Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 3 tháng 10 năm 2021 | 9:11

Thủ đoạn lừa đảo qua mạng tinh vi của đối tượng Lê Thanh Phụng

Lê Thanh Phụng có 2 tiền sự về hành vi tàng trữ và sử dụng trái phép chất ma túy. Mới đây, y tiếp tục “sa lưới” vì có dấu hiệu tội lừa đảo qua mạng viễn thông. Đáng nói, tuy tuổi đời còn trẻ nhưng thủ đoạn phạm tội của Phụng lại chuyên nghiệp.

Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng Công nghệ cao tiếp tục phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự và Phòng Kỹ thuật nghiệp vụ Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế phá thành công chuyên án, bắt giữ đối tượng Lê Thanh Phụng, sinh năm 2003, trú tại phường 3, thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị.  Phụng từng có 2 tiền sự về hành vi tàng trữ và sử dụng trái phép chất ma túy.

Đối tượng Lê Thanh Phụng tại cơ quan Công an.
Đối tượng Lê Thanh Phụng tại cơ quan Công an.

 

Xác lập chuyên án

Theo hồ sơ điều tra: Đầu tháng 3/2021, Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng Công nghệ cao (Phòng ANM & PCTPSDCNC) Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế nhận được đơn trình báo mất số tiền 537 triệu đồng của bà Đ.T.T.H (TP. Huế).

Bà Đ.T.T.H cho biết: Là người hướng thiện, bà hay đứng ra nhận quyên góp tiền ủng hộ từ nhiều nơi rồi chuyển đến cho những hoàn cảnh khó khăn. Ngày 8/3/2021, bà T.H nhận được tin nhắn từ số điện thoại 03971577xxx thông báo với nội dung WESTERN UNION TB VCB: 0161371170xxx + 23.000.000 với nội dung tiền ủng hộ. Sau khi nhận được tin nhắn thông báo này, chủ thuê bao nói trên đã gọi điện và hối thúc bà bấm vào đường link mà họ gửi để nhận tiền thành công. Tin tưởng, bà H đã làm theo hướng dẫn, và bị mất toàn bộ tiền trong tài khoản.

Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế xác lập và phá thành công chuyên án.
Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế xác lập và phá thành công chuyên án.

 

Ngay sau khi nhận được đơn trình báo, Phòng ANM & PCTPSDCNC đã báo cáo với Ban Giám đốc Công an tỉnh, dưới sự chỉ đạo của Đại tá Nguyễn Thanh Tuấn - Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế, chuyên án đấu tranh đã được xác lập. Ban chuyên án xây dựng kế hoạch, bố trí các tổ trinh sát lên đường truy tìm manh mối.

Thủ đoạn tinh vi của đối tượng lừa đảo

“Sau khi thực hiện hành vi, đối tượng tiêu hủy toàn bộ sim, ĐTDĐ, tài khoản nội dung tin nhắn… và thay đổi nơi ở. Tuy nhiên, từ một số dấu vết để lại, chúng tôi đã xác định khu vực đối tượng gây án là tại một nhà nghỉ T.L ở thị xã Quảng Trị. Tổ trinh sát lên đường ra Quảng Trị nhưng thời điểm này, nhà nghỉ này đóng cửa vì dịch Covid-19, công tác xác minh lại đi vào bế tắc.

Không nản lòng, tiếp tục triển khai trinh sát thì phát hiện gần nhà nghỉ T.L có một quán Internet mà một nhóm đối tượng lừa đảo hay lui tới; từ một số biện pháp kỹ thuật, tổ trinh sát thu thập được đường link dùng để lừa bị hại đã từng xuất hiện ở quán net này. Từ đây, manh mối dần được mở ra, liên tục nhiều ngày đấu tranh, làm rõ và bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, Ban chuyên án dần xác định danh tính đối tượng gây án là Lê Thanh Phụng, nhưng lúc này y lại đang lẩn trốn tại tỉnh Gia Lai”, Thiếu tá Trần Ngọc Tuấn, Đội trưởng Phòng ANM & PCTPSDCNC cho biết.

Dịch bệnh phức tạp nhưng việc bắt giữ tội phạm “không được phép chậm trễ”, một tổ trinh sát lại lên đường vào Tây Nguyên. Và sau nhiều ngày rong ruổi trên nhiều tuyến đường truy tìm dấu vết, được sự giúp đỡ của các đơn vị nghiệp vụ; đến cuối tháng 9/2021, đối tượng đã sa lưới pháp luật.

“Lê Thanh Phụng tuy tuổi đời còn trẻ nhưng thủ đoạn phạm tội lại chuyên nghiệp, đối tượng lập tài khoản Facebook ảo “Tommy Le” tham gia vào các hội nhóm của đạo Thiên chúa và kết bạn với các Linh mục, Sơ rồi kết bạn làm quen với nhiều người trong nhóm.

Sau khi nhắm được con mồi, Phụng bắt đầu nhắn tin, gọi điện nói chuyện rồi ngỏ ý muốn chuyển tiền làm từ thiện, khi nạn nhân tin tưởng, y gửi link đề nghị họ đăng nhập, cung cấp các thông tin theo yêu cầu để xác nhận tiền. Lúc này, tất cả thông tin liên quan tài khoản ngân hàng của nạn nhân đều được gửi về tài khoản e-mail do Phụng quản lý, sau đó đối tượng đăng nhập vào tài khoản để thực hiện lệnh chuyển tiền. Tuy nhiên, do hệ thống ngân hàng có lớp bảo mật bằng Smart OTP trên điện thoại nên lệnh chuyển không được thực hiện. Lợi dụng sự cả tin, thiếu hiểu biết của con mồi, Phụng tại tiếp tục yêu cầu nạn nhân thực hiện hủy Smart OTP trên điện thoại”, Thượng tá Mai Văn Toàn, Trưởng Phòng ANM&PCTPSDCNC đánh giá.

Các thủ đoạn lừa đảo trong vụ án là hết sức tinh vi.
Các thủ đoạn lừa đảo trong vụ án là hết sức tinh vi.

 

“Phụng còn ranh ma và tinh vi hơn khi không trực tiếp chuyển toàn bộ tiền vào tài khoản ngân hàng cá nhân mà y hack tài khoản ngân hàng của người khác, chia nhỏ số tiền này ra, một phần y chuyển vào tài khoản đã chiếm đoạt được và phần còn lại chuyển vào các tài khoản game online, mục đích là nhằm đánh lạc hướng cơ quan điều tra. TUy nhiên, lưới trời lồng lộng, dù thủ đoạn tinh vi đến đâu thì vẫn bị cơ quan Công an phát hiện, bắt giữ”, Thượng tá Toàn thông tin thêm.

Qua quá trình điều tra, xác minh vụ án bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bà Đ.T.T.H cũng như công tác đấu tranh với đối tượng, Công an Thừa Thiên Huế bước đầu xác định, ngoài bà H, cũng bằng thủ đoạn này, đối tượng Lê Thanh Phụng đã lừa đảo chiếm đoạt của nhiều nạn nhân trên cả nước, số tiền lừa đảo ước tính gần 8 tỷ đồng.

 

 

Văn Nghĩa
Ý kiến bạn đọc
Top