Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 2 tháng 10 năm 2018 | 22:48

Cách xử lý rác thải của Ninh Bình

Quản lý, thu gom và xử lý chất thải rắn không còn là vấn đề cấp bách của riêng các khu đô thị mà ngay cả ở các vùng đang trong quá trình xây dựng nông thôn mới cũng trở thành vấn đề đáng báo động.

Nan giải thu gom rác thải ở nông thôn
 
Thu gom rác thải là vấn đề nan giải, nhất là khi mọi vùng quê đang đồng loạt thực hiện công cuộc xây dựng nông thôn mới.
 
Trong thực tế, người dân nông thôn vẫn còn những thói quen khó bỏ như vứt rác ra vườn, đường, nơi công cộng, xả chất thải ra dòng chảy của cộng đồng. Hầu hết những rác thải này đều chưa được thu gom và xử lý đúng cách. Thói quen xử lý rác kiểu tự phát lâu đời vẫn tồn tại.
 
Nơi nào “văn minh” thì xử lý rác tại chỗ theo cách rất đơn giản: Phân gia súc gia cầm chủ yếu tận dụng làm thức ăn cho cá, ủ phân hoai mục để bón cho lúa, hoa màu hoặc để nuôi giun; các chất thải khác như nylon và các chất khó tiêu khác thì xử lý bằng cách đốt. Nhưng vẫn còn một lượng chất thải lỏng trong chăn nuôi (như rửa dọn vệ sinh chuồng trại, nước thải lò mổ, nước thải làng nghề...) có nhiều hóa chất độc hại cũng đang trong tình trạng bị bỏ ngỏ.
 
Một số nơi đã cử ra một đội vệ sinh môi trường chuyên làm nhiệm vụ thu gom rác thải sinh hoạt ở khu dân cư. Trước mắt chưa có lương, mỗi khẩu góp 5.000 đồng/tháng để trả công cho họ. Các hộ gia đình sẽ gom rác lại trong bao tải.
 
ra-nong-thon.jpg
Bất cập trong thu gom rác thải nông thôn. (Ảnh minh họa - Theo HNM).

 

Cứ mỗi tuần 2 lần, đội vệ sinh môi trường sẽ đi thu gom “cuốn chiếu” ở từng con đường bằng một chiếc xe công nông hoặc xe cải tiến. Nhưng chỉ mới dừng lại ở mức độ thu gom, còn nếu xử lý thì lại đốt. Rác sẽ được “quy tập” về một bãi đất trống cách xa vùng dân cư và đốt hoặc tự phân hủy, khi đầy thì chưa biết xử lý ra sao.
 
Ở một vài nơi, thông qua các dự án về khí sinh học, một phần chất thải rắn và lỏng được xử lý bằng công nghệ biogas. Tuy vậy, số gia đình có hầm biogas chưa nhiều vì xây dựng một hầm biogas tốn kém tiền triệu. Đây là mức cao so với thu nhập của người dân nông thôn. Trong khi đó, ở các địa phương có nghề phụ, chất thải làng nghề đang là vấn đề bất cập.
 
Ở một số nơi, vận động người dân khi thu gom rác tại gia đình cần phân loại riêng rác thải vô cơ và hữu cơ. Đây là điều tốt, nhưng có một nghịch lý là ở gia đình thì phân loại, khi đổ rác ra xe lại... đổ dồn chung làm một. Thế nên, việc phân loại rác không còn tác dụng. Điều này cần một cơ chế thích hợp của các cấp ngành liên quan.
 
Khi hướng dẫn người dân làm theo thì cũng nên có một cách xử lý triệt để hơn, tránh việc “đánh trống bỏ dùi” dẫn đến hiện tượng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”.
 
Cách xử lý rác thải ở Ninh Bình
 
Điển hình trong công tác hưởng ứng cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, tỉnh Ninh Bình đã sớm triển khai, nhân rộng mô hình trong những việc làm đầu tiên để môi trường không ô nhiễm. Bên cạnh đó, tỉnh Ninh Bình luôn coi công tác thu gom và xử lý rác thải là một trong những tiêu chí gắn liền với công tác xây dựng nông thôn mới, từ đó đã có nhiều chuyển biến tích cực.
 
Qua đó, tỉnh Ninh Bình có tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại địa phương khoảng 150.000 tấn/năm; trong đó đô thị chiếm tỉ lệ khoảng 54%, khu vực nông thôn chiếm khoảng 46%.
 
Tại địa phương, hiện lượng rác thải khu vực nông thôn được xử lý theo 3 hình thức gồm: xử lý tại Nhà máy xử lý rác thải tập trung tại thành phố Tam Điệp; xử lý bằng hình thức chôn lấp tại bãi rác tập trung của các xã và xử lý tại 3 lò đốt chất thải rắn tại xã Khánh Thiện; lò đốt tại thị trấn Yên Ninh (huyện Yên Khánh) và lò đốt xã Hồi Ninh, huyện Kim Sơn.
 
Ông Nguyễn Xuân Đức - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Ninh Bình cho biết, tỉnh đang tập trung cao cho xây dựng nông thôn mới, trong đó, tiêu chí môi trường bắt buộc phải hoàn thành nên việc xử lý rác thải là yêu cầu được các cấp, các ngành và các địa phương quan tâm.
 
Đến nay, việc xử lý rác thải nông thôn tại Ninh Bình đã cơ bản được thu gom và xử lý triệt để. Đặc biệt, mô hình thu gom, vận chuyển đến bãi rác tập trung xử lý đã có những hiệu quả nhất định, phù hợp với địa phương và đang được tỉnh khuyến khích nhân rộng.
150741_tien-giang-can-som-co-bien-phap-xu-li-rac-thai-tai-bai-rac-tap-trung-xa-thanh-binh-huyen-cho-gao.jpg
Xây dựng nông thôn mới từ những mô hình xử lý rác thải. Ảnh minh họa: Nam Thái - TTXVN
Ông Đức cho biết thêm, tỉnh Ninh Bình nên tiếp nhận đầu tư vào các dự án có công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường và hỗ trợ kinh phí cho công tác vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt. Mặt khác, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần tiếp cận, giới thiệu các nguồn vốn vay, tài trợ từ nước ngoài cho các dự án tại địa phương. Trước hết, xem xét hỗ trợ kinh phí để triển khai Dự án “Xây dựng bãi rác xử lý hợp vệ sinh cho huyện Nho Quan”.
 
Dự báo tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trong toàn tỉnh đến năm 2020 là 982 tấn/ngày và giai đoạn 2020-2030 là 1.426 tấn/ngày. Ninh Bình phấn đấu đến năm 2030, tất cả các loại chất thải rắn phát sinh đều được thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý triệt để bằng những công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường và phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh, hạn chế khối lượng chất thải rắn phải chôn lấp đến mức thấp nhất.
 
Trong đó, vấn đề rác thải nông thôn cũng được xác định là nội dung quan trọng với mục tiêu đến năm 2020 có 70% lượng chất thải rắn phát sinh tại các điểm dân cư nông thôn và 80% tại các làng nghề được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường; đến năm 2030 có 90% lượng chất thải rắn phát sinh tại các điểm dân cư nông thôn và 100% tại các làng nghề được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường.
 
Để đạt được các mục tiêu trên, Chi cục Bảo vệ môi trường tiếp tục tăng cường tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường cho các cán bộ ở các sở, ban, ngành, đoàn thể, cấp huyện, xã, nhân dân và các tổ chức, doanh nghiệp; xã hội hoá công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn; huy động doanh nghiệp cộng đồng và các tổ chức chính trị xã hội tham gia các hoạt động quản lý, xử lý chất thải rắn.
 
Bằng nguồn vốn lồng ghép của các chương trình khác nhau để đầu tư cho xây dựng nông thôn mới, tỉnh Ninh Bình đã có nhiều mô hình, cách làm hay trong việc thu gom rác thải ở khu vực nông thôn, góp phần cải thiện đáng kể diện mạo nông thôn tại các địa phương.
 
Tại huyện Hoa Lư, nhờ việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về công tác bảo vệ môi trường và thực hiện tích cực biện pháp thu gom, xử lý rác thải nên đến nay, huyện đã đạt tiêu chí 17 về môi trường và là huyện đầu tiên cán đích nông thôn mới trên cả nước.
 
Từ năm 2011 đến nay, huyện đã cung cấp cho các xã gần 200 xe thu gom rác và 120 thùng rác trang trí đặt tại trường mầm non và nơi công cộng. Năm 2016, huyện triển khai phân loại rác thí điểm tại 200 hộ dân và hỗ trợ 180 thùng để người dân ủ phân hữu cơ tại hộ gia đình. Đến nay, huyện Hoa Lư đã có 11/11 xã có tổ thu gom rác thải hợp đồng với Trung tâm vệ sinh môi trường huyện vận chuyển vào bãi rác tập trung tại thành phố Tam Điệp để xử lý. Các xã đều có bãi chứa rác.
 
Xã Khánh Thiện, huyện Yên Khánh là một trong những xã có dân cư đông với khoảng 6 nghìn dân, hoạt động thương mại, dịch vụ phát triển mạnh, do vậy lượng rác thải sinh hoạt trên địa bàn rất lớn.
 
Từ nhiều năm nay, xã đã thành lập tổ thu gom rác thải sinh hoạt, mỗi tháng thu được khoảng 50 tấn rác thải các loại. Tuy đã có khu tập kết rác với diện tích 7.400 m2, song chưa đầy 4 năm, bãi rác gần như đã quá sức chứa, mùa mưa bão nước ngập, rác thải, nước thải tràn ra các cánh đồng gây ô nhiễm nghiêm trọng.
 
Từ khi xã Khánh Thiện xây dựng lò đốt Losiho, những bức xúc về vấn đề xử lý rác sau thu gom đã được giải quyết triệt để. Do việc đốt rác thực hiện liên tục nên rác không bị ứ đọng, hầu như không phát sinh nước rỉ rác; tro xỉ không có mùi khi chôn lấp, không ảnh hưởng đến môi trường.
 
Đối với khí thải, theo kết quả lấy mẫu phân tích của Trung tâm Quan trắc và Phân tích môi trường (Tổng cục Môi trường), khí phát thải từ lò đốt ít độc hại do lò không sử dụng nhiên liệu đốt và được xử lý an toàn trước khi thải ra môi trường.
 
Do đó, huyện Yên Khánh đưa ra mục tiêu trong những năm tới đầu tư xây dựng từ 2 - 3 lò đốt rác thải Losiho 500 ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến theo cụm xã để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Dự kiến thời gian gần nhất có 2 cụm sẽ triển khai là cụm xã Khánh Nhạc - Khánh Hồng và Khánh Hải - Khánh Lợi.
 
 
 
 
 
 
P/V
Ý kiến bạn đọc
  • Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.

  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Top