Quỳ Hợp, huyện miền Tây xứ Nghệ, không chỉ đẹp bởi nét vẽ miền sơn cước, nơi đây còn mang đến một nét ẩm thực - “chè đâm”. Chè đâm mới đầu uống thấy chát, nhưng sau đó đọng lại là vị ngọt thanh của những lá chè tươi được giã nhỏ hòa quyện với nước.
Nguồn gốc chè đâm
Đầu Xuân, khi sương trắng còn giăng mắc trên mặt hồ Thung Mây, những hộ gia đình làm chè đâm bắt đầu thiết đãi thực khách một đặc sản mà chỉ riêng Quỳ Hợp gói gém được, đó chính là chè đâm.
Người dân nơi đây chia sẻ, chè đâm là thứ đồ uống quen thuộc hàng ngày của đồng bào dân tộc Thái bản địa được lưu truyền đến bây giờ. Ngày nay, chè đâm được nhiều người biết đến, lan tỏa đến các nhà hàng, quán ăn ở TP. Vinh, thị xã Cửa Lò… để giới thiệu đến du khách thập phương cùng thưởng thức.
Theo tiếng Thái thì “chè đâm” được gọi là “che tắm”. Không biết từ bao giờ, nhưng theo người Thái bản địa, chè đâm đã có từ lâu lắm rồi!
Nước chè đâm đặc biệt bởi nó không chỉ chứa đựng những tinh tuý của hương vị chè xứ Nghệ, mà còn ẩn sâu trong đó là ân tình người xứ Nghệ. Để có được bát nước chè đâm xanh màu ngọc, ngon, thơm đúng điệu để mời khách thưởng thức quả không đơn giản chút nào. Từ cách chọn chè đến cách đâm chè rồi pha chế.
Trước hết phải kể đến khâu lựa chọn chè. Nguồn chè ngon nhất vẫn là chè ở vùng Châu Thái. Nơi đây khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi, cây chè mọc ở vùng này được hưởng đầy đủ các yếu tố từ chất đất, nước, đặc biệt là ánh nắng mặt trời. Chính vì thế, cây chè ở đây đẹp, cành mập, lá to, dày và ít sâu bệnh.
Chè đâm phải dùng chè tươi, sau đó ngắt bỏ phần cành già, chỉ lấy khoảng 15 - 20cm phần ngọn; lá già, lá quăn do sâu bệnh, lá vàng được ngắt bỏ. Đoạn chè được chọn lại phải ngắt nhỏ tầm 5 - 7cm, sau đó đem rửa sạch, rửa không nên để ráo nước vì càng có nước càng xanh chè.
Khi đâm (giã), bắt buộc phải trộn đều phần lá già và lá non sau đó mới tiến hành đâm. Bởi nếu chỉ dùng những phần quá non, cốc chè sẽ không đủ vị; còn nếu chỉ dùng những phần lá già thì cốc chè sẽ đậm màu và chát. Công đoạn đâm chè cũng hết sức công phu, chè phải đâm đều tay không được để chè nát quá (vì sẽ gây chát, đắng hoặc nhiều cặn chè). Còn đâm không đều tay, để lượng chè còn sót lại trong cối, chè sẽ bị loãng, không ngon.
Chè đâm ngon phải hội đủ các yếu tố như chè phải không mang một vị riêng biệt nào, không đắng, không chát và cũng không được quá loãng, nhìn bát chè đâm phải xanh, ít cặn, lúc uống ban đầu ta có cảm giác hơi chát lẫn vị đắng và sau cùng thấy vị ngọt ở đầu lưỡi. Đặc biệt là người uống sẽ cảm nhận được vị thơm và tươi của chè.
Nét đẹp văn hóa riêng của miền Tây xứ Nghệ
Từ thứ đồ uống truyền thống, dân dã chỉ bó hẹp phục vụ đời sống hàng ngày trong mỗi gia đình ở các bản làng, giờ đây, chè đâm đã được nhiều người biết đến và trở thành sản phẩm hàng hóa độc đáo, một đặc sản không chỉ của đồng bào Thái ở Qùy Hợp mà gần như phục vụ nhu cầu của người dân ở khắp mọi miền. Hiện đã có nhiều cơ sở chế biến chè đâm, trong đó có cả đồng bào dân tộc Thái lẫn người Kinh và nó đã ăn sâu vào thói quen của mỗi người.
Chị Vũ Thị Châu, người dân địa phương, chia sẻ: “Chè đâm phổ biến trong đời sống tại các xã Nam Sơn, Bắc Sơn, Châu Lý, Châu Thái… Gia đình tôi gắn bó với nghề này lâu rồi, chè đâm xong sẽ đóng vào các chai có thể tích 500ml, được bảo quản trong ngăn mát. Mỗi chai như vậy được bán với giá 10 ngàn đồng. Có những ngày bán được cả trăm chai’’.
Chị cho biết thêm, một số người dân ở các vùng khác lặn lội tìm về đây để học hỏi và xin bí quyết làm chè đâm. Chị hy vọng trong thời gian tới, chè đâm Qùy Hợp sẽ được nhiều người biết đến hơn.
Ông Nguyễn Văn Sửu, Chủ tịch UBND thị trấn Quỳ Hợp, thông tin: “Hiện nay có nhiều hộ làm chè đâm. Đây là tín hiệu vui. Thứ nhất, sẽ gìn giữ được thứ đặc sản này của dân tộc Thái. Thứ hai, giúp tạo công ăn việc làm cho lao động nhàn rỗi, tăng thu nhập cho gia đình”.
Chè đâm giờ đã trở thành nguồn sinh kế cho bà con và là sản phẩm đặc trưng của Quỳ Hợp. Hy vọng với sự quan tâm và những định hướng lâu dài, chè đâm sẽ đến gần hơn với du khách gần xa.
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.