Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 29 tháng 4 năm 2016 | 1:31

“Vua bơ” ở thủ phủ cà phê

Trịnh Xuân Mười được người trong nghề gọi là “vua bơ”. Không chỉ nổi danh khắp Tây Nguyên, tiếng tăm của “Mười bơ” còn vang rất xa.

16 tuổi bỏ nhà ra đi với cây sáo trúc

Tháng ba Tây Nguyên ngập tràn nắng, tôi theo chân bạn vào thủ phủ cà phê và may mắn gặp “vua bơ” Trịnh Xuân Mười (Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk). Miên man với những câu chuyện không đầu không cuối của người bạn khi giới thiệu về “Mười bơ”, tôi đã mường tượng rằng mình sẽ được gặp một người thú vị như chính mảnh đất  này.

Khu vườn của “vua bơ” tuy ở thời điểm trái vụ nhưng vẫn xanh tốt, cho trái lúc lỉu, khác hẳn với những vườn cạnh đó. Khu vườn mà “Mười bơ” đưa chúng tôi đến thăm là vườn khởi nghiệp của anh, chỉ rộng 2ha nhưng chị bạn đã ghé tai tôi thì thầm: “Thu cả 1 tỷ đồng/ha/năm đó!”. Tôi giật mình, trước nay cứ ảo tưởng đâu đó về việc lập nghiệp, kiếm tiền mà chưa bao giờ nghĩ đến làm nông nghiệp cũng trở thành tỷ phú như bao nghề khác.

Anh Mười trong vườn bơ trái vụ.

“Mười bơ” kể: “Không phải chính vụ nên vườn ít khách”, rồi anh kể: “Trước đây, cây bơ chủ yếu do người dân tộc trồng, vào vụ, bơ rụng khắp vườn, họ nhặt đem bán khắp ven lộ, giá rẻ lắm, nhiều gia đình nhặt cho lợn ăn. Khi đó là năm 1991, tôi mới chân ướt chân ráo vào Tây Nguyên, 17 tuổi chỉ có chút tiền làm thuê cả năm trời nên đã thu mua bơ của họ với giá 50 đồng/kg, sau đó mang vào chợ lớn ở Buôn Ma Thuột bán với giá 200 đồng/kg, lãi 400%”.

Từ cây bơ, Trịnh Xuân Mười miên man sang câu chuyện về cuộc đời mình. Là con trai út trong một gia đình nông dân đông con, thiếu ruộng cày, cha bệnh liệt giường ở xã nghèo Diễn Lợi (Diễn Châu - Nghệ An). Những ngày ba tháng tám nghỉ học lội ruộng mò lươn bắt cá đổi gạo cầm hơi, cậu bé Mười nếm trải đủ cơ cực kiếp nghèo. Người dân Diễn Lợi bắt đầu lục đục đi xây dựng vùng kinh tế mới mong đổi đời. Vì cậu bé Mười còn quá nhỏ nên cha không cho đi. Mới học hết lớp 8, với suy nghĩ “mọi người đi được thì mình cũng đi”, thế là Mười trốn nhà đi!

Cậu bé 16 tuổi nhưng còi cọc như trẻ mười ba, đi bộ ròng rã 40km để đến ga Vinh.

Tài sản duy nhất cậu mang theo là cây sáo trúc. Đoàn tàu xuôi Nam vừa tới ga, cậu trốn vé lên tàu trong sợ hãi. Khi bị phát hiện, cậu đã phải khóc lóc, van xin: “Nếu các ông không cho con đi, về quê thể nào con cũng chết đói”. Người soát vé thở dài: “Rõ khổ! Thôi mặc mày! Khôn sống mống chết con ạ!”. Mười cảm ơn, rút sáo ra thổi. Tiếng sáo ai oán, não nùng. Hai ngày trên tàu, cậu kiếm ăn bằng cách thổi sáo mua vui và hầu việc vặt cho hành khách.

Cậu đi một mạch đến Nha Trang (Khánh Hòa), lần ra chợ Đầm và chân cầu Hà Ra xin việc nhưng không ai thuê vì còn quá nhỏ. Xế chiều, đói quay quắt, may sao một chủ xe tải chở cá lên Buôn Ma Thuột thấy thằng bé tội nghiệp bèn gọi phụ đổ nước mui, cho đi nhờ và mách: “Trên Đắk Lắk đất đai bạt ngàn, người ta cần vô số nhân công chăm sóc cà phê, mày lên đó thể nào cũng kiếm ra đường sống”.

Khi đôi chân nhỏ bé trong tâm trạng hoang mang đặt chân lên mảnh đất đỏ ba-zan xã Ea Phê (huyện Krông Pắk) bạt ngàn cà phê, hồ tiêu…, Mười được một chủ rẫy đưa về giúp việc, cho cơm ăn áo mặc, trả công 40.000 đồng/tháng. Nhờ chăm chỉ, thật thà, chu đáo, cứ hết việc nhà này Mười lại được giới thiệu sang nhà khác. Khi có đủ tiền mua xe đạp, Mười chuyển sang buôn bán trái cây, mùa nào thức ấy, buôn tận gốc bán tận ngọn. Mười bắt đầu “bén duyên” với bơ từ đó.

Buôn bán lãi đến 400%, vậy mà, “Mười bơ” cũng phải mất đến 12 năm, năm 2002 mới mua được mảnh đất 2ha để bắt đầu trồng bơ.

Mười bắt đầu kiếm được nhiều tiền hơn, làm nhà, cưới vợ, đón mẹ và các anh chị vào thăm. Ai cũng kinh ngạc, ngợi khen cậu út tay trắng làm nên sự nghiệp.

Nhà khoa học chân đất

Có mảnh đất của riêng mình, với kinh nghiệm nhiều năm buôn bán và tìm hiểu về cây bơ, “Mười bơ” bắt đầu tiếp cận  khoa học, thông tin thị trường từ trong nước đến ngoài nước.

Vườn ươm cây bơ giống của  anh Mười.

Tìm hiểu, Mười được biết: Từ năm 1999, với sự giúp đỡ của FAO (Tổ chức Nông - Lương Liên Hợp quốc) chuyên làm nhiệm vụ chống đói nghèo và đảm bảo an ninh lương thực, Chính phủ Việt Nam đã chọn bơ là 1 trong 7 loại quả được ưu tiên phát triển, khuyến khích nghiên cứu và nhân rộng diện tích loại cây quý này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

“Qua chương trình tư vấn cho nhà nông trên truyền hình, tôi biết chuyên gia Nguyễn Lân Hùng nên đã liều gọi cho ông để hỏi về hiệu quả và kỹ thuật ghép giống bơ. Ông Hùng cho biết: Cây bơ có tính tạp giao rất mạnh nên với bơ, phù hợp nhất là cách ghép giống. Tuy nhiên, chính ông cũng chưa thấy ai trồng bơ xen cà phê. Nếu có điều kiện thuận lợi, tốt nhất Mười nên tự tìm tòi về kỹ thuật ghép bơ giống. Tôi bảo: Vậy cháu làm thử”, “Mươi bơ” kể lại cuộc trò chuyện với ông Hùng.

Cạnh nơi Mười ở không xa có Viện Khoa học nông - lâm nghiệp Tây Nguyên (xã Hòa Thắng), anh đến đó và hỏi xem đã có công trình nào nghiên cứu về ghép giống bơ chưa? Lãnh đạo viện lắc đầu! Mười tìm đến nhiều vườn ươm tìm hiểu về cách ghép các loại cây lâu năm rồi ra nhà sách mua đủ thứ tài liệu hướng dẫn ghép giống cây về đọc, sau đó bắt đầu thu nhặt hạt bơ ươm bầu, tập ghép chồi.

Thử nghiệm mãi, Mười cũng tìm ra cách ươm cây giống của bơ. “Nhà khoa học chân đất” là tên gọi mà cố Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Công Tạn đặt cho Trịnh Xuân Mười trong một lần đến thăm vườn của anh, đã khiến nhiều nhà khoa học thực thụ ở Viện Khoa học nông - lâm nghiệp Tây Nguyên nể phục với cách ghép mắt chồi của cây bơ quả ngon lên gốc bơ ươm bằng hạt, tương tự kiểu người ta vẫn làm để nhân giống điều cao sản. Giờ đây, vườn ươm cây giống của “vua bơ” đã vang xa khắp nước.

Mùa mưa năm 2003, Mười trồng 150 cây bơ ghép giống đầu tiên xen vào rẫy cà phê. Chỉ 3 năm sau, bơ bắt đầu ra quả lúc lỉu, đều tăm tắp, xanh bóng, to đẹp, hạt nhỏ thịt dày, khi chín cơm bơ vàng ươm, thơm béo tuyệt ngon. Một cây bơ của “vua bơ” có thể cho đến 8 tạ quả.

Hiện, gia tài của “Mười bơ” là 4ha bơ đang ra trái (trồng xen 10 loại bơ) quanh năm, 8ha đang trồng năm đầu. Ngoài ra, “vua bơ” đang nghiên cứu và trồng thử nghiệm giống bơ hoàng hậu. Đây là loại bơ ngon hơn rất nhiều bơ sáp, có thể xuất khẩu trong tương lai, nhưng có đặc điểm là vỏ mỏng, khó vận chuyển nên vẫn chỉ được tiêu thụ tại Đắk Lắk.

Sự ngạc nhiên của chuyên gia

Câu chuyện với “vua bơ” còn kéo dài sang tận ngày hôm sau khi chúng tôi trên đường đi Đắk Nông thăm vườn bơ lấy giống từ vườm ươm của anh.

Anh kể: “Tôi và  chuyên gia Hùng chưa từng gặp mặt nên ông đã rất ngạc nhiên khi nhận được thùng bơ thu hoạch vụ đầu tiên do tôi gửi, ông cảm ơn nhưng cũng thành thật với tôi là ông chưa quen ăn bơ nên dùng thử thấy nó cứ “sao sao”. Nhưng rồi những mùa bơ sau, ông “nghiện” dần, mua nhiều loại bơ khác nhau để so sánh và xác nhận đúng là quả bơ ghép của tôi thơm ngon vượt trội hơn nhiều”.

Phải đến tháng 6/2010, chuyên gia Nguyễn Lân Hùng mới vào thăm vườn bơ của anh. Tận mắt thấy vườn bơ trĩu quả, giá trị kinh tế cao vượt hầu hết các loại cây trồng khác, ông đã khuyên anh nên tập trung nhân giống để hỗ trợ bà con nông dân hướng tới nông nghiệp giá trị cao.

“Năm đó, 1 vạn rưỡi bầu giống tôi chuẩn bị sẵn, giá 25.000 đồng/bầu bán hết veo. Lại thêm nhiều đơn đặt hàng khác là nhờ chuyên gia Nguyễn Lân Hùng giới thiệu về giá trị vườn bơ của tôi. Năm nay, tôi đã cấy ghép 100.000 cây giống mà giờ cũng sắp hết”, “vua bơ” tâm sự.

Theo Trịnh Xuân Mười, chỉ cần vốn đầu tư ban đầu khoảng 15-20 triệu đồng để trồng 204 cây bơ ghép; trồng tập trung 1 trong 4 giống bơ/ha (bơ Trịnh Mười, bơ cơm vàng hạt lép, bơ tứ quý và bơ Thái Lan); từ năm thứ 5 trở đi, mỗi cây bình quân cho 3 tạ quả, nếu chỉ tính giá trung bình 20.000 đồng/kg sẽ thu được 1,224 tỷ đồng, trừ chi phí phân bón, nước tưới, sinh phẩm phòng trừ sâu bệnh và công chăm sóc, vận chuyển, còn lãi khoảng 1 tỷ đồng.

Tháng 5/2010, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã ra Quyết định số 22987 chấp nhận đơn hợp lệ đăng ký nhãn hiệu “BTM” tức Bơ Trịnh Mười.

Cuộc sống của người đàn ông 42 tuổi Trịnh Xuân Mười giờ đây đã ổn định. Ngoài niềm đam mê với cây bơ, “vua bơ” còn có thú vui hàng ngày là hát tình ca và đã thu âm nhiều đĩa nhạc để làm từ thiện và tặng bạn bè.

Dương Thanh

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).

  • Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Sáng 22/11, Thị ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ thị xã Duy Tiên long trọng tổ chức Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên (1469 - 2024) và 95 năm thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Duy Tiên (11/1929 - 11/2024).

  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

Top