Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 31 tháng 8 năm 2018 | 14:49

Từ Sơn chuyển mình với “Mùa Thu nay đã khác rồi”

Những ngày tháng Tám lịch sử, chúng tôi có dịp gặp gỡ ông Nguyễn Thể Chăn ở khu phố Trịnh Xá (phường Châu Khê, Từ Sơn, Bắc Ninh), nguyên Chủ tịch UBND huyện Tiên Sơn 1984-1993 và ghi chép được nhiều kỷ niệm về những ngày giành và giữ độc lập mùa Thu 1945.

img_2435.JPG
Ông Nguyễn Thể Chăn (bên trái) trong buổi trò chuyện với báo chí.

 

Những tháng ngày “đói mòn, đói mỏi”…

Ông Chăn chậm rãi nhắc lại từng câu chuyện bằng những ký ức về cuộc sống cách đây 73 năm: “Khi Cách mạng Tháng Tám thành công, tôi mới tròn 8 tuổi, nhưng trong ký ức của tôi vẫn in đậm đến tận bây giờ, đó là những tháng ngày “đói mòn, đói mỏi”. Lại thêm lụt lội nhiều, nước dâng cao và ngập úng triền miên. Về canh tác thì chủ yếu là mất mùa, đói kém; người chết đói nhiều, riêng thôn này đã có vài chục người chết vì đói; trong một ngày, có nhà chết 2-3 người. Nhìn thấy người sắp chết mà không làm được gì, không ai cứu được. Một không khí lạnh lẽo, chết chóc và thê lương bao trùm toàn thôn, xóm”. 

Nhân dân trong làng tản đi làm mướn khắp nơi để kiếm sống; một số người làm nghề kéo xe tay chở người để kiếm miếng ăn qua ngày, nhưng công việc cũng chẳng có nhiều. Làng quê ông, lúc đó có 70 hộ, thì chỉ có khoảng 20 nóc nhà ngói, còn lại là nhà tranh, vách đất. Bản thân ông, mới 8 tuổi đã phải đi làm thuê; hoặc mò cua, bắt cá ngoài đồng, nhưng cũng chẳng được bao nhiêu, vì người đi bắt rất nhiều. Ăn mặc thì rách rưới, quần áo chủ yếu là nhuộm nâu. Trẻ con trong thôn lúc này cũng khá đông, song chỉ có 5 - 7 đứa được đi học. Thời đó, cả phủ Từ Sơn này chỉ có Trường Tiểu học Đình Bảng và cũng rất ít học sinh.

Cách mạng Tháng Tám thành công, ông được chứng kiến lực lượng Việt Minh giúp đỡ nhân dân tổ chức bình dân học vụ. Tối đến, cán bộ Việt Minh đi đến các nhà “gom” các cháu về, cùng ngồi chung với người lớn, làm thành lớp học; khoảng vài chục người/lớp. Chủ yếu là để học chữ quốc ngữ và xóa nạn mù chữ, vì lúc này có luật lệ, người đi chợ phải đọc được chữ mới cho vào chợ. Lớp học chữ ban đêm vì vậy trở nên sôi nổi, đông đúc hơn; tan học về nhà, già, trẻ lại cùng nhau đọc chữ, cùng nhau thảo luận cách viết, đọc rất sôi nổi, hào hứng.

Dừng câu chuyện, mời chúng tôi uống nước, ông Chăn nhớ lại, hồi ấy còn có bài thơ: “Quốc ngữ là chữ nước nhà/5 châu trên một địa cầu/Úc, Phi, Mỹ với Á, Âu bao người/Bao đất nước, bao giống nòi/Biết bao thứ tiếng cho người nói năng/Ta vốn họ Hồng Bàng thuở trước/Kể từ ngày dựng nước đến nay/Tiếng ta ngày mỗi thêm hay/Chữ ta quốc ngữ ngày nay học hành/Học vừa nhanh, vừa dễ, mấy tháng trời có kể là bao/23 chữ cái làm đầu/Tre ngâm bằng trắc, chấp câu tập vần/Cứ như thế chuyên cần hơn mãi/Dẫu ngu đần cũng sáng sủa ra/Tiếng ta mà viết chữ ta/Tiếng nào nói được, viết mà chẳng nên”.

Chờ ông đọc xong, chúng tôi ai cũng cười vui vẻ. Tôi không ngờ, ông Chăn vẫn còn nhớ như in ký ức những ngày cách đây 73 năm, tất cả hiện lên như một thước phim quay chậm qua lời kể của ông.             

Điều hấp dẫn, khiến cả đoàn rất vui là, chúng tôi không hề báo trước, sẽ phỏng vấn ông Chăn; chỉ thông báo đến chơi, để ông tự nhiên, thoải mái. Không ngờ, khi trò chuyện cùng ông, ông đã rất cởi mở và từ câu chuyện ông như đang được ngược trở về với ký ức tuổi thơ một cách hồn nhiên, háo hức  như mới chuyện của ngày hôm qua.

Rồi kháng chiến bùng lên...

Tiếp dòng câu chuyện, ông Chăn cho hay,  khoảng 15 - 16 tuổi, cũng như những đứa trẻ trong làng, ông nhanh chóng gác lại cái “đói mòn, đói mỏi” của thời thơ ấu. Một đêm hè vắng vẻ, ông bơi qua sông Xà Ngọt (Bắc Giang), lên Phố Thắng làm cách mạng. Tại đây, ông được học một lớp chính trị, do địa phương mở cho thanh niên vùng địch hậu sang gia nhập hàng ngũ. Kết thúc lớp học, ông xung phong đi bộ đội; cuộc đời binh nghiệp của ông xoay quanh các tỉnh vùng chiến khu Việt Bắc như: Bắc Giang, Phú Thọ, Tuyên Quang, Thái Nguyên… Sau đó, ông đi tiếp viện cho trận đánh Điện Biên Phủ lịch sử. Song, đoàn đi đến Hòa Bình thì Điện Biên Phủ đã giải phóng; ông Chăn được giải ngũ, quay về huyện Tiên Sơn, tham gia Ban chấp hành Đoàn thanh niên xã.

Công việc của ông Chăn lúc này là vận động thanh niên tăng gia sản xuất. Chính quyền xã tập trung ruộng đất công, cấp cho người nghèo, vì vậy, nhiều hộ nghèo đã có ruộng cày. Đặc biệt, vụ mùa năm 1958, toàn dân  thành lập hợp tác xã (HTX), gần như 100% số hộ tham gia vào tổ đổi công. Nhưng niềm vui “dân có ruộng dập dìu hợp tác” ngắn chẳng đầy gang, do đất nước phải bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Lúc này, ông Chăn công tác ở Phòng Nông thôn huyện Tiên Sơn, đảm đương việc xây dựng, củng cố HTX; cùng lội đồng sản xuất với bà con. Thời điểm này vẫn rất đói kém, do đó, ông và đoàn công tác phải vận động nông dân đóng góp cho tiền tuyến. Có một thực tế là, lúc này, các HTX cũng vô cùng khó khăn, bình quân chỉ được 6kg thóc/xã viên/tháng; nhưng vẫn làm nghĩa vụ quân sự cho Nhà nước đầy đủ: “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”.

Trải qua nhiều thăng trầm, song điều đọng lại trong ông Chăn nhiều dấu ấn nhất, chính là quãng thời gian từ 1984 – 1993, khi ông được bầu làm Chủ tịch UBND huyện Tiên Sơn (Bắc Ninh). Mặc dù ở cương vị mới, nhưng ông và người dân vẫn chưa được bình yên, do đây cũng là thời khắc đáng ghi nhớ của lịch sử dân tộc, vì chúng ta vừa xóa bỏ bao cấp; đời sống người dân gặp vô vàn khó khăn, gian khổ. Mặc dù vậy, ông vẫn vững chắc “tay lái”, lãnh đạo chính quyền địa phương và nhân dân sát cánh cùng nhau, vượt qua cơn khủng hoảng. Về kinh tế, khuyến khích nhân dân mở mang những ngành nghề là lợi thế của địa phương như: Đồ gỗ, sắt thép, vật liệu xây dựng..., từng bước hòa nhập nền kinh tế thị trường một cách vững chắc. Về văn hóa, con em trong huyện được đi học đầy đủ, các cháu thi đỗ đại học ngày càng nhiều; an ninh, chính trị ổn định.    

Mùa Thu nay khác rồi

73 năm sau Cách mạng Tháng Tám thành công, chúng tôi đến TX. Từ Sơn và cảm nhận rõ “mùa thu nay đã khác rồi”.  Ông Chăn giờ đã hơn 80 tuổi, nhưng vẫn giữ nếp sinh hoạt Đảng, đoàn thể, quan tâm đời sống của người dân địa phương; sống khỏe, vui vẻ, hạnh phúc bên gia đình.

Đặc biệt, phường Châu Khê nay có Khu công nghiệp sắt thép Đa Hội, sản xuất hàng nghìn tấn/năm, cung cấp nguyên liệu cho cả nước. Và nhiều công ty buôn bán, vận chuyển sắt thép xây dựng, cung ứng cho các tỉnh, thành trên cả nước, nhộn nhịp ngày đêm như một đại công trường. Khu phố Trịnh Xá  không còn hộ nghèo đói, kinh tế ngày càng khấm khá; nông nghiệp chỉ còn 3-4%, chủ yếu nhường chỗ cho các khu công nghiệp và dịch vụ, ngành nghề phát triển.

Giờ đây, người dân trong độ tuổi lao động ở khu phố Trịnh Xá phần lớn  làm việc trong các khu công nghiệp. Đường làng ngõ xóm được bê tông sạch sẽ, quy hoạch đẹp mắt; TX. Từ Sơn đã hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2017.  

Hiện, Trịnh Xá có 700 hộ, 2.750 nhân khẩu; khoảng 15 - 20% số gia đình là hộ giàu; 25 - 35% khá giả, còn lại là trung bình; người nghèo chỉ còn 11 hộ (do đây là những người độc thân, cô đơn). Ngoài ra, Trịnh Xá còn có hàng trăm gia đình có xe ô tô các loại, phần lớn là xe vận tải để phục vụ Khu công nghiệp Đa Hội; còn lại là xe du lịch, taxi.

“Đặc biệt, khu phố chúng tôi còn có đình Trịnh Xá, rộng hàng ngàn mét vuông; riêng khuôn viên đình rộng 400m2; được xây dựng từ 2011-2015, hoàn toàn bằng gỗ lim; kinh phí 15 tỷ đồng, do con em trong khu phố đóng góp.  Đình đã được UBND tỉnh Bắc Ninh công nhận là Di tích cấp tỉnh. Hiện, Trịnh Xá đang khởi công xây dựng Đền thờ Thành Hoàng làng, rộng 100m2,  cũng bằng nguồn xã hội hóa, kinh phí khoảng 2,5 tỷ đồng (đã đóng góp được 1 tỷ đồng)”, ông Chăn chia sẻ.

Chia tay ông Chăn giữa những ngày mùa Thu rực rỡ nắng, khắp khu phố treo cờ đỏ sao vàng chào mừng kỷ niệm 73 năm Cách mạng Tháng Tám và  Quốc khánh 2/9, dường như tiếng reo vui đang hòa chung một nhịp trong bầu trời xanh yên ả cùng nhịp sống tươi vui rộn rã về một vùng quê đang ngày một đổi thay, trù phú.

 

 


 

Dương An Như
Ý kiến bạn đọc
Top