03 cây “ATM gạo” miễn phí cho người nghèo đã có mặt ở tỉnh Thừa Thiên - Huế. Nhóm thiện nguyện mong rằng gạo sẽ được phát đến đúng người cần hỗ trợ và những người đến đây sẽ thực hiện đúng các bước đề ra.
Nhận thấy ở tỉnh Thừa Thiên - Huế có nhiều người dân khó khăn cần được hỗ trợ trong thời điểm dịch Covid-19; đồng thời, lấy ý tưởng của những cây “ATM gạo” miễn phí ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, một cán bộ quản lý của Trường Đại học Dân lập Phú Xuân (xin được giấu tên) đã cùng với bạn bè của mình lên kế hoạch kêu gọi sự hỗ trợ của các mạnh thường quân và lắp đặt những cây “ATM gạo” miễn phí cho người có hoàn cảnh khó khăn ở Thừa Thiên - Huế.
Lời kêu gọi ấy đã được những tấm lòng thiện nguyện ở Huế hưởng ứng, họ nhanh chóng thành lập được một nhóm (sau đây gọi là nhóm thiện nguyện) và cùng kêu gọi những nhà hảo tâm ở khắp mọi miền tham gia đóng góp để hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn tại tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Để thuận tiện hơn và hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp, một giảng viên của Trường Cao đẳng Công Nghiệp Huế cũng là thành viên của nhóm thiện nguyện đã thiết kế ra cây “ATM gạo” tự động.
Người thiết kế cây ATM ở Huế là thầy Ngô Viết Anh Văn, giảng viên Khoa Cơ Khí, Trường Cao đẳng Công Nghiệp Huế cho biết, cây “ATM gạo” miễn phí đầu tiên được thiết kế và hoàn thiện trong vòng 2 ngày. Vì cần phải thiết kế, hoàn thiện và đưa vào vận hành trong thời gian ngắn nên đến thời điểm này, những cây “ATM gạo” miễn phí vẫn còn một số hạn chế.
“Từ 9 – 11h sáng nay (14/3), cây ATM gạo tại Trường Đại học Dân lập Phú Xuân phát được khoảng 300 lượt, mỗi lượt khoảng 2kg gạo. Tuy nhiên, số lượng gạo chỉ mang tính chất tương đối vì máy phát dựa trên thời gian 8 giây/lần. Cũng có người cố tình giẫm lên nút phát gạo thêm 1 lần để nhận được nhiều gạo hơn… Đây cũng là hạn chế của máy “ATM gạo” mà chúng tôi đang cố gắng khắc phục”, thầy Văn cho biết.
Ngoài ra, để phát gạo đến đúng những người khó khăn, vị cán bộ quản lý của Trường Đại học Dân lập Phú Xuân– người lên ý tưởng cho hoạt động thiện nguyện này cho biết, nhóm thiện nguyện mong rằng mỗi người dân sẽ thực hiện đúng các bước để đảm bảo an toàn và chỉ đến nhận gạo khi thực sự cần giúp đỡ.
“Trong thời điểm khó khăn về nhiều mặt và hoạt động hỗ trợ cần thực hiện gấp thì không thể có phương án nào là hoàn hảo hết, chúng tôi bàn bạc nhiều lần và đi đến thống nhất, hoạt động thiện nguyện với mục đích là hỗ trợ những người khó khăn trong thời điểm dịch COVID-19, còn lại việc phát có đúng đối tượng hay không thì còn tùy vào ý thức của người đến nhận nữa”, người này chia sẻ.
“Nhóm cũng đã có một số biện pháp như cử người quan sát từ xa để có cái nhìn tổng quát về những người đến nhận gạo, nếu thấy người đó không thực sự khó khăn thì có thể hỏi và trao đổi nhẹ nhàng. Vừa qua chúng tôi cũng nhận thấy có 2 người thoạt nhìn không thực sự khó khăn vào nhận hỗ trợ miễn phí và họ nói là đi nhận thay”, thành viên của nhóm thiện nguyện tại tỉnh Thừa Thiên - Huế cho hay.
Theo ghi nhận, nhóm thiện nguyện đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm đảm bảo giãn cách xã hội như: dán thông báo quy trình nhận gạo, thông báo qua loa…; đồng thời nhóm thiện nguyện cũng mong rằng, những người không thực sự cần giúp đỡ sẽ nhường cho người còn khó khăn hơn.
Được biết, với sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền địa phương và chủ các cơ sở bên dưới, hiện nay nhóm thiện nguyện ở Huế đã mượn được 03 địa điểm để đặt máy: Trường Đại học Dân lập Phú Xuân (số 28 Nguyễn Tri Phương, phường Phú Nhuận, TP. Huế); Trung tâm thể thao tỉnh (số 01 đường Hà Huy Tập, phường Xuân Phú, TP. Huế) và Trường Cao đẳng Công Nghiệp Huế (số 70 Nguyễn Huệ, phường Vĩnh Ninh, TP. Huế).
Trước mắt, nhóm thiện nguyện đã chuyển về mỗi địa điểm là 02 tấn gạo để phát cho bà con có hoàn cảnh khó khăn. Số lượng này sẽ được phát trong khoảng thời gian 9h - 17h các ngày từ 14 - 20/4. Nhóm cũng dự kiến, mỗi địa điểm sẽ phát tự động từ 500 – 700 suất với mỗi suất là 2kg gạo.
UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa tổ chức Lễ đón nhận Bằng công nhận di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO cho “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế”; công bố hoàn thành Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa” và động thổ công trình “Tu bổ, phục hồi di tích Điện Cần Chánh”.
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.