Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 26 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 13 tháng 7 năm 2016 | 5:16

Vài nét về Kinh tế nông thôn

Tạp chí Kinh tế nông thôn, Cơ quan ngôn luận Trung ương của Hội Làm vườn Việt Nam (VACVINA), Diễn đàn của người làm kinh tế và xây dựng nông thôn mới.

- Cuối tháng 3 năm 1988, số 1 Tạp chí Người Làm vườn - tiền thân của báo Kinh tế nông thôn ra mắt bạn đọc (32 trang ruột 4 trang bìa, khổ 19x27cm). Phát hành 3 tháng một kỳ. Năm sau (1989) nâng lên 2 tháng 1 kỳ. Tháng 7 năm 1993 lên mỗi tháng 1 kỳ.- Tháng 3 năm 1997 chuyển thành Báo Người Làm vườn xuất bản hai tuần một kỳ, 16 trang, khổ 27x43cm. Tháng 4 năm 1998 đổi tên thành Kinh tế VAC, 10 ngày xuất bản 1 kỳ, 12 trang, giữ nguyên khổ . Từ tháng 4 năm 1999 xuất bản mỗi tuần 1 kỳ.

- Tên Kinh tế nông thôn ra mắt bạn đọc từ tháng 11 năm 2002. Từ tháng 7 năm 2005, Kinh tế nông thôn lên 16 trang.

- Năm 2002, thực hiện Quyết định 1637/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Kinh tế nông thôn xuất bản thêm Chuyên đề Kinh tế VAC phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, ra ngày 10 và 25 hằng tháng.

- Tháng 8 năm 2003 ấn phẩm thứ ba, Kinh tế nông thôn cuối tuần ra mắt bạn đọc với 16 trang, khổ 27x43cm.

- Tháng 12 năm 2003, Quỹ Niềm tin của báo Kinh tế nông thôn chính thức hoạt động. Quỹ Niềm tin với mong muốn giúp người khuyết tật lấy lại niềm tin, vượt qua thử thách, vươn lên hoà nhập cộng đồng, cùng cộng đồng đóng góp dựng xây đất nước.

- Tháng 9 năm 2006, báo điện tử Kinh tế nông thôn chính thức lên mạng với địa chỉ: http://www.kinhtenongthon.vn.

- Từ tháng 4/2020, Báo Kinh tế nông thôn chuyển đổi thành Tạp chí Kinh tế nông thôn.
 
Thực hiện tôn chỉ mục đích được giao, Kinh tế nông thôn đã đồng thời làm tốt ba nhiệm vụ: Tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, ngành nông nghiệp -phát triển nông thôn và Hội Làm vườn về chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, kinh tế nông thôn theo định hướng giàu đẹp, tiến bộ, văn minh. Là cầu nối giữa hội viên, nông dân, chủ trang trại, người làm ngành nghề nông thôn với các đơn vị nghiên cứu khoa học, các cơ quan quản lý Nhà nước. Và thực hiện tốt chức năng nâng cao dân trí.

Để nội dung phản ánh gần cuộc sống các địa bàn hơn, nắm được sâu hơn, đầy đủ hơn và đáp ứng tốt hơn yêu cầu của bạn đọc trong cả nước. Phát triển các văn phòng đại diện là một định hướng lớn. Hiện Kinh tế nông thôn có Văn phòng tại TP.Thanh Hoá tỉnh Thanh Hoá, TP.Đà Nẵng, TP.Cần Thơ và Thành phố Hồ Chí Minh.

Nhân dịp này, tập thể những người làm báo Kinh tế nông thôn bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới các đồng chí lãnh đạo Hội Làm vườn Việt Nam, đặc biệt là đồng chí Nguyễn Ngọc Trìu, nguyên Phó thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Hội; các đồng chí lãnh đạo Đảng, chính quyền các địa phương, các doanh nghiệp đã tạo điều kiện, ủng hộ Kinh tế nông thôn trên bước đường phát triển. Cảm ơn đông đảo hội viên Hội Làm vườn, nông dân, chủ trang trại, chủ doanh nghiệp ngành nghề ở nông thôn, những người quan tâm tới kinh tế nông nghiệp, nông thôn và cộng tác viên thân thiết đã nhiệt tình gắn bó cộng tác với báo những năm qua. Những người làm báo Kinh tế nông thôn sẽ nỗ lực phấn đấu để tờ báo của chúng ta ngày càng Nhanh hơn, Đúng hơn, Trúng hơn, Hay hơn, Đẹp hơn và Gần gũi hơn, Thấu hiểu hơn đối với bạn đọc nói chung và những ai muốn làm giàu từ tiềm năng nông - lâm - ngư nghiệp đa dạng của đất nước ta.
 

2-  Tháng 6/2008, Báo Kinh tế nông thôn kỷ niệm 20 năm xây dựng và phát triển

Báo Kinh tế nông thôn (tiền thân là Tạp chí Người Làm vườn, Báo Người Làm vườn, Báo Kinh tế VAC). Hai mươi năm xây dựng và phát triển của báo có thể chia thành 3 giai đoạn:

Giai đoạn từ năm 1988 đến tháng 2 năm 1997. Đây là giai đoạn Kinh tế nông thôn xuất bản dưới dạng tạp chí 3 tháng 1 kỳ (1988), 2 tháng (1989 – 6/1993) rồi mỗi tháng 1 kỳ (7/1993 – 2/1997) với khuôn khổ 19x27cm, tên gọi Tạp chí Người Làm vườn. Kinh phí do Trung ương Hội cấp. Cán bộ toà soạn là các đồng chí đã nghỉ chế độ sau khi hoàn thành nhiệm vụ được giao (nghỉ hưu). Cơ sở vật chất hầu như không có gì. Tuy vậy, thời kỳ này Tạp chí Người Làm vườn đã làm tốt việc hướng dẫn phát triển kinh tế vườn (VAC) gia đình, nhất là VAC dinh dưỡng, góp phần quan trọng trong việc cải thiện bữa ăn, giảm suy dinh dưỡng cho trẻ em và bà mẹ. Đây là giai đoạn xây dựng nền móng cho tờ báo chuyên nghiệp hiện nay.

Giai đoạn từ tháng 3 năm 1997 đến tháng 7 năm 2003. Giai đoạn này Kinh tế nông thôn có tên báo Người Làm vườn (3/1997 - 3/1998) xuất bản khổ 29x42cm, mỗi tháng 2 kỳ; Kinh tế VAC (4/1998 – 10/2002), khổ 29x42cm, xuất bản 3 kỳ /tháng từ tháng 4 năm 1998 đến năm 2000; từ năm 2001 đến tháng 7 năm 2003 xuất bản mỗi tuần 1 kỳ. Đây là thời kỳ Báo bắt đầu hoàn toàn tự trang trải về kinh phí nên gặp rất nhiều khó khăn. Việc từng bước nâng kỳ xuất bản đã nói lên điều đó. Tuy vậy, trong giai đoạn này, Kinh tế VAC đã có thêm ấn phẩm mới, Chuyên đề Kinh tế VAC phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Thời kỳ này báo tiếp tục hướng dẫn hội viên Hội Làm vườn và bà con nông dân phát triển VAC dinh dưỡng và khởi động tuyên truyền, định hướng, hướng dẫn phát triển kinh tế gia trại, trang trại. Đây là thời kỳ khẳng định mình của Kinh tế nông thôn đối với làng báo và bạn đọc. Cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ phóng viên từng bước được hoàn thiện.

Giai đoạn từ tháng 8 năm 2003 đến nay. Đây là giai đoạn báo có sự phát triển nhanh về mọi mặt. Tháng 8 năm 2003 thêm ấn phẩm mới (Kinh tế nông thôn cuối tuần), tháng 9 năm 2006 Kinhtenongthon.com.vn (Báo Kinh tế nông thôn điện tử) chính thức lên mạng. Đây là ấn phẩm báo phục vụ nông nghiệp, nông thôn đầu tiên lên mạng internet.

Đặc biệt là, hệ thống chân rết của báo liên tục mở rộng. Năm 2003 thành lập văn phòng đại diện tại thành phố Hồ Chí Minh; năm 2004 đưa Văn phòng đại diện khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đóng tại TP Cần Thơ vào hoạt động; năm 2005 thành lập Trung tâm thông tin kinh tế phía Nam, đóng tại TP.Hồ Chí Minh; cũng năm 2005 thành lập văn phòng tại thành phố Thanh Hoá; năm 2006 thành lập văn phòng tại TP. Đà Nẵng; và năm nay -2008, chúng tôi đang chuẩn bị đưa văn phòng Tây Nguyên đóng tại TP. Plêiku (Gia Lai) đi vào hoạt động. Cùng với mở các văn phòng, Báo còn nối mạng với 25 tỉnh Hội Làm vườn khắp các địa bàn để có được thông tin mới về phát triển tổ chức Hội, nhất là tình hình phát triển kinh tế nông thôn trên các địa bàn. Báo đã xây dựng được cơ sở vật chất kỹ thuật hoàn thiện, đảm bảo đủ điều kiện phục vụ hoạt động nghiệp vụ.

Thời kỳ này, báo vừa hướng dẫn phát triển VAC dinh dưỡng, kinh tế gia trại, trang trại vừa định hướng chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn, nhất là các nghề tiểu thủ công nghiệp.

Là tờ báo của một tổ chức hội xã hội nghề nghiệp, không được hưởng ngân sách Nhà nước nên tập thể cán bộ, phóng viên nhân viên của báo không ngừng nỗ lực trong hoạt động. Nhờ vậy Báo không những tự cân đối được thu - chi mà còn góp ngân sách cho nhà nước.

Đồng thời, cán bộ, phóng viên, công nhân viên của báo còn tích cực đóng góp và tham gia vận động nhiều Mạnh thường quân, các nhà hảo tâm ủng hộ đồng bào bị thiên tai, đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, xây dựng nhà tình nghĩa,…

Có thể khẳng định, trong những năm qua, báo Kinh tế nông thôn đã có bước tiến quan trọng trong sự nghiệp đổi mới và phát triển báo chí của đất nước.

Những thành tích đạt được

Trong 20 năm qua, Báo Kinh tế nông thôn luôn được Trung ương Hội Làm vườn đánh giá là đơn vị thi đua xuất sắc. Năm 2003, Báo được Trung ương HLV tặng Cờ thi đua xuất sắc.

Năm 2002, Bộ Văn hoá - Thông tin tặng Bằng khen về việc tích cực tham gia cuộc thi viết, triển lãm sách, báo, tạp chí phục vụ đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi.

Năm 2003, Trung ương HLV tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong phát triển phong trào VAC.

Năm 2004, Bộ Văn hóa – Thông tin tặng Bằng khen cho Chuyên đề Kinh tế VAC của báo.

Năm 2005, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong xây dựng và phát triển Hội.

Năm 2006, Thủ tướng Chính phủ tặng Báo và cá nhân đồng chí Tổng biên tập Bằng khen vì đã có thành tích trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Năm 2007, Trung ương HLV tặng Bằng khen.

Ngoài ra, Báo còn được Bộ Văn hoá - Thông tin, Hội Nhà báo Việt Nam, Uỷ ban Dân tộc và các địa phương tặng nhiều Giấy khen, Giấy chứng nhận do có nhiều đóng góp trong sự nghiệp hoạt động báo chí và từ thiện. Đạt nhiều giải thưởng về bìa báo Xuân, báo Tết.

Ngày 12 tháng 5 năm 2008, Chủ tịch nước tặng Báo và đồng chí Tổng biên tập Huân chương Lao động hạng Ba.

Năm 2009, Trung ương HLV tặng Bằng khen.

Ngày 17 tháng 6 năm 2010, Báo được Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong các phòng trào thi đua của Mặt trận. Quyết định số 362/QĐ-MTTQVN-BTT.

Tổng biên tập  Kinh tế nông thôn qua từng thời kỳ:

- PTS. Nguyễn Ngọc Kính (9/1987 - 2/1997).

- GS. Trịnh Văn Thịnh (3/1997 - 4/1999).

- Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn (từ 5/1999).

 

TẠP CHÍ KINH TẾ NÔNG THÔN

Mã số thuế     : 0100531526

Địa chỉ            : 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội.

Tài khoản        : 114000000924 tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Hai Bà Trưng.

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top