Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 25 tháng 12 năm 2020 | 15:39

Biến rác thải thành xi măng

Rác thải - nhiều người vẫn cho là thứ bỏ đi, chủ yếu đang bị đem chôn lấp. Nhưng, thực sự đấy lại là nguồn tài nguyên quan trọng trong quan niệm kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, nhất là đối với ngành sản xuất xi măng.

Chôn lấp rác là lãng phí tài nguyên
 
Theo các chuyên gia, đang có không ít điểm nghịch lý trong xử lý rác thải. Đơn cử, điện rác đang vướng cơ chế, chậm tiến độ; một số ngành công nghiệp khác như xi măng đang “khát” rác lại thiếu cơ chế. Phương pháp xử lý chất thải trong ngành công nghiệp xi măng là giải pháp có nhiều lợi thế, xử lý triệt để các chủng loại chất thải, vì có sẵn một số ưu điểm vượt trội so với các ngành công nghiệp khác.
 
TS Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT), cho biết: “Ở nước ta, đốt rác phát điện hiện đã có triển khai rồi, nhưng hiệu quả chưa rõ. Có thể xem xét ứng dụng lò đốt trong nhà máy xi măng vào việc xử lý rác thải. Hiện, ở nước ta có nhiều nhà máy sản xuất xi măng, cần rà soát lại công nghệ, làm thủ tục pháp lý cần thiết để triển khai, giảm lượng rác thải chôn lấp vừa lãng phí, vừa giảm ô nhiễm môi trường.

2_wqnm.jpg
Nhà máy xi măng Bút Sơn đã sử dụng rác thải công nghiệp trong sản xuất xi măng

 

 
Pháp luật hiện đã có cơ chế đồng xử lý, nhưng cần cụ thể, rõ ràng hơn để khuyến khích các bên tham gia. Cần tầm nhìn trên góc độ lợi ích quốc gia, không của riêng ai, cần khuyến khích kinh tế tuần hoàn, như vậy mới dần bỏ được lợi ích của các nhóm tham gia xử lý rác thải”.
 
Cũng theo TS Tùng, nhiều nước trên thế giới có quan điểm rác thải cũng chính là một loại tài nguyên, hay nói cách khác, không có gì gọi là rác thải, phải bỏ đi. Muốn phát triển bền vững cần đẩy mạnh kinh tế tuần hoàn, nâng cao tái chế để đầu ra của ngành này là đầu vào của ngành khác. Nhưng để làm được như vậy, cần phải có rõ ràng về cơ chế chính sách, định hướng, kỹ thuật, công nghệ, ý thức cộng đồng và việc tổ chức bài bản, phù hợp hoàn cảnh thực tế.
 
TS Tùng nhìn nhận, ở nước ta hiện nay, phần lớn rác thải thu gom được vẫn đang xử lý theo kiểu truyền thống là: chôn lấp, đếm tấn lấy tiền xử lý từ ngân sách. Như vậy, vừa lãng phí tài nguyên, lại tốn kém tiền của và gây ô nhiễm môi trường. Có nhiều cách xử lý rác thải rất khoa học, tận dụng tái chế tài nguyên, mang lại nguồn lợi lớn cho xã hội, lại giảm ô nhiễm môi trường. Thực tế, nhiều nước trên thế giới đã làm, cho hiệu quả tốt như nhà máy đốt rác phát điện; xử lý rác thải trong lò đốt của nhà máy sản xuất xi măng, luyện thép; rác thải làm đầu vào trong nhà máy sản xuất phân bón…
 
Dùng bùn thải, vải vụn, nhựa… trong sản xuất xi măng
 
Thay thế các nguyên liệu truyền thống bằng bùn thải, rác thải công nghiệp… không những giúp nhiều đơn vị trong ngành sản xuất xi măng tiết kiệm chi phí, hạ được giá thành sản phẩm trong khi chất lượng giữ nguyên mà còn giúp giảm thiểu phát thải CO2, giảm ô nhiễm môi trường.

Sau quá trình thử nghiệm thành công, hiện Nhà máy xi măng Bút Sơn đang đẩy mạnh thu mua rác thải công nghiệp để làm nguyên liệu đốt. Các loại rác thải công nghiệp như vải vụn, mảnh nhựa, ni lông, cao su vụn, dăm gỗ, bột lốp, da giày… được nhà máy thu mua, sau đó sơ chế, băm hoặc nghiền nhỏ để thành nhiên liệu đốt thay cho than và các chất đốt thông thường.
 
3_qgfp.jpg
Rác thải công nghiệp được sử dụng làm nguyên vật liệu thay thế trong sản xuất xi măng ở Nhà máy xi măng Bút Sơn giúp tiết kiệm tài nguyên

 


Cách làm này không chỉ giúp thu gom lượng lớn rác thải công nghiệp, vốn dĩ trước đây được xử lý theo kiểu truyền thống, mà còn góp phần giảm ô nhiễm môi trường, đẩy mạnh chủ trương khuyến khích doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất, dùng nguyên liệu tái chế, nguyên liệu thay thế. Theo ông Bùi Hồng Minh, Chủ tịch HĐQT Vicem (Nhà máy xi măng Bút Sơn là đơn vị thành viên trong Vicem - PV), tỷ lệ đốt rác công nghiệp tại nhà máy Bút Sơn đang là 25%.

Nếu thực hiện tốt việc đốt rác lên đến 50% nguyên vật liệu, giá thành sản phẩm sẽ có thể hạ xuống, giúp sản phẩm tăng được tính cạnh tranh. Với việc dùng rác thải làm nguyên vật liệu thay thế, tỷ lệ thay thế nhiệt hiện đạt 14 - 15%. Thay vì dùng than đá để đốt, việc dùng rác thải công nghiệp giúp cho nhà máy giảm chi phí mà không làm ảnh hưởng đến hệ thống thiết bị, năng suất, chất lượng clinker cũng như chất lượng khí thải.
 
Việc dùng bùn thải làm nguyên liệu cho sản xuất clinker giúp nhà máy thay thế được 8% nguyên liệu truyền thống là đất sét. Vicem Bút Sơn cũng đưa tro bay, xỉ, thạch cao nhân tạo… vốn là các chất thải, phụ phẩm các ngành công nghiệp khác vào sản xuất xi măng giúp tiết kiệm được tài nguyên thạch cao, đồng thời giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà chất lượng xi măng sản xuất ra vẫn đảm bảo. Lãnh đạo Vicem Bút Sơn cho biết sắp tới, khi hệ thống được hoàn thiện hơn thì kết quả sẽ còn tốt hơn. “Ưu việt của công nghệ sản xuất mới là tăng được năng suất lò nung, tăng sản lượng nghiền xi măng, tiết kiệm được nguyên liệu sét, thạch cao, than đá.
 
Ngoài ra, việc dùng các nguyên liệu phế phẩm, rác thải công nghiệp còn giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, giảm ô nhiễm môi trường do giảm phát CO2, giảm diện tích chôn lấp, không gây ô nhiễm môi trường, gián tiếp tiết kiệm tài nguyên cho sản xuất điện năng do công nghệ mới giúp tiết kiệm điện năng tiêu thụ do thu hồi triệt để nhiệt khí thải, nhiệt bức xạ để phát điện”, đại diện Vicem Bút Sơn chia sẻ. Dù vậy, khó khăn kể đến còn là cơ chế chính sách, chẳng hạn như cơ chế hỗ trợ khi xử lý bùn thải làm nguyên liệu thay thế cho đất sét, chính sách khi sử dụng tài nguyên chất lượng thấp, chính sách đối với việc phát thải CO2…
 
Hà Nội sẽ có nhà máy xử lý, tái chế giấy thân thiện với môi trường

Công ty Junk&Co từ Nhật Bản sẽ đầu tư và thành lập một nhà máy xử lý, tái chế giấy chất lượng cao nếu số lượng giấy loại thu gom ở Hà Nội vượt mức 5.000 tấn/tháng.Thông tin trên được ông Nakamura Takatoshi, Giám đốc Công ty Junk&Co Việt Nam nêu ra tại buổi ký kết hợp tác Thỏa thuận hợp tác về Dự án giảm thiểu lượng rác thải  thông qua hoạt động tái chế giấy với Công ty TNHH MTV Môi trường & Đô thị Hà Nội (URENCO).

Cụ thể, thỏa thuận hợp tác giữa 2 bên sẽ xem xét đến việc thành lập một nhà sản xuất giấy, một trung tâm tái chế nếu có thể thu gom 1.000 tấn giấy/tháng và thành lập nhà máy giấy, trung tâm tái chế nếu thu gom được 5.000 tấn/tháng. Trong khi đó, theo số liệu từ URENCO, lượng giấy phế liệu thải ra tiềm năng của thành phố ước tính ít nhất là 5.850 tấn/tháng.

hop-tac-tai-che.jpg
URENCO và Công ty TNHH JUNK&CO ký kết Thỏa thuận hợp tác

 

Theo bà Nguyễn Thị Thùy Ninh, Phó Trưởng phòng Kinh doanh & Truyền thông, URENCO, rác tái chế được thu hồi ở Hà Nội hiện có 3 nhóm là giấy, nhựa và kim loại. Trong đó, giấy chiếm đến 59%. Hiện nay, URENCO cũng đã ký kết với một số doanh nghiệp tái chế, xử lý giấy, tuy nhiên đều chưa đáp ứng được tiêu chuẩn của URENCO đề ra.

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Môi trường quốc gia Nhật Bản và kết quả nghiên cứu của Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA) , năm 2018, sản lượng giấy của Việt Nam là 3.649 triệu tấn/năm và giấy thải được thu gom dùng làm nguyên liệu là 3,66 triệu tấn. Tỷ lệ tái chế giấy là 33%, thấp nhất trong ASEAN so với hơn 60% ở Thái Lan và Indonesia. Để bắt kịp tốc độ đó, cần phải tăng thêm 850.000 tấn/năm.

Trước đó, URENCO đã bắt đầu thu gom rác thải tài nguyên tại một số điểm đường phố được chọn trong quận của Thủ đô Hà Nội vào thứ 7 hàng tuần kể từ tháng 8/2020 và có kế hoạch mở rộng sang các quận khác trong tương lai. Ông Phạm Cao Thắng, Phó Tổng Giám đốc URENCO kỳ vọng, sự hợp tác trong phân loại, thu mua và tái chế rác sẽ thúc đẩy việc làm đẹp hơn cho môi trường Hà Nội. Cùng với đó, đẩy mạnh triển khai, thực hiện chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; quản lý, thu hồi, tái chế và tái sử dụng chất thải tái chế một cách hiệu quả và giúp nâng cao nhận thức cộng đồng, nâng cao hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn gắn với mục tiêu phát triển bền vững.

 

 

 

PV
Ý kiến bạn đọc
Top