Cây cối chết khô, ruộng đồng nứt nẻ, nhiều diện tích bị bỏ hoang không thể canh tác, giếng nước sinh hoạt cạn trơ đáy, đã có hiện tượng gia súc chết do thiếu thức ăn... là những gì đang xảy ra ở huyện Ea Súp (Đắk Lắk).
Theo chân cán bộ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ea Súp, chúng tôi tìm về xã Cư K’Bang, nơi có hơn 800 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Hầu hết giếng đào phục vụ sinh hoạt và tưới tiêu của bà con trong vùng đều ở trạng thái trơ đáy. Vài hộ gia đình có điều kiện thuê thợ khoan giếng sâu gần 70m với hy vọng sẽ tìm được nguồn nước nhưng mọi cố gắng đều vô vọng. Việc chăn nuôi gia súc bị gián đoạn khi những cánh đồng cỏ trong vùng đã cháy khô hoàn toàn. Ông Lý Văn Hình (SN 1958), thôn 4A, xã Cư K’Bang, rầu rĩ chia sẻ: “Nước uống thì gia đình mua, nước tắm giặt sinh hoạt hàng ngày xin trong xóm. Khu vườn trồng rau màu và cỏ chăn nuôi đã cháy khô từ lâu rồi. Hơn chục năm sử dụng giếng này, đây là lần đầu giếng bị cạn đáy. Bình thường, chúng tôi đào 10-15m giếng đã có nước chứ không phải đào sâu như hiện nay. Không có nước sinh hoạt đã đành, bây giờ trồng rau, nuôi heo cũng không xong thành ra không làm ăn được gì".
Cánh đồng cỏ của một trang trại nuôi bò đã bị cháy khô.
Còn bà Nông Văn Kim (SN 1962), ngụ cùng thôn cho biết: "Gia đình nghèo chỉ trông vào vườn điều và mấy con heo nhưng từ đầu mùa khô đến giờ, chúng tôi không trồng thêm được hoa màu ngắn ngày làm thức ăn cho heo do thiếu nước trầm trọng. Con gái tôi vừa sinh em bé mà nước sinh hoạt không có, 2 đứa con trai lớn của tôi đã lên vùng khác làm thuê làm mướn để có tiền trang trải cuộc sống gia đình".
Hạn hán, đàn bò thiếu nguồn thức ăn.
Ea Súp là 1 trong 5 huyện nghèo của tỉnh Đắk Lắk, cuộc sống của bà con nơi đây còn nhiều khó khăn, chủ yếu dựa vào trồng lúa nước và chăn nuôi. Thiếu nước sinh hoạt và tưới tiêu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của nhiều hộ gia đình. Đàn gia súc cạn kiệt nguồn thức ăn, thậm chí ăn cả lá sắn cao sản (mì) để cầm cự. Theo báo cáo của huyện, thời gian qua đã có 50 con bò trên địa bàn bị chết do ăn lá sắn. Lượng mưa năm 2015 ít, thêm vào đó, trên địa bàn huyện chưa có hệ thống kênh mương thủy lợi trữ nước phục vụ nông nghiệp khiến nhiều diện tích hoa màu của bà con tại xã Cư K’Bang phải dừng sản xuất từ tháng 9 năm ngoái đến nay. Giờ đây, người dân chỉ biết trông chờ... mưa đến mới có thể tiếp tục canh tác.
Ruộng đồng nứt nẻ chân chim, nhiều diện tích bị bỏ hoang không thể canh tác.
Ông Nguyễn Văn Đông, Chủ tịch UBND huyện Ea Súp cho hay: "Hiện, chúng tôi đang chỉ đạo quyết liệt việc kiểm tra, xem xét để có thể nạo vét giếng hoặc khoan một số điểm có thể có nước để cấp nước tập trung cho bà con. Chúng tôi cũng đã chuẩn bị một số phương án như mua bơm, các bồn nước rồi thuê xe chở đến các vùng khó khăn đang bị hạn nặng. Đặc biệt trong tháng 4 này, dự báo khả năng sẽ hạn nặng lên tới mức đỉnh điểm. Vụ lúa hè thu khả năng sẽ gặp nhiều khó khăn khi năm nay mùa mưa đến muộn. Và nếu như người dân gieo hạt không cẩn thận sẽ bị mất trắng, còn nếu không gieo có khả năng xảy ra đói giáp hạt".
Bài, ảnh: Thu Sa
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.