Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 1 tháng 9 năm 2017 | 3:0

Vài ghi chép về Bác những ngày ở Thủ đô Khu giải phóng

KTNT - Đầu tháng 5/1945, Bác Hồ rời căn cứ Pắc Bó (Cao Bằng) về Tân Trào tiếp tục chỉ đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Ngày 22/8/1945, Người rời Tân Trào về Thủ đô Hà Nội trực tiếp chỉ đạo cuộc khởi nghĩa giành thắng lợi, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hơn 70 năm đã trôi qua nhưng hình ảnh về Bác vẫn in đậm trong tâm trí nhiều người dân vùng Thủ đô Kháng chiến.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Tôn Đức Thắng cùng các bộ trưởng năm 1948, tại Tân Trào.

Trước tình hình thế giới và trong nước chuyển biến hết sức mau lẹ, cuối tháng 4 đầu tháng 5 /1945, theo chỉ thị của Bác và Trung ương Đảng, đồng chí Võ Nguyên Giáp về châu Tự Do, tỉnh Tuyên Quang chuẩn bị địa bàn để lập khu giải phóng và chọn Tân Lập, xã Tân Trào (Sơn Dương) làm trung tâm lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng trong cả nước.

 Ngày 4/5/1945, Bác rời Pắc Bó (Cao Bằng) về Tân Trào để lãnh đạo phong trào cách mạng, chuẩn bị Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn quốc. Trải qua 18 ngày đêm, Người cùng đoàn công tác đến xã Hồng Thái vào buổi trưa 21/5/1945, đoàn đã nghỉ chân tại đình Hồng Thái. Khoảng 16 giờ cùng ngày, Bác cùng đoàn vượt dòng sông Phó Đáy vào thôn Tân Lập.

Theo sự bố trí sẵn, đồng chí Võ Nguyên Giáp đưa Bác cùng đồng chí Đinh Đại Toàn cùng hai người lính Đồng minh là Mác - Xim và Phăng - Tan đến ở tại nhà ông Nguyễn Tiến Sự, Chủ nhiệm Việt Minh của xã Kim Long. Hai người lính Đồng minh phụ trách điện đài mắc các thiết bị và làm việc dưới tán cây trong vườn nhà ông Sự để hàng ngày làm nhiệm vụ giữ vững đường liên lạc giữa Mặt trận Việt Minh và Đồng minh chống phát xít.

Ấm pha trà, đĩa đồ dùng sinh hoạt của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở lán Nà Nưa năm 1945.

Ngay sau khi Bác về đến Tân Trào, đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh từ vùng xuôi lên, báo cáo với Người các chủ trương, nghị quyết của Trung ương Đảng trong thời gian qua. Đồng chí Võ Nguyên Giáp báo cáo nghị quyết của Hội nghị quân sự Bắc kỳ... Ngoài giờ làm việc, Người cùng với ông Sự đến một số gia đình trong làng thăm hỏi sức khỏe, đời sống đồng bào, tặng quà cho các cụ già, trẻ nhỏ..., nhân dân trong làng gọi Người với cái tên kính yêu: “Cụ ké cách mạng”. Sau khi ở và làm việc tại nhà ông Sự khoảng một tuần, để đảm bảo bí mật và thuận tiện cho công việc, Bác đã chuyển lên ở và làm việc tại rừng Nà Nưa.

Theo đồng chí Hoàng Văn Thái, một trong những chỉ thị đầu tiên của Bác khi đến Tân Trào là phải khẩn trương mở trường đào tạo cán bộ. Trường quân chính kháng Nhật khoá I khai giảng tại Khuổi Kịch, Tân Trào. Bác đến trường thăm hỏi tình hình học tập và sinh hoạt của học viên.

Chấp hành chỉ thị của Bác và Tổng bộ Việt Minh, ngày 4/6/1945, Hội nghị cán bộ toàn khu được tổ chức tại lán Nà Nưa. Hội nghị đã quyết định thành lập khu giải phóng; Thống nhất các lực lượng vũ trang thành quân giải phóng; đề ra 10 chính sách lớn của Việt Minh và Tân Trào được chọn làm trung tâm thủ đô khu giải phóng.

Ngày 13/8/1945, Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng khai mạc trong không khí hết sức khẩn trương. Về dự có gần 30 đại biểu, đại diện cho ba miền Bắc, Trung, Nam, các chiến khu.

Lán Nà Nưa - Phủ chủ tịch đầu tiên, nơi ở và làm việc của lãnh tụ Hồ Chí Minh (từ cuối tháng 5 đến 22/8/1945) giờ đây là điểm di tích để du khách tìm đến.

Sau khi phân tích mọi mặt về điều kiện khách quan, chủ quan, hội nghị đi đến kết luận: “Những điều kiện khởi nghĩa đã chín muồi, cơ hội tốt cho ta giành chính quyền, độc lập đã đến...”. Hội nghị quyết định phát động toàn dân tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Uỷ ban khởi nghĩa toàn quốc được thành lập gồm 5 đồng chí: Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Trần Đăng Ninh, Lê Thanh Nghị và Chu Văn Tấn, do đồng chí Tổng Bí thư Trường Chính trực tiếp phụ trách.

23 giờ ngày 13/8/1945, Uỷ ban khởi nghĩa ra bản quân lệnh số I, hạ lệnh toàn dân đứng dậy giành chính quyền. Ngày 15/8/1945, sau khi được tin Nhật Bản chính thức đầu hàng quân Đồng minh vô điều kiện, Bác đã đề nghị Hội nghị nên kết thúc sớm để đại biểu còn kịp về các địa phương lãnh đạo khởi nghĩa.

Chiều 16/8/1945, tại gốc đa Tân Trào, đồng chí Võ Nguyên Giáp thay mặt Uỷ ban khởi nghĩa đọc bản quân lệnh số I và làm lễ xuất quân Nam tiến. Lễ xuất phát kết thúc, đoàn quân rầm rập tiến sang giải phóng Thái Nguyên và từ đó tiến về Hà Nội.

Bác Hồ dự Quốc dân Đại hội Tân Trào ngày17/8/1945.

Ngày 16-17/8/1945, Quốc dân Đại hội diễn ra tại đình Tân Trào, một số đại biểu từ các vùng, miền trong cả nước về dự, nhà ông Sự là nơi nghỉ của một số đoàn đại biểu về dự Quốc Dân đại hội. Tại đây, danh xưng Hồ Chí Minh lần đầu xuất hiện. Ngày 22/8/1945, Bác Hồ rời lán Nà Nưa về Thủ đô Hà Nội theo đường Đèo Khế, Cù Vân (Thái Nguyên), một số đồng chí được cử ở lại để tiếp tục chỉ đạo việc xây dựng, củng cố vùng căn cứ địa và hướng dẫn nhân dân địa phương xây dựng đời sống mới.

So với cả cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Hồ, ba tháng Người dừng chân tại Tân Trào chỉ là một thời gian rất ngắn. Nhưng chính từ căn lán đơn sơ trên khu đồi Nà Nưa với những nhận định đúng đắn, với những quyết sách kịp thời, táo bạo về thời cơ cách mạng, Bác đã chỉ đường cho toàn dân vươn tới một bước ngoặt có ý nghĩa lịch sử vĩ đại. Từ bước ngoặt đó, dân tộc Việt Nam chấm dứt những ngày tháng nô lệ, tiến sang kỷ nguyên độc lập, tự do.

Hoàng Văn

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).

  • Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Sáng 22/11, Thị ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ thị xã Duy Tiên long trọng tổ chức Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên (1469 - 2024) và 95 năm thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Duy Tiên (11/1929 - 11/2024).

  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

Top