Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 17 tháng 4 năm 2022 | 22:45

Tiền Giang, giá cá tra và trứng gia cầm tăng cao

Hiện, giá cá tra thương phẩm ở Tiền Giang đạt tới 30.000 đồng/kg, tăng 40% so với đầu năm, giá trứng gà ta nuôi công nghiệp tăng khoảng 20% so với cùng kỳ, trong khi đó, quý I/2022, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 884 triệu USD, tăng 17,5% so cùng kỳ.

Giá cá tra thương phẩm tăng gần 10.000 đồng/kg

Tại Tiền Giang, giá cá tra thương phẩm hiện đang ở mức cao, khoảng 30.000 đồng/kg, tăng gần 10.000 đồng/kg so với thời điểm cuối năm 2021, đầu năm 2022. Theo ông Nguyễn Thành Sơn, trú tại xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè, với giá này, người nuôi lãi khoảng 5.000 đồng/kg. Tuy vậy, nguồn cung hiện tại không nhiều bởi trong các năm qua, giá cá tra thấp, người nuôi lỗ nên không ít hộ phải treo ao hoặc chuyển sang mô hình sản xuất khác hiệu quả hơn.

Hiện, gia đình ông Sơn có 2 ao nuôi, tổng diện tích khoảng 2.000 m2 mặt nước. Trong những ngày tới, sản lượng cá xuất ao vào khoảng 200 tấn cá tra thương phẩm. Giá cá tra hồi phục và tăng mạnh mang lại niềm vui cho nông dân.

 

 Giá cá tra thương phẩm ở Tiền Giang tăng mạnh (Ảnh: TTXVN).

 

Về vấn đề này, ông Đặng Văn Hận, Chủ tịch xã Hòa Hưng (huyện Cái Bè) cho biết, thời gian qua tình hình nuôi cá tra ở xã Hòa Hưng gặp rất nhiều khó khăn, do các năm trước, giá cá tra quá thấp, nông dân lỗ nặng, nhiều hộ phải treo ao hoặc chuyển ngành nghề khác kiếm sống.

Tuy nhiên, giá cá nguyên liệu có tăng nhưng giá thức ăn cũng tăng cao, khoảng từ 10 - 20% so với năm trước nên hộ nuôi cá vẫn còn đối mặt nhiều khó khăn. Để nghề nuôi cá tra xuất khẩu phát triển bền vững, các hộ nuôi cá phải liên kết với các doanh nghiệp nhằm giải quyết ổn định đầu vào và đầu ra sản phẩm, nông dân có lợi.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam, dịch Covid-19 khiến diện tích nuôi bị thu hẹp, sản lượng cá thương phẩm phục vụ xuất khẩu đợt này bị thiếu hụt cũng góp phần đẩy giá lên cao. Hội này dự báo giá cá tra sẽ tăng tiếp khi cá tra giống đang tăng liên tục từ 18.000-19.000 lên 40.000-45.000 đồng một kg (loại 30 con một kg).

Chi cục Thủy sản tỉnh An Giang cho rằng, thời gian tới không chỉ giá tăng mà có thể thiếu nguyên liệu phục vụ xuất khẩu khi người nuôi treo ao khoảng 15% diện tích so với năm ngoái vì thua lỗ 3 năm liên tiếp, giá thức ăn tăng, vốn đầu tư thiếu hụt...

Theo ông Nguyễn Thành Sơn đánh giá, nghề nuôi cá da trơn tại Tiền Giang vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, bấp bênh khó lường do giá vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi, nhiên liệu và các mặt hàng thiết yếu cho đời sống khác đều tăng mạnh trong những ngày qua. Để nghề nuôi cá tra phục hồi một cách bền vững, tạo nguồn nông sản phục vụ tiêu dùng và chế biến xuất khẩu ổn định cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành với những giải pháp tháo gỡ một cách phù hợp và khả thi.

Giá trứng gia cầm tăng mạnh

Hiện, các hộ chăn nuôi gia cầm chuyên trứng ở Tiền Giang đang rất phấn khởi bởi giá trứng gia cầm tăng mạnh khi tỉnh trở lại trạng thái bình thường mới, tích cực khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội.

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Năm Hưởng là doanh nghiệp hàng đầu trên lĩnh vực chăn nuôi gà đẻ lấy trứng tại huyện Chợ Gạo theo quy mô công nghiệp. Hiện, Công ty có 05 khu trại chăn nuôi gà lấy trứng với tổng đàn 400.000 con, đạt sản lượng cung ứng thị trường đến 200.000 quả trứng gà/ngày. Ông Lê Văn Hòa, Giám đốc Công ty cho biết, giá trứng gà ta nuôi công nghiệp xuất trại hiện ở mức 2.200 đồng/trứng, tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm trước. Với giá này, người nuôi có thể thu lãi từ 300 - 400 đồng/trứng.

Các hộ chăn nuôi gà ri chuyên trứng tại xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo cũng đang bán trứng ở mức khá cao, đạt từ 2.000 - 2.200 đồng/trứng. Với giá này, hộ chăn nuôi lãi khá cao, bù đắp phần nào thời điểm đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống người chăn nuôi.

 

 Trong khi đó, giá trứng gà ta nuôi công nghiệp tăng khoảng 20% so với cùng kỳ.

 

Ông Lê Văn Hòa, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Năm Hưởng nhận định, giá trứng gia cầm tăng khá do sau đại dịch Covid-19, nhu cầu thị trường lớn trong khi nguồn cung có hạn. Trước đó, do ảnh hưởng dịch bệnh và tình hình chăn nuôi không thuận lợi, đầu ra sản phẩm khó khăn, giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh, nhiều hộ chăn nuôi gia cầm đã phải chuyển sang ngành nghề sản xuất khác hiệu quả hơn.

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và PTNT Tiền Giang, toàn tỉnh hiện có đàn gia cầm trên 17,6 triệu con, chưa kể chim cút. Trong đó, riêng huyện Chợ Gạo có tổng đàn gia cầm trên 7,9 triệu con, lớn nhất tỉnh Tiền Giang và đạt trên 96% chỉ tiêu cả năm 2022. Với tình hình giá trứng gia cầm đang cải thiện và nâng lên sẽ thiết thực thúc đẩy ngành chăn nuôi gia cầm chuyên trứng tại tỉnh Tiền Giang hồi phục sau đại dịch Covid-19. Qua đó, tiếp tục đóng góp vào công cuộc giảm nghèo nông thôn cũng như xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Xuất khẩu quý I/2022 tăng trưởng khá

Theo ông Đặng Văn Tuấn, Quyền Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang, trong quý I/2022, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 884 triệu USD, tăng 17,5% so cùng kỳ năm trước và đạt tỷ lệ 26,4% so với kế hoạch đề ra của năm 2022.

Trong đó, nhóm hàng công nghiệp tiếp tục đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng chung của hoạt động xuất khẩu của tỉnh, như: Kim loại thường khác và sản phẩm (kể cả đồng) ước đạt hơn 245 triệu USD, tăng hơn 12%; giày ước đạt khoảng 141 triệu USD; may mặc ước đạt 122 triệu USD, tăng hơn 20%; sản phẩm từ chất dẻo ước đạt hơn 81 triệu USD, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ; riêng túi xách ước đạt hơn 43 triệu USD, giảm gần 24%... so với cùng kỳ.

 

 Trong khi đó, quý I/2022, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh này đạt 884 triệu USD, tăng 17,5% so cùng kỳ.

 

Đạt được kết quả nói trên, Tiền Giang đã chủ động triển khai những giải pháp phục hồi kinh tế - xã hội khi trở lại trạng thái bình thường mới, đặc biệt là hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất - kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu nông sản hàng hóa thế mạnh địa phương, giúp xuất khẩu đạt tăng trưởng khá ngay từ quý I/2022. Trong đó, Sở Công thương phối hợp với các đơn vị liên quan quan tâm thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện để doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn sau đại dịch Covid-19, phục hồi hoạt động sản xuất - kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường xuất khẩu...

Thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19, đến nay Tiền Giang có gần 119.000 lượt lao động được hỗ trợ, với tổng kinh phí trên 367 tỷ đồng. Qua đó, tạo điều kiện để các doanh nghiệp khôi phục sản xuất - kinh doanh, tạo nguồn hàng xuất khẩu thu hút ngoại tệ. Đồng thời, trong định hướng điều hành xuất khẩu, tỉnh còn chú trọng giảm dần xuất khẩu tiểu ngạch nhiều rủi ro sang nâng cao tỷ lệ hàng hóa xuất khẩu chính ngạch, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhất là mặt hàng nông sản hàng hóa, trái cây đặc sản chủ lực của địa phương...

Cùng với đó, việc cung cấp thông tin kịp thời về tình hình thị trường xuất khẩu cho doanh nghiệp được đặc biệt quan tâm. Tỉnh đã tập trung hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm, doanh nghiệp xuất khẩu trên các sàn thương mại điện tử trong nước và quốc tế như: Cổng Thông tin xuất khẩu của Bộ Công Thương, Cục Xúc tiến thương mại và các trang bán hàng như: Sendo, Shopee, Tiki, Voso, Postmart...

Ngoài ra, tiếp tục tuyên truyền sâu rộng về các hiệp định thương mại tự do (FTAs) đã ký kết, chú trọng hướng dẫn doanh nghiệp xuất khẩu cách xác định đạt tiêu chí quy tắc xuất xứ hàng hóa xuất khẩu được hưởng ưu đãi theo FTAs cũng như nhận thức về thực thi quy định pháp luật phòng vệ thương mại trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Khuyến khích các doanh nghiệp chú trọng mở rộng thị trường xuất khẩu vào các nước có tham gia FTAs mà Việt Nam là thành viên.

Có thể thấy, sự chỉ đạo kịp thời của Chính phủ trong việc gỡ khó cho các doanh nghiệp, người sản xuất; sự chủ động vào cuộc của tỉnh Tiền Giang khi việc thực hiện ngay các chỉ đạo của Chính phủ, từ đó đã giúp người dân, doanh nghiệp nhanh chóng hoạt động sản xuất trở lại ở trạng thái bình thường mới, và kết quả có nhiều điểm sáng trong quý I/2022. 

 

 

 

Hoàng Văn (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • The S-Vista “tạo sóng” cho phân khúc căn hộ tại thị trường phía Đông Thủ đô

    The S-Vista “tạo sóng” cho phân khúc căn hộ tại thị trường phía Đông Thủ đô

    Những sản phẩm số lượng giới hạn luôn có sức hút nhờ tiềm năng tăng giá vượt trội so với mặt bằng chung. Cũng vì lý do đó mà ngay sau khi mở bán, tòa căn hộ cuối cùng The S-Vista thuộc phân khu Sapphire - Vinhomes Ocean Park 1 đã khuynh đảo thị trường phía Đông Hà Nội.

  • Agribank tích cực hỗ trợ vốn phát triển nhà ở xã hội

    Agribank tích cực hỗ trợ vốn phát triển nhà ở xã hội

    Phát triển nhà ở xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân thu nhập thấp là một chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và phát triển bền vững. Trong bối cảnh việc triển khai các chương trình nhà ở xã hội trong thời gian qua còn nhiều vướng mắc, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) với trách nhiệm của NHTM Nhà nước, Ngân hàng vì cộng đồng đã tích cực đồng hành cùng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước triển khai các giải pháp tín dụng ưu đãi để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, góp phần hiện thực hóa mục tiêu 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội vào năm 2030.

  • Năm 2025, Hà Nam sẽ có trục đại lộ lễ hội hoành tráng, tôn vinh văn hóa dân tộc do Sun Group đầu tư

    Năm 2025, Hà Nam sẽ có trục đại lộ lễ hội hoành tráng, tôn vinh văn hóa dân tộc do Sun Group đầu tư

    Trên trục đường dài 1,5km, rộng 150m, chạy theo kênh Vua Lê tại đại đô thị nghỉ dưỡng Sun Urban City, không lâu nữa, Sun Group sẽ “gọi dậy” những câu chuyện văn hóa tự hào của vùng đất Hà Nam để “làm đẹp” và gìn giữ những di sản vô giá bằng khát vọng của một thế hệ đương đại: đưa văn hóa dân tộc vào đời sống, để tôn vinh và bảo tồn…

Top