Sự hợp tác với những doanh nghiệp chế biến được xem là điểm tựa vững chắc của nông dân trong sản xuất và tiêu thụ nông sản.
Bà Vũ Thị Hà xã Quang Sơn, Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình cho biết, bà ký kết với Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO) theo hình thức khoán sản lượng sản phẩm trên mỗi ha và được mua với giá cố định dù giá thị trường biến động ra sao.
Sở hữu hẳn 5ha trồng dứa nhưng nhiều năm qua, chưa năm nào gia đình bà Vũ Thị Hà, xã Quang Sơn, Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình phải lo lắng việc tiêu thụ sản phẩm.
Không chỉ yên tâm về đầu ra, khi sản xuất, bà còn được công ty hỗ trợ về giống, phân bón và kỹ thuật canh tác. Bởi vậy, dù ký kết hợp tác 20 năm, nhưng hiện gia đình bà Vũ Thị Hà chưa có định hướng thay đổi cây trồng hay không hợp tác với doanh nghiệp. Bởi từ khi hợp tác, gia đình bà luôn yên tâm sản xuất, đảm bảo thu nhập và hiệu quả.
Xã Quang Sơn có trên 3.500ha sản xuất chủ đạo là cây dứa, mía, chuối và cây chè. Những năm gần đây, người dân đều bỏ cây mía vì không hiệu quả, giá thấp, đầu ra ký kết với các nhà máy phập phù.
Giờ đây diện tích sản xuất của địa phương được nông dân chủ yếu trồng dứa cung cấp nguyên liệu cho DOVECO.
Ông Lê Văn Thi, Tổ trưởng Hợp tác xã Quang Sỏi, xã Quang Sơn cho biết hợp tác xã có 100 hộ trồng chủ lực cây dứa, ký kết với DOVECO. Khi hợp tác với doanh nghiệp, nông dân hoàn toàn yên tâm về sản xuất, không phải lo về vốn, khoa học kỹ thuật và tuyệt đối không lo đầu ra.
Cũng từng trải qua sản xuất không có ký kết với doanh nghiệp, ông Lê Văn Thi cho biết có lúc thị trường tiêu thụ tốt, nhưng đôi khi lại bị tư thương ép giá.
Hầu hết khi vào vụ, gặp biến cố về dịch bệnh, thời tiết khó khăn là bị tư thương ép giá chứ chưa nói đến khó khăn về thị trường tiêu thụ.
Nhưng giờ đây, khi liên kết với doanh nghiệp, doanh nghiệp sẽ đưa ra kế hoạch sản xuất cho hợp tác xã. Nông dân chỉ tuân thủ theo đúng kế hoạch và kỹ thuật để có sản phẩm đúng thời điểm.
Hiện kế hoạch của doanh nghiệp là có sản phẩm quanh năm nên hợp tác xã rải vụ ra trồng mới liên tục để đáp ứng đủ nguồn nguyên liệu theo hợp đồng.
Với sự yên tâm, chắc chắn và hiệu quả trong sản xuất khi có hợp đồng liên kết với doanh nghiệp như vậy, ông Lê Văn Thi cho biết thời gian tới hợp tác xã sẽ chuyển đổi các diện tích cây trồng cho hiệu quả không cao, chưa có ký kết với doanh nghiệp sang sản xuất có hợp đồng với doanh nghiệp.
Nhìn lại những sự vụ ở một số địa phương cũng như một số mặt hàng đã từng phải kêu gọi giải cứu, ông Phạm Ngọc Thành, Phó Tổng giám đốc Công ty DOVECO cho rằng giải pháp quan trọng hàng đầu là nắm bắt được tín hiệu thị trường.
Hoạch định, quy hoạch sản xuất phải theo định hướng thị trường, nhu cầu thị trường, gắn liền với chế biến và nhu cầu của doanh nghiệp. Nông dân không nên tập trung sản xuất theo xu hướng thị trường là khi thấy giá cao thì ồ ạt trồng dẫn đến cung vượt cầu.
Trên cơ sở là chia sẻ, hợp tác nên DOVECO đã có những thành công nhất định trong liên kết sản xuất và tạo được vùng nguyên liệu với diện tích ổn định cho các nhà máy.
Thành công này chính là việc đơn vị đã đầu tư toàn bộ đầu vào, chuyển giao quy trình kỹ thuật và cam kết bao tiêu sản phẩm theo giá trong hợp đồng nên bà con đang gắn bó chặt chẽ với công ty.
Trong quá trình triển khai cũng có những khó khăn nhất định như nông dân chưa nắm được quy trình sản xuất nên chất lượng đôi khi chưa đảm bảo, hoặc cũng có xảy ra bị phá vỡ hợp đồng... nhưng về lâu dài, nông dân cũng đã nhận thấy hiệu quả mang lại khi hợp tác với doanh nghiệp.
Không chỉ liên kết sản xuất với nông dân ở Ninh Bình, để đáp ứng nhu cầu chế biến cho 3 nhà máy ở Ninh Bình, Gia Lai, Sơn La với nhu cầu từ 20.000-25.000 ha tạo nguồn nguyên liệu cho mỗi nhà máy, DOVECO luôn phải tìm kiếm, mở rộng diện tích sản xuất bằng cách liên kết sản xuất.
Cũng là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong chế biến sản phẩm nông sản, ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vinamit cho rằng nông dân vừa là địa chủ vừa là tá điền.
Nông dân có thể cho doanh nghiệp thuê đất và lại làm thuê cho doanh nghiệp. Thay vì nông dân bán vườn đó cho thương lái thì bán cho doanh nghiệp và sản xuất theo cách của doanh nghiệp.
Để xây dựng vùng nguyên liệu cho mình, Vinamit đã liên kết trực tiếp với nông dân với phương pháp "nông nghiệp chia sẻ": chia sẻ rủi ro, chia sẻ thành công cùng nông dân.
Với nông nghiệp chia sẻ khi hai bên cùng “win-win” thì nông dân mới cảm thấy an toàn, ông Nguyễn Lâm Viên chia sẻ.
Với những doanh nghiệp chế biến có sự đầu tư lớn thì sẽ am hiểu và linh hoạt về thị trường nhất. Nhưng đồng hành với doanh nghiệp thì nhà nước cần định hướng để làm sao doanh nghiệp có được vùng nguyên liệu tốt, ổn định; có bộ phận đầu tư nghiên cứu thị trường, thông tin hỗ trợ định hướng cho doanh nghiệp và nông dân, ông Phạm Ngọc Thành kiến nghị.
Với bài toán giảm thiểu rủi ro trong tiêu thụ, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cũng cho rằng câu chuyện tiêu thụ nông sản là phải xác định thị trường, sản xuất theo tín hiệu thị trường.
Việc xác định, dự báo thị trường đó chính là từ cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp. Họ mang thông tin đó về cho nông dân theo từng hiệp hội ngành hàng.
"Ngày xưa chúng ta thường hỗ trợ đầu vào, nhưng ngày nay phải kích hoạt đầu ra thì mới đảm bảo đầu vào. Nếu chúng ta chỉ lo hỗ trợ đầu vào mà không có đầu ra thì sẽ dẫn đến sự ùn ứ, giá trị sản phẩm không cao. Việc kích hoạt được đầu ra để định hướng sản xuất nông sản hướng đến sản phẩm sạch, dựa trên tài nguyên, văn hóa thì sẽ xây dựng được thương hiệu," Thứ trưởng Lê Minh Hoan chỉ ra.
Để tạo ra những vùng nguyên liệu đủ lớn, tạo được sự hấp dẫn cho doanh nghiệp đầu tư, Thứ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, các địa phương cần thoát ly ra khỏi giới hạn về địa giới hành chính và nhìn ra bên ngoài để cùng nhau tạo ra cụm liên kết ngành hàng ở bất cứ địa phương nào có cùng sinh thái sản xuất để từ đó hình thành hệ sinh thái ngành hàng.
Xuất khẩu thủy sản tháng 4 dự báo tăng 10%
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (Vasep) cho rằng với những tín hiệu tốt từ thị trường Trung Quốc, xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong tháng 4 dự báo sẽ tăng khoảng 10% đạt 680 triệu USD, đưa tổng xuất khẩu thủy sản 4 tháng đầu năm 2021 lên 2,32 tỷ USD, tăng gần 4% so với cùng kỳ năm 2020.
Hiệp hội này dẫn số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết, nửa đầu tháng 3/2021, xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt 326,3 triệu USD, lũy kế xuất khẩu thủy sản từ đầu năm đến giữa tháng 3/2021 đạt 1,327 tỷ USD. Ước tính xuất khẩu thủy sản tháng 3 đạt khoảng 640 triệu USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ, theo đó, kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong quý 1/2021 ước đạt 1,64 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo Vasep, tình hình tại thị trường Trung Quốc có xu hướng cải thiện hơn từ giữa tháng 3, do vậy, xuất khẩu thủy sản trong tháng 3 có kết quả khả quan hơn.
Xuất khẩu tôm sau khi tăng 16% trong tháng 1, đã giảm 19% trong tháng 2, sang tháng 3 hồi phục với mức tăng khoảng 10% đạt khoảng 270 triệu USD và tính đến hết quý I/2021, XK tôm ước đạt 646 triệu USD, tăng gần 3% so với cùng kỳ năm 2020. Xuất khẩu tôm sang Mỹ, EU, Trung Quốc và một số thị trường đều giảm so với cùng kỳ, trừ một số nước thành viên CPTPP có xu hướng tăng NK tôm cũng như các mặt hàng thủy sản khác của Việt Nam.
Tương tự tôm, xuất khẩu cá tra sang Mỹ và một số thị trường CPTPP như Mexico, Australia, Canada tăng nhưng sang Trung Quốc sụt giảm mạnh, sang EU giảm nhẹ trong 2 tháng đầu năm.
Tuy vậy, với sự cải thiện logistic tại Trung Quốc, tình hình xuất khẩu cá tra cũng như tôm sang Trung Quốc từ tháng 3 có xu hướng tích cực hơn. Do vậy, sau khi giảm 5,5% trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra trong tháng 3 tăng trở lại với mức tăng 11% dạt 137 triệu USD. Tính đến hết quý 1/2021, xuất khẩu cá tra đạt 336 triệu USD, tăng nhẹ 0,6% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong số các mặt hàng hải sản, có mực, bạch tuộc và các loại sản phẩm liên quan đến cá biển (surimi, cá hộp, cá khô…) có tín hiệu xuất khẩu tích cực. Trong đó, xuất khẩu mực, bạch tuộc sang thị trường châu Âu đang hồi phục tốt, một phần nhờ ưu đãi thuế quan từ hiệp định EVFTA, trong khi xuất sang Hàn Quốc giảm nhẹ. Xuất khẩu mực bạch tuộc 2 tháng đầu năm tăng nhẹ gần 2% và tiếp tục tăng 8% trong tháng 3 đạt 45 triệu USD, đưa kết quả xuất khẩu 3 tháng đầu năm lên 112 triệu USD.
Dịch Covid vẫn nghiêm trọng ở nhiều thị trường truyền thống của Việt Nam, làm giảm nhu cầu một số sản phẩm thủy sản chủ lực nhưng đồng thời là cơ hội cho các dòng sản phẩm có thời hạn bảo quản lâu, giá phù hợp với xu hướng sụt giảm thu nhập và suy giảm kinh tế ở các nước. Do vậy, xuất khẩu các sản phẩm thủy sản thuộc phân khúc hàng khô, đồ hộp, chả cá, surimi có chiều hướng gia tăng, góp phần cho bức tranh xuất khẩu thủy sản quý I và những quý tiếp theo sáng sủa, lạc quan hơn.
Vasep cho rằng, dự báo, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc tháng 4 và những tháng tới sẽ hồi phục mạnh hơn, khi nước này dần giải quyết tình trạng tắc nghẽn giao thương tại các cảng biển và nới lỏng các thủ tục kiểm soát Covid đối với thủy sản nhập khẩu, nhất là thủy sản đông lạnh. Xuất khẩu tôm và cá tra sang Trung Quốc sẽ tăng trưởng trở lại.
Thị trường Mỹ sẽ vẫn tác động tích cực đến kết quả xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong những tháng tới, duy trì tăng trưởng dương khả quan như trong năm 2020 và những tháng đầu năm, tuy nhiên, xuất tôm sang thị trường này có thể không duy trì được tăng trưởng mạnh như năm qua, nhưng xuất khẩu cá tra đang có chiều hướng tốt hơn.
Vấn đề cước phí vận tải đi châu Âu và Mỹ cao sẽ tiếp tục chi phối xuất khẩu thủy sản sang những thị trường này. Do vậy, xuất khẩu sang EU theo Vasep nhìn chung chưa thể hồi phục ngay trong tháng tới./.
Ngành công nghiệp và kỹ thuật số đang phát triển mạnh mẽ, được hỗ trợ bởi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), các dự án hạ tầng quy mô lớn và môi trường pháp lý thuận lợi. Sự chuyển đổi sang hướng sản xuất giá trị gia tăng cao, cùng với khả năng logistics và trung tâm dữ liệu mở rộng, đang nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nuôi dưỡng sắc đẹp không nhất thiết phải áp dụng những phương pháp cầu kỳ, tốn kém nhiều thời gian và chi phí. Bổ sung dưỡng chất từ sữa đậu nành tiện lợi là phương pháp làm đẹp được nhiều phụ nữ hiện đại lựa chọn, không chỉ giúp đơn giản hóa quá trình chăm sóc sắc đẹp mà còn xây dựng nền tảng sức khỏe vững chắc.
Trên trục đường dài 1,5km, rộng 150m, chạy theo kênh Vua Lê tại đại đô thị nghỉ dưỡng Sun Urban City, không lâu nữa, Sun Group sẽ “gọi dậy” những câu chuyện văn hóa tự hào của vùng đất Hà Nam để “làm đẹp” và gìn giữ những di sản vô giá bằng khát vọng của một thế hệ đương đại: đưa văn hóa dân tộc vào đời sống, để tôn vinh và bảo tồn…
Thông qua tọa đàm “Ô nhiễm không khí và giao thông: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và thế giới” trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024, sẽ diễn ra ngày 5/12 tới, những phát hiện mới cùng những kinh nghiệm kiểm soát ô nhiễm tại các thành phố lớn được các chuyên gia hàng đầu thế giới chia sẻ hứa hẹn sẽ giúp Việt Nam xây dựng chiến lược hiệu quả hơn trong việc cải thiện chất lượng không khí đô thị.