Ngành Nông nghiệp và các địa phương triển khai nhiều giải pháp “hiến kế” nhằm khắc phục khó khăn, đảm bảo nguồn cung nông sản đáp ứng nhu cầu thị trường, đảm bảo nguồn thực phẩm dịp Tết.
Ninh Bình: Hiến kế đảm bảo kế hoạch sản xuất vụ đông
Vụ đông năm 2020, toàn tỉnh Ninh Bình đặt mục tiêu gieo trồng khoảng 8.000ha cây rau màu các loại, giá trị phấn đấu đạt trên 800 tỷ đồng.
Tuy nhiên, những diễn biến thất thường của thời tiết, việc thiếu hụt nguồn lao động, thị trường tiêu thụ không ổn định… đang đe dọa đến mục tiêu trên. Ngành Nông nghiệp và các địa phương triển khai nhiều giải pháp “hiến kế” nhằm khắc phục khó khăn, đảm bảo diện tích theo kế hoạch.
Ông Đoàn Văn Quốc, Chủ tịch HĐQT HTX Đông Mai, xã Khánh Hải cho biết: Sau trận lụt vừa qua, toàn xã chỉ còn giữ lại được 25 ha bí xanh. Những diện tích còn lại, chúng tôi vận động bà con chủ động chuyển sang trồng các cây rau màu ngắn ngày khác như: cà chua, ngô nếp, rau dưa các loại… Mục tiêu không để trống ruộng vì dự báo năm nay sản phẩm vụ đông sẽ tiêu thụ thuận lợi.
Tại thị trấn Yên Ninh (huyện Yên Khánh), hơn 70% diện tích cây vụ đông cũng đã bị ảnh hưởng bởi đợt mưa úng hồi đầu vụ. Tuy nhiên thời điểm này, trên khắp các cánh đồng, màu xanh đã trở lại, nông dân hăng hái thi đua lao động sản xuất bởi với họ vụ đông là vụ cho thu nhập chính nên dù khó khăn đến mấy cũng phải khắc phục.
Chị Lê Thị Hoa, cán bộ khuyến nông thị trấn Yên Ninh cho biết: Làm vụ đông càng ngày càng bấp bênh nên nảy sinh tâm lý e ngại trong nhân dân. Đặc biệt, những năm gần đây, tốc độ phát triển công nghiệp mạnh mẽ đã thu hút một lượng lớn lao động vào các khu, cụm công nghiệp, dẫn đến thiếu lao động trong nông nghiệp. Để duy trì diện tích sản xuất, địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất sớm, cụ thể sát với điều kiện tình hình thực tế.
Riêng đối với cây rau và cây lấy quả, các loại phải dựa trên cơ sở đất đai, nhu cầu thị trường và kinh nghiệm canh tác để lựa chọn cho phù hợp. "Nhìn chợ để trồng cây", nghĩa là mặt hàng gì ở chợ còn thiếu, hoặc ít thì bà con sẽ trồng để bán.
Chú trọng các loại rau cao cấp để tăng hiệu quả kinh tế, trồng làm nhiều lứa. Tính đến thời điểm hiện tại, thị trấn đã cơ bản hoàn thành kế hoạch sản xuất vụ đông với tổng diện tích đã gieo trồng khoảng 265 ha, trong đó chủ đạo là bí xanh, bí đỏ, khoai lang, cà chua, rau các loại … Đặc biệt, nhiều diện tích vụ đông của bà con đã cho thu hoạch rất khả quan.
Theo tổng hợp từ Sở Nông nghiệp & PTNT, đến ngày 18/11, toàn tỉnh gieo trồng được khoảng 6.000ha cây vụ đông, trong đó ngô là gần 1.500ha, lạc hơn 200ha, khoai lang 432ha, bí xanh 290ha, trạch tả 50ha, rau đậu các loại gần 3.500ha…
Để bảo đảm tiến độ, diện tích gieo trồng cây màu vụ đông đạt theo kế hoạch đề ra, ngành Nông nghiệp đang phối hợp với UBND các huyện, thành phố tiếp tục chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tranh thủ thời tiết thuận lợi, huy động mọi nguồn lực gieo trồng cây màu vụ đông ưa lạnh.
Ưu tiên trồng các loại cây rau đậu, cây truyền thống có giá trị kinh tế cao và có thị trường tiêu thụ như bí xanh, bí đỏ, hành, su hào, súp lơ… trồng lệch vụ, rải vụ nhằm tiêu thụ thuận lợi, cho hiệu quả kinh tế cao.
Tận dụng mọi chân đất như: ngoài đồng, trong khu dân cư, trong vùng chuyển đổi để trồng cây màu vụ đông. áp dụng biện pháp làm bầu, làm đất tối thiểu đảm bảo khung thời vụ tốt nhất cho từng loại cây trồng; áp dụng màng phủ nilon giữ ẩm cho đất và hạn chế sâu bệnh...
Các HTX nông nghiệp chủ động cung ứng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và tổ chức việc liên kết, tiêu thụ sản phẩm giúp nông dân yên tâm phát triển sản xuất.
Hà Nội: Giải pháp nào quản lý nông sản tận gốc?
Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp để quản lý chất lượng nông sản. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên công tác này gặp phải không ít khó khăn. Để nâng cao hiệu quả truy xuất nguồn gốc nông sản, rất cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cơ quan chức năng trong việc quản lý từ gốc chất lượng nông sản, tạo niềm tin cho người tiêu dùng Thủ đô.
Chất lượng sản phẩm nông nghiệp luôn thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng trong nước và là yếu tố hàng đầu để nông sản của Thủ đô nói riêng, của nước ta nói chung tiếp cận các thị trường quốc tế. Những năm gần đây, việc quản lý nguồn gốc nông sản được đặc biệt chú trọng.
Cụ thể, từ năm 2018, ngành Nông nghiệp Thủ đô triển khai xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản (địa chỉ http://www.hn.check.net.vn). Đến thời điểm này, đã cấp 8.589 bộ mã truy xuất nguồn gốc (QRcode) cho các nông sản đáp ứng tiêu chí về an toàn thực phẩm, tăng 80% so với năm 2018.
Theo Giám đốc Hợp tác xã Rau hữu cơ Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn) Hoàng Thị Hậu, nhờ có tem truy xuất nguồn gốc nên hợp tác xã đã tạo dựng được uy tín với khách hàng, tăng được lượng rau bán ra thị trường (mỗi năm khoảng 800 tấn rau, củ, quả các loại). Hiện, gia vị và bí xanh của hợp tác xã đã được xuất khẩu sang Pháp, Đức…
Cũng về vấn đề này, Giám đốc Hợp tác xã Bưởi Núi Bé (huyện Chương Mỹ) Phùng Văn Hà cho biết, cùng với quản lý chặt chẽ việc trồng bưởi theo hướng VietGAP, tất cả sản phẩm bưởi Núi Bé đều được dán tem truy xuất nguồn gốc, nhận diện sản phẩm, tạo ra sự khác biệt với bưởi Diễn trồng ở các nơi khác. Sản phẩm bưởi Diễn mang thương hiệu Núi Bé đã được tiêu thụ tại hệ thống siêu thị Fivimart và các cửa hàng thực phẩm sạch tại Hà Nội, mang lại doanh thu 500-600 triệu đồng/ha/năm.
Hiệu quả từ minh bạch thông tin sản phẩm là rất rõ ràng. Tuy nhiên, trên thực tế, việc quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc nông sản vẫn gặp không ít khó khăn, bất cập. Nguyên nhân hàng đầu là do chi phí sản xuất tem truy xuất nguồn gốc tương đối lớn, ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm, nên nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã chưa mặn mà. Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất - Kinh doanh sản phẩm nông nghiệp Phúc Thọ (huyện Phúc Thọ) Nguyễn Hưng Thỉnh chia sẻ, việc dán tem truy xuất nguồn gốc khiến chi phí sản xuất của hợp tác xã tăng 10-15%, nhưng lượng tiêu thụ tăng chưa tương ứng nên chưa đủ bù đắp.
Thực tế cho thấy, việc dán tem truy xuất nguồn gốc không chỉ nâng cao giá trị, khẳng định thương hiệu cho sản phẩm, mà còn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hiện đại và hội nhập kinh tế. Tuy nhiên, để quản lý chất lượng sản phẩm từ gốc, theo Giám đốc Trung tâm Hội nhập và Phát triển (Sở NN&PTNT Hà Nội) Phạm Thị Lý, ngành Nông nghiệp Thủ đô cần sớm hoàn thiện số hóa thông tin về các vùng chuyên canh, tạo thuận lợi cho việc truy xuất nguồn gốc. Mặt khác, các cơ quan chức năng cần quản lý chặt chẽ hơn nữa việc đăng ký, sử dụng mã QRcode, không để hàng giả, hàng kém chất lượng trà trộn.
Ở góc độ người sản xuất, Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi và Dịch vụ Đồng Tâm (huyện Quốc Oai) Nguyễn Đình Tường đề xuất, ngành Nông nghiệp Thủ đô tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý tem truy xuất nguồn gốc nhằm đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp, hợp tác xã…
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý từ gốc chất lượng nông sản, thời gian tới, cùng với việc thúc đẩy liên kết vùng, tổ chức sản xuất theo chuỗi quy mô lớn, sản xuất công nghệ cao, phát triển chuỗi sản xuất có chứng nhận GAP, GMP, HACCP…, ngành Nông nghiệp Thủ đô sẽ tăng cường hỗ trợ, tập huấn, hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, cung ứng nông sản tham gia hệ thống truy xuất nguồn gốc; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý lịch sử, quy trình sản xuất; tạo cơ chế, chính sách, hỗ trợ tối đa các đơn vị, cá nhân sử dụng QRcode… Trước mắt, từ nay đến hết năm 2020, cấp thêm khoảng 1.400 bộ QRcode cho các sản phẩm đủ điều kiện.
"Ngành Nông nghiệp Thủ đô cũng sẽ tăng cường phối hợp với các sở, ngành, địa phương quản lý chặt chẽ việc cấp mã, sử dụng QRcode… để thiết lập môi trường kinh doanh lành mạnh, tạo niềm tin với người tiêu dùng Thủ đô", ông Tạ Văn Tường cho biết.
Vĩnh Phúc: Bảo đảm cung ứng nguồn thực phẩm dịp cuối năm
Trước tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm (GSGC) đang diễn biến phức tạp, cùng với việc tích cực tái đàn, thời điểm này, nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã và đang triển khai nhiều biện pháp chăm sóc, bảo vệ, đảm bảo ổn định nguồn cung thực phẩm dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
Do ảnh hưởng thời tiết và tình hình dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) vẫn đang diễn biến phức tạp, giá thịt lợn trên thị trường những ngày qua liên tục có sự biến động.
Từ cuối năm 2019 đến nay, giá lợn thương phẩm luôn ở mức cao, có thời điểm giá lợn hơi giữ mức kỷ lục khi lên tới hơn 100 nghìn đồng/kg.
Với việc kiểm soát DTLCP, tích cực tái đàn của các hộ chăn nuôi cùng lượng thịt lợn nhập khẩu tăng mạnh, 2 tháng gần đây, giá lợn hơi trên địa bàn tỉnh đã giảm mạnh, hiện còn từ 64 - 65 nghìn đồng/kg, song, mức giá này vẫn giúp người chăn nuôi có lãi.
Anh Mai Văn Hoàng, chủ trang trại tổng hợp tại xã Phú Đa, huyện Vĩnh Tường cho biết: Hiện nay, trang trại của anh đang nuôi hơn 250 con lợn thịt và cá các loại trên diện tích 5 ha. Trước tình hình DTLCP vẫn đang diễn biến phức tạp, các hộ chăn nuôi như gia đình anh luôn chú trọng công tác phòng dịch như rắc vôi bột, phun thuốc khử trùng tại lối ra, vào khu vực cửa chuồng trại; đồng thời, tăng cường chế độ dinh dưỡng, tăng sức đề kháng, đảm bảo an toàn cho đàn lợn, kịp xuất bán dịp cận Tết Nguyên đán 2021.
Bên cạnh việc tái đàn và chăm sóc đàn lợn, từ cách đây 1 tháng, các hộ, chủ trang trại nuôi gia cầm ở hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng bắt đầu tái đàn để kịp xuất bán dịp cuối năm, cận Tết.
Hiện, giá cả các loại thịt gia cầm và trứng từ gia cầm đã tăng lên, phần nào khích lệ người chăn nuôi tích cực tái đàn.
"So với thời điểm cách đây 3 - 4 tháng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều nhà hàng, quán ăn đóng cửa, các chương trình, hội nghị, đám cưới dừng hoặc tạm hoãn, hiện nay, giá gà ta lai xuất bán đã "nhích hơn" ở mức 43 nghìn đồng/kg; giá trứng cũng tăng lên ở mức 14 nghìn đồng/chục quả.
Hiện, đàn gà ta lai của gia đình có 3.000 con, trong đó, đang chuẩn bị xuất bán 1.000 con. Nhằm cung ứng cho thị trường trước và trong Tết Nguyên đán, cách đây 1 tháng, gia đình đã vào thêm 1.500 con.
Thời tiết giao mùa, gà dễ mắc các bệnh như: Tụ huyết trùng, hen suyễn, tiêu chảy..., bởi vậy, tùy theo tình hình thời tiết, gia đình chủ động các biện pháp gia cố, bố trí chuồng nuôi, chăm sóc nuôi dưỡng hợp lý".
Trong năm 2020, ngành Nông nghiệp đã phối hợp với các địa phương hướng dẫn người chăn nuôi tái đàn sau dịp Tết Nguyên đán với số lượng đầu con hợp lý, kết hợp thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật tổng hợp về an toàn sinh học trong chăn nuôi lợn để phòng, chống bệnh DTLCP.
Tái đàn phù hợp, duy trì mức độ chăn nuôi hợp lý; hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật về chọn giống, chăm sóc, nuôi dưỡng, phòng bệnh để giúp chăn nuôi gia cầm phát triển ổn định với số lượng phù hợp, tránh tình trạng "cung vượt quá cầu".
Các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất tiếp tục được thực hiện; cơ giới hóa được đẩy mạnh áp dụng vào sản xuất; nhờ đó, ngành nông nghiệp vẫn có mức tăng trưởng khá.
Tuy nhiên, hiện nay, trên cả nước vẫn có 29 tỉnh, thành phố có bệnh DTLCP chưa qua 21 ngày, trong đó có một số địa phương lân cận tỉnh như: Hà Nội, Tuyên Quang, dịch cúm gia cầm có nguy cơ bùng phát.
Trên địa bàn tỉnh, bệnh DTLCP cũng đã xảy ra lẻ tẻ tại một số hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn 2 huyện Vĩnh Tường và Yên Lạc.
Ông Nguyễn Hiệp Khôi, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Để chủ động phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho đàn GSGC, Sở NN&PTNT đã thành lập các tổ công tác kiểm tra phòng, chống dịch bệnh động vật; có văn bản đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo cơ quan chuyên môn hướng dẫn các hộ chăn nuôi lợn thực hiện các biện pháp kỹ thuật phòng, chống bệnh.
Tuy nhiên, quan trọng hơn cả, các hộ chăn nuôi cần tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, tái đàn hợp lý, chủ động theo dõi diễn biến của thời tiết để chăm sóc, phát hiện sớm những biểu hiện bất thường trên đàn vật nuôi; góp phần đảm bảo ổn định nguồn cung thực phẩm cho thị trường và đạt hiệu quả kinh tế cao trong chăn nuôi.
Ngành công nghiệp và kỹ thuật số đang phát triển mạnh mẽ, được hỗ trợ bởi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), các dự án hạ tầng quy mô lớn và môi trường pháp lý thuận lợi. Sự chuyển đổi sang hướng sản xuất giá trị gia tăng cao, cùng với khả năng logistics và trung tâm dữ liệu mở rộng, đang nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nuôi dưỡng sắc đẹp không nhất thiết phải áp dụng những phương pháp cầu kỳ, tốn kém nhiều thời gian và chi phí. Bổ sung dưỡng chất từ sữa đậu nành tiện lợi là phương pháp làm đẹp được nhiều phụ nữ hiện đại lựa chọn, không chỉ giúp đơn giản hóa quá trình chăm sóc sắc đẹp mà còn xây dựng nền tảng sức khỏe vững chắc.
Trên trục đường dài 1,5km, rộng 150m, chạy theo kênh Vua Lê tại đại đô thị nghỉ dưỡng Sun Urban City, không lâu nữa, Sun Group sẽ “gọi dậy” những câu chuyện văn hóa tự hào của vùng đất Hà Nam để “làm đẹp” và gìn giữ những di sản vô giá bằng khát vọng của một thế hệ đương đại: đưa văn hóa dân tộc vào đời sống, để tôn vinh và bảo tồn…
Thông qua tọa đàm “Ô nhiễm không khí và giao thông: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và thế giới” trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024, sẽ diễn ra ngày 5/12 tới, những phát hiện mới cùng những kinh nghiệm kiểm soát ô nhiễm tại các thành phố lớn được các chuyên gia hàng đầu thế giới chia sẻ hứa hẹn sẽ giúp Việt Nam xây dựng chiến lược hiệu quả hơn trong việc cải thiện chất lượng không khí đô thị.