Trong tuần, Hội nghị phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu thu hút được sự quan tâm của nhiều chuyên gia, Bộ Nông nghiệp và PTNT có những kiến nghị rất sát thực. Bên cạnh đó, nhiều diện tích lúa ở miền Bắc bị bệnh lùn sọc đen phương Nam tấn công, xuất khẩu nông sản trong 9 tháng đạt kết quả khá.
Phải coi mặn, lợ, khô, ngập cũng là tài nguyên để phát triển
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, cần có chính sách đủ mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp vùng ĐBSCL.
Trước thực trạng biến đổi là không thể tránh khỏi, tại Hội nghị phát triển bền vững phát triển ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, các ý kiến nhấn mạnh việc cần có sự thống nhất của cả hệ thống chính trị và hành động tổng lực với phương châm bao trùm là "chủ động, tích cực, linh hoạt thích ứng với các biến đổi. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định quan điểm: Chủ động phát hiện, phát huy những lợi thế, kết hợp với cách mạng công nghiệp 4.0 để biến nguy cơ thành thời cơ, biến bất lợi thành lợi thế. Theo đó, phải coi mặn, lợ, khô, ngập cũng là tài nguyên để phát triển...
Tại Hội nghị này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã kiến nghị một số nội dung bức thiết trước mắt:
Thứ nhất, đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ NN&PTNT, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các tỉnh kết hợp với các thành phần kinh tế có chương trình cụ thể trong 5 năm 2018 - 2023 giải quyết căn cốt giống tốt cho ba nhóm sản phẩm chính: Thủy sản, cây ăn quả, lúa gạo bằng các giống chủ lực, đáp ứng cho sản xuất đủ sức cạnh tranh. Trong 10 năm tới phải có bộ giống hiện đại đáp ứng cho ba ngành hàng chủ lực này;
Thứ hai, sửa nhanh Nghị định 210 để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông nghiệp để trở thành lực lượng liên kết hạt nhân. Tập trung xây dựng các hợp tác xã kiểu mới cùng các trang trại lớn liên kết với doanh nghiệp hình thành sản xuất chuỗi ở các quy mô, cấp độ khác nhau;
Thứ ba, có văn bản quy định giữ nguyên 227 nghìn ha rừng của các tỉnh trong vùng, đặc biệt là 63 nghìn ha rừng ngập mặn, không được chuyển đổi dưới bất kỳ hình thức nào trừ nhiệm vụ an ninh, quốc phòng. Bổ sung đề án và tạo nguồn lực phát triển thêm rừng ngập mặn ở những nơi có điều kiện. Có cơ chế khuyến khích đủ sức hấp dẫn các thành phần kinh tế tạo đất, rừng mới giữ bờ biển, lấn bờ biển bằng chính sách giao đất thời gian dài 50 - 70 năm với diện tích đất, rừng mới được tạo lập ra, như thời gian giao đất rừng loại gỗ quý lâu năm nhằm tăng nhanh thảm rừng xanh, áo giáp chống đỡ tác động từ biển;
Thứ tư, với 41 điểm sạt lở nghiêm trọng bờ sông, bờ biển hiện nay đã trình Chính phủ cần ưu tiên nguồn lực để xử lý khẩn cấp, không để xảy ra diễn biến nghiêm trọng hơn, khắc phục tốn kém hơn như đoạn Gành Hào (biển Đông) đến cửa sông Cái Lớn – Cái Bé (biển Tây); đoạn lở sông Vàm Nao tỉnh An Giang và một số điểm khẩn cấp khác./.
Xuất khẩu nông lâm thủy sản 9 tháng đạt gần 27 tỷ USD
Xuất khẩu gạo có sự tăng cả về lượng và chất.
Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 9 ước đạt 3,04 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 9 tháng năm 2017 đạt gần 27 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2016. Theo số liệu thống kê, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 14,38 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2016; thuỷ sản ước đạt 5,91 tỷ USD, tăng 18,1%; các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 5,78 tỷ USD, tăng 10,6%.
Về mặt hàng gạo, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 9 ước đạt 466.000 tấn với giá trị 210 triệu USD. Như vậy, khối lượng xuất khẩu gạo 9 tháng ước đạt 4,57 triệu tấn với 2,02 tỷ USD, tăng 20,8% về khối lượng và tăng 18,6% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Giá gạo xuất khẩu bình quân trong 8 tháng đạt 440,3 USD/tấn, giảm 2,1% so với cùng kỳ năm 2016. Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam với 38,8% thị phần.
Xuất khẩu cà phê tháng 9 ước đạt 86.000 tấn với 201 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu cà phê 9 tháng ước đạt 1,11 triệu tấn với 2,54 tỷ USD, giảm 20,7% về khối lượng nhưng tăng 1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Ước tính khối lượng xuất khẩu cao su tháng 9 đạt 174.000 tấn với giá trị đạt 279 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu cao su 9 tháng ước đạt 979.000 tấn với 1,66 tỷ USD, tăng 13,3% về khối lượng và tăng 52,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.
Cũng giống như cao su, xuất khẩu hạt điều cũng có sự tăng trưởng mạnh về giá trị nhờ giá. Giá hạt điều xuất khẩu bình quân 8 tháng đạt gần 9.900 USD/tấn, tăng 26,5% so với cùng kỳ năm 2016. Trong tháng 9, khối lượng hạt điều xuất khẩu ước đạt 32.000 tấn với giá trị 320 triệu USD. Như vậy, khối lượng xuất khẩu hạt điều 9 tháng ước đạt 257.000 tấn với 2,55 tỷ USD, giảm 0,2% về khối lượng nhưng tăng 25% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.
Đến nay, rau quả cũng là mặt hàng có giá trị xuất khẩu tăng khá mạnh. Giá trị xuất khẩu hàng rau quả ước đạt 2,64 tỷ USD, tăng 44,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của hàng rau quả Việt Nam, chiếm khoảng 85% tổng giá trị xuất khẩu hàng rau quả.
Cần trên 42.000 tỷ đồng đầu tư đội tàu lớn khai thác hải sản xa bờ
Cần 42.000 tỷ để phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ.
Tại Hội nghị quy hoạch phát triển khai thác hải sản xa bờ toàn quốc đến năm 2020, định hướng 2030, Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) khẳng định, nghề khai thác xa bờ phấn đấu công nghiệp hóa vào năm 2020, hiện đại hóa vào năm 2030, đến năm 2020 giữ ổn định sản lượng khai thác xa bờ cả nước khoảng 1.620.000 tấn, trong đó sản lượng cá nổi là 1.446.000 tấn, sản lượng cá đáy là 174.000 tấn. Đến năm 2020, tổng số tàu khai thác hải sản xa bờ của cả nước ở mức 32.760 chiếc (công suất trên 90 CV).
Tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển khai thác xa bờ thời kỳ 2018-2030 dự kiến khoảng 42.209 tỷ đồng. Nguồn vốn này được huy động từ nhiều nguồn, ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, vốn của các thành phần kinh tế trong nước, vốn đầu tư và tài trợ từ nước ngoài.
Song song với việc đầu tư phát triển đội tàu cá công suất lớn nhằm phát triển khai thác hải sản xa bờ, Tổng cục Thủy sản nhấn mạnh việc xây dựng chế tài bắt buộc đối với ngư dân khai thác, doanh nghiệp thu mua, doanh nghiệp chế biến sản phẩm thủy sản trong việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm nhằm đảm bảo sản phẩm sạch có chất lượng cao, nguồn gốc rõ ràng.
Đẩy mạnh hợp tác nghề cá với các nước trong khu vực và trên thế giới như Bruney, Indonesia, Đông Timor, Myanmar, Philipin, Malaisia… để đưa tàu cá, thuyền viên Việt Nam đi khai thác hợp pháp tại vùng biển đặc quyền kinh tế của họ, đồng thời để ngăn chặn đánh bắt bất hợp pháp.
Hàng nghìn hecta lúa ở Nam Định bị ảnh hưởng bởi bệnh lùn sọc đen.
Một số chuyên gia BVTV cho rằng: Nguyên nhân khiến dịch bệnh lùn sọc đen phương nam hại lúa bùng phát trên diện rộng trên lúa mùa miền Bắc, ngoài các yếu tố bất thuận của thời tiết, còn có yếu tố chủ quan của con người.
Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Việt Tiến (huyện Trực Ninh, Nam Định) Hoàng Đức Lợi đang đứng ngồi không yên khi nghĩ đến khoản tiền 200 triệu đồng đầu tư 4,5 ha sản xuất hạt giống lúa lai F1 tại xã Trực Cường “bốc hơi” theo dịch bệnh. “Mất trắng rồi! Lúa cấy lên chỉ toàn lá, không trỗ bông được, giờ chỉ gặt cho bò ăn”, ông Lợi nói.
Xã Trực Hùng cũng là một trong những địa phương thiệt hại nặng nề nhất ở huyện Trực Ninh do bệnh lùn sọc đen hại lúa gây nên (khoảng 300 ha nhiễm bệnh). Điều đáng nói, theo phản ánh của người dân, trong thời kỳ 2009 – 2010, khi lần đầu tiên dịch bệnh này bùng phát ở Việt Nam thì Trực Hùng không hề có dịch. Vậy virus gây bệnh từ đâu mà đến, nó tồn tại ở môi trường nào rồi xâm nhập vào con rầy lưng trắng?
Ông Đỗ Hải Điền, PGĐ Sở NN-PTNT Nam Định cho biết, sở đã ký tờ trình đề nghị UBND tỉnh công bố dịch bệnh lùn sọc đen hại lúa.
Văn bản này ghi rõ: “Đến ngày 25/9/2017, toàn tỉnh có 16.662 ha lúa mùa bị nhiễm bện lùn sọc đen. Các huyện có nhiều diện tích nhiễm bệnh nhiều là Giao Thủy (5.100ha), Xuân Trường (2.553ha), Hải Hậu (2.803ha), Trực Ninh (2.200ha)".
Cũng theo ông Điền, riêng tại 4 huyện này, sẽ có trên 4.000 ha lúa mùa bị mất trắng (thiệt hại trên 70% năng suất) và khoảng 8.000 ha thiệt hại 30 – 70% năng suất. Tỷ lệ diện tích lúa mùa nhiễm bệnh lùn sọc đen toàn tỉnh khoảng 23 - 25%. Nguyên nhân bùng phát được Sở NN-PTNT xác định là do thời tiết, sinh thái vụ mùa 2017 thuận lợi cho rầy lưng trắng phát sinh với mật độ rất cao.
Còn theo ghi nhận của Chi cục Trồng trọt – BVTV Thái Bình, diện tích lúa mùa nhiễm lùn sọc đen trên địa bàn toàn tỉnh đến thời điểm hiện tại khoảng gần 18.000ha.Trong đó, nhiễm nặng và mất trắng tập trung vào các huyện Kiến Xương (nhiễm 4.900ha), Tiền Hải (6.327ha), Thái Thụy (5.725ha).
Xã Lê Lợi (Kiến Xương) là địa phương có diện tích lúa mùa mất trắng do bệnh lùn sọc đen gây hại lớn. 210ha trong tổng số 400ha gieo cấy lúa bị nhiễm bệnh lùn sọc đen trong đó, có hơn 50ha bị bệnh nặng không còn khả năng cho thu hoạch. Dù chưa thu hoạch, nhưng “tai ương” đã nhìn thấy rõ.
Nông dân trong xã cho biết, dù xã, thôn tuyên truyền, vận động nhổ bỏ nhưng họ không biết tiêu hủy ở đâu. Đến khi phát hiện ra bệnh lùn sọc đen thì đã muộn vì diện tích lúa bị nhiễm rất lớn, việc xử lý nhổ bỏ, tiêu hủy những khóm lúa bị bệnh nặng là quá khó...
Khánh Nguyên (tổng hợp)
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết, chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Malaysia lần này có ý nghĩa quan trọng khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực an ninh, quốc phòng, hợp tác biển và một số lĩnh vực hợp tác về điện, kinh tế số…
Biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng cực đoan, thiên tai ngày càng phức tạp, gây nhiều thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp. Tại tỉnh Quảng Bình, nông dân đã triển khai nhiều mô hình chuyển đổi trên đất gò đồi, đất kém hiệu quả để thích ứng, giảm nhẹ tác động của các loại hình thiên tai đối với sản xuất nông nghiệp, mang hiệu quả kinh tế cao.