Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ tư, ngày 6 tháng 10 năm 2021 | 12:26

Tiêu thụ gạo hữu cơ qua livestream

Trong số thứ 3 tổ chức livestream (phát trực tiếp), chỉ trong vòng 01 giờ đồng hồ, Thị Đoàn Hương Trà (Thừa Thiên - Huế) đã kết nối tiêu thụ gần 01 tấn gạo hữu cơ của Hợp tác xã Nông nghiệp Đông Xuân.

Bán gần 1 tấn gạo hữu cơ trong 1 giờ

Theo đó, vừa qua, Thị Đoàn Hương Trà đã tổ chức chương trình livestream số 3 để kết nối tiêu thụ sản phẩm gạo hữu tại Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Đông Xuân. Qua 01 giờ đồng hồ tổ chức livestream, gần 01 tấn gạo hữu cơ đã được tiêu thụ. Đáng nói hơn, giá bán của gạo hữu cơ trong chương trình này là 18.000đồng/kg – tương đương với giá bán trong thời điểm không xảy ra dịch bệnh.

 

Gần 01 tấn gạo hữu cơ được kết nối tiêu thụ “thần tốc” bằng hình thức livestream.
Gần 01 tấn gạo hữu cơ được kết nối tiêu thụ “thần tốc” bằng hình thức livestream.

 

Thông tin từ HTX Nông nghiệp Đông Xuân cho biết, đơn vị tổ chức canh tác 02ha lúa hữu cơ mỗi vụ. Và do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên hơn 2 tấn gạo hữu cơ sản xuất được trong 02 vụ (đông xuân 2020 – 2021, hè thu 2021) gặp khó trong tiêu thụ.

Trước tình hình này, HTX đã liên hệ với các cơ quan, tổ chức trên địa bàn để tìm cách tháo gỡ. Sau khi nắm bắt được thông tin này, Thị Đoàn Hương Trà đã tổ chức chương trình livestream để hỗ trợ HTX Nông nghiệp Đông Xuân.

Đến thời điểm hiện tại, HTX Nông nghiệp Đông Xuân đã tiêu thụ gần hết hơn 2 tấn gạo hữu cơ nói trên. Bà Nguyễn Thị Hồng Loan, cán bộ HTX Nông nghiệp Đông Xuân cho rằng, kết quả của việc tiêu thụ gạo hữu cơ một cách “thần tốc” là minh chứng cho hiệu quả trong hoạt động của Thị Đoàn Hương Trà.

Cũng theo bà Loan, đa phần thành viên của HTX đều đã lớn tuổi nên gặp khó khăn trong việc tiếp cận công nghệ. Do đó, những thời điểm khó khăn, đơn vị rất mong nhận được sự hỗ trợ tương tự chương trình “Kết nối nông sản - san sẻ yêu thương - vượt qua đại dịch” mà Thị Đoàn Hương Trà đang triển khai.

Để livestream tiêu thụ nông sản hiệu quả

Trước đó, Thị Đoàn Hương Trà đã tổ chức livestream và kết nối tiêu thụ thành công sản phẩm cốm của Làng nghề Cốm An Thuận và bưởi da xanh (hộ ông Trương Thanh, xã Bình Thành).

Bí thư Thị Đoàn Hương Trà Phạm Thị Ngọc Huế từng chia sẻ, để tổ chức được mỗi số livestream kết nối tiêu thụ nông sản như trên, sau khi tiếp nhận được thông tin, đơn vị cử người về trực tiếp tại cơ sở để kiểm tra chất lượng, sản lượng, giá cả… sản phẩm cần hỗ trợ tiêu thụ.

Qua tìm hiểu, các số livestream kết nối tiêu thụ nông sản đều được Thị Đoàn Hương Trà xây dựng kế hoạch cụ thể và có bài viết giới thiệu trước đến khách hàng qua fanpage “Hương Trà Thị Đoàn”.

 

Người dẫn chương trình Ngọc Ánh trải nghiệm trực tiếp trong quá trình livestream.
Người dẫn chương trình Ngọc Ánh trải nghiệm trực tiếp trong quá trình livestream.

 

Người dẫn chương trình trong cả 03 số livestream vừa qua của Thị Đoàn Hương Trà – Ngọc Ánh chia sẻ, bản thân là một người tốt nghiệp ngành Quản lý văn hóa (trường Cao đẳng Sư phạm Thừa Thiên - Huế) nhưng lại bén duyên với nghề dẫn chương trình.

Dù đã có 02 năm học và làm nghề dẫn chương trình tại Đà Nẵng, bên cạnh đó, Ngọc Ánh cũng đã có nhiều kinh nghiệm trong việc dẫn các sự kiện, chương trình… tại Thừa Thiên - Huế nhưng việc tham gia livestream hỗ trợ tiêu thụ nông sản vẫn mang một cảm giác mới lạ và cần chuẩn bị một cách chu đáo.

Ngọc Ánh tổng kết lại rằng, cũng như những chương trình khác, người dẫn chương trình trong các buổi livestream này cần chú ý đến trang phục, ngôn ngữ, phong thái… Và, theo cô, phong cách mộc mạc, gần gũi sẽ phù hợp với những buổi livestream này hơn cả.

Bên cạnh đó, người dẫn chương trình trong các buổi livestream kết nối tiêu thụ nông sản phải có hiểu biết về sản phẩm mà mình đang giới thiệu, như: quy trình sản xuất, đặc tính nổi bật, tác dụng, cách chế biến, cách bảo quản… của sản phẩm.

Và, dù đã thực hiện thành công vai trò của mình trong 03 số livestream mà Thị Đoàn Hương Trà đã tổ chức, tuy nhiên, theo Ngọc Ánh, người dẫn chương trình luôn phải chủ động để xử lý một cách khéo léo, linh hoạt các tình huống nằm ngoài kịch bản xảy ra trong quá trình livestream.

“Trước khi bắt đầu livestream khoảng 1 hoặc 2 ngày gì đó, ban tổ chức sẽ gửi kịch bản cho em. Em dành thời gian nghiên cứu kịch bản và “lên sóng” thôi (cười). Tuy nhiên, em cũng có thuận lợi là sinh ra và lớn lên ở thị xã Hương Trà (xã Hương Toàn – PV) nên cũng đã từng được trực tiếp tham gia quá trình sản xuất hoặc biết đến các sản phẩm nông sản này rồi nên không quá bỡ ngỡ khi dẫn chương trình livestream”, Ngọc Ánh chia sẻ.

 

 

Văn Nghĩa
Ý kiến bạn đọc
Top