Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 9 tháng 4 năm 2020 | 17:28

Tin ĐBSH: Cơ hội và thách thức của DN chế biến nông sản XK thời Covid-19

Tác động từ dịch Covid–19 thể hiện rõ trên mọi mặt từ đời sống và sản xuất kinh tế của nhiều lĩnh vực. Nhiều địa phương đã đưa ra nhiều giải pháp giảm bớt khó khăn và tạo điểu kiện thuận lợi cho xuất khẩu nhiều mặt hàng quan trọng.

nn-14_43_01_215.jpg
Nông dân xã Đồng Hóa (Kim Bảng) duy trì sản xuất dưa chuột xuất khẩu cung cấp nguồn nguyên liệu cho doanh nghiệp chế biến.

 

Hà Nam: Cơ hội và thách thức của DN chế biến nông sản XK thời Covid-19

Theo tìm hiểu được biết, các doanh nghiệp chế biến nông sản xuất khẩu trên địa bàn tỉnh vẫn đang duy trì hoạt động ổn định. Việc thu mua nguyên liệu cho chế biến (tập trung vào dưa chuột xuất khẩu) tại các địa phương được thực hiện theo đúng hợp đồng và thỏa thuận từ đầu vụ. Nhờ vậy những vùng sản xuất dưa vẫn đang giữ được mức giá ổn định.

Hiện nay, Công ty TNHH Hội Vũ (CCN Cầu Giát, thị xã Duy Tiên) đang tổ chức thu mua dưa chuột xuất khẩu theo hợp đồng đã ký từ đầu vụ với người dân trong tỉnh. Lượng sản phẩm nguyên liệu cho chế biến đã thu mua đạt gần 300 tấn.

Ông Khuất Duy Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Hội Vũ cho biết: Tác động từ dịch Covid–19 lại là cơ hội cho doanh nghiệp chế biến nông sản xuất khẩu. Do thị trường tiêu thụ chính là nước Nga đóng cửa biên giới không nhập hàng nông sản tươi sống từ Trung Quốc nên nhu cầu sản phẩm đóng hộp tăng lên. Do vậy, từ đầu năm đến nay lượng hàng xuất khẩu làm đến đâu hết đến đấy, không bị tồn đọng như trước.

Qua tìm hiểu được biết, mặc dù thị trường xuất khẩu ổn định và có phần tăng lên, nhưng Công ty TNHH Hội Vũ vẫn chịu tác động một phần từ dịch Covid–19. Khó khăn nhất là nhập nguồn lọ đóng dưa muối từ Trung Quốc.

Do khó khăn từ việc kiểm soát chặt chẽ và hạn chế mở cửa biên giới giữa các nước, hiện nay, doanh nghiệp đã phải thay đổi hướng vận chuyển từ đường bộ sang đường thủy (đi theo đường vòng) thời gian lâu hơn, chi phí tăng đến trên 10%. Như thời điểm đầu vụ sản xuất, lọ nhập về chậm 15 ngày dẫn đến lượng hàng hoàn thiện thời điểm đó bị chậm hơn so với kế hoạch.

Cũng theo ông Khuất Duy Hùng, doanh nghiệp cần chủ động có biện pháp xử lý, khắc phục khó khăn duy trì sản xuất. Đồng thời, nắm bắt cơ hội nhu cầu thị trường xuất khẩu tăng lên để đạt được hiệu quả cao trong sản xuất, kinh doanh.

Tại doanh nghiệp tư nhân Huynh Tuấn, xã Chân Lý (Lý Nhân) hiện cũng đang trong giai đoạn tập trung cho chế biến dưa chuột xuất khẩu. Mặc dù xuất khẩu theo hình thức ủy thác, nhưng đầu ra cho sản phẩm của doanh nghiệp vẫn được bảo đảm.

Để có đủ lượng hàng theo đơn đặt hàng, Doanh nghiệp Huynh Tuấn đã chủ động triển khai những biện pháp đồng bộ bảo đảm duy trì sản xuất. Theo đó, tại xưởng sản xuất của doanh nghiệp định kỳ được phun hóa chất khử khuẩn. Người lao động khi đến làm việc được trang bị đầy đủ bảo hộ lao động, khẩu trang, nước rửa tay diệt trùng. Doanh nghiệp sắp xếp, bố trí lại chỗ ngồi làm việc cho từng bộ phận, công nhân bảo đảm khoảng cách theo khuyến cáo; đồng thời, hạn chế tối đa những người không có trách nhiệm ra vào xưởng sản xuất. Đối với các đại lý thu mua và cung cấp nguyên liệu được doanh nghiệp khuyến cáo thực hiện đầy đủ biện pháp phòng, chống dịch với những người đến cân sản phẩm…

Theo ông Lương Văn Tuấn, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Huynh Tuấn, vượt qua thách thức dịch Covid - 19 để ổn định sản xuất là thành công trong điều kiện hiện nay. Doanh nghiệp đang cố gắng hết sức để vừa duy trì ổn định sản xuất, vừa ngăn chặn dịch bệnh theo đúng những quy định và hướng dẫn của các cấp, ngành chức năng.

Theo tìm hiểu được biết, các doanh nghiệp chế biến nông sản xuất khẩu trên địa bàn tỉnh vẫn đang duy trì hoạt động ổn định. Việc thu mua nguyên liệu cho chế biến (tập trung vào dưa chuột xuất khẩu) tại các địa phương được thực hiện theo đúng hợp đồng và thỏa thuận từ đầu vụ. Nhờ vậy những vùng sản xuất dưa vẫn đang giữ được mức giá ổn định.

Ông Đinh Viết Cương, Giám đốc HTX Nông nghiệp Nhân Nghĩa cho biết: Dịch bệnh Covid – 19 chưa tác động và ảnh hưởng đến sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dưa chuột xuất khẩu của người dân. Đến thời điểm này, vẫn có thể khẳng định nông dân đang có một vụ sản xuất thắng lợi do dưa chuột cho năng suất cao. Bình quân mỗi sào dưa đã cho thu khoảng 1 tấn sản phẩm, dự kiến đến hết vụ đạt từ 1,5 – 2 tấn quả/sào.

Sản xuất, chế biến dưa chuột xuất khẩu vẫn đang là thế mạnh của các doanh nghiệp chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh. Do vậy, việc nắm bắt thời cơ về thị trường thế giới, nhất là khu vực Đông Âu với nhu cầu tiêu thụ đồ rau quả đóng lọ trong đợt dịch bệnh Covid – 19; đồng thời, khắc phục khó khăn, phòng chống tốt được dịch bệnh sẽ giúp cho các doanh nghiệp chế biến trên địa bàn duy trì ổn định và phát triển trong thời gian tới.

Vĩnh Phúc: Xúc tiến, thu hút đầu tư gặp khó vì dịch Covid-19

Từ đầu năm đến nay, do tình hình dịch Covid–19 diễn biến khó lường, nên số lượng doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội kinh doanh tại tỉnh đạt thấp, số dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư và tăng vốn hạn chế.

 

1_6.jpg
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Công ty TNHH Công nghiệp Diamond (KCN Khai Quang) gặp nhiều khó khăn trong mở rộng quy mô SXKD. Ảnh: Chu Kiều

 

Năm 2019, Vĩnh Phúc đã làm việc, tiếp đón nhiều nhà đầu tư, DN trong, ngoài nước đến nắm bắt thông tin về nhu cầu đầu tư. Đến hết năm 2019, trên địa bàn tỉnh có 1.145 dự án, gồm: 387 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 5,4 tỷ USD và 758 dự án DDI với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 91.000 tỷ đồng.

Trong đó, cấp mới cho 116 dự án gồm: 71 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới hơn 557 triệu USD; điều chỉnh tăng vốn cho 56 lượt dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 601 triệu USD. Cấp mới cho 45 dự án DDI với tổng vốn đăng ký hơn 17.000 tỷ đồng, tăng vốn cho 11 lượt dự án với tổng vốn hơn 2.400 tỷ đồng.

Đến nay, Vĩnh Phúc là bến đỗ được nhiều nhà đầu tư, DN lớn thuộc các quốc gia, vùng lãnh thổ có nền công nghiệp tiên tiến vào đầu tư, như: Honda, Toyota (Nhật Bản), Piaggio (Italia), Shinwon, Bang Joo, Cammsys, Sindoh (Hàn Quốc)... từng bước hình thành các ngành công nghiệp chủ lực.

Tuy nhiên, quý I năm 2020, tình hình thu hút vốn FDI của tỉnh khá ảm đạm, chỉ đạt hơn 48 triệu USD với 5 dự án cấp mới và 8 dự án tăng vốn; thu hút DDI đạt hơn 2,2 nghìn tỷ đồng với 16 dự án mới và 2 dự án tăng vốn.

Nguyên nhân thu hút đầu tư giảm mạnh là do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều DN FDI đang hoạt động trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn do thiếu nguyên liệu, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, không thể xuất khẩu hàng hóa do hạn chế vận chuyển; việc thông quan hàng hóa diễn ra chậm do một số cửa khẩu dù đã mở nhưng lại ưu tiên thông quan nông sản.

Bên cạnh đó, hầu hết tại các DN FDI đều có các chuyên gia, kỹ sư đến từ nước ngoài làm việc nhưng vì dịch Covid -19 nên không thể quay trở lại làm việc do các yêu cầu liên quan đến việc kiểm dịch tại nước sở tại. Vì vậy, nhiều DN FDI trên địa bàn tỉnh lâm vào cảnh hoạt động cầm chừng, giảm mạnh sản lượng sản xuất và tiêu thụ.

Cũng vì dịch Covid -19 và thực hiện nghiêm Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư, hội họp, tìm hiểu thị trường của các nhà đầu tư tiềm năng bị gián đoạn. Đối với nhiều dự án đã đầu tư, các DN có khả năng sẽ hoãn lại việc tăng vốn.

Bên cạnh những ảnh hưởng từ dịch Covid -19, vẫn còn nhiều khó khăn khiến các dòng vốn đầu tư FDI có thể bị trì hoãn do giá đất, giá thuê hạ tầng một số KCN của tỉnh còn cao so với nhiều địa phương khác có các điều kiện tương đồng, đã làm giảm sức hấp dẫn của môi trường đầu tư.

Chất lượng đầu tư xây dựng hạ tầng các KCN chưa đồng bộ, dịch vụ logistics chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu các nhà đầu tư; các KCN trên địa bàn tỉnh chậm hình thành khu nhà ở công nhân cũng như hệ thống nhà xưởng có sẵn cho thuê để thu hút các DN vừa và nhỏ, các DN hỗ trợ vào đầu tư tại tỉnh.

Tình trạng thiếu nguồn nhân lực phổ thông, nhất là lao động nữ và nguồn nhân lực chất lượng cao như kỹ sư, quản lý, phiên dịch... cũng đang là vấn đề khiến các nhà đầu tư băn khoăn.

Nhằm chủ động tiếp cận và thu hút đầu tư các DN đến từ các thị trường truyền thống và tiềm năng như châu Âu và Mỹ, nâng cao chất lượng các dự án thu hút đầu tư mới theo hướng gia tăng hàm lượng công nghệ, lao động kỹ thuật vào các KCN đã hoạt động, tăng tỷ lệ lấp đầy KCN; ưu tiên phát triển trước các KCN Bá Thiện, Bá Thiện II, Bình Xuyên II, và KCN Thăng Long Vĩnh Phúc, thời gian tới, các cấp chính quyền trong tỉnh tiếp tục tổ chức các chuyến làm việc, chủ động gặp gỡ các tổ chức, hiệp hội có vai trò kết nối, xúc tiến đầu tư.

Trong đó, tập trung vào một số ngành lĩnh vực tỉnh có thế mạnh như: Công nghiệp ô tô, xe máy, cơ khí, điện tử, dệt may, sản xuất vật liệu xây dựng… Tổ chức xúc tiến đầu tư tại các thị trường mục tiêu như Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản… Đồng thời, duy trì thường xuyên chương trình lãnh đạo UBND tỉnh gặp gỡ doanh nhân nhằm lắng nghe các ý kiến chia sẻ về khó khăn, vướng mắc của DN để kịp thời chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, tiếp tục củng cố lòng tin của các nhà đầu tư, tạo hiệu ứng lan tỏa và tác động tích cực tới nhà đầu tư mới.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý hành chính và triển khai có hiệu quả các phần mềm quản lý về đầu tư nước ngoài, cấp phép lao động trực tuyến, tiếp nhận và trả kết quả đảm bảo công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư trong giải quyết thủ tục hành chính. Qua đó, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh thực sự thông thoáng, hấp dẫn cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư kinh doanh.

Hải Dương: Người trồng ổi Thanh Hà gặp khó

Các cửa hàng ăn uống, kinh doanh dịch vụ đóng cửa, người dân hạn chế ra khỏi nhà... ảnh hưởng không nhỏ đến việc tiêu thụ ổi, khiến giá ổi giảm mạnh.

 

nguoi-trong-oi-thanh-ha-gap-kho-7-103124.jpg
Hiện nay, giá bán ổi giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm trước.

 

Người trồng ổi Thanh Hà đang đứng ngồi không yên vì giá bán xuống thấp, ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập và đời sống.

Không chỉ trồng ổi chính vụ, nhiều năm qua, người dân huyện Thanh Hà còn áp dụng kỹ thuật để ổi ra quả trái vụ, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế. Những năm trước, tháng 3 âm lịch là thời điểm tiêu thụ ổi thuận lợi, còn năm nay lại đang rất khó khăn. Gia đình bà Nguyễn Thị Lượng ở thôn Mạc Thủ, xã Liên Mạc có gần 2 mẫu trồng ổi Đài Loan và ổi bo xù. Năm trước, giá ổi bo xù 8.000-9.000 đồng/kg nhưng năm nay giảm còn 4.000-5.000 đồng/kg, ổi Đài Loan năm trước bán được 5.500-6.000 đồng/kg, nay giảm còn 2.500-3.000 đồng/kg.

Không chỉ ổi bán trên thị trường tự do, giá bán ổi vào các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch cũng giảm mạnh. Trước đây, mỗi ngày HTX Nông sản sạch Nam Vũ ở xã Liên Mạc cung cấp cho hệ thống siêu thị của Công ty CP Tập đoàn Masan từ 1,5-1,8 tấn ổi thì nay giảm chỉ còn một nửa. Anh Dương Văn Nam, Giám đốc HTX cho biết: "Hiện nay chúng tôi mua ổi của thành viên HTX với giá 4.000 đồng/kg, giảm một nửa so với cùng thời điểm này năm trước. Giá này vẫn cao hơn mức thu mua ở bên ngoài khoảng 1.000 đồng/kg".

Một trong những nguyên nhân dẫn đến giá ổi xuống thấp, tiêu thụ khó khăn là do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Những ngày qua, thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19 nên các cửa hàng ăn uống, kinh doanh dịch vụ đóng cửa, người dân hạn chế ra khỏi nhà... ảnh hưởng không nhỏ đến việc tiêu thụ ổi. Hơn nữa, thời điểm này do mưa phùn nhiều và cũng là cuối vụ nên chất lượng quả ổi không ngon bằng thời điểm trước Tết Nguyên đán.

Theo ông Tiêu Công Thuật, Bí thư Đảng ủy xã Liên Mạc ở địa phương có một số nhà áp dụng các biện pháp kỹ thuật để tránh thời điểm thu hoạch rộ. Chính vì thế, sản lượng ổi của xã hiện nay không còn nhiều. "Nếu không có dịch Covid-19 thì việc tiêu thụ ổi của người dân sẽ thuận lợi hơn. Người trồng ổi sẽ có một khoản thu nhập khá hơn", ông Thuật cho biết.

Để phòng chống dịch Covid-19, nhiều chốt kiểm soát được lập ở các địa phương làm việc tiêu thụ ổi cũng gặp khó khăn nhất định. Theo đề nghị của người dân, UBND xã Thanh Lang đã làm giấy xác nhận là người dân địa phương, sức khỏe tốt để tạo thuận lợi cho người dân vận chuyển ổi đi tiêu thụ ở Quảng Ninh, Hải Phòng.

Ông Tăng Bá Hoành, Chủ tịch UBND xã Thanh Lang cho biết: "Chúng tôi đã làm giấy xác nhận cho người dân có ổi hoặc kinh doanh ổi để giúp họ tới các địa phương khác tiêu thụ. Điều này sẽ giúp tiêu thụ ổi thuận lợi hơn". Cùng với sự hỗ trợ của chính quyền, nhiều gia đình có ổi còn nhờ người quen, họ hàng giới thiệu bán hàng qua Facebook, Zalo. Mặc dù lượng bán không nhiều nhưng giá bán khá hơn, từ 5.000-6.000 đồng/kg.

 

Thanh Tâm (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top