Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 21 tháng 2 năm 2020 | 18:8

ĐBSH: Văn hóa ứng xử trong cuộc chiến chống Covid-19

Trong “cuộc chiến” phòng chống dịch bệnh Covid-19, dù không tiếng súng nhưng đầy gian nan, vất vả và nguy hiểm này cần lắm những văn hóa ứng xử ở mọi lúc, mọi nơi, đặc biệt là trong cuộc chiến chống Covid-19 này.

Trong khi cả nước đang nỗ lực chung tay phòng, chống Covid-19 với một tinh thần trách nhiệm lớn lao, qua đó, xuất hiện nhiều tấm gương cảm động về những người dân, cán bộ, chiến sĩ, y, bác sỹ… hết lòng vì người bệnh, vì sự an toàn tính mạng và sức khỏe của cộng đồng, thì đâu đó, còn xuất hiện những hành động, lời nói hết sức đáng trách, đi ngược lại mục tiêu cao cả và ý nghĩa nhân văn của “cuộc chiến” không tiếng súng nhưng đầy gian nan, vất vả và nguy hiểm này. Nhẽ ra, hơn lúc nào hết, đây chính là thời điểm để chúng ta thể hiện rõ nét nhất tinh thần yêu nước, yêu dân tộc của mỗi người.

 

1_29.jpg
Phát khẩu trang, nước rửa tay miễn phí cho người dân xã Sơn Lôi (Bình Xuyên). Ảnh: Trà Hương

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, sau một thời gian cả nước cùng căng mình khoanh vùng, dập dịch, phòng, chống Covid-19, một trong những vấn đề nan giải nhất của “cuộc chiến” này chính là sự nhiễu loạn thông tin. Vẫn có những ý kiến trái chiều, thậm chí là sai lệch về bản chất của Covid-19 cũng như những phương pháp xử lý, quy trình điều trị dịch bệnh này, bất chấp những nỗ lực không mệt mỏi của cả hệ thống chính trị và hàng vạn con người đang trực tiếp ngày đêm đứng nơi tuyến đầu phòng, chống “giặc dịch”.

Tại Vĩnh Phúc, nơi được coi là tâm dịch của cả nước, vấn đề trên càng nóng hơn với vô số bình luận, phân tích và cả hành động chưa đúng mực của một số cá nhân. Nó không chỉ làm tổn thương đến tình cảm, ý chí và quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh trong công cuộc phòng, chống Covid-19 mà còn trực tiếp góp phần khiến người dân cả nước hiểu sai, thậm chí đánh giá thấp về những hiệu quả rõ ràng, tích cực mà Vĩnh Phúc đã làm được trong suốt thời gian qua.

Nếu có thể, mọi người hãy đến Vĩnh Phúc để tận mắt chứng kiến sự tận tâm, tận lực với tinh thần trách nhiệm, quyết tâm cao đến mức nào của người Vĩnh Phúc. Từ người lãnh đạo cao nhất của tỉnh chưa hề một ngày vắng mặt ở các vùng trọng điểm dịch, suốt từ khi Vĩnh Phúc phát hiện ca bệnh đầu tiên đến nay; cho tới những y, bác sĩ cả nửa tháng chưa rời khu vực điều trị bệnh nhân, hay anh chiến sĩ dù nhà rất gần khu vực làm nhiệm vụ, nhưng hàng chục ngày trời chưa được gặp vợ con.

Còn nữa, biết bao tấm lòng từ thiện, những nhà hảo tâm tích cực quyên góp, ủng hộ miễn phí hàng nghìn trang thiết bị bảo hộ, vật tư y tế với mong muốn đóng góp công sức nhỏ bé của mình cho đồng loại vượt qua thử thách khắc nghiệt trong cuộc sống mà không đòi hỏi chỉ một chút tri ân.

Càng ngẫm, càng thấy trong lúc nước sôi lửa bỏng như thế, không chìa tay chia sẻ thì thôi, sao còn nỡ quay lưng với đồng bào mình, làm hoang mang dư luận, làm rối thêm những gì đang cần cẩn trọng gỡ ra từng chút một?.

Xin điểm qua vài ví dụ điển hình, không phải để chỉ trích nặng nề, càng không phải để nhận một lời xin lỗi muộn màng. Chỉ mong mỗi người luôn có một tấm lòng biết nhìn nhận khách quan, đúng mực để có những hành xử đúng truyền thống văn hóa của một dân tộc ngàn năm văn hiến.

Đó là ý kiến của một “anh hùng bàn phím” ở một tỉnh miền núi phía Bắc gọi cả tỉnh Vĩnh Phúc là một ổ dịch đầy nguy hiểm, cần phải có hành động quyết liệt để “xóa sổ” ổ dịch này cho yên chuyện. Đó là bình luận của một nhà văn có tên tuổi thông tin chắc nịch rằng ngay sau khi vùng dịch Sơn Lôi (Bình Xuyên) có quyết định cách ly để khoanh vùng, dập dịch; bất chấp một lực lượng hùng hậu bảo vệ, chốt chặn suốt ngày đêm, vẫn có hàng trăm người trốn thoát. Tác giả này còn phân tích, chỉ một người trong số đó nhiễm bệnh mang đi gieo rắc khắp nơi đã nguy hiểm rồi, nếu hàng trăm người cùng như thế thì hậu quả còn khủng khiếp ra sao. Sau đó, tác giả lên án nặng nề trách nhiệm của tỉnh, huyện và các cơ quan chức năng.

Trong khi đó, tất cả những người trong cuộc đều biết rõ như ban ngày, toàn bộ những người “trốn thoát” như nhà văn kia nói, đều đã đi khỏi vùng dịch từ trước khi có quyết định cách ly, vì nhiều nguyên nhân khác nhau như đi làm ăn, thăm người thân, thậm chí là… thụ án tù. Thế nhưng, Vĩnh Phúc và các cơ quan chức năng vẫn cực kỳ cẩn thận khi dùng mọi biện pháp để tìm hiểu, giám sát, yêu cầu những trường hợp này phối hợp thực hiện các quy định phòng, chống dịch bệnh lây lan.

Còn nữa, trong thời gian Vĩnh Phúc nỗ lực vì cả nước, vì sức khỏe và tính mạng của mỗi người dân để nêu cao tinh thần "chống dịch như chống giặc" thì không ít địa phương, cơ quan, đơn vị lại tỏ thái độ kỳ thị người Vĩnh Phúc. Hết chuyện cô bán hàng gốc Vĩnh Phúc bao năm nay kinh doanh tại tỉnh nọ bị phường buôn yêu cầu về quê cho đến một số phương tiện vận tải không nhận chuyên chở người và hàng Vĩnh Phúc. Đau đớn hơn, có trường hợp người Vĩnh Phúc đau ốm, bị tai nạn giao thông khi đưa vào viện cũng bị từ chối điều trị và yêu cầu chuyển viện... Những ý nghĩ thiển cận, việc làm thiếu văn hóa, hiểu sai lệch quan điểm chỉ đạo trong phòng dịch như vậy, đã đi ngược lại truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta “Thương người như thể thương thân”, là “Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”?.

Chúng ta chung tay khoanh vùng, dập dịch, điều trị cho bao nhiêu bệnh nhân qua cơn nguy biến mà không kể hiểm nguy, gian khổ, tốn kém sức người, sức của, không chỉ là hành động nên làm hay phải làm mà còn là nghĩa cử, là truyền thống, là tình người theo văn hóa Việt.

Chúng tôi không muốn gán ghép cho bất kỳ cá nhân nào đó thiếu tính nhân văn, ít tình đồng loại. Bởi có thể đó chỉ là một thoáng cảm xúc bị chi phối mà nảy ra những lời nói, hành động chưa hợp lý, nhất là trong những thời điểm nhạy cảm khi cả nước đang hết mình vì cuộc chiến chống dịch bệnh, cũng như khi Vĩnh Phúc đang hết mình vì cả nước và vì chính mỗi người dân Vĩnh Phúc. Nên chăng, hãy góp một phần công sức, dù nhỏ bé thôi, bằng hành động hay lời nói đều đáng quý, để sẻ chia, làm ấm áp tình người trong những ngày tháng gian nan.

Cần lắm văn hóa ứng xử ở mọi lúc, mọi nơi, đặc biệt là trong cuộc chiến chống Covid-19 này!.

Hà Nội: Mách bố mẹ “chiêu” để kỳ nghỉ Covid-19 của con không nhàm chán

Nghỉ học dài ngày phòng dịch Covid-19 là điều không mong muốn, nhưng bố mẹ hoàn toàn có thể tận dụng thời gian này để dạy con những kỹ năng cần thiết.

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, các địa phương trên cả nước đã đồng loạt cho học sinh nghỉ học dài ngày để phòng tránh. Kỳ nghỉ dịch kéo dài khiến không ít phụ huynh loay hoay không biết cho con làm gì, chơi gì cho đỡ nhàm chán mà vẫn an toàn. Thậm chí, nhiều bố mẹ phải nhờ các thiết bị điện tử trông con.

 

corona10ummz_20200221103958.jpg
Mùa dịch corona, nhiều phụ huynh loay hoay tìm cách gửi con và cả những hoạt động thú vị để kỳ nghỉ dài ngày không nhàm chán, lãng phí. (Ảnh minh họa)

TS. Vũ Thu Hương, chuyên gia tâm lý, giáo dục (ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng, thực tế, các học sinh từ lớp 5 trở lên phải dành phần lớn thời gian cho việc học. Các em bị hạn chế thời gian để phát triển đạo đức, các kỹ năng sống, dẫn đến tình trạng một bộ phận học sinh có những lệch lạc về đạo đức, lối sống. “Có nhiều phong trào mà phụ huynh không để ý, nhưng khi làm về tâm lý, giáo dục chúng tôi vẫn gặp như các cháu chụp ảnh khỏa thân rồi đăng lên mạng. Một bộ phận học sinh không đánh giá nhau bằng sức học, đạo đức mà bằng việc nhà ai giàu hơn. Tỷ lệ nói bậy ở học sinh từ cấp 2 trở lên cũng rất cao. Đây là vấn nạn đã được nói đến nhiều lần. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do phụ huynh thiếu thời gian dành cho con. Việc nghỉ dịch dài ngày chính là thời điểm vàng để bố mẹ có thể gần gũi, trò chuyện, hướng dẫn con những kỹ năng sống, giáo dục đạo đức hoặc rèn luyện cho con những đức tính cần thiết”, TS. Hương nói.

TS. Vũ Thu Hương cho biết, trong những ngày này, bà nhận được không ít câu hỏi của các bậc phụ huynh, nhiều người tỏ ra băng khoăn, không biết cho con sử dụng quỹ thời gian được nghỉ ra sao cho có ích. Chuyên gia giáo dục này cho rằng, bố mẹ có thể hướng dẫn con cách tự chăm sóc bản thân, dọn dẹp nhà cửa gọn gàng, giao cho con những việc nhỏ vừa sức, hoặc cho con tham gia các chiến dịch, chương trình bảo vệ môi trường...

“Bố mẹ cũng nên giáo dục cho con thái độ cần thiết trước dịch bệnh. Thực tế Covid-19 không phải dịch bệnh duy nhất của loài người, do đó bố mẹ cần hướng dẫn cho con cách tự phòng tránh, bảo vệ và chăm sóc bản thân. Không nên khiến con quá sợ hãi, nhưng cũng không được chủ quan”, TS. Hương lưu ý.

Còn theo bà Phan Hồ Điệp, mẹ thần đồng Đỗ Nhật Nam, đồng thời là người có nhiều năm công tác trong ngành giáo dục gợi ý, trong thời gian nghỉ dịch Covid-19, các bậc phụ huynh có thể tham khảo những cách sau để kỳ nghỉ của con thực sự ý nghĩa:

Hướng dẫn con tự làm bữa trưa đơn giản theo những món ăn con thích.

Hướng dẫn con học 5 từ tiếng Anh mỗi ngày theo cùng một chủ đề và cố gắng viết một đoạn văn/câu chuyện có 5 từ đó vào một cuốn sổ tay riêng.

Thăm ông bà, họ hàng và để con cái mình gắn bó với họ. Tình yêu và sự ủng hộ tinh thần của người thân tốt cho trẻ.

Nếu được phép, hãy đưa con tới chỗ làm để các con hiểu bạn đã làm việc vất vả như thế nào khi gánh vác gia đình.

Nhẹ nhàng khuyến khích con gieo một hạt giống, chăm một cây xanh. Biết về cây cối là một phần trong sự trưởng thành của trẻ.

Kể cho các con về tuổi thơ của bạn vì mình tin hầu như bố mẹ nào cũng có những kỉ niệm về việc ở nhà một mình rồi trông em, nấu cơm, đi chợ, leo cây, đuổi bắt… Điều đó khiến con thấy việc ở nhà của mình sao mà “đã” quá.

Khuyến khích con chơi một số trò chơi dân gian trong nhà, ví dụ thả đỉa ba ba, chơi ô ăn quan. Cho con một bức tường trống để tự do vẽ. Nghĩ ra những trò chơi để con có thể vận động trong nhà như đóng giả và đi như các con vật, giữ cho bóng bay không rơi xuống đất...

Mua tặng các con vài cuốn sách truyện và ghi bên ngoài: Kỉ niệm con để đánh dấu những ngày mà nhà mình chính là trường học chẳng hạn. Con sẽ lưu giữ những điều đó rất lâu.

Giúp các con tránh xa TV, điện thoại, thiết bị điện tử, máy tính vì chúng sẽ có cả đời để gắn bó với những thứ này. Cho con khoảng thời gian để học trực tuyến và thực hiện bài tập + 30 phút dùng thiết bị/ mỗi ngày là đủ.

Hãy gợi ý cho con những hoạt động thủ công đơn giản ví dụ, cắt một đĩa giấy, trên đó con chia thành các “miếng” tương ứng với các loại đồ ăn và xem “miếng” nào nên to nhất. Bằng cách này, các con sẽ hiểu về việc nên ăn uống lành mạnh.

“Mỗi ngày, khi trở về nhà, hãy nhìn vào mắt con bạn và cảm ơn vì bạn có chúng - một món quà tuyệt vời. Trong vài năm nữa, các con rồi sẽ lớn vổng lên, những kì nghỉ như thế này sẽ là kỉ niệm thú vị. Và bạn cũng sẽ khám phá ra năng lực của con và của chính bạn nữa, rằng trong hoàn cảnh nào cũng tìm được cách vượt qua. Tôi rất thích câu này: Suy cho cùng, ai cũng tìm được cách tồn tại dưới ánh mặt trời! Tôi tin, chỉ cần biết tổ chức cuộc sống, mọi điều sẽ trở nên tốt đẹp hơn nhiều”, chị Phan Hồ Điệp nhắn nhủ./.

Thanh Hóa: Đề nghị công bố hết dịch Covid-19 tại Thanh Hóa

Ngày 21-2, Sở Y tế có văn bản trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét và đề nghị Bộ Y tế công bố hết dịch Covid-19 tại Thanh Hóa.

 

164d5093519t68324l0.jpg
Thanh Hóa đã thực hiện các biện pháp chống dịch theo quy định.

 

Ngày 24-1-2020, tại Thanh Hóa ghi nhận 1 trường hợp nghi mắc Covid-19. Bệnh nhân là N.T.Tr, 25 tuổi tại xã Định Hòa, huyện Yên Định, có tiền sử đi từ TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc về nước ngày 17-1-22020 và về quê ngày 23-1-2020. Từ 18h00 ngày 23-1-2020, có biểu hiện sốt, ho, khó thở, 13h45 ngày 24-1-2020, bệnh nhân đến bệnh viện đa khoa huyện Yên Định khám bệnh. Tại đây, qua thăm khám, khai thác tiền sử bệnh nhân được chẩn đoán nghi ngờ nhiễm Covid-19, chuyển Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa lấy mẫu xét nghiệm gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cách ly, điều trị.

Kết quả trả lời ngày 30-1-2020 bệnh nhân dương tính với Covid-19. Đến ngày 2-2-2020, bệnh nhân ổn định không còn các triệu chứng sốt, ho, khó thở. Xét nghiệm lại, kết quả âm tính với Covid-19 và được xuất viện vào ngày 3-2-2020.

Ngay khi ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc Covid-19 trên địa bàn tỉnh, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Y tế, các ban, ngành đoàn thể, các địa phương triển khai kịp thời, đồng bộ, quyết liệt và có hiệu quả các giải pháp bao vây dập dịch. Kích hoạt công tác đáp ứng phòng chống dịch trên quy mô toàn tỉnh, tổ chức điều tra, giám sát, cách ly, theo dõi sức khỏe của các trường hợp nghi ngờ tiếp xúc với người mắc Covid-19 và trở về Thanh Hóa từ vùng dịch.

Tính đến ngày 21-2-2020, tại Thanh Hóa không ghi nhận trường hợp mắc mới Covid-19.

Căn cứ Quyết định số 02/2016/QĐ-TTg ngày 28-1-2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định điều kiện công bố dịch, công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm; Quyết định 219/QĐ-BYT ngày 29-1-2020 của Bộ Y tế về việc Bổ sung bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (Covid-19) gây ra vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A theo quy định tại Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007..., Thanh Hóa đã đủ điều kiện: Không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới sau khoảng thời gian nhất định và đáp ứng các điều kiện khác đối với từng bệnh dịch theo quy định của Thủ tướng Chính phủ; đã thực hiện các biện pháp chống dịch theo quy định (thành lập Ban chỉ đạo chống dịch; khai báo, báo cáo dịch; tổ chức cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh; tổ chức cách ly y tế; vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế trong vùng có dịch; các biện pháp bảo vệ cá nhân; các biện pháp chống dịch khác trong thời gian có dịch; kiểm soát ra, vào vùng có dịch đối với bệnh dịch thuộc nhóm A,...). Ngày 21-2, Sở Y tế đã có văn bản trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét và đề nghị Bộ Y tế công bố hết dịch Covid-19 tại Thanh Hóa.

 

Thanh Tâm (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

  • Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Hòa cùng không khí cả nước, chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2024, tri ân sự đóng góp, hy sinh của thầy, cô giáo - những “Người lái đò” thầm lặng, đưa nhiều thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.

  • Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.

Top