Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 1 tháng 4 năm 2016 | 12:52

1.001 mô hình chuyển đổi ứng phó với hạn

Vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đang phải đối mặt với đợt hạn hán khốc liệt nhất trong lịch sử. Sông suối cạn trơ đáy, ruộng đồng nứt toác, nước sinh hoạt và sản xuất thiếu trầm trọng. Trong bối cảnh này, ngoài những giải pháp trước mắt để giải cơn khát cho dân thì việc tìm mô hình canh tác mới, có thể ứng phó với kiểu thời tiết bất lợi này cũng là một đòi hỏi cấp thiết. Trên thực tế, đã có nhiều mô hình được áp dụng thành công và hiệu quả.

Từ sáng kiến của nông dân

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT cùng các đại biểu thăm mô hình trồng giống lúa An Sinh 1399 của Công ty CP Giống cây trồng Nha Hố.

Sống ở vùng đất nghèo kiệt nước, ông Lộ Trung Tài ở thôn Tuấn Tú, xã An Hải (Ninh Phước - Ninh Thuận) đã áp dụng mô hình tưới tiết kiệm nước (tưới phun mưa) trên cây rau màu (củ cải trắng, cà rốt, củ đậu, ớt, dưa hồng, măng tây xanh, đậu xanh, lạc) với quy mô 1ha.

Ông Tài cho biết, quê hương ông là vùng đất cát ven biển, nước tưới duy nhất là nguồn nước ngầm tại chỗ, thông qua bơm từ giếng khoan. Tuy nhiên, do biến đổi khí hậu, hạn hán liên tục năm sau kéo dài hơn năm trước nên nguồn nước (nước ngầm) càng trở nên khan hiếm, mực nước ngầm hạ thấp dần qua từng năm do khai thác quá mức phục vụ nuôi thủy sản. Nếu trước năm 2010 chỉ cần khoan ở độ sâu 6 - 7m là có nước và có thể bơm tưới liên tục nhiều giờ liền thì những năm gần đây phải khoan sâu tới 14 - 15m, số giờ tưới cũng giảm. Nước khan hiếm là thế nhưng ông và nhiều hộ trong thôn chỉ sử dụng duy nhất phương pháp bơm tưới tràn.

Năm 2011, được sự tư vấn, hướng dẫn của chính quyền và cơ quan chuyên môn, gia đình ông đã ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước bằng hệ thống tưới phun mưa” cho rau màu. Hệ thống tưới phun mưa được thiết kế bằng đường ống nhựa cứng PVC. Nước bơm được dẫn đến khu tưới bằng đường ống chính và đường ống nhánh được bố trí cố định dưới đất. Trên các ống nhánh, lắp các đoạn ống phun cao khoảng 0,6-0,7m so với mặt ruộng, sử dụng vòi phun ly tâm.

“Nhờ công nghệ tưới này, tôi đã mở rộng quy mô diện tích rau màu từ 0,2ha lên 1ha; tăng số vụ sản xuất từ 1-2 vụ/năm lên3 vụ/năm; giảm 40-50% lượng nước so với các phương pháp tưới rãnh, tưới tràn; giảm chi phí năng lượng để bơm nước; giảm 50% công lao động; giảm giá thành sản phẩm khoảng 30% và lợi nhuận tăng 40%”, ông Tài hồ hởi cho biết.

Trong khi đó, ông Sử Ngọc Dễ ở thôn Văn Lâm 4, xã Phước Nam (Thuận Nam - Ninh Thuận) lại chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng – vật nuôi để ứng phó với hạn hán. Với 3ha đất sản xuất lúa, 0,2ha nho, 0,3ha đất trồng cỏ chăn nuôi và đàn cừu 220 con, trước khi rút ra bài học cho mình, ông Dễ đã phải nhận một “vố đau” vào mùa hạn năm 2015 khi 20 con cừu lăn ra chết, còn lúa chỉ sản xuất được 1 vụ/năm, lợi nhuận giảm hơn 50%. Nguyên nhân do diện tích đất sản xuất của thôn Văn Lâm 4 nằm cuối kênh lấy nước từ 2 hồ chứa Tân Giang và Sông Biêu (không hưởng lợi từ nguồn thủy lợi đập Nha Trinh Lâm Cấm, mực nước trong 2 hồ chứa giảm mạnh, chỉ còn hơn 7 triệu mét khối) nên vô cùng khó khăn.

Trước tình hình hạn kéo dài, năm 2015, ông mạnh dạn chuyển đổi 3ha đất trồng lúa sang trồng đậu xanh. Dù còn thiếu kinh nghiệm nhưng ngay trong vụ đầu ông đã lãi 60 triệu đồng. Theo ông Dễ, so với lúa thì trồng đậu xanhcó thể tiết kiệm nước tưới khá hiệu quả (chỉ phải tưới 2-3 lần/vụ); tiết kiệm phân bón vô cơ, từ đó giảm chi phí. Từ hiệu quả của mô hình, năm 2016, ông tiếp tục xuống giống đậu xanh, lại được tập huấn kỹ thuật trồng theo hàng, bón phân theo nước nên 3ha đậu xanh đang phát triển rất tốt.

Đối với chăn nuôi, để giảm thiểu thiệt hại cho đàn cừu,cuối năm 2015, ông di đàn lên Nông trường số 8 (xã Phước Minh), đồng thời tiếp tục trồng 0,3ha cỏ voi đáp ứng nguồn thức ăn xanh; tận dụng phụ phẩm nông nghiệp như rơm khô, lá nho, thân đậu, bắp phơi khô bảo quản làm thức ăn cho mùa hạn. Nhờ vậy, hiện đàn cừu nhà ông phát triển khá tốt.

Đến những mô hình khuyến nông hiệu quả

Cùng với những sáng kiến của nông dân, Trung tâm Khuyến nông các địa phương trong khu vực Nam Trung Bộ cũng xây dựng nhiều mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tham quan mô hình trồng đậu xanh trên đất lúa chuyển đổi tại thôn Mỹ Sơn, xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn - Ninh Thuận).

Đơn cử như Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Nam xây dựng mô hình trồng lạc L23 trên chân đất lúa chuyển đổi với năng suất bình quân toàn mô hình đạt 25tạ/ha, cá biệt tại xã Bình Đào (huyện Thăng Bình) đạt 30 tạ/ha, thu nhập 50 triệu đồng/ha, lợi nhuận trên 22 triệu đồng/ha, gấp 3,7 lần so với sản xuất lúa trên cùng chân đất. Mô hình ngô đông xuân thuần hoặc xen đậu cove - ngô hè thu  thuần hoặc xen đậu cove tại Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên cho hiệu quả cao hơn trồng lúa từ 2-4 lần.

Tại Quảng Ngãi, mô hình trồng lạc trên đất chân cao thiếu nước, sản xuất vụ hè thu kém hiệu quả tại Đức Tân với quy mô 3ha, năng suất đạt 23 tạ/ha đã giúp nông dân chuyển đổi trên đất lúa vụ hè thu thiếu nước. Hay mô hình cải tiến kỹ thuật sản xuất lúa nước miền núi 6ha, thực hiện tại 3 xã thuộc 3 huyện Trà Bình, Sơn Thành, Long Sơn cho năng suất bình quân đạt 55 tạ/ha, cao hơn năng suất lúa đại trà 8 -10 tạ/ha.

Xã ven biển Phổ An (huyện Đức Phổ) đã thực hiện thành công mô hình trồng cỏ voi xen cỏ họ Đậu, bắp (ngô), nuôi bò trên vùng đất cát. Lúc đầu thực hiện dự án chỉ có một số hộ dân tham gia, nhưng đến nay đã trở thành phong trào nuôi bò lai Sind nhiều nhất tỉnh (có hộ nuôi 5-10 con bò lai, thu nhập hơn 50 triệu đồng/năm).

Tại Bình Định, mô hình trồng thâm canh ngô lai giống mới với quy mô 1ha tại huyện Vân Canh, với giống ngô lai SSC586đã góp phần đưa nhanh giống ngô lai mới có năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất và thực hiện chuyển đổi cây trồng trên chân đất sản xuất lúa. Năng suất ngô tại mô hình đạt 75 tạ/ha; tổng thu 52,5 triệu đồng/ha, lợi nhuận 26,08 triệu đồng/ha. Mô hình có khả năng nhân rộng cho các vùng sản xuất ngô trên địa bàn tỉnh và những vùng đất chuyển đổi.

Mô hình trồng rải vụ thâm canh mỳ (sắn) giống mới nhằm mục đích đưa nhanh những giống mỳ mới có năng suất củ và tỷ lệ tinh bột cao, chất lượng tốt cho việc canh tác một số cây trồng trên vùng đất gò đồi không chủ động được nguồn nước, đảm bảo canh tác bền vững. Với quy mô 2ha tại huyện Vân Canh, giống triển khai KM94, mô hình cho năng suất bình quân đạt 32,4 tạ/ha, tổng thu 46.980 đồng/ha, lợi nhuận 26.280.000 đồng/ha. Để đạt hiệu quả kinh tế cao, nên trồng mỳ rải vụ vào tháng 3, tháng 4 và thu hoạch vào tháng 3, tháng 4 năm sau, để hạn chế căng thẳng cho mùa vụ và đảm bảo được giá bán. Mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất 2 lúa (đông xuân + hè thu) với công thức lúa đông xuân + lạc hè thu tại huyện Hoài Ân cũng mang lại lợi nhuận khả quan.

Trong khi đó, Bình Thuận thực hiện mô hình chuyển đổi cơ cấu giống và mùa vụ theo hướng sản xuất nông nghiệp bền vững: luân canh 2 lúa + 1 bắp vụ đông xuân, quy mô 26ha, thực hiện tại xã Đức Phú (Tánh Linh). Kết quả, năng suất bắp tại mô hình đạt 12 tấn tươi/ha, với giá bán 3.500 đồng/kg, lợi nhuận tăng thêm đạt trên 12 triệu đồng/ha (tăng 47% so với trồng lúa). 

Mô hình luân canh lúa - bắp - đậu góp phần tăng thu nhập cho nông dân đang canh tác trên các vùng đất cao, không hoàn toàn chủ động nước. Theo tính toán, năng suất lúa bình quân (giống ML48) đạt 55 tạ/ha, lợi nhuận 14 triệu đồng/ha; năng suất bắp ước đạt 12 tấn trái tươi/ha, doanh thu 72 triệu đồng, trừ chi phí còn lợi nhuận 47 triệu đồng/ha. Mô hình luân canh sản xuất ổn định trên vùng đất không chủ động nước, giúp người dân có cơ hội nghiên cứu ứng dụng vào điều kiện canh tác khác nhau nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao tăng thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích.

Tại Ninh Thuận, trong 3 vụ sản xuất (đông xuân, hè thu và vụ mùa), các địa phương trong tỉnh đã tổ chức chuyển đổi được 2.059ha từ đất trồng lúa thiếu nguồn nước, vùng cuối kênh và đất trồng cây màu sang cây trồng cạn như: đậu xanh, bắp lai, cỏ chăn nuôi, dưa hấu và áp dụng tưới tiết kiệm, trong đó diện tích chuyển từ đất trồng lúa là 1.249ha, cụ thể: Vụ đông xuân đã chuyển đổi từ đất lúa 1 vụ 100ha và 165ha đất trồng màu sang trồng cỏ, đậu xanh, dưa hấu. Vụ hè thu đã chuyển đổi 1.034ha, trong đó: chuyển đổi từ đất trồng lúa 389ha để trồng bắp lai 277ha, cỏ chăn nuôi 50ha, đậu xanh 55ha, dưa hấu 07ha; đồng thời đặt trạm bơm, bơm tưới cho 645ha đất trồng màu sang trồng bắp lai 600ha và trồng cỏ 45ha. Vụ mùa diện tích chuyển đổi từ đất lúa sang cây trồng cạn, tiết kiệm nước tưới là 760ha.

Vụ đông xuân 2015-2016, theo chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và PTNT Ninh Thuận về chuyển đổi 1.001ha đất lúa không đủ nước tưới trong vụ đông xuân sang trồng cây ngắn ngày như đậu xanh, bắp, dưa hấu, đến ngày 02/3/2016, các địa phương đã gieo trồng được 829,9ha, đạt 82,9%, trong đó cây ngô là 34,9ha, cây đậu xanh 689,3ha, dưa hấu 26ha và cỏ là 79,7ha.

Khánh Phương

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

  • Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Hòa cùng không khí cả nước, chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2024, tri ân sự đóng góp, hy sinh của thầy, cô giáo - những “Người lái đò” thầm lặng, đưa nhiều thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.

  • Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.

Top