ban Thường vụ Thành uỷ về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng đối với công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố.