Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Hưng Yên xem việc đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 là điều kiện tiên quyết để chi nhánh hoàn thành tốt nhiệm vụ cung ứng các chính sách tín dụng đến với đến với người nghèo.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) của người dân, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Hưng Yên xem việc đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 là điều kiện tiên quyết để chi nhánh hoàn thành tốt nhiệm vụ cung ứng các chính sách tín dụng đến với đến với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Để hoạt động tín dụng không bị “chậm nhịp”
Đặt trong bối cảnh của một tỉnh với tốc lực đô thị hóa và chuyển đổi cơ cấu kinh tế sôi động, để giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu vay và đủ điều kiện tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, bên cạnh việc đề xuất phân bổ nguồn vốn từ Trung ương cũng như huy động trên địa bàn, NHCSXH tỉnh Hưng Yên tư vấn, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, UBND tỉnh Hưng Yên đã ủy thác sang NHCSXH số tiền 10 tỷ đồng để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, đưa tổng nguồn vốn ủy thác của tỉnh lên hơn 110,7 tỷ đồng, tăng 16,2 tỷ đồng so với 31/12/2020.
Cùng với triển khai tốt công tác thu nợ để gia tăng nguồn vốn, NHCSXH đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác thực hiện giải ngân nhanh chóng, đúng đối tượng, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác. 6 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh có 12.380 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn ưu đãi với doanh số cho vay đạt hơn 475,5 tỷ đồng.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, NHCSXH tỉnh đã rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng vay vốn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng. 6 tháng đầu năm 2021, chi nhánh đã gia hạn nợ cho 1.426 món vay với dư nợ hơn 55 tỷ đồng.
Trước đó, năm 2020, chi nhánh cũng đã thực hiện gia hạn nợ cho 311 món vay với dư nợ hơn 12,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, ngay sau Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 và Quyết định số 32/2020/QĐ-TTg ngày 19/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, chi nhánh đã bố trí cán bộ trực tiếp tiếp cận các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là các doanh nghiệp, trường học, cơ sở sản xuất để tuyên truyền, phổ biến chính sách. Đồng thời, rà soát, nắm bắt nhu cầu vay vốn, tìm kiếm khách hàng, tư vấn cho khách hàng cần hỗ trợ.
Đến ngày 31/12/2020, Hội sở tỉnh và 9 Phòng giao dịch đã giải ngân cho 15 khách hàng để trả lương ngừng việc cho 534 lao động với số tiền hơn 2,7 tỷ đồng. Tiếp đó, 6 tháng đầu năm 2021, chi nhánh đã cho người sử dụng lao động được vay vốn để trả lương ngừng việc cho 124 lao động theo Quyết định 15 và Quyết định 32.
Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Hưng Yên Nguyễn Thị Xuân cho biết: Cùng với tác động lớn từ dịch bệnh ảnh hưởng đến hoạt động giao dịch của chi nhánh, những tháng đầu năm 2021, chi nhánh còn thêm khó khăn khi có sự thay đổi nhân sự trong Ban đại diện Hội đồng quản trị (HĐQT) NHCSXH các cấp trong tỉnh do chuyển công tác hoặc nghỉ hưu theo chế độ. Chính vì vậy, để hoạt động tín dụng chính sách không bị “chậm nhịp”, ngay từ đầu năm, công tác kiện toàn kịp thời Ban đại diện HĐQT NHCSXH được đặt lên hàng đầu. Đến nay, Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Hưng Yên đã kiện toàn 4 thành viên, Ban đại diện HĐQT NHCSXH các huyện, thị xã, thành phố đã kiện toàn thay đổi 9 thành viên, đảm bảo cơ cấu và tổng số thành viên Ban đại diện là 273 thành viên, đảm bảo hoạt động và phục vụ nhu cầu vay vốn của người dân.
Trợ lực cho người nghèo
Những trợ lực an sinh xã hội từ NHCSXH tỉnh Hưng Yên không chỉ bằng đóng góp trí lực trong việc huy động vốn, triển khai các chính sách an sinh xã hội mà còn đến từ công tác từ thiện nhân đạo.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, trích từ nguồn lương của mình, cán bộ, người lao động của NHCSXH tỉnh đã góp 313,9 triệu đồng để tặng quà Tết người nghèo, trẻ em mồ côi; ủng hộ phòng, chống dịch, ủng hộ Quỹ vắc - xin phòng, chống Covid-19... Nỗ lực của chi nhánh đã tích cực đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng, góp phần đẩy lùi hoạt động tín dụng “đen”, thực hiện hiệu quả chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đề ra về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, tập trung phát triển nguồn nhân lực, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Tính đến ngày 30/6/2021, tổng nguồn vốn tín dụng của NHCSXH tỉnh Hưng Yên đạt hơn 3.050 tỷ đồng. Tổng dư nợ hơn 3.040 tỷ đồng, tăng hơn 144 tỷ đồng so với 31/12/2020, đạt 89,1% kế hoạch tăng trưởng năm 2021. Vốn tín dụng chính sách đã góp phần hỗ trợ kịp thời vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho 1.392 lao động; giúp gần 900 lượt HSSV có hoàn cảnh khó khăn vay vốn trang trải chi phí học tập; xây dựng và cải tạo 13.096 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; giúp 82 hộ gia đình có nhà ở ổn định cuộc sống theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP. |
Tuy nhiên, Giám đốc Nguyễn Thị Xuân cho biết: Hiện nay, nhu cầu vay vốn để tạo việc làm, duy trì và mở rộng sản xuất của người dân trên địa bàn tỉnh rất lớn. Song, nguồn vốn bổ sung đối với chương trình tín dụng trên từ Trung ương và cấp ủy, chính quyền địa phương còn hạn chế. Vì vậy, để có thêm nguồn vốn trợ lực cho người nghèo và các đối tượng chính sách, chi nhánh đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương và Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội, thực hiện tốt Chỉ thị số 40- CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư, Quyết định số 401/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị 36-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kế hoạch số 98/KH-UBND của UBND tỉnh, xem xét tiếp tục chi ngân sách năm 2021, số tiền 5 tỷ đồng bổ sung nguồn vốn ủy thác qua NHCSXH để cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Đồng thời, rà soát, tập trung các nguồn vốn có nguồn gốc từ ngân sách về một đầu mối và giao cho NHCSXH quản lý. Đề nghị chính quyền tỉnh xây dựng chương trình, dự án, gắn kết giữa chủ đầu tư các mô hình kinh tế gắn với nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa; đẩy mạnh hoạt động khuyến nông, khuyến ngư, đào tạo nghề giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.
Về phía NHCSXH, sẽ tiếp tục làm tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19; triển khai thực hiện hoàn thành tốt các chỉ tiêu kế hoạch tín dụng được giao; kế hoạch hóa hoạt động thu nợ, giải ngân để có cơ sở điều hành chỉ tiêu kế hoạch tín dụng, không để tồn đọng vốn nhưng đảm bảo tuân thủ nghiêm chỉnh định mức quỹ an toàn chi trả. Đặc biệt, tích cực triển khai cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất đối với người lao động theo Nghị quyết 68 và Quyết định 23 của Chính phủ.