Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 4 tháng 12 năm 2024  
Thứ tư, ngày 15 tháng 9 năm 2021 | 22:48

Tổ chức tích điểm đổi quà từ rác tái chế tại 5 thành phố

Chương trình đổi rác thải tái chế lấy quà tặng sẽ được tổ chức thực hiện thí điểm tại Hà Nội, Huế (Thừa Thiên - Huế), Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ.

 

rac.jpg
Một điểm thu gom rác tái chế tại Hà Nội.

 

Thay đổi hành vi phân loại rác

Rác thải sẽ trở thành tài nguyên khi được phân loại, xử lý đúng cách. Rác sẽ là nguồn nguyên liệu đầu vào của ngành tái chế, đây là một hướng đi tất yếu trong nền kinh tế tuần hoàn.

Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam, Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam và Liên minh tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) đang phối hợp triển khai Chương trình truyền thông "Nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cộng đồng trong việc phân loại, tái sử dụng và tái chế rác thải nhằm thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn hướng đến phát triển bền vững”.

Chương trình được triển khai nhằm chung tay nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cộng đồng trong việc phân loại, tái sử dụng và tái chế rác thải nhằm thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn hướng đến phát triển bền vững.

Việc truyền thông sẽ được thực hiện rộng rãi trên đa dạng các hình thức truyền thông bao gồm: tuyên truyền, tập huấn đến hộ gia đình, trường học, các điểm thu mua rác tái chế và trên các cơ quan truyền thông đại chúng của trung ương và địa phương.

Chương trình sẽ phối hợp với các công ty môi trường đô thị tại 5 thành phố là Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco), Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP Hồ Chí Minh (Citenco), Công ty cổ phần Môi trường đô thị Huế, Công ty Môi trường đô thị Đà Nẵng và Công ty cổ phần Môi trường đô thị Cần Thơ.

Chương trình sẽ phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan, người dân, học sinh các trường học trên địa bàn 5 thành phố: Hà Nội, Huế (Thừa Thiên - Huế), Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ. Liên kết các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, người dân trong công tác bảo vệ môi trường, khuyến khích đầu tư công nghệ gắn với mô hình kinh tế tuần hoàn từ khâu sản xuất đến khâu phân phối, tiêu dùng các sản phẩm thân thiện với môi trường; thiết lập mô hình quản lý triệt để đối với nguồn rác thải tái chế sau khi được phân loại, từ đó thúc đẩy hoạt động tái chế, tái sử dụng hiệu quả.

dt_15920211839_hop-tac-chien-luoc-1.jpg
Lễ ký kết hợp tác thực hiện Dự án "Quản lý, phân loại rác thải tái chế nhằm thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn”.

 

Trong năm đầu tiên, Chương trình dự kiến sẽ hướng dẫn việc phân loại rác tại nguồn đến 9.000 hộ gia đình, 6.000 học sinh tiểu học, trung học cơ sở tại 5 thành phố Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, đồng thời lan toả nội dung, mô hình, ý nghĩa của chương trình tới cộng đồng thông qua các bài viết, phương tiện truyền thông đại chúng của trung ương và địa phương.

Tại Hà Nội, Urenco Hà Nội và Pro PRO Việt Nam đã ký kết Thỏa thuận hợp tác chiến lược nhằm thực hiện Dự án "Quản lý, phân loại rác thải tái chế nhằm thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn” trong 5 năm, từ 2021 - 2025. Giai đoạn đầu được triển khai trên địa bàn quận 04 quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng và Đống Đa từ ngày 10/6/2021 đến 9/6/2022 với mục tiêu thu gom 2.700 tấn rác tái chế các loại, tiếp cận tuyên truyền đến 100% số người dân trên địa bàn và thu hút 50% số người dân trong số đó tham gia dự án.

Tại thành phố Hồ Chí Minh, Citenco Hồ Chí Minh cũng đã ký kết hợp tác với PRO Việt Nam từ đầu tháng 11-2020 về việc xây dựng mạng lưới thu gom và xử lý rác thải tái chế từ chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Chất thải tái chế sẽ được thu gom tại các trạm trung chuyển, tại các chủ nguồn thải có khối lượng phát sinh lớn và tại các cơ quan đoàn thể trên địa bàn thành phố. Tại đây, người dân có thể đổi rác tái chế lấy quà tặng hoặc đổi thành tiền. Rác tái chế sau khi thu gom sẽ phân thành 5 nhóm để tái chế thành các sản phẩm cung cấp như hạt nhựa, thủy tinh, nylon… Chương trình tại thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu thu gom và xử lý 200 tấn rác thải tái chế mỗi ngày, thúc đẩy các hoạt động thu gom, thu hồi, tái chế và sử dụng nguồn tài nguyên từ rác thải.

Tại TP Huế, Chương trình sẽ thực hiện các hoạt động truyền thông trực tiếp tới các hộ gia đình, cơ quan, trường học và truyền thông gián tiếp qua các tin bài đăng trên truyền hình, website, fanpage, báo in, báo điện tử, đồng bộ với chương trình kế hoạch phân loại chất thải rắn tại nguồn trên địa bàn của UBND Thành phố Huế. Tại thành phố Đà Nẵng và Cần Thơ, Chương trình sẽ triển khai các điểm truyền thông, thu mua rác tái chế lưu động tại các khu dân cư và tại trường học.

“Thu rác tái chế, tích điểm đổi quà”

Để thực hiện được kế hoạch đề ra, Chương trình sẽ xây dựng quy trình chi tiết, đồng thời hướng dẫn cụ thể cách thức phân loại rác, hình thức thu gom, công tác vận chuyển, trung chuyển rác, công tác tái chế cũng như công tác tập huấn, tuyên truyền.

Theo kế hoạch, mỗi thành phố sẽ có từ 3-4 điểm truyền thông thu mua rác tái chế lưu động do Đoàn thành niên của các công ty môi trường phụ trách và được sự chấp thuận của UBND phường, xã. Đội tuyên truyền sẽ hướng dẫn trực tiếp các hộ gia đình triển khai việc phân loại rác tại nguồn trên địa bàn phường, quận… Hằng tuần người dân sẽ tiếp tục nhận thông báo về việc phân loại rác qua các kênh tuyên truyền từ tổ dân phố như Hội phụ nữ, Hội người cao tuổi, Đoàn thanh niên....

Sau khi phân loại, người dân có thể mang rác tái chế ra các điểm thu mua hoặc tích điểm đổi quà. Giá thu mua rác tái chế sẽ được tính theo giá thị trường tại thời điểm mua bán. Tại các điểm thu mua rác tái chế, tích điểm đổi quà, Chương trình sẽ tổ chức các hoạt động hoạt náo, các trò chơi, mini game với các giải thưởng "nóng” thu hút khuyến khích người dân tham gia.

unilerver2.jpg
Thực hiện thu gom rác tái chế tích điểm đổi quà nhằm truyền thông rộng rãi thay đổi nhận thức người dân về phân loại rác.

 

Đối với một số trường tiểu học, trung học cơ sở tiêu biểu được chọn tham gia chương trình và được UBND quận, huyện, phòng giáo dục đồng ý thống nhất cách thức triển khai, cán bộ của Chương trình sẽ tổ chức buổi giới thiệu, hướng dẫn đối với toàn bộ lãnh đạo, giáo viên và cô phụ trách, thành lập đội "Biệt đội dũng sĩ xanh” từ các Đội sao đỏ, Đội thiếu niên tiền phong của trường để các em học sinh cùng tham gia tuyên truyền, hướng dẫn các bạn trong trường thi đua đạt thành tích cao, đồng thời hỗ trợ các thày cô giáo. Chương trình sẽ ký hợp đồng thu gom rác định kỳ với nhà trường nếu có nhu cầu và rác tái chế sau phân loại (nhựa, giấy, vỏ hộp sữa, bao bì mềm) đạt số lượng lớn.

Các công ty môi trường sẽ vận chuyển rác tái chế từ các điểm truyền thông, thu mua, trường học về điểm tập kết tại các kho được chỉ định, tại đây rác sẽ được làm sạch, phân loại lần cuối, đóng gói và cung cấp cho các đơn vị có cấp phép hoạt động chính quy để thực hiện tái chế.

Chương trình bắt đầu bước vào giai đoạn triển khai thực hiện từ ngày 01/9/2021 và kéo dài dự kiến đến hết ngày 31/5/2022. Việc thực hiện đánh giá, tổng kết chương trình dự kiến từ 01/6/2022 - 11/7/2022.

 

 

 

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top