Ngày 14/9, Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức Hội nghị “Phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ tôm nước lợ”. Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ trì hội nghị.
Sáu tháng đầu năm 2016, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn đã gây nhiều tác động và thiệt hại lớn đối với ngành nông nghiệp nói chung, nuôi trồng thuỷ sản nói riêng, tổng diện tích tôm nuôi bị thiệt hại tại các tỉnh ĐBSCL ước hơn 82.000ha, nhiều vùng nuôi tôm – lúa bị chậm thời vụ, tiến độ triển khai nuôi tôm nước lợ chậm hơn so với kế hoạch, chưa đạt về diện tích thả nuôi và sản lượng thu hoạch.
Theo thống kê của Tổng cục Thuỷ sản, tính đến ngày 09/9/2016, tổng diện tích thả nuôi tôm nước lợ của các địa phương là 664.150 ha (bằng 101,1% so với cùng kỳ năm 2015), sản lượng thu hoạch tôm 334.165 tấn (bằng 104,5%)… Đạt được kết quả trên là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT, các cơ quan, ban, ngành chức năng và lãnh đạo các địa phương đã tập trung mọi nguồn lực để phát triển nuôi tôm nước lợ. Sau 8 tháng đầu năm 2016, tôm nước lợ chế biến xuất khẩu ước đạt 1,9 tỉ USD (tăng 3% so với cùng kỳ năm 2015), chủ yếu là tôm sú và tôm thẻ chân trắng nguyên liệu đông lạnh. Xuất khẩu phục hồi là nhờ tồn kho từ các thị trường chính giảm, nhu cầu, giá tôm trên thế giới có xu hướng tăng. Đặc biệt là thị trường Mỹ, EU đang có nhu cầu cao đối với tôm sú trong khi nguồn cung đang giảm.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng: Nước ta có nhiều lợi thế để phát triển ngành nuôi trồng thuỷ sản, trong đó có con tôm, vì thế cần phải xây dựng thương hiệu để con tôm trở thành thương hiệu sản phẩm quốc gia. Bộ trưởng đề nghị các địa phương cần phối hợp với các bộ, ban ngành liên quan nghiên cứu thị trường, phân loại thị trường, tổ chức xúc tiến thương mại phát triển thị trường xuất khẩu một cách bền vững. Đồng thời yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát việc lạm dụng chất kháng sinh, chất kích thích và nạn bơm chích tạp chất làm ảnh hưởng đến hình ảnh của con tôm Việt Nam trên thị trường thế giới…
“Chúng ta phải quyết tâm xây dựng, hình thành ngành công nghiệp tôm phát triển bền vững để có thể chiến thắng trong hội nhập, coi con tôm là sản phẩm chủ lực, đồng thời xây dựng hình ảnh, thương hiệu cho con tôm để con tôm Việt Nam trở thành thương hiệu sản phẩm quốc gia, mạnh trên thị trường thế giới…”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Hoàng Thơ
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…