Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại; kết tinh những tinh hoa văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên hàng trăm năm. Trước biến động của thời gian, di sản không gian văn hóa cồng chiêng có nhiều biến đổi, mai một; đặt ra vấn đề cần bảo tồn và phát huy giá trị phù hợp đời sống hiện đại.
Biểu diễn cồng chiêng tại Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Buôn Ðôn (Ðác Lắc). Ảnh: ANH SƠN
Nguy cơ mai một
Ðưa chúng tôi đi xem những bộ chiêng, dụng cụ của đồng bào trong buôn Ako Dhong (TP Buôn Ma Thuột) thường mang ra biểu diễn mỗi khi có sự kiện, nhà nghiên cứu văn hóa Linh Nga Niê Kdăm (Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Ðác Lắc) bày tỏ tiếc nuối, khi những bộ chiêng xưa kia cha ông đã đánh đổi rất nhiều trâu bò, tốn công sức gìn giữ và lưu truyền, nhưng giờ đây bỏ không dưới chiếc ghế Kpan trong căn nhà sàn cổ. Già Ama H’loan là nghệ nhân chế tác nhạc cụ dân gian cao tuổi nhất buôn Ako Dhong. Tuổi càng cao, ông càng thấy cần có trách nhiệm hơn trong việc giữ gìn các giá trị truyền thống của đồng bào Ê Ðê, bởi hiện nay, lối sống hiện đại ít nhiều làm lung lay giá trị văn hóa truyền thống. Già Ama H’loan rất muốn tìm người kế tục nghề chế tác nhạc cụ nhưng khá khó khăn bởi thanh niên không mặn mà với nghề truyền thống.
Cồng chiêng vốn hình thành và phát triển gắn liền với tục thờ cúng đa thần và nền nông nghiệp nương rẫy. Nhưng giờ đây, các lễ hội truyền thống, nghi lễ vòng đời, mùa vụ không còn; nhất là sự thay đổi tín ngưỡng từ đa thần sang độc thần, khiến cồng chiêng không còn được xem là vật thiêng. Ðến với nhiều bon (làng) của người M' Nông ở tỉnh Ðác Nông, mới thấy sự thay đổi hoàn toàn. Không còn lưu lại dù chỉ một ngôi nhà sàn, một bộ trang phục truyền thống, quanh năm, suốt tháng không có tiếng cồng, tiếng chiêng vang lên nữa. Hoạt động diễn tấu cồng chiêng gắn liền với trang phục, nghi lễ dân gian, ẩm thực, không gian kiến trúc. Do đó, việc bảo tồn di sản văn hóa cồng chiêng sẽ gặp không ít khó khăn do những biến đổi lớn trong đời sống vật chất và tinh thần của người dân, môi trường tự nhiên và xã hội, phương thức canh tác và mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên.
Cồng chiêng và văn hóa cồng chiêng là tài sản vô giá, có một tiến trình phát triển riêng trong đời sống xã hội, luôn gắn với đời sống tâm linh của các dân tộc bản địa Tây Nguyên. Khẳng định giá trị của di sản này, GS, TS Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cũng cho rằng, việc bảo tồn, gìn giữ cần phải có lộ trình và sự vào cuộc của nhiều cấp, ngành.
Tạo môi trường bảo tồn, phát huy
Tốc độ phát triển kinh tế và đô thị hóa nhanh chóng đã biến khu làng của người Cơ Ho dưới chân núi Langbiang thuộc xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Ðồng trở thành khu du lịch nhộn nhịp, không còn thấy dấu hiệu của một vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thế nhưng, ở đây cồng chiêng vẫn được diễn tấu thường xuyên với đội cồng chiêng Ðang Jrung tổ chức biểu diễn cho các nhóm du lịch, gia đình và cá nhân. Quanh bếp lửa hồng bập bùng, du khách cùng nắm tay những chàng trai, cô gái dân tộc nhảy múa trong giai điệu cồng chiêng ngân vang và thưởng thức món thịt rừng nóng hổi. Ðây cũng là hình thức duy trì và bảo tồn cồng chiêng của người dân vùng đất này dù nơi đây không gian diễn xướng bị thu hẹp. Trong điều kiện hình thái kinh tế của đồng bào các dân tộc thay đổi, cồng chiêng đang thiếu môi trường diễn tấu thì du lịch trở thành môi trường tốt để phát huy giá trị trong chính cộng đồng. Vì vậy, bên cạnh công tác bảo tồn, ngành văn hóa tỉnh Lâm Ðồng đã không ngừng phát huy di sản, đưa văn hóa cồng chiêng thành sản phẩm du lịch hấp dẫn để níu chân du khách.
Có một thời, đội cồng chiêng nữ bon Bu T’rông, xã Nhân Ðạo, huyện Ðác Sông, tỉnh Ðác Nông tưởng chừng bị xóa sổ. Một phần do các thành viên trong đội ai cũng phải lo toan cuộc sống, phần vì thế hệ trẻ trong bon không thích tập cồng chiêng, thậm chí không còn thích thú khi nghe đánh cồng chiêng bởi tập khó, bài lại ít, nghe đi nghe lại cảm thấy nhàm chán. Hiểu được vấn đề này, một mặt, chị Thị Nhum, Ðội trưởng đội cồng chiêng nữ của bon ra sức vận động thành lập đội cồng chiêng trẻ; đồng thời tự sáng tác những bài chiêng mới phù hợp lớp trẻ. Hai bài chiêng mới là Ðêm trăng và Huyền thoại tình yêu của chị được thanh thiếu niên trong bon rất thích. Chị Thị Nhum không còn lo đội cồng chiêng nữ của bon không có người kế tục. Ðồng tình với cách làm này, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Linh Nga Niê Kdăm cho rằng: Cồng chiêng, nhịp múa xoang bây giờ có những thay đổi, biến tấu mới, cần phải chấp nhận trong cộng đồng bởi chúng vẫn là nhịp chiêng, là điệu múa xoang... mà lớp trẻ hòa nhập được.
Từ năm 2007, Trường THCS Dân tộc nội trú Ðác Min, huyện Ðác Min, tỉnh Ðác Nông đã thành lập đội cồng chiêng, trên cơ sở tuyển chọn những học sinh có đam mê và năng khiếu; mời những nghệ nhân giỏi để truyền dạy. Thông qua lớp học, học sinh không những biết đến các giá trị văn hóa truyền thống mà còn góp phần lan tỏa tình yêu văn hóa truyền thống ấy đến các bạn khác. Trở về buôn làng sau giờ học, học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số sẽ tham gia những hoạt động chung của cộng đồng. Khi có các lễ hội, tiếng cồng chiêng lại ngân lên từ những bàn tay nhỏ bé, có vòng xoang được khép kín bởi những học sinh còn chưa là thiếu nữ.
Thời gian qua, một số tỉnh Tây Nguyên đã có những nỗ lực khôi phục, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa cồng chiêng. Nhờ nguồn kinh phí hỗ trợ của nhà nước, Ðề án Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa cồng chiêng Ðác Lắc triển khai đạt những hiệu quả đáng mừng. Hiện nay, tỉnh lưu giữ được hơn 2.307 dàn cồng chiêng, có gần 400 nghệ nhân chỉnh chiêng và 635 nghệ nhân truyền dạy đánh chiêng; tổ chức hàng nghìn lớp truyền dạy đánh cồng chiêng cho thế hệ trẻ là con em của đồng bào các dân tộc thiểu số. Ngoài hàng trăm đội cồng chiêng của các ama, amí (người lớn tuổi, bậc cha, mẹ, ông, bà), còn có 300 đội cồng chiêng trẻ lứa tuổi từ 12 đến 18 với hơn 2.100 em tham gia. Tỉnh Gia Lai cũng tiến hành điều tra, phân loại cồng chiêng trên quy mô toàn tỉnh; xác nhận hiện còn tổng số 5.655 bộ cồng chiêng, tăng hơn 500 bộ so với năm 2005. Như vậy, đến thời điểm này, Gia Lai hiện đang lưu giữ được nhiều cồng chiêng nhất so với các tỉnh khác trong khu vực. Một trong những hoạt động được ngành văn hóa tỉnh tổ chức thường xuyên, thu hút đông đảo người dân và du khách là diễn tấu cồng chiêng trước Tượng đài Bác Hồ, dâng lên Người những giai điệu cồng chiêng rộn ràng, báo công với Bác những thành tích mới từ các buôn làng.
Theo NGUYỄN HỒNG, QUỐC HƯNG/Nhân Dân
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.