Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 8 tháng 4 năm 2018 | 17:42

Tin ATVSTP: Đề xuất thí điểm thanh tra ATTP tại 9 tỉnh

Trước tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm không đảm bảo cho người tiêu dùng có dấu hiệu ngày càng gia tăng, Nhà nước và các cơ quan chức năng đã và đang tiến hành mọi biện pháp để kiểm tra và xử lý những vi phạm này.

Đề xuất thành lập đoàn thanh tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại 9 tỉnh
 
Bộ Y tế đang dự thảo Quyết định thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại huyện, quận, thị xã và xã, phường, thị trấn của 9 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
 
Dự thảo đề xuất quy định về tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn, thẩm quyền của người được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm thuộc huyện, quận, thị xã (cấp huyện) và xã, phường, thị trấn (cấp xã); nội dung thanh tra, hoạt động thanh tra, trách nhiệm quản lý hoạt động thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm; sử dụng tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính; thời gian thực hiện thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm cấp huyện, cấp xã của 9 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Gia Lai.
 
Bộ Y tế cho biết, việc thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm theo Quyết định 38/2015/QĐ-TTg được triển khai tại 10 quận, huyện và 20 xã, phường của thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh (mỗi Thành phố 5 quận, huyện và 10 xã, phường) trong khoảng thời gian từ 15/11/2015 đến 15/11/2016; có tổng số 232 người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm (Hà Nội 118 người, Thành phố Hồ Chí Minh 114 người).
 
Sau một năm thực hiện thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại cấp quận, cấp phường của thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh theo Quyết định số 38/2015/QĐ-TTg đã ghi nhận những chuyển biến tích cực về an toàn thực phẩm tại các địa bàn thí điểm. Để có thêm cơ sở thực tiễn đánh giá mô hình thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm cấp quận, cấp phường và để có cơ sở pháp lý cho thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh triển khai mở rộng và kéo dài việc thí điểm thì việc ban hành Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại quận, huyện, thị xã và phường, xã, thị trấn của thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là cần thiết.
 
Bộ Y tế đã xây dựng dự thảo Quyết định thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại huyện, quận, thị xã và xã, phường, thị trấn của 9 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Về phạm vi thí điểm gồm 100% các đơn vị hành chính cấp quận, cấp phường của thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; đối với 7 tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Gia Lai: Không quá 25% số đơn vị hành chính cấp huyện thuộc 7 tỉnh, thành phố và không quá 20% số đơn vị hành chính cấp xã thuộc đơn vị hành chính cấp huyện được lựa chọn thí điểm. Thời gian thực hiện thí điểm 1 năm (12 tháng), kể từ ngày Quyết định thí điểm có hiệu lực thi hành (Dự kiến từ ngày 1/1/2019).
 
 
Ủy ban Mặt trần Tổ quốc tham gia giám sát ATVSTP
 
Những năm gần đây, nhờ sự tham gia giám sát trực tiếp của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, công tác an toàn thực phẩm (ATTP) đã thu được nhiều kết quả tích cực.
 
Đánh giá sau 2 năm triển khai các nhiệm vụ trong Chương trình phối hợp số 90 giữa Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam về ATTP cho thấy, hầu hết các bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương tới địa phương đã nghiêm túc triển khai thực hiện, tập trung rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, có kế hoạch triển khai đến tận cơ sở.
 
Đến nay, đã có 18 tỉnh, thành phố ký kết chương trình phối hợp về ATTP giữa UBND và Ủy ban MTTQ Việt Nam. Cũng trong 2 năm qua, có 41/63 tỉnh, thành phố trên cả nước tham gia 160 đoàn kiểm tra, giám sát liên ngành và chủ trì tổ chức các đoàn đi giám sát chuyên ngành về ATTP. Công tác phối hợp liên ngành trong kiểm tra, giám sát được thực hiện đồng bộ, chất lượng kiểm tra, giám sát đảm bảo quy trình chặt chẽ. Qua kiểm tra đã phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm về ATTP của các cơ sở chế biến thực phẩm, phục vụ ăn uống, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi…
1
MTTQ sẽ tham gia giám sát công tác VSATTP với các cơ quan chức năng
(ảnh minh họa)
Để công tác ATTP đảm bảo tới tận xã, phường, thời gian tới, các bộ, ngành Trung ương tiếp tục rà soát, bổ sung các văn bản pháp luật và ban hành tài liệu hướng dẫn quy trình, quy định sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn. Các địa phương cũng sẽ tiếp tục tổ chức hoạt động tuyên truyền, vận động và kiểm tra giám sát ATTP xuống từng khu dân cư, xã, phường, đồng thời nhân rộng các hộ nông dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn. Đặc biệt, Ủy ban MTTQ các tỉnh, thành phố phối hợp với các sở, ngành tập trung rà soát các tiêu chí như: Số khu dân cư, xã, phường, thị trấn tổ chức hoạt động tuyên truyền, vận động và kiểm tra, giám sát ATTP; các xã được công nhận nông thôn mới và phường, thị trấn được công nhận đô thị văn minh phải đạt tiêu chí ATTP; số hộ sản xuất nông nghiệp, chế biến, kinh doanh thực phẩm và số hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm đăng ký, cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn...
 
Quảng Bình: Chú trọng truyền thông an toàn thực phẩm
 
Để đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn, thời gian qua công tác truyền thông về ATTP luôn được tỉnh Quảng Bình quan tâm, chú trọng nhằm nâng cao nhận thức của người sản xuất, kinh doanh, chế biến và tiêu dùng thực phẩm. 
1
Các lực lượng kiểm tra, thu giữ hàng hóa vi phạm trên địa bàn tỉnh Quảng Bình
Thời gian qua, các ngành chức năng tỉnh Quảng Bình đã tích cực phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vệ sinh ATTP. Chỉ tính riêng trong năm 2017, các cơ quan truyền thông (truyền hình, phát thanh) trên địa bàn tỉnh đã phát sóng gần 2.300 tin, bài, phóng sự, bản tin phản ánh về ATTP, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Đặc biệt, tập trung tuyên truyền theo các chuyên đề, chuyên mục chuyển tải thông tin về ATTP trong các dịp Tết Nguyên đán, lễ hội xuân, mùa du lịch, tháng hành động ATTP, Tết Trung thu… Đưa tin kịp thời về các hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm các đợt cao điểm kiểm soát ATTP. Hệ thống loa, đài truyền thanh ở xã, thị trấn thường xuyên thông tin về ATTP đến người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng trên các địa bàn.
 
Nhờ chú trọng công tác truyền thông, ý thức chấp hành pháp luật về ATTP của hộ sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm trên địa bàn đã từng bước được nâng cao. Qua kiểm tra năm 2017 gần 80% số cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm trên địa bàn tỉnh đạt các điều kiện đảm bảo ATTP.
 
Để nâng cao hiệu quả truyền thông về ATTP, tới đây tỉnh Quảng Bình sẽ thực hiện việc cung cấp thông tin trên các trang, cổng thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị; công khai các cơ sở vi phạm; hỗ trợ các đơn vị, đoàn thể tăng cường tổ chức các hội thi, các buổi tập huấn, nói chuyện truyền thông về ATTP; đẩy mạnh phối hợp giữa các tổ chức, đơn vị, mặt trận tổ quốc trong công tác tuyên truyền đảm bảo vệ sinh ATTP... để nâng cao hơn nữa nhận thức về pháp luật, hiểu biết của người quản lý, người tiêu dùng và các đối tượng sản xuất, kinh doanh.
 
Quảng Nam: Tiếp tục “siết” an toàn thực phẩm
 
Để thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm (ATTP) theo lĩnh vực được phân công, 3 tháng đầu năm, ngành Công Thương Quảng Nam đã tích cực triển khai nhiều hoạt động nhằm góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.  
 
Theo thông tin từ Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam, quý I năm 2018, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương về công tác ATTP, Sở đã yêu cầu các đơn vị tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh.
 
Cụ thể, Sở đã chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường và một số đơn vị tham gia phối hợp các đoàn kiểm tra liên ngành tại địa phương, đặc biệt là với các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương, gồm: rượu, bia, nước giải khát, sữa chế biến, dầu thực vật…
1
Quảng Nam sẽ siết chặt các ngành liên quan đến VSATTP
Vừa qua, Đoàn kiểm tra liên ngành ATTP số 2 do Chi cục QLTT làm trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra 17 cơ sở và 2 chợ. Đánh giá về thực trạng sản xuất kinh doanh ngành thực phẩm trong đợt kiểm tra, ông Nguyễn Thanh Quang – Phó Giám đốc Sở Công Thương Quảng Nam- cho biết, các cơ sở sản xuất kinh doanh ngành thực phẩm còn nhỏ lẻ, buôn bán kết hợp nhiều chủng loại hàng hóa với nhau, chỉ có một số ít doanh nghiệp có quy mô kinh doanh tương đối lớn.
 
Qua hoạt động kiểm tra, hầu hết các cơ sở thực phẩm có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, hàng hóa có nhãn mác đầy đủ, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Tuy nhiên, có tới 6/17 cơ sở khi bị kiểm tra đã có vi phạm và bị xử lý, chiếm tỷ lệ 35,3%. Các hành vi vi phạm chủ yếu gồm: chưa xác nhận kiến thức vệ sinh ATTP, không thực hiện khám sức khỏe định kỳ theo quy định, ghi nhãn sản phẩm chưa đầy đủ, bảo quản thực phẩm chưa đúng quy định…
 
Lãnh đạo Sở Công Thương cho hay, trong quý II, Sở sẽ triển khai Tháng hành động vì Chất lượng an toàn thực phẩm năm 2018. Đồng thời tổ chức đoàn kiểm tra tình hình thực hiện các quy định của pháp luật về ATTP tại các huyện, thị xã, thành phố. 
                              
                                                                                     
 
Ngọc Thủy (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top