Ngày 16/8/2018, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo về khó khăn trong thu hồi nợ vay đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67 tại các địa phương.
Nợ xấu của cho vay theo Nghị định 67 ngày càng gia tăng, từ 315,6 tỷ đồng (cuối năm 2017) lên gần 1.119 tỷ đồng (cuối tháng 6/2018, tăng 3,5 lần). Một số địa phương có nợ xấu lớn là Quảng Nam, Hà Tĩnh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Bà Rịa - Vũng Tàu…
Chây ì trả nợ
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Hà Tĩnh, trong tổng số 11 tàu ngân hàng thương mại đã cho vay theo Nghị định 67 thì 2 tàu vay vốn của Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT (Agirbank) Hà Tĩnh đang thực hiện trả nợ gốc và lãi theo đúng cam kết. Còn 9 tàu vay vốn của Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Hà Tĩnh đều phát sinh nợ xấu.
Để đánh giá khách quan vì sao các khoản nợ xấu liên tục gia tăng, phóng viên Báo Kinh tế nông thôn đã tìm gặp 4 chủ tàu tại các huyện Nghi Xuân, Lộc Hà, Cẩm Xuyên. Một câu trả lời chung nhận được là: “Tàu làm ăn thua lỗ, chi phí thuê lao động ngoại tỉnh cao nên không có tiền trả nợ cho ngân hàng?!”.
Chủ tàu HT96719 Tôn Đức Vinh (xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên) cho rằng, chất lượng tàu kém, hầu như sau mỗi chuyến biển trở về đều phải đầu tư sơn sửa lại tàu. Tiếp đến là nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt trong khi lượng tàu thuyền khai thác lớn; giá nhiên liệu tăng cao. Đặc biệt là thiếu lao động trực tiếp. “Chúng tôi phải lặn rội ra Nam Định thuê từ thuyền trưởng đến thuyền viên. Mỗi tháng trả lương cho thuyền trưởng 16 -17 triệu đồng; thuyền viên 10-11 triệu đồng. Trừ chi phí nhiên liệu, ăn uống, khấu hao tài sản thì hòa vốn là may chứ nói gì đến lời”, ông Vinh nói.
Ngư dân Lê Văn Sơn (thôn Hội Thủy, xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân) - chủ tàu cá HT96707 than thở: “Bình quân mỗi tháng tôi đi 2 chuyến. Chuyến nào may mắn thì lãi vài ba chục triệu. Nhưng 3 tháng lại nay giá dầu tăng cao nên chuyến nào đi cũng chỉ hòa vốn, có chuyến lỗ tiền dầu”.
Theo tính toán của anh Sơn, tổng chi phí một chuyến vươn khơi của anh (7 ngày) bình quân hết khoảng 70-80 triệu đồng. Trong đó, chi phí thuê thuyền trưởng 3,9 triệu (tương đương gần 17 triệu đồng/tháng); tiền lương thuyền viên 14,7 triệu đồng/7 người (tương đương 10 triệu đồng/người/tháng); tiền dầu 50 triệu đồng; phần còn lại mua đá, chi phí ăn uống. Sau khi cập bờ, doanh thu từ bán cá thường chỉ được khoảng 80-100 triệu đồng, tiền lời chưa đủ để khấu hao sửa chữa tàu và ngư lưới cụ.
Các chủ tàu lý giải nguyên nhân không có tiền trả nợ ngân hàng là do sản xuất hiệu quả thấp, song theo đánh giá của lãnh đạo Ban quản lý các cảng cá Xuân Hội thì: Hiệu quả khai thác của các tàu 67 chắc chắn là có. Song nhiều hay ít thì không ai khẳng định được, bởi sản lượng cá đánh bắt được bà con chủ yếu bán ở các tỉnh Nghệ An, Nam Định, thậm chí bán luôn trên biển.
“10/11 tàu vỏ thép vẫn đi biển đều đều. Bình quân mỗi tháng 2-3 chuyến, mỗi chuyến kéo dài 7-10 ngày. Nếu nói đánh bắt thua lỗ thì sau 2-3 chuyến, thậm chí 5 chuyến thua lỗ thì chẳng ai ra khơi làm gì nữa”, vị cán bộ này nói.
Cán bộ Ban quản lý các cảng cá Xuân Hội phân tích thêm, lâu nay ngư dân cho rằng chiếc tàu mà họ đang sử dụng được đóng từ tiền của ngân hàng, trong khi số tiền họ phải đối ứng không đáng kể nên có hiện tượng chây ỳ không trả nợ. Đây chính là “lỗ hổng” của chính sách cho vay vốn. Tức là có chế tài cho vay nhưng chưa có chế tài quản lý.
Khó cho vay thêm
Đã hơn 4 năm triển khai Nghị định 67 và gần 1 năm thực hiện Nghị định 17 (sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều, khoản của Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/ 2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản) nhưng đến thời điểm này toàn huyện huyện Cẩm Xuyên mới có một chiếc tàu của ngư dân Tôn Đức Vinh (xã Cẩm Nhượng) được vay vốn. Chiếc còn lại của ngư dân Lại Thế Sơn (xã Cẩm Nhượng) bắt đầu làm hồ sơ xin vay vốn từ đầu năm 2016 tại các ngân hàng: Ngoại thương (Vietcombank) Hà Tĩnh, BIDV Hà Tĩnh và Agribank Hà Tĩnh, song ngân hàng nào cũng từ chối cho vay vì chủ tàu không chứng minh được khả năng tài chính theo quy định và tính hiệu quả sản xuất để trả nợ ngân hàng.
Từ thực trạng hàng loạt chủ tàu cố tình chây ỳ không trả nợ, đại diện BIDV Hà Tĩnh cho hay, nếu bây giờ và sắp tới các ngư dân khác có nhu cầu vay vốn đóng tàu công suất lớn, BIDV Hà Tĩnh cũng không dám mạo hiểm giải ngân thêm. “Để có được hơn 100 tỷ đồng hỗ trợ ngư dân vay vốn đóng tàu vỏ thép, cán bộ ngân hàng phải “nhặt” từng đồng trong dân, thậm chí huy động mấy chục ngàn đồng từ những tài khoản thẻ ATM. Bây giờ ngư dân chây ỳ trả nợ, ngân hàng chịu “thiệt đơn thiệt kép”, vừa không thu được lợi nhuận, vừa phải trả lãi tiền huy động vốn thì vô lý quá”, đại diện BIDV Hà Tĩnh nói.
Theo phân tích của đại diện BIDV Hà Tĩnh, lâu nay ngư dân chỉ nghĩ đến cái lợi trước mắt mà quên đi hiệu quả lâu dài. Lấy ví dụ, khi Nhà nước cho vay vốn trong vòng 16 năm (1 năm không thu lãi) đóng mới chiếc tàu vỏ thép trị giá 13 tỷ đồng; lãi suất ngư dân phải trả theo quy định là 7%/năm (trong đó, Nhà nước hỗ trợ 6%/năm). Nếu ngư dân thực hiện trả nợ theo đúng cam kết thì năm thứ 2 họ chỉ phải trả lãi 120 triệu đồng, còn 720 triệu đã có nhà nước hỗ trợ (tổng tiền lãi năm thứ 2 là 840 triệu đồng). Tính bình quân trong vòng 15 năm, chủ tàu được hỗ trợ tổng tiền lãi lên đến trên dưới 6,5 tỷ đồng.
Đồng quan điểm với BIDV Hà Tĩnh, ông Bùi Tuấn Sơn, Giám đốc Ban quản lý các cảng cá Hà Tĩnh, cho rằng, chính sách của Nghị định 67 đã dành ưu đãi rất lớn cho chủ tàu, song không ít chủ tàu cố tình không thực hiện theo đúng cam kết trong hợp đồng tín dụng, tạo tiền lệ xấu, gây bất bình đẳng trong ngư dân. Nói cho dễ hiểu hơn, bây giờ một chủ tàu ôm hàng chục tỷ đồng tiền hỗ trợ của nhà nước để đóng tàu vỏ thép vươn khơi nhưng quá trình sản xuất lại không thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Trong khi đó, nhiều ngư dân có nhu cầu vay 50-70 triệu đồng tu sửa ngư lưới cụ lại không thể vay được vì bị ngân hàng từ chối.
“Thực ra cũng phải hiểu cho ngân hàng. Họ là doanh nghiệp kinh doanh thu lợi nhuận nuôi cán bộ, công nhân viên. Rủi ro từ việc cho vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67 buộc họ phải dè chừng với tất cả các khoản vay của những ngư dân khác. Điều này đã tác động xấu đến hoạt động khai thác thủy sản, làm mất động lực sản xuất trong ngư dân”, ông Sơn nói.
Xét về tầm vĩ mô, chính sách cho vay vốn đóng mới tàu cá theo Nghị định 67 được xem là “phao cứu sinh” cho những ngư dân thực sự muốn vươn ra biển lớn nhưng hạn chế về nguồn lực. Tuy nhiên, sau hơn 4 năm triển khai, cũng cần phải rà soát, đánh giá lại tính hiệu quả và tháo gỡ những bất cập phát sinh trong quá trình thực hiện.
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.