Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 18 tháng 4 năm 2020 | 11:10

Tin ĐBSH: Nhiều khó khăn trong lộ trình giảm giá thịt lợn

Dù Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo, yêu cầu áp dụng các biện pháp giảm giá thịt lợn hơi về dưới 60.000 đồng/kg, song trên thị trường giá thịt lợn hơi vẫn tăng. Để cân đối nguồn cung, quản lý điều tiết thị trường và bình ổn giá.

img4059.jpg
Một quầy thịt lợn ở chợ rồng (thành phố Ninh Bình) phục vụ người tiêu dùng trong mùa dịch covid-19. (Ảnh: Trường Giang)

 

Ninh Bình: Nhiều khó khăn trong lộ trình giảm giá thịt lợn

Qua khảo sát tại một số chợ truyền thống và các trang trại, hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, hiện nay giá lợn hơi vẫn tiếp tục tăng cao, chênh khá xa so với giá Thủ tướng Chính phủ yêu cầu giảm. Chị Nguyễn Thị Hường, tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Mía (thành phố Ninh Bình) cho biết: “Giá lợn hơi mua tại chuồng có giảm nhẹ sau khi Chính phủ yêu cầu nhưng mấy ngày gần đây đã tăng trở lại, giá mua tại hộ nuôi nhỏ lẻ đã tăng lên 89.000 đồng/kg hơi, kéo theo đó là giá thịt lợn thành phẩm tăng theo”. So với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thì giá xuất chuồng tại các trang trại quy mô lớn có hạ nhiệt hơn nhưng vẫn giữ ở mức cao.

Anh Hoàng Văn Điền ở xã Yên Mạc-chủ trang trại chăn nuôi lợn có quy mô hơn 1.000 con lợn thịt cho biết: “Hiện giá xuất chuồng của trang trại đã tăng trên 85.000 đồng/kg thịt hơi và với nguồn lợn khan hiếm chắc chắn giá tiếp tục tăng trong những ngày tới”.

Theo ông Nguyễn Thành Công, Phó trưởng Phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương, nguyên nhân quan trọng và cơ bản nhất khiến giá thịt lợn tiếp tục tăng cao trở lại là do nguồn cung thịt lợn giảm, còn thiếu so với nhu cầu tiêu dùng, chế biến. Mặt khác, hệ thống phân phối thịt lợn nhiều tầng, nhiều lớp, việc tiêu thụ phần lớn phụ thuộc vào khâu trung gian là các chủ lò giết mổ và tiểu thương. Điều này làm cho việc tổ chức lưu thông phân phối thịt lợn trên thị trường gặp nhiều khó khăn và giá thịt lợn bị đội lên.

Bên cạnh đó, thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, trên phạm vi cả nước đã có 15 doanh nghiệp lớn cam kết giảm giá thịt lợn về mức 60.000 đồng/kg. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này chỉ chiếm hơn 40% thị phần trong cả nước, còn lại nguồn cung phụ thuộc hoàn toàn vào các trang trại, gia trại, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Với thị phần như vậy sẽ không đủ tiềm lực để chi phối thị trường và đưa giá thịt lợn về mức mong muốn. Ngoài ra, một nguyên nhân nữa khiến giá thành thịt lợn tăng là do thói quen dùng nhiều thịt lợn trong bữa ăn hàng ngày của người dân Việt Nam.

Về phía ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Nguyễn Tiến Mạnh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Do ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn châu Phi nên nguồn cung thịt lợn sụt giảm mạnh. Từ tháng 3/2019 đến tháng 3/2020, toàn tỉnh ghi nhận 142 xã, phường trên 8 huyện, thành phố có dịch tả lợn châu Phi. Số lợn mắc bệnh và tiêu hủy gần 109.000 con với trọng lượng là 6.345 tấn. Tính đến nay, tổng đàn lợn toàn tỉnh là trên 200.000 con, giảm 30% so với thời điểm trước khi có dịch. Trong khi thị trường khan hiếm nguồn cung thì nhiều trang trại, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ dù có đủ điều kiện nhưng cũng không thể nhanh chóng tái đàn hoặc không dám tái đàn do giá con giống quá cao, chi phí đầu tư lớn và sợ nguy cơ bùng phát dịch có thể trở lại bất cứ lúc nào.

Hiện, các trang trại lớn chỉ đủ con giống duy trì khôi phục lại sản xuất trong hệ thống, không có nguồn con giống bán ra ngoài. Giá lợn giống đã tăng gấp ba, thậm chí gấp bốn lần so với thời điểm trước khi xảy ra dịch tả lợn châu Phi (từ 3-3,5 triệu đồng/con). Ước tính tốc độ tái đàn trên địa bàn tỉnh chỉ đạt 6-7%. Tỷ lệ tái đàn thấp dẫn đến nguồn cung khan hiếm và giá thịt lợn vẫn tăng, chưa có dấu hiệu giảm.

Để kiểm soát thị trường thịt lợn, hướng tới sự phát triển ổn định, bền vững của ngành chăn nuôi cần có sự vào cuộc và phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành chức năng trong triển khai đồng bộ các giải pháp. Ông Nguyễn Thành Công, Phó trưởng Phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương cho biết: Sở Công thương tiếp tục phối hợp với Cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm soát thị trường, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi găm hàng, tăng giá, gây bất ổn thị trường của các cơ sở chăn nuôi. Đồng thời tích cực tuyên truyền để người dân thay đổi dần thói quen ăn uống hàng ngày, có thể thay thịt lợn bằng các sản phẩm từ bò, gà, ngan, vịt, thủy, hải sản... mà vẫn đảm bảo đủ chất dinh dưỡng.

Nguy cơ dịch tả lợn châu Phi bùng phát trở lại vẫn còn do vi rút dịch tả lợn châu Phi có thể tồn tại lâu ở ngoài môi trường và bệnh chưa có thuốc điều trị, chưa có vắc xin phòng bệnh. Tuy nhiên, nếu người chăn nuôi thực hiện tốt các quy trình phòng, chống dịch bệnh, nuôi theo hướng an toàn sinh học thì đây sẽ là cơ hội để phát triển chăn nuôi trở lại và kéo giảm giá thịt lợn trên thị trường.

Hà Nội: Thực hiện các giải pháp bình ổn giá thịt lợn

Sở NN&PTNT Hà Nội vừa có công văn đề nghị các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai giải pháp bình ổn giá thịt lợn, thúc đẩy sản xuất và chế biến nông sản.

 

77187795_2454625594587113_8523472902262095872_n.jpg
Cán bộ thú y kiểm tra chất lượng tại cơ sở giết mổ thịt lợn trước khi cung ứng ra thị trường.

 

Sở NN&PTNT yêu cầu các đơn vị trực thuộc, các huyện, thị xã tập trung chỉ đạo sản xuất, chăn nuôi, tái đàn, chế biến, kinh doanh, bảo đảm không thiếu hụt nguồn cung thịt lợn nhằm bình ổn giá thịt lợn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Sở NN&PTNT đề nghị các địa phương xây dựng kế hoạch tái đàn chăn nuôi theo hướng khép kín, an toàn sinh học, ổn định tổng đàn lợn trên địa bàn thành phố; đẩy mạnh việc tiêu thụ sản phẩm trứng, thịt gia cầm, thủy sản để thay đổi nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân…

Sở NN&PTNT cũng đề nghị 21 tỉnh, thành phố thuộc Ban Điều phối chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho thành phố Hà Nội thúc đẩy sản xuất, chăn nuôi, chế biến, kinh doanh, liên kết sản xuất, tiêu thụ thịt lợn an toàn cho thị trường Hà Nội; giám sát chặt chẽ và hạn chế tối đa việc đầu cơ, tích trữ, thu mua, buôn bán, vận chuyển lợn sống và thịt lợn trái phép, không rõ nguồn gốc xuất xứ về tiêu thụ trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Hà Nam: Triển vọng chuỗi sản xuất, chế biến thủy sản khép kín

Tại cửa hàng nằm trên đường Lê Công Thanh (thành phố Phủ Lý) của HTX thủy sản sông trong ao Hải Đăng, xã Thanh Sơn (Kim Bảng) đang giới thiệu một số sản phẩm được chế biến từ thủy sản nuôi theo mô hình áp dụng công nghệ “sông trong ao”.

 

thuy_san-15_34_58_434.jpg
Thu hoạch cá tại mô hình “sông trong ao” của hộ gia đình anh Hoàng Văn Thường, HTX chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản Bình Thành (Bình Lục). 

 

Đây là những sản phẩm thủy sản nội địa nước ngọt đầu tiên của cơ sở sản xuất được thực hiện theo quy trình khép kín từ sản xuất đến chế biến. Cách làm này giúp nâng cao giá trị thủy sản vốn chủ yếu chỉ bán thô ra thị trường.

Được biết, năm 2019, HTX đã đầu tư xây dựng mô hình nuôi cá theo công nghệ “sông trong ao” với quy mô 1,6 ha mặt nước với 3 bể nuôi. Tại mỗi bể được nuôi từng loại cá, gồm: Rô phi đơn tính đực, trắm cỏ và chép lai. Sản lượng cá thu được tại các bể nuôi luôn đạt khoảng 50 tấn/lứa, khả năng tối đa có thể cho sản lượng lên đến 75 tấn/lứa. Việc nuôi thủy sản theo công nghệ “sông trong ao” giúp HTX quản lý tốt được nguồn con giống, dịch bệnh, thức ăn; nguồn nước luôn được làm sạch, không bị ô nhiễm, nhờ đó, nâng cao chất lượng sản phẩm thủy sản (đạt tiêu chuẩn an toàn).

Vấn đề đặt ra khi đầu tư sản xuất, đó là sản phẩm nuôi theo công nghệ “sông trong ao” bảo đảm chất lượng, nhưng nếu bán ngoài thị trường tự do cho thương lái theo kiểu truyền thống giá sẽ thấp lại bị lẫn với những sản phẩm nuôi bình thường khác. Để khắc phục tình trạng trên, Hội đồng quản trị HTX thủy sản sông trong ao Hải Đăng bàn giải pháp trực tiếp chế biến nguồn nguyên liệu cá tự nuôi. Hiện nay, HTX đã đầu tư khu chế biến riêng, tìm hiểu, nghiên cứu sản xuất sản phẩm từ cá, gồm: ruốc cá, chả cá và cá kho mang nhãn hiệu của HTX. Bình quân mỗi ngày lượng sản phẩm các loại xuất bán khoảng từ 40 – 60 kg, chưa kể làm theo nhu cầu khách đặt hàng.

Anh Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc HTX thủy sản sông trong ao Hải Đăng cho biết: Việc hình thành chuỗi sản xuất, chế biến khép kín của HTX hướng đến nâng cao giá trị sản xuất; đồng thời, cung cấp cho người tiêu dùng sản phẩm thủy sản bảo đảm chất lượng. Hiện, việc chế biến đang trong giai đoạn đầu, HTX sẽ tiếp tục hoàn thiện để nâng cao chất lượng của từng loại sản phẩm, nhất là các sản phẩm mới: chả và ruốc cá. Thời gian tới, HTX đang xây dựng thêm 3 bể nuôi trên diện tích hơn 1 ha. Dự kiến, cuối năm 2020 tổng sản lượng thủy sản của HTX đạt trên 100 tấn các loại.

Để mở rộng khâu chế biến, HTX đang hướng đến liên kết với HTX sản xuất và thương mại Xuyên Việt (Hải Dương), cũng là đơn vị chuyển giao công nghệ “sông trong ao” đầu tư xây dựng nhà máy chế biến thủy sản. Cũng theo anh Hiếu, nhà máy đi vào hoạt động sẽ chế biến được toàn bộ lượng thủy sản của HTX sản xuất ra, đồng thời bao tiêu cho cả những mô hình nuôi cá theo công nghệ “sông trong ao” trên địa bàn tỉnh.

Thực tế, để phục vụ cho chế biến thủy sản, trên địa bàn tỉnh hiện nay có nguồn nguyên liệu khá dồi dào, được kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ và chất lượng từ các mô hình nuôi cá theo công nghệ “sông trong ao”. Hiện, cả tỉnh đang có 7 mô hình hoạt động, với sản lượng hàng nghìn tấn cá các loại. Trong năm 2020, mục tiêu xây dựng thêm 16 mô hình nuôi cá theo công nghệ “sông trong ao”. Do vậy, việc HTX thủy sản sông trong ao Hải Đăng xây dựng chuỗi sản xuất và chế biến thủy sản góp phần mở ra hướng đi mới cho phát triển thủy sản của tỉnh. Tháo gỡ được vấn đề đầu ra cho sản phẩm sẽ là động lực để việc nuôi và khai thác thủy sản của tỉnh phát triển trong thời gian tới./.

Thanh Tâm (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Năm 2025, Hà Nam sẽ có trục đại lộ lễ hội hoành tráng, tôn vinh văn hóa dân tộc do Sun Group đầu tư

    Năm 2025, Hà Nam sẽ có trục đại lộ lễ hội hoành tráng, tôn vinh văn hóa dân tộc do Sun Group đầu tư

    Trên trục đường dài 1,5km, rộng 150m, chạy theo kênh Vua Lê tại đại đô thị nghỉ dưỡng Sun Urban City, không lâu nữa, Sun Group sẽ “gọi dậy” những câu chuyện văn hóa tự hào của vùng đất Hà Nam để “làm đẹp” và gìn giữ những di sản vô giá bằng khát vọng của một thế hệ đương đại: đưa văn hóa dân tộc vào đời sống, để tôn vinh và bảo tồn…

  • Nhà khoa học VinFuture: Giao thông xanh là giải pháp cho ô nhiễm không khí đô thị

    Nhà khoa học VinFuture: Giao thông xanh là giải pháp cho ô nhiễm không khí đô thị

    Thông qua tọa đàm “Ô nhiễm không khí và giao thông: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và thế giới” trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024, sẽ diễn ra ngày 5/12 tới, những phát hiện mới cùng những kinh nghiệm kiểm soát ô nhiễm tại các thành phố lớn được các chuyên gia hàng đầu thế giới chia sẻ hứa hẹn sẽ giúp Việt Nam xây dựng chiến lược hiệu quả hơn trong việc cải thiện chất lượng không khí đô thị.

  • Người mua căn hộ đang thích được sở hữu những gì?

    Người mua căn hộ đang thích được sở hữu những gì?

    Hiện tại, các chủ đầu tư gần như đang vượt qua chính mình khi phải cân bằng giữa các yếu tố đảm bảo hoạt động của doanh nghiệp, sản phẩm phải chinh phục được đối tượng khách hàng là người trẻ.

Top