Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 14 tháng 12 năm 2024  
Thứ năm, ngày 15 tháng 9 năm 2022 | 10:57

Vốn ưu đãi tạo đà cho du lịch Nghĩa Đô cất cánh

Nguồn vốn tín dụng từ NHCSXH Bảo Yên (Lào Cai) không chỉ đồng hành cùng bà con các dân tộc thoát nghèo, có điều kiện tự lực vươn lên mà còn góp phần thay đổi cơ bản nhận thức, tư duy phát triển kinh tế du lịch cộng đồng.

Hiệu quả từ đồng vốn đã giúp nhiều hộ gia đình nâng cao chất lượng cuộc sống, mở hướng làm ăn mới.

Sát cánh với chủ trương phát triển của địa phương

Nghĩa Đô là vùng đất có văn hóa phong phú, tín ngưỡng đặc sắc gắn với dân tộc Tày.  Xác định được những  lợi thế vốn có từ tiềm năng du lịch, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã quyết tâm khai thác, phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa.

 

z3722973187474_5ecf09d6202b5a1f307f18e5ee773408.jpg
Khách du lịch nước ngoài tìm đến Nghĩa Đô tham quan, trải nghiệm.

 

Ông Đỗ Văn Lưu, Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Đô, cho biết: “Năm 2021, thực hiện Đề án số 05-ĐA/HU và Nghị quyết số 08-NQ/HU của Huyện ủy Bảo Yên,  các cơ quan, đơn vị chuyên môn của huyện tích cực lồng ghép các chương trình, dự án đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho phát triển du lịch cộng đồng tại xã Nghĩa Đô gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống dân tộc Tày. Trong đó phải kể đến đóng góp đắc lực từ nguồn vốn NHCSXH”.

Bà Nguyễn Thị San (thôn Nà Khương) bắt đầu tiếp cận chính sách phát triển du lịch từ năm 2019, nhưng làm thế nào để nếp nhà sàn cũng như những nét văn hóa truyền thống của mình trở thành điểm đến của khách du lịch thì còn quá bỡ ngỡ với gia đình. Tuy vậy, cùng với sự hỗ trợ của các ngành các cấp, gia đình bà bắt tay vào xây dựng, sửa chữa công trình phụ, chỉnh trang lại nhà cửa. Đến năm 2021, nhà bà San mới đủ điều kiện đón khách đến tham quan, nghỉ dưỡng nhưng lại gặp dịch Covid-19 nên không có khách.

Bà San cho biết: “Đầu năm 2022, lượng khách đến với Nghĩa Đô tương đối đông. Vào mỗi dịp cuối tuần, gia đình thường xuyên đón hàng chục đoàn khách, có cả khách nước ngoài. Gia đình mạnh dạn vay 200 triệu đồng từ NHCSXH để tiếp tục đầu tư cải thiện nâng cấp nội thất từ chăn ga gối đệm, mành rèm, cải tạo công trình phụ... cho đến đầu tư nuôi vịt bầu, gà đen, thả cá, trồng rau... phục vụ du khách đến trải nghiệm, nghỉ dưỡng”.

Nuôi gối đàn, mỗi năm  gia  đình bà San nuôi 3 lứa vịt, mỗi lứa khoảng 50 con; 2 lứa gà gần 200 con..., chưa kể cá, lợn, rau... mà vẫn không đủ phục vụ khách du lịch. Bà phải mua thêm sản phẩm từ các gia đình khác trong thôn. Trừ chi phí, bà San thu lãi khoảng 15 triệu đồng/tháng.

Chỉ tay sang phía nhà hàng xóm Ma Thị Bắc, bà San kể, thấy mô hình homestay nhà tôi phát triển tốt, bà Bắc cũng làm theo, vay  NHCSXH 100 triệu đồng. Gia đình bà Bắc đang chỉnh trang lại nhà cửa, xây dựng nhà vệ sinh... chuẩn bị các điều kiện để đón khách du lịch.

Bà Nguyễn Thị Thương Thương, Phó giám đốc NHCSXH Bảo Yên, cho biết: “Năm 2022, thực hiện Nghị quyết số 06/2021/NQ-HĐND ngày 09/4/2021 của HĐND tỉnh Lào Cai về một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, NHCSXH huyện Bảo Yên đã phối hợp với cơ quan chức năng khảo sát và giải ngân cho hơn 20 hộ gia đình làm dịch vụ du lịch homestay tại xã Nghĩa Đô với số tiền 2.150 triệu đồng (trong đó nguồn vốn Ngân sách tỉnh 860 triệu, nguồn vốn NHCSXH huy động 1.290 triệu đồng). Nguồn vốn này đã thu hút và tạo việc làm với mức thu nhập ổn định cho hơn 40 lao động trên địa bàn xã. Việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách có vai trò quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, ổn định chính trị, trật tự xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội theo định hướng từng thời kỳ của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện; góp phần thực hiện các mục tiêu về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khôi phục các làng nghề, phát triển, mở rộng sản phẩm dịch vụ OCOP trên địa bàn. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần nâng cao mức thu nhập bình quân từ 2,7 triệu đồng/người/năm 2002 ước tính lên 49 triệu đồng/người/ năm 2022 (tăng hơn 10 lần so với năm 2002), giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện xuống còn 20,26% (cuối năm 2021), đời sống nhân dân, đặc biệt là người nghèo ngày càng được cải thiện”.

Nâng cao chất lượng tín dụng

Phòng giao dịch NHCSXH huyện Bảo Yên đang triển khai và quản lý cho vay 19 chương trình tín dụng chính sách, tổng dư nợ đến ngày 31/5/2022 đạt 511.895 triệu đồng với 9.867 khách hàng đang vay vốn. Trong đó, dư nợ cho vay từ nguồn vốn Trung ương và vốn ngân sách tỉnh là 506.507 triệu đồng với 9.760 khách hàng đang vay vốn; dư nợ cho vay từ nguồn vốn ngân sách huyện ủy thác qua NHCSXH là 5.388 triệu đồng với 107 khách hàng đang vay vốn.

 

z3722972795206_b5f58bbe79d6566e67ded5bc36b9a60b.jpg
Từ nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH, bà Nguyễn Thị San (bên phải) ở thôn Nà Khương, xã Nghĩa Đô (Bảo Yên - Lào Cai) đã chỉnh trang nhà cửa, đầu tư chăn nuôi để phát triển du lịch cộng đồng.

Toàn huyện có 306 Tổ TK&VV hoạt động hiệu quả tại 209 thôn, bản, tổ dân phố, trực thuộc quản lý của 04 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác với tổng số 9.866 thành viên, bình quân mỗi Tổ có 32 thành viên. Trong đó, có 298 Tổ TK&VV xếp loại tốt (chiếm 97,4%); 05 Tổ TK&VV xếp loại khá (1,6%) và 03 tổ xếp loại trung bình (1%), không có tổ xếp loại yếu kém. Tổ TK&VV đã phát huy vai trò quan trọng trong triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội, là cầu nối giữa ngân hàng với người vay vốn, góp phần chuyển tải kịp thời nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến với các đối tượng thụ hưởng, đảm bảo công khai, dân chủ, tạo ra hiệu quả kinh tế, chính trị, xã hội.

Tổng dư nợ quá hạn và nợ khoanh tại NHCSXH huyện là 571 triệu đồng, chiếm 0,11% tổng dư nợ tín dụng, trong đó: Nợ quá hạn  280 triệu đồng, tăng 152 triệu đồng so với thời điểm nhận bàn giao, chiếm 0,05%tổng dư nợ tín dụng. Nợ khoanh 291 triệu đồng, giảm 265 triệu đồng so với thời điểm nhận bàn giao, chiếm  0,056% tổng dư nợ tín dụng. Huyện hiện có 11 xã không có nợ quá hạn.

Trong 20 năm thực hiện tín dụng chính sách theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ, huyện Bảo Yên đã tập trung nguồn lực tín dụng qua NHCSXH cho 26.763 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay với doanh số cho vay đạt hơn 1.177 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt 664 tỷ đồng. Tổng dư nợ 15 chương trình tín dụng chính sách đến ngày 31/5/2022 đạt 511,9 tỷ đồng, tăng 480,7 tỷ đồng, gấp 16,4 lần so với dư nợ khi thành lập, tốc độ tăng trưởng bình quân mỗi năm là 7,7% với 9.867 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đang vay vốn, dư nợ bình quân 52 triệu đồng/khách hàng, tăng 47 triệu đồng/khách hàng so với khi thành lập, trong đó, dư nợ bình quân chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo là 49 triệu đồng/hộ, tăng 44 triệu đồng/hộ so với khi thành lập.

Kết quả đạt được trong triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội ở Bảo Yên đã khẳng định sự phù hợp giữa chủ trương chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng, Chính phủ với thực tiễn tình hình kinh tế - xã hội địa phương.

 

 

Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc
Top