Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 13 tháng 5 năm 2021 | 15:54

Tin NN ĐBSH: Gỡ rào cản cho sản xuất nông sản an toàn

Triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn không chỉ giúp nâng cao giá trị nông sản mà còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng - bảo đảm an toàn thực phẩm cho người dân trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hiện nay.

so-che-dong-goi-rau-an-toa.jpg
Sơ chế, đóng gói rau an toàn tại Hợp tác xã Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức, huyện Gia Lâm. Ảnh: Bình Minh

 

Hà Nội: Tháo gỡ bất cập, thúc đẩy phát triển sản xuất nông sản an toàn

Theo Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Kim An (huyện Thanh Oai) Đỗ Hùng Cường, cách đây khoảng 10 năm, Hợp tác xã đã trồng hơn 100ha cam Canh theo hướng an toàn, đạt tiêu chuẩn VietGAP. Tuy nhiên đến nay, diện tích chuyển đổi này đã bị thu hẹp (hiện chỉ còn 20-30ha) do cây trồng lâu năm bị cằn, hỏng và sản phẩm không được giá cao như các năm trước.

Còn ông Nguyễn Hưng Thỉnh ở xã Thọ Lộc (huyện Phúc Thọ) cho biết, khoảng 7-8 năm nay, trang trại của gia đình ông đã nuôi lợn theo hướng VietGAP, nhưng tổng đàn chỉ duy trì ở mức 200 con; muốn mở rộng trang trại, tăng quy mô chăn nuôi thì gặp khó khăn bởi đầu ra sản phẩm thịt lợn an toàn chưa ổn định. Hiện mỗi ngày trang trại chỉ bán được cho các siêu thị, cửa hàng tiện ích 1-2 tạ sản phẩm, còn lại vẫn phải tự tiêu thụ.

Trong khi đó, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Sở NN&PTNT Hà Nội) Ngô Đình Loát nhận định, rất khó nhân rộng các mô hình sản xuất nông sản an toàn bởi sản xuất nông nghiệp của Hà Nội phần lớn quy mô hộ gia đình nên chưa có nhiều vùng sản xuất bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ... Mặt khác, trình độ canh tác, công nghệ chế biến, bảo quản còn nhiều hạn chế và đặc biệt là đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp an toàn còn bấp bênh, người dân vẫn phải tiêu thụ sản phẩm qua thương lái.

Ở điểm nhìn khác, bà Nguyễn Ngọc Lan, Viện Di truyền nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) thông tin, các vấn đề về ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, dịch hại cho cây trồng, vật nuôi đã tác động trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn. Bên cạnh đó, một số chính sách để tạo động lực cho việc đầu tư sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn còn bất cập, thiếu tính khả thi. Như trong Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 5-7-2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nhằm tạo ra nông sản an toàn và nâng cao hiệu quả kinh tế có đề cập đến chính sách hỗ trợ bao bì, nhãn mác, chuyển giao khoa học kỹ thuật nhưng thực tế, rất ít đơn vị tiếp cận được.

Để góp phần nâng cao giá trị nông sản, bảo đảm nguồn thực phẩm sạch cho người dân trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp cũng như tạo điều kiện cho các ngành chức năng kiểm soát nguồn gốc sản phẩm trên thị trường, cần tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp. Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tiền Lệ (xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức) Nguyễn Văn Hào đề xuất, ngành Nông nghiệp cần tiếp tục tham mưu với thành phố có thêm chính sách hỗ trợ cho các hộ nông dân, hợp tác xã về nguồn vốn, khoa học kỹ thuật, liên kết tiêu thụ nông sản; đặc biệt là đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại, tạo điều kiện để doanh nghiệp và hợp tác xã ký kết hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Đồng tình với đề xuất trên, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng cho biết thêm, thời gian tới huyện sẽ tập trung phát triển nông nghiệp sinh thái, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung chuyên canh ứng dụng công nghệ cao theo quy hoạch như: Vùng chăn nuôi tập trung ở các xã Tân Ước, Liên Châu..; vùng trồng cây ăn quả ở các xã Kim An, Cao Viên, Thanh Mai...; vùng trồng rau an toàn ở các xã Kim An, Thanh Cao… Mặt khác, Thanh Oai sẽ hỗ trợ các hợp tác xã, hộ nông dân tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi từ Quỹ Khuyến nông, Quỹ Hỗ trợ nông dân thành phố Hà Nội... Cùng với đó, huyện sẽ mời gọi doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn với các hợp tác xã thông qua việc ký kết hợp đồng.

Trên bình diện chung toàn thành phố, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ nhấn mạnh, cùng với việc tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng, ngành Nông nghiệp sẽ tăng cường vận động người dân tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã, từ đó hình thành các vùng nuôi trồng tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ... Cùng với đó là huy động nguồn lực đầu tư nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất; phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch, đặc biệt là hệ thống kho dự trữ...

Đặc biệt, ngành Nông nghiệp sẽ đẩy mạnh việc chuyển giao khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ… đến nông dân. Đồng thời, tăng cường thông tin thị trường, kết nối doanh nghiệp, hộ gia đình với các sàn giao dịch thương mại điện tử nhằm đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn tới tay người tiêu dùng trong nước và hướng tới xuất khẩu.

Thanh Hóa: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng bền vững

Theo tổng hợp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh đã chuyển đổi được hơn 45.000ha đất trồng lúa, trồng mía, trồng sắn... kém hiệu quả kinh tế sang trồng các loại cây đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng (CĐCCCT), diện tích cây trồng đạt hiệu quả kinh tế cao trên địa bàn tỉnh tăng nhanh. Điển hình như diện tích trồng rau, quả trên địa bàn tỉnh hiện đã phát triển được 50.600ha rau, quả, tăng 12.168ha so với năm 2015; cây ăn quả 21.680ha, tăng 7.208ha so với năm 2016. Tuy nhiên, diện tích cây trồng chuyển đổi được liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp khá khiêm tốn.

178d3202139t64856l0.jpg
Diện tích chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả kinh tế sang sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại xã Xuân Bái (Thọ Xuân). Ảnh: Hương Thơm

 

Hiện, trên địa bàn tỉnh mới thu hút được khoảng 20 doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm rau, quả, với 219 chuỗi cung ứng an toàn và diện tích 8.560 ha, chiếm 17% diện tích sản xuất rau, quả của toàn tỉnh. Còn những diện tích được chuyển đổi sang trồng cây ăn quả hoặc chuyển đổi sang trồng lúa kết hợp với nuôi thủy sản thì gần như chưa thu hút được doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Những năm qua, việc CĐCCCT tại các địa phương đa phần được thực hiện theo nguyên tắc chuyển đổi linh hoạt để khi cần có thể quay lại trồng lúa. Hơn nữa, diện tích sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả kinh tế lại nằm rải rác, nhỏ lẻ, nên chưa tạo được vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn.

Tại huyện Hoằng Hóa, trung bình mỗi năm huyện chuyển đổi được khoảng 350 đến 400 ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. Tuy nhiên, chỉ có diện tích chuyển đổi sang trồng lúa, cá kết hợp được duy trì ổn định theo từng năm; còn lại chỉ được chuyển đổi theo hình thức linh hoạt theo vụ, theo năm. Vì vậy, sau nhiều năm thực hiện CĐCCCT, đến nay huyện vẫn chưa có diện tích chuyển đổi nào xây dựng được vùng sản xuất tập trung.

Tại các huyện miền núi, CĐCCCT gặp nhiều khó khăn hơn, như việc thu hút doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm, hình thành vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, lựa chọn cây trồng... Khảo sát tại một số huyện miền núi, như: Lang Chánh, Ngọc Lặc, Như Thanh... cho thấy, trước khi xây dựng kế hoạch CĐCCCT, các địa phương đều thực hiện rà soát, thống kê những diện tích đất trồng lúa, trồng mía, đất vườn tạp có hiệu quả kinh tế thấp, diện tích không chủ động được nước tưới... Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch, lựa chọn các cây trồng phù hợp để thực hiện chuyển đổi cho từng vùng, từng địa phương.

Để bảo đảm hiệu quả kinh tế, một số địa phương đã mạnh dạn đưa vào gieo trồng những loại cây rau màu đạt hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với nhu cầu của thị trường, như: bí xanh, ngô ngọt, khoai tây... Tuy nhiên, đây là những loại cây yêu cầu người sản xuất có trình độ thâm canh cao, cơ sở hạ tầng cần được đầu tư đồng bộ nhằm bảo đảm việc tưới, tiêu; trong khi đó, trình độ canh tác của người dân tại các huyện miền núi còn hạn chế, cơ sở hạ tầng thiếu và yếu, nhiều diện tích chưa chủ động được nước tưới... nên sản phẩm không đạt được năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế như dự tính. Cụ thể như tại Lang Chánh, sau hơn 5 năm thực hiện CĐCCCT, toàn huyện đã chuyển đổi được 115 ha đất trồng lúa, nhưng chỉ có khoảng 10% trên tổng diện tích được chuyển đổi nói trên là trồng các loại cây rau màu có giá trị kinh tế cao, như bí xanh, ớt... và một số loại cây rau màu khác. Diện tích còn lại được chuyển đổi sang trồng ngô thương phẩm, mía nguyên liệu, dứa... Chính vì vậy, hiệu quả kinh tế sau khi chuyển đổi còn hạn chế. Đến nay, trên địa bàn huyện vẫn chưa thu hút được doanh nghiệp nào đầu tư liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện tại, diện tích trồng lúa, mía kém năng suất có độ dốc cao trên 15 độ ở các địa phương miền núi đa phần được chuyển sang trồng sắn và một số cây lâm nghiệp khác; còn với diện tích trồng lúa, mía trên vùng có độ dốc dưới 15 độ thì chủ yếu được chuyển đổi sang trồng dứa, sắn dây..., diện tích được chuyển đổi sang cây rau màu có giá trị kinh tế cao tại các huyện miền núi hiện chỉ chiếm khoảng hơn 10%. Do đó, hiệu quả kinh tế sau chuyển đổi chỉ tăng khoảng 15 đến 20% so với trước đây. Đối với vấn đề thu hút doanh nghiệp đầu tư liên kết và bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân vẫn khó khăn. Hiện, mới chỉ có một số huyện, như: Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Như Thanh là có một số mô hình CĐCCCT gắn với liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm.

Tìm hiểu về những cái khó khi doanh nghiệp tham gia vào CĐCCCT trên địa bàn tỉnh, chúng tôi được bà Lương Thủy Chung, Giám đốc Công ty CP Nông sản Thọ Chung, thị trấn Thọ Xuân, cho biết: Với tham vọng gây dựng được dự án sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn và sản xuất theo chuỗi, năm 2015, công ty quyết định tìm kiếm cơ hội đầu tư trên địa bàn huyện Thọ Xuân. Quá trình đầu tư, được UBND huyện Thọ Xuân tạo điều kiện và đến nay công ty tham gia tích tụ, tập trung đất đai được 100 ha ở các xã: Xuân Hồng, Thọ Lâm, Xuân Bái, thị trấn Thọ Xuân. Toàn bộ diện tích nói trên được công ty chuyển đổi từ diện tích sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả kinh tế sang trồng cây ăn quả. Tuy nhiên, hiện tại công ty mới đầu tư cơ sở hạ tầng cho 30 ha đất được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâu dài tại thị trấn Thọ Xuân, còn 70 ha nằm ở các xã khác chỉ mới tiến hành trồng cây. Lý do khiến công ty chưa mạnh dạn đầu tư là bởi những diện tích nói trên được công ty tích tụ theo hình thức thuê đất công ích của xã với thời gian ngắn là 5 năm, nếu đầu tư nguồn vốn lớn thì khả năng thu hồi vốn trong thời gian ngắn là gần như không thể. Hơn nữa, do chưa được cấp quyền sử dụng đất, nên công ty không có điều kiện bảo đảm để vay vốn đầu tư sản xuất.

Theo ông Vũ Quang Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, những yếu kém, hạn chế trong CĐCCCT thời gian qua tập trung ở 3 vấn đề chủ yếu: Một là, việc CĐCCCT nhìn chung trên địa bàn tỉnh những năm qua mới cơ bản hoàn thành kế hoạch, mục tiêu về diện tích và nâng cao hiệu quả kinh tế, song tính bền vững còn thiếu và yếu. Việc CĐCCCT hiện vẫn sản xuất chạy theo nhu cầu của thị trường chứ không phải đi trước đón đầu, nên hiệu quả kinh tế chưa thực sự vượt trội. Hai là, việc thu hút doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm trên những diện tích được CĐCCCT còn chiếm tỷ lệ ít trên tổng diện tích đã được chuyển đổi, khiến việc tiêu thụ sản phẩm khó khăn, thiếu tính ổn định, bền vững. Ba là, hầu hết diện tích chuyển đổi chưa gắn với tích tụ, tập trung đất đai, nên chưa hình thành được vùng sản xuất tập trung quy mô lớn.

Bắc Ninh: Hiệu quả từ những cánh đồng liên kết

Liên kết sản xuất với các tổ chức, doanh nghiệp đã khẳng định sự thành công trong việc nâng cao hiệu quả kinh tế cho nông dân Bắc Ninh nhiều năm nay. Với quy trình khoa học, chặt chẽ từ ký kết hợp đồng đến bao tiêu sản phẩm, liên kết sản xuất giúp nông dân ổn định đầu ra cho sản phẩm đem lại hiệu quả kinh tế cao trên cùng một diện tích đất canh tác.

 

khoai-tay.jpg
Nhờ có liên kết trong sản xuất, sản phẩm khoai tây ở Quế Võ ổn định đầu ra.

 
Gia đình chị Nguyễn Thị Hỷ là một trong 50 hộ của thôn Yên Đinh, xã Phù Lương (Quế Võ) tham gia mô hình sản xuất khoai tây năng suất, chất lượng cao liên kết với nhà máy chế biến tiêu thụ tại địa phương chia sẻ: “Những năm trước, gia đình tôi trồng hơn 1 mẫu khoai tây vụ đông, tuy nhiên, giá thu mua khoai tây thương phẩm phụ thuộc nhiều vào thương lái nên thường xuyên rơi vào tình trạng “được mùa, rớt giá”, có năm chỉ khoảng 5.000 đồng/kg. Với giá thu mua như vậy người trồng hầu như không có thu nhập.

Vì vậy, khi mô hình sản xuất khoai tây năng suất, chất lượng cao liên kết với nhà máy chế biến tiêu thụ sản phẩm được triển khai tại địa phương, gia đình tôi mạnh dạn tham gia”. Tham gia mô hình các hộ được hỗ trợ 100% giá giống, 30% phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, được hỗ trợ tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại Tân Nông (Bắc Giang) thực hiện cung ứng giống giống Marabel xác nhận và cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm đầu ra. Khi gặp rủi ro còn có những chính sách hỗ trợ kịp thời để chia sẻ với nông dân.

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Quế Võ: Hiện nay, trên địa bàn huyện hầu như xã nào cũng có những cánh đồng được liên kết sản xuất, quy mô từ vài ha, đến vài chục ha... Dù quy mô khác nhau, song những cánh đồng liên kết sản xuất đều được sản xuất theo hướng tập trung, chuyên canh, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình trồng, chăm sóc, thu hoạch, cũng như thu mua, vận chuyển. Những cánh đồng này đã và đang là thế mạnh góp phần đáng kể nâng giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân toàn huyện năm 2020 lên 130 triệu đồng/ha/năm.

Vụ đông xuân năm 2021, các Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp (HTXDVNN) xã Tam Giang (Yên Phong) mở rộng diện tích trồng khoai tây liên kết sản xuất với các doanh nghiệp lên gần 120 ha. Với hoạt động liên kết này giúp các thành viên ổn định sản xuất, mở rộng diện tích. Sản phẩm của các HTXDVNN làm ra, được các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, giá trị kinh tế nâng cao hơn so với trước kia.

Bà Ngô Thị Luyến, thành viên HTXDVNN thôn Như Nguyệt, phấn khởi: Thực hiện kế hoạch chuyển đổi phương thức sản xuất mới, vụ này gia đình tôi trồng 5 sào khoai tây, có liên kết sản xuất với doanh nghiệp. Năm nay khoai tây được mùa, năng suất ước đạt 8 tạ/sào, với giá bán đã ký hợp đồng 8.000 đồng/kg. Với giá bán theo ký hợp đồng gia đình tôi thu nhập khoảng 4,5 triệu đồng/sào, cao gấp 3-4 lần trồng lúa.

Ông Ngô Văn Đức, Giám đốc HTX thôn Như Nguyệt, xã Tam Giang (Yên Phong) cho biết: “Năm 2020, HTX ký hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với HTX Tấn Phát diện tích 120 ha khoai tây vụ đông- xuân. Đây là vụ được HTX mạnh dạn mở rộng diện tích trồng khoai tây vụ đông- xuân, hiệu quả kinh tế mang lại khá cao. Năng suất bình quân toàn HTX ước đạt 7.5-8 tạ/sào. Với hiệu quả khá tốt, trồng cây khoai tây vụ đông- xuân trên đất trồng lúa 2 vụ, vừa không để lãng phí đất, vừa cải tạo đồng ruộng. Thời gian tới, HTX tiếp tục vận động, khuyến khích bà con nông dân mở rộng sản xuất trồng cây khoai tây hàng hóa trên đất màu. Đồng thời chủ động liên hệ với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, xây dựng mối liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, giúp thành viên HTXDVNN xã Tam Giang yên tâm mở rộng sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập và phát triển kinh tế của địa phương”.

Để khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư thực hiện liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm nông nghiệp, tỉnh đã ban hành và thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ như: vốn, mặt bằng sản xuất, giá vật tư... Đây là động lực để các doanh nghiệp, HTX và bà con nông dân tiếp tục nhân rộng những cánh đồng liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm nông nghiệp.

 

Thanh Tâm (t/h)
Ý kiến bạn đọc
Top