Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 7 tháng 8 năm 2020 | 16:46

Tin NN ĐBSH: Tự tin đưa quả nhãn tươi đến các thị trường cao cấp

Hiện nhãn đang bắt đầu vào vụ thu hoạch, các mẫu kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đều đạt yêu cầu các thị trường khó tính. Khoảng 250 tấn nhãn Hải Dương đã sẵn sàng lên đường "xuất ngoại."

x2600_nhan-xk-094501_135jpgqrt20200805092638pagespeedicillo4bdocr.jpg
Thu hoạch nhãn tại Hải Dương.

 

Sau vải thiều, năm 2020, lần đầu tiên Hải Dương tự tin đưa quả nhãn tươi tiếp cận các thị trường cao cấp như: châu Âu, Australia và Singapore.

Hiện nhãn đang bắt đầu vào vụ thu hoạch, các mẫu kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đều đạt yêu cầu các thị trường khó tính. Khoảng 250 tấn nhãn Hải Dương đã sẵn sàng lên đường "xuất ngoại."

Thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương hiện có 673ha nhãn, tập trung ở các xã, phường: Hoàng Tân, Hoàng Tiến, Lê Lợi và Hoàng Hoa Thám.

Ông Nguyễn Văn Hà, Phó Trưởng Phòng Kinh tế thành phố Chí Linh, cho biết nhiều năm nay, diện tích nhãn Chí Linh duy trì ổn định, tuy nhiên giá bán bấp bênh, phụ thuộc vào thương lái.

Năm 2020, thành phố đã chọn lọc một số vườn, lập danh sách gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đăng ký tham gia vùng sản xuất nhãn theo tiêu chuẩn quốc tế phục vụ xuất khẩu.

Cơ quan chuyên môn đã khảo sát, đánh giá và cấp 4 mã số vùng trồng, tương ứng với 43ha.

Chi cục Bảo vệ thực vật Hải Dương đã hỗ trợ tập huấn cho nông dân cách chăm sóc nhãn, phun thuốc bảo vệ thực vật và giám sát việc phun thuốc.

Đến nay, doanh nghiệp đã thu mua được khoảng 20 tấn để chuẩn bị xuất khẩu.

Ông Nguyễn Văn Viễn, khu dân cư Tân Tiến, phường Hoàng Tiến, thành phố Chí Linh là một trong 60 hộ nông dân của Chí Linh có vườn nhãn được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu đi Australia.

Gia đình ông có khoảng 3ha nhãn Miền Thiết. Năm nay nhãn được mùa, năng suất nhãn của gia đình ông ước đạt 3 tấn/ha.

Đến thời điểm này, doanh nghiệp đã thu mua được 18 tấn nhãn của gia đình với giá 15.000 đồng/kg, cao gấp đôi so với giá nhãn trên thị trường.

Khác với những năm trước, vụ nhãn năm nay, quá trình chăm sóc nhãn của ông Viễn cũng như các hộ trong vùng quy hoạch nhãn xuất khẩu được cán bộ kỹ thuật giám sát chặt chẽ, đúng quy trình.

Đặc biệt, thời gian cách ly thuốc bảo vệ thực vật do cơ quan chuyên môn khuyến cáo từ 17-25 ngày trước khi thu hoạch.

“Trồng nhãn đến nay đã 14 năm nhưng năm nay là năm đầu tiên có doanh nghiệp về thu mua với giá ổn định từ đầu đến cuối vụ. Nếu những năm tiếp theo vẫn tiếp tục được như thế này, bà con nông dân rất mừng và yên tâm, chỉ tập trung vào sản xuất đúng theo hướng dẫn để đảm bảo các yêu cầu về chất lượng xuất khẩu,” ông Viễn cho biết.

Toàn tỉnh Hải Dương có khoảng 2.100ha nhãn, sản lượng dự kiến năm 2020 đạt trên 10.000 tấn.

Thực hiện Kế hoạch 1010/KH-UBND của Ủy ban Nhân dân tỉnh về việc mở rộng sản xuất vải, nhãn theo tiêu chuẩn quốc tế và hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại tiêu thụ nông sản năm 2020, năm nay, Hải Dương có hơn 50ha nhãn sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế; trong đó, có 4 vùng được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu đi Australia.

Ước tính, năm nay Hải Dương sẽ có khoảng 250 tấn nhãn đủ tiêu chuẩn xuất khẩu đi các thị trường khó tính.

Theo bà Lương Thị Kiểm, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương, các hộ nông dân tham gia cơ bản chấp hành hướng dẫn về chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh.

Các mẫu phân tích được Chi cục lấy kiểm tra trong tháng 7/2020 đều đã đáp ứng tiêu chuẩn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật dưới ngưỡng cho phép của thị trường nhập khẩu.

Song song với việc hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ nông dân, Chi cục Bảo vệ thực vật Hải Dương đã kết nối các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, trái cây đến với vùng nguyên liệu. Nhãn dự kiến thu hoạch đến 20/8.

Hiện Công ty trách nhiệm hữu hạn Sản xuất và Thương mại Dịch vụ Rồng Đỏ (Thành phố Hồ Chí Minh) đang thu mua 3-8 tấn nhãn/ngày để chuẩn bị xuất khẩu sang Singapore, châu Âu và Australia theo đường biển.

Hưng Yên: Bảo vệ diện tích nhãn thời kỳ thu hoạch trước diễn biến của mưa bão

Do ảnh hưởng của bão số 2, trên địa bàn thành phố Hưng Yên có mưa vừa, mưa to kèm theo gió. Do làm tốt công tác tiêu thoát nước nên trên địa bàn thành phố không xảy ra tình trạng úng ngập khu dân cư cũng như các khu vực canh tác nông nghiệp. Tuy nhiên, do nhiều diện tích nhãn của thành phố đang vào thời kỳ thu hoạch chính vụ nên cũng gây ra những thiệt hại cho người trồng nhãn.

 

bao2result_202008041638291.jpgCác chủ vườn kiểm tra chất lượng quả nhãn sau mưa bão.

  

Vườn nhãn Khánh Lâm của gia đình anh Đỗ Kỳ Nam, thôn Phương Thượng, xã Phương Chiểu (thành phố Hưng Yên) có gần 4 ha nhãn với sản lượng thu hoạch ước trên 60 tấn. Khi thông tin về cơn bão số 2 có thể ảnh hưởng tới tỉnh gây ra mưa lớn, anh không khỏi lo lắng vì quả nhãn lúc này đang “vào nước” nên vỏ mỏng, nhiều nước dễ bị nứt, rụng. Tuy nhiên, những ngày qua lượng mưa vừa phải, gió không quá lớn nên vườn nhãn của gia đình anh vẫn an toàn.

Anh Nam chia sẻ: “Trận mưa đợt này được ví như trận mưa “vàng” cung cấp nguồn nước quý báu nuôi dưỡng cây trồng sau nhiều ngày nắng nóng. Tuy nhiên, do trái nhãn đang vào độ chín nên mưa xuống kèm theo nấm bệnh phát triển sẽ khiến trái nhãn nứt, thối và rụng quả. Tại vườn của gia đình tôi, tỷ lệ nhãn bị nứt, thối, rụng quả ước chỉ khoảng 2% nhưng đối với các vườn nhãn chưa được chăm sóc tốt, tỷ lệ này sẽ cao hơn”.

Xã Hồng Nam (thành phố Hưng Yên) là địa phương chủ lực về cây nhãn của thành phố Hưng Yên. Sau mưa, người dân xã Hồng Nam khẩn trương thực hiện các biện pháp dọn vườn, bảo đảm phòng, trừ các loại bệnh có thể phát sinh trong điều kiện mưa ẩm, đồng thời tạo điều kiện để tiêu thoát nước hiệu quả.

Đồng chí Vũ Duy Hân, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã  Hồng Nam cho biết: “Với sự chủ động thực hiện các biện pháp tiêu úng nên trên địa bàn xã không xảy ra úng ngập. Sau mưa, các diện tích nhãn đều được rút hết nước trên vườn tạo thuận lợi cho người dân thực hiện các biện pháp chăm sóc, thu hoạch nhãn. Trước mắt, mưa bão chưa gây ảnh hưởng lớn tới cây nhãn nhưng hiện tượng nứt, rụng quả cũng đã xuất hiện với tỷ lệ nhỏ. Dự báo sau mưa, thời tiết âm u sẽ tạo điều kiện cho nấm bệnh phát triển trên quả nhãn trong khi nhãn đang trong thời kỳ thu hoạch không thể thực hiện phun thuốc phòng trừ. Do vậy, xã khuyến cáo người dân tập trung phát quang, vệ sinh vườn để tạo độ thông thoáng nhằm hạn chế nấm, bệnh phát triển gây hại”.

Thời kỳ này, cây nhãn khá mẫn cảm với các điều kiện của thời tiết. Do vậy, chủ động, tích cực phòng, chống úng ngập cho nhãn được thành phố Hưng Yên quan tâm đặc biệt. Trước ảnh hưởng của cơn bão số 2, thành phố đã huy động nguồn lực khơi thông dòng chảy, đầu tư kết nối lưu thông hệ thống thoát nước. Khi diễn ra mưa lớn, lãnh đạo UBND thành phố Hưng Yên và các đơn vị chức năng của thành phố cùng chính quyền các phường, xã đã đi kiểm tra, khảo sát tình hình nhằm chỉ đạo, tổ chức thực hiện kịp thời các biện pháp tiêu úng.

Đồng chí Doãn Quốc Hoàn, quyền Chủ tịch UBND thành phố Hưng Yên cho biết: “Nhãn là cây trồng chủ lực của thành phố lại đang vào thời kỳ cho thu hoạch chính vụ. Do vậy, bảo vệ cây nhãn trước các diễn biến bất lợi của thời tiết, đặc biệt là mưa úng được thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện. Trước đó, thành phố đã đầu tư xây dựng một số công trình phục vụ tiêu úng vùng nhãn và trận mưa vừa rồi cho thấy hiệu quả bước đầu công tác tiêu úng của thành phố.

Theo dự báo, trong thời gian tới tình hình mưa bão còn có thể diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tới cây nhãn đang giai đoạn thu hoạch. Đồng chí Bùi Tuấn Anh, Trưởng phòng Kinh tế thành phố Hưng Yên cho biết: “Trước tình hình mưa lớn có thể tiếp tục xảy ra trên địa bàn, để bảo vệ thành quả lao động, ngành chuyên môn khuyến cáo, hướng dẫn người dân chủ động khơi sâu rãnh thoát nước trong vườn, trục vớt, làm thông thoáng dòng chảy, thực hiện cắt, tỉa các cây, cành nhãn bị gẫy, đổ, chết. Những cây, cành sai quả cần chằng chống, kê cành để tránh đổ, gẫy hoặc ngập nước…

Hà Nội: Đặc sản OCOP - ''sứ giả'' văn hóa vùng miền

Bưởi Phúc Thọ, gà Mía, kẹo lạc, kẹo dồi xã Đường Lâm (Sơn Tây), gạo Khu Cháy (Ứng Hòa)... là những sản vật đặc trưng của mỗi địa phương đang được khai thác trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Qua đó, vừa giúp sản phẩm tăng giá trị kinh tế, vừa giúp quảng bá nét văn hóa địa phương…

dac-san-keo-lac-cua-xa-duon.jpg
Đặc sản kẹo lạc của xã Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) tham gia OCOP. Ảnh: Mạnh Dũng

 

Thị xã Sơn Tây có nhiều đặc sản có lợi thế khi tham gia Chương trình OCOP. Năm 2019, thị xã có 5 sản phẩm được công nhận OCOP hạng 3 sao, trong đó có nhiều sản phẩm đặc sản của địa phương.

Ông Kiều Văn Quý, chủ cơ sở sản xuất kẹo dồi, kẹo lạc Quý Thảo (xã Đường Lâm) cho biết: "Kẹo dồi, kẹo lạc là đặc sản của người Đường Lâm. Ở quê tôi, hầu như gia đình nào cũng biết làm, một số gia đình sản xuất lượng lớn bán ra thị trường. Tham gia Chương trình OCOP, chúng tôi đã được cơ quan chức năng tư vấn, hỗ trợ thay đổi bao bì, nhãn mác, đặc biệt được tham dự nhiều hội chợ xúc tiến thương mại... Nhờ đó, sản phẩm kẹo lạc, kẹo dồi quê tôi được nhiều người tiêu dùng biết đến, sản xuất phát triển hơn và chúng tôi cũng tăng thu nhập so với trước khi tham gia OCOP”.

Tương tự, anh Dương Đình Khôi, chủ cơ sở sản xuất miến dong Dương Kiên ở xã Tân Hòa (huyện Quốc Oai) cho biết: "Tham gia Chương trình OCOP, miến So - đặc sản của địa phương đã trở thành thương hiệu được người tiêu dùng ưa chuộng. Sản phẩm của cơ sở sản xuất miến dong Dương Kiên đang được tiêu thụ rộng khắp trong và ngoài thành phố".

Theo Phó Chánh Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí, trong 6 nhóm sản phẩm của Chương trình OCOP (thực phẩm, đồ uống, thảo dược, lưu niệm - nội thất - trang trí, vải và may mặc, dịch vụ du lịch nông thôn), Hà Nội có nhiều nông sản, thực phẩm có giá trị cao về kinh tế, văn hóa… Thông qua các chương trình khuyến nông, khuyến công, đặc biệt là Chương trình OCOP, nhiều đặc sản của Hà Nội ngày càng nâng tầm giá trị. Đến nay, thành phố Hà Nội đã đánh giá, phân hạng và cấp sao cho 301 sản phẩm OCOP, trong đó, rất nhiều sản phẩm là đặc sản địa phương.

Tuy nhiên, hiện nhiều sản phẩm đặc sản còn một số hạn chế cần khắc phục. Bà Vương Thị Thành, chủ cơ sở bánh rau sắng hiệu Chú Béo (xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức) cho biết: "Sản phẩm đặc sản dù được đánh giá tốt về chất lượng, song khâu làm thương hiệu còn nhiều bất cập; bao bì, nhãn mác chưa bắt mắt, thậm chí trên nhãn thiếu thông tin theo quy định… Những vấn đề này rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng trong quy trình hoàn thiện sản phẩm".

Tháo gỡ khó khăn, nhiều huyện, thị xã đã và đang xây dựng Đề án phát triển Chương trình OCOP kết hợp hỗ trợ các hộ sản xuất, kinh doanh hoàn thiện sản phẩm. Trưởng phòng Kinh tế thị xã Sơn Tây Phùng Huy Vinh cho biết: Thị xã thực hiện các chính sách hỗ trợ để sản phẩm OCOP trở thành hàng hóa chất lượng cao, trong đó, tập trung khai thác lợi thế của đặc sản địa phương…

Thông tin từ Phó Chánh Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, tham gia Chương trình OCOP, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất được thành phố hỗ trợ đổi mới quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến bao bì, mẫu mã... nhằm đáp ứng các tiêu chí Chương trình OCOP. Hà Nội phấn đấu đến hết năm 2020, có 1.000 sản phẩm OCOP, qua đó, tăng giá trị kinh tế và quảng bá sản phẩm OCOP theo hướng trở thành “sứ giả” văn hóa của mỗi địa phương…

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
  • Năm 2025, Hà Nam sẽ có trục đại lộ lễ hội hoành tráng, tôn vinh văn hóa dân tộc do Sun Group đầu tư

    Năm 2025, Hà Nam sẽ có trục đại lộ lễ hội hoành tráng, tôn vinh văn hóa dân tộc do Sun Group đầu tư

    Trên trục đường dài 1,5km, rộng 150m, chạy theo kênh Vua Lê tại đại đô thị nghỉ dưỡng Sun Urban City, không lâu nữa, Sun Group sẽ “gọi dậy” những câu chuyện văn hóa tự hào của vùng đất Hà Nam để “làm đẹp” và gìn giữ những di sản vô giá bằng khát vọng của một thế hệ đương đại: đưa văn hóa dân tộc vào đời sống, để tôn vinh và bảo tồn…

  • Nhà khoa học VinFuture: Giao thông xanh là giải pháp cho ô nhiễm không khí đô thị

    Nhà khoa học VinFuture: Giao thông xanh là giải pháp cho ô nhiễm không khí đô thị

    Thông qua tọa đàm “Ô nhiễm không khí và giao thông: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và thế giới” trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024, sẽ diễn ra ngày 5/12 tới, những phát hiện mới cùng những kinh nghiệm kiểm soát ô nhiễm tại các thành phố lớn được các chuyên gia hàng đầu thế giới chia sẻ hứa hẹn sẽ giúp Việt Nam xây dựng chiến lược hiệu quả hơn trong việc cải thiện chất lượng không khí đô thị.

  • Người mua căn hộ đang thích được sở hữu những gì?

    Người mua căn hộ đang thích được sở hữu những gì?

    Hiện tại, các chủ đầu tư gần như đang vượt qua chính mình khi phải cân bằng giữa các yếu tố đảm bảo hoạt động của doanh nghiệp, sản phẩm phải chinh phục được đối tượng khách hàng là người trẻ.

Top