Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 8 tháng 7 năm 2021 | 14:19

Vẫn còn nhiều sản phẩm nông sản, thực phẩm tồn dư hóa chất

Thực hiện Thông tư 38/2018/TT-BNNPTNT, Bộ NN&PTNT phối hợp với các địa phương đã tổ chức thanh tra đột xuất tại 10.837 cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản, vật tư nông nghiệp trong cả nước, đã phát hiện 854 cơ sở vi phạm.

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, đến nay công tác giám sát an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản được thực hiện theo Thông tư 38/2018/TT-BNNPTNT, chuyển mạnh từ thanh tra chuyên ngành sang thanh tra đột xuất, vì vậy, đã kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm an toàn thực phẩm.
 
Còn nhiều sai phạm
 
Tại Hà Nội trong nửa đầu năm 2021 Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Hà Nội đã lấy 196 mẫu giám sát. Đến nay, đã có kết quả đối với 110 mẫu. Đáng lo ngại, trong số 110 mẫu ngẫu nhiên này vẫn có 9/110 mẫu chưa đáp ứng các chỉ tiêu ATTP, chiếm tỷ lệ 8,1% tổng số mẫu.
 
1.jpg
Lấy mẫu giám sát chất lượng an toàn thực phẩm một cơ sở tại Hà Nội. Ảnh: Trọng Tùng.
Hai đơn vị khác thuộc Sở NN&PTNT cũng tích cực tham gia công tác lấy mẫu, giám sát. Kết quả cho thấy vẫn còn nhiều nỗi lo. Đơn cử như trong 642 mẫu rau củ quả và chè được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật kiểm nghiệm, có 21 mẫu rau phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép.
 
Đối với 244 mẫu thực phẩm (rau củ quả, chè, trứng, ngũ cốc) được Trung tâm Phân tích và Kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm nông nghiệp giám sát chất lượng, cũng có 12 mẫu phát hiện chỉ tiêu gây mất ATTP. Đáng lo ngại khi có đến 11/12 tổng số mẫu nông sản, thực phẩm ghi nhận có chứa hàm lượng các hoạt chất đang bị cấm lưu hành.
 
7-2.jpg
Kiểm tra các cơ sở sản xuất - kinh doanh thực phẩm tại An Giang
 
Tại An Giang, Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 6 tháng đầu năm 2021, đã tổ chức 12 cuộc kiểm tra đối với 335 đối tượng (gồm: 17 tổ chức, 318 cá nhân) về chấp hành các quy định của pháp luật trong SXKD vật tư nông nghiệp, thuốc thú y thủy sản, thức ăn thủy sản, ATTP… Trong lĩnh vực ATTP, có 3 trường hợp sản xuất thực phẩm sử dụng phụ gia vượt giới hạn cho phép; 2 trường hợp sản xuất thực phẩm sử dụng chất phụ gia cấm trong chế biến thực phẩm; 1 cơ sở chế biến thực phẩm không trang bị bảo hộ lao động; 1 cơ sở khu vực sản xuất thực phẩm có côn trùng, động vật gây hại; 1 cơ sở sản xuất ATTP thay đổi thành phần nguyên liệu cấu tạo sản phẩm nhưng không thực hiện công bố lại.
 
Thực hiện chỉ đạo của Ban chỉ đạo Bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Đông Nai, Đoàn kiểm tra liên ngành Sở Nông nghiệp và PTNT đến nay đã tiến hành kiểm tra được 5 cơ sở, lấy 27 mẫu test nhanh các chỉ tiêu an toàn thực phẩm và lấy 03 mẫu để phân tích định lượng. Kết quả test nhanh cho thấy 25/27 mẫu (92.6%) đạt chỉ tiêu an toàn thực phẩm (riêng mẫu phân tích định lượng đang chờ kết quả).
 
Theo báo cáo của các địa phương, do ảnh hưởng dịch Covid - 19 nên trên 30 % cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm đã đóng cửa hoặc ngưng hoạt động, số cơ sở đang hoạt động doanh thu thấp, đang hoạt động cầm chừng. Tại 5 cơ sở kiểm tra, có 2 cơ sở chấp hành tốt điều kiện đảm bảo ATTP; 3 cơ sở vẫn còn vi phạm lỗi như: Khu vực chế biến không có biện pháp phòng chống côn trùng và động vật gây hại (tại thời điểm kiểm tra có rất nhiều ruồi), tường nhà của khu vực chế biến còn bám bụi bẩn, sổ kiểm thực 3 bước thực hiện chưa đúng theo Quyết định 1246/2017/QĐ-BYT, nhật ký lưu mẫu thực hiện chưa đúng theo Quyết định 1246/2017/QĐ-BYT (không ghi thời gian lấy mẫu, không ghi tên mẫu, niêm phong không đúng quy định), chủ cơ sở và công nhân trực tiếp sản xuất chưa thực hiện khám sức khỏe, dụng cụ thu gom chất thải rắn không có nắp đậy, chưa cung cấp được hồ sơ hợp đồng về nguồn cung cấp nguyên liệu, sử dụng thực phẩm đã quá hạn sử dụng (01 kg sườn non xông khói) và thực phẩm nhiễm hàn the (01 kg mì vàng).  
 
attp.jpg
Các lực lượng thường xuyên kiểm tra các cơ sở

 

Như vậy có thể khẳng định, mặc dù đã có những quy định, văn bản chỉ đạo và hướng dẫn việc thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm nông nghiệp, tuy nhiên nhiều cơ sở kinh doanh thực phẩm nông nghiệp vẫn vi phạm, khi các địa phương tiến hành kiểm tra và xử lý nhiều cơ sở. Điều này cho thấy các đơn vị kinh doanh thực phẩm nông sản “nhờn” các quy định của nhà nước về an toàn thực phẩm nông nghiệp. Vì thế cần có chế tài xử lý thật nặng để sai phạm không được tái diễn.
 
Tăng cường công tác kiểm tra và mở rộng các tiêu chí
 
Từ những kết quả lấy mẫu, giám sát sản phẩm nông nghiệp nêu trên cho thấy ATTP vẫn là nỗi lo lớn. Cũng bởi vậy, công tác kiểm nghiệm, xét nghiệm, phân tích chất lượng nông lâm sản và thủy sản đặt ra những yêu cầu, đòi hỏi chuyên nghiệp hơn.
 
Thực tế thời gian qua, với sự quan tâm của UBND TP Hà Nội, ngành nông nghiệp đã được đầu tư hạ tầng, trang thiết bị tương đối đầy đủ để đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước về ATTP. Hàng năm, các đơn vị thuộc Sở NN&PTNT đều được đầu tư mua sắm test kit kiểm tra nhanh một số chỉ tiêu ATTP như: Salbutamol, Clenbuterol, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật… 6 xe kiểm nghiệm nhanh cũng đã được TP đầu tư cho các sở ngành để thực hiện công tác giám sát chất lượng nông sản, thực phẩm…
 
Hà Nội cũng đã xây dựng, hoàn thiện và áp dụng hệ thống quản lý phòng kiểm nghiệm theo tiêu chuẩn ISO 17025:2005; được Bộ KH&CN cấp phép trong lĩnh vực kiểm nghiệm…
 
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, thời gian tới, công tác giám sát chất lượng nông lâm sản và thủy sản vẫn sẽ là nhiệm vụ trọng tâm đối với mục tiêu bảo đảm ATTP trên địa bàn Thủ đô. Ở đó, ngành nông nghiệp sẽ tập trung vào cảnh báo nguy cơ và truy xuất nguồn gốc nông sản, thực phẩm; nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về tự công bố sản phẩm nông nghiệp.
 
“Cùng với việc tiếp tục nâng cấp hệ thống trang thiết bị kiểm nghiệm hiện đại, ngành nông nghiệp sẽ nghiên cứu mở rộng một số chỉ tiêu kiểm nghiệm, nâng cao trị số các chỉ tiêu để được công nhận bảo đảm an toàn. Đồng thời, tích cực ứng dụng khoa học - công nghệ vào quản lý chất lượng ATTP” - ông Nguyễn Ngọc Sơn cho biết thêm.
 
Theo nhận định của ngành chức năng tỉnh An Giang; việc quản lý còn gặp nhiều khó khăn do điều kiện hạ tầng cơ sở, trang thiết bị dụng cụ chưa được chú trọng, còn lạc hậu, thô sơ. Mặt khác, việc coi trọng lợi nhuận đã tác động trực tiếp đến việc lựa chọn chất lượng, nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm; nhận thức của người sản xuất, chế biến, kinh doanh còn hạn chế...
 
Một trong những giải pháp đang được tăng cường song song với công tác tuyên truyền là thanh, kiểm tra, kiểm soát thực phẩm. Các ngành chuyên môn tiếp tục kiến nghị có chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe, xử lý nghiêm và kịp thời đối với các hành vi vi phạm, thay vì kêu gọi sự “tử tế” từ người SXKD. Cùng với đó, người dân phải kiên quyết tẩy chay thực phẩm không an toàn để góp phần loại bỏ thực phẩm bẩn trên thị trường…
 
Để công tác giám sát an toàn thực phẩm, kiểm tra chất lượng vật tư nông nghiệp đạt kết quả cao, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp, địa phương cần áp dụng triệt để khoa học, công nghệ 4.0, công nghệ số vào hoạt động quản lý an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc hàng hóa nông sản theo chuỗi giá trị. Đồng thời, phải xây dựng hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin tiên tiến, đồng bộ để phục vụ tốt hoạt động quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm.
 
Trong đó, cần chú trọng việc xây dựng hệ thống cung ứng thông tin, dữ liệu các cơ sở sản xuất kinh doanh chấp hành tốt quy định về an toàn thực phẩm, dữ liệu những cơ sở vi phạm để hỗ trợ quản lý điều hành công tác kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm.
 
Cùng với đó, nâng cao khả năng dự báo, lập kế hoạch, tăng cường hiệu quả công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, giám sát an toàn thực phẩm.
 
 
Ngọc Thủy (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top