Đại diện UBND xã Mai Lâm (Đông Anh - Hà Nội) thừa nhận tình trạng hàng loạt nhà xưởng, nhà ở xây dựng trái phép trên đất công ích, dự án gây bức xúc dư luận là đúng.
Tạp chí Kinh tế nông thôn và nhiều cơ quan báo chí khác có bài phản ánh tình trạng nhiều nhà ở, nhà xưởng được xây dựng trái phép trên đất công ích, đất quy hoạch dự án cầu Tứ Liên, thường xuyên hoạt động gây ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ xảy ra trên địa bàn xã Mai Lâm.
Đại diện UBND xã Mai Lâm - ông Nguyễn Ngọc Lâm, Chủ tịch xã, thừa nhận những thông tin báo chí phản ánh là đúng thực tế.
Ông Lâm cho biết, hiện nay các công trình nhà xưởng xây dựng mới trên địa bàn xã là không có, còn hàng loạt các nhà xưởng xây dựng từ thời điểm trước là có. Nhưng việc xử lý những tồn tại đó phải thực hiện từng bước, không thể một sớm một chiều là xong được.
“Đối với hàng loạt nhà xưởng, nhà ở chỗ vị trí cạnh kênh Ngũ Huyện Khê, trước đó vào năm 2018, UBND huyện Đông Anh có Văn bản số 05 yêu cầu phải rà soát xử lý vi phạm. Thực tế, những nhà xưởng đó đã được dựng lên từ những năm 1999 - 2000… Những trường hợp mới hay cũ, xã cũng sẽ xử lý. Quan điểm của UBND xã là phải tháo dỡ vì vị trí các nhà xưởng nằm trong quy hoạch dự án cầu Tứ Liên” - ông Lâm nói.
Cũng theo phản ánh của người dân, trên địa bàn xã Mai Lâm còn tồn tại hàng loạt nhà xưởng trái phép, hoạt động gây ô nhiễm môi trường tại khu vực Dốc Vân.
Được biết, tại khu vực đê sông Đuống (thường gọi là đường Dốc Vân - Ba Đê) hiện có hàng loạt nhà xưởng, nhà ở, gara sửa chữa ô tô… được xây dựng ngay sát chân đê Dốc Vân. Cùng với đó, những nguyên vật liệu sản xuất như gỗ, kim loại và những bao tải chứa đầy những vật liệu dễ cháy nổ được chất thành đống để ngay cạnh chân đê.
Về việc này, ông Lâm cho biết, tại vị trí dọc đê Dốc Vân đang tồn tại hàng loạt những nhà xưởng và đã đi vào hoạt động sản xuất nhiều năm nay. Về công tác đảm bảo phòng cháy chữa cháy (PCCC) tại hệ thống các nhà xưởng ở đây, xã thường xuyên phối hợp với các đơn vị chức năng huyện Đông Anh kiểm tra, có những đơn vị sản xuất chỉ có phương án PCCC tại chỗ chứ không cần phải xin phép của các cấp.
“UBND xã quan tâm nhất là đối với những doanh nghiệp có nguy cơ cháy nổ cao nhất sẽ được tập trung làm việc trước. Ngoài ra, khi thực hiện các nghị định, hướng dẫn theo thẩm quyền của xã, đầu tiên sẽ phổ biến tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp nắm bắt được những nội dung liên quan về công tác PCCC. Để xử lý những đơn vị kinh doanh vi phạm là cả một quá trình. Việc kiểm tra PCCC, nguồn gốc đất đai, môi trường…, xã có kiểm tra thường xuyên hằng năm” - ông Lâm chia sẻ.
Liên quan tới những văn bản báo cáo UBND huyện và biên bản xử phạt, yêu cầu tháo dỡ về việc hàng loạt những nhà xưởng xây dựng trái phép, gây ô nhiễm môi trường, lấm chiếm hành lang đê điều… trên địa bàn, ông Lâm “từ chối cung cấp”.
Hàng loạt nhà ở, nhà xưởng xây dựng trái phép trên địa bàn xã Mai Lâm xảy ra nhiều năm qua và được chính quyền thừa nhận. Tuy nhiên, chính quyền xã lại đưa ra lý do đang "tập trung phòng chống dịch Covid-19" nên dẫn đến việc chậm trễ trong xử lý sai phạm...
Tạp chí Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.