Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến với trên 180 chữ nhưng thể hiện rất rõ ý chí, quyết tâm của toàn dân tộc cầm súng chiến đấu để bảo vệ đất nước.
Trước âm mưu xâm lược ngày càng trắng trợn của thực dân Pháp, Đảng ta đã chủ trương toàn quốc kháng chiến và kêu gọi toàn thể nhân dân đứng lên đấu tranh. Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh như một lời hiệu triệu “chúng ta thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”. Phóng viên VOV phỏng vấn PGS.TS Phạm Xanh (Khoa Lịch Sử - Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội) về nội dung này.
PV: Thưa ông, vì sao Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta phát động “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” vào 19/12/1946 chứ không phải là thời điểm trước hoặc sau đó?
PGS.TS Phạm Xanh: Trong “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, câu mở đầu ghi rõ: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới...". Đó chính là câu xác định thời điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động toàn quốc kháng chiến. Sự trở lại xâm lược của thực dân Pháp ngoài ý muốn của chúng ta. Vì vậy, Chính phủ Hồ Chí Minh đã kí với Pháp Hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946 cho Pháp ra thay quân Tưởng, đó là một sự nhân nhượng vì Pháp không có gì ngoài miền Bắc lúc bấy giờ.
Đó là sơ bộ và sẽ có một hiệp ước chính thức nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn đưa hội nghị đó sang Paris để bàn. Hội nghị đó là hội nghị Phôngtenơblô nhưng Pháp muốn phá hiệp ước để tiến hành chiến tranh, xác lập lại nền đô hộ trên đất nước ta một lần nữa.
Chúng đã phá hội nghị Phôngtenơblô. Khi hội nghị thất bại, Chủ tịch Hồ Chí Minh liền ký với Pháp Tạm ước 14/9/1946. Đó là một sự nhân nhượng ghê gớm. Sau Tạm ước, thực dân Pháp ngày càng lấn tới. Có thể nói việc phát động cuộc kháng chiến toàn quốc đã chín muồi vào tháng Chạp năm 1946. Vì vậy, ngày 19/12/1946, Lời kêu gọi đó được công bố từ Hà Nội và phát đi trên cả nước.
PV: Thời điểm Hồ Chủ tịch phát động lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến là thời điểm chúng ta không thể nhân nhượng được nữa, thưa ông?
PGS.TS Phạm Xanh: Đúng vậy, sự nhân nhượng đó chính là chúng ta muốn kéo dài thời kỳ hòa hoãn. Thời kỳ hòa bình càng nhiều, chúng ta càng có nhiều thời gian chuẩn bị những điều kiện cần thiết để tiến hành cuộc kháng chiến chống Pháp.
Giới hạn để chúng ta nhân nhượng đã hết, vì vậy Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt toàn thể nhân dân phát động cuộc kháng chiến toàn quốc, một cuộc kháng chiến không thể tránh khỏi.
PV: Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đời vào thời điểm đó đã có ý nghĩa như thế nào thưa ông?
PGS.TS Phạm Xanh: Đó là sự tiếp nối truyền thống của dân tộc ta. Trong lịch sử cũng đã có những lời kêu gọi tương tự như vậy. Ví dụ, Chiếu Cần Vương của Vua Hàm Nghi kêu gọi những người Việt Nam ăn lộc Vua thì cùng giúp Vua cứu nước. Tương tự như vậy, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 19/12/1946 cũng với một ý nghĩa như vậy, kêu gọi những người dân nước Việt khi nước nhà lâm nguy, đứng dậy cầm lấy súng để bảo vệ nền độc lập dân tộc.
Lời kêu gọi tuy rất ngắn, với trên 180 chữ nhưng thể hiện rất rõ ý chí, quyết tâm của toàn dân tộc cầm súng chiến đấu để bảo vệ tấc đất, bảo vệ non sông đất nước.
Từ người già đến người trẻ, từ đàn ông đến đàn bà, ai có súng thì dùng súng, ai không có súng thì dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy, gộc đứng lên chống thực dân Pháp.
PV: Thưa ông, khi Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến được Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc vào tối 19/12/1946 đã có hiệu ứng ra sao?
PGS.TS Phạm Xanh: Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, công nhân nhà máy điện Yên Phụ phá máy, đèn điện trong thành phố vụt tắt. Đó là lúc quân đội ta nã súng vào đầu giặc, Pháo đài Láng bắn những viên đạn đầu tiên phát động cuộc kháng chiến toàn quốc.
Cùng thời gian đó, thành phố Nam Định cũng tiến hành một cuộc đánh địch trong thành phố và cả nước tiến hành một cuộc tiêu thổ kháng chiến ngăn chặn cuộc đánh chiếm của thực dân pháp.
PV: Xin cảm ơn ông./.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.