Lần thứ hai đồng chủ trì kỳ họp Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Lào, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Lào Thoonglun Sisulith đã chứng kiến lễ ký 12 văn kiện hợp tác.
Thủ tướng Thoonglun Sisulith đánh giá cao ý nghĩa của kỳ họp Ủy ban liên Chính phủ hai nước lần thứ 40, đặc biệt trong bối cảnh Lào và Việt Nam vừa tổ chức thành công Năm Đoàn kết Hữu nghị Lào - Việt Nam, Việt Nam- Lào 2017 với các hoạt động kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 40 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác; tin tưởng rằng kỳ họp sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác giữa hai nước ngày càng đi vào chiều sâu và thực chất, đưa mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Lào - Việt Nam lên tầm cao mới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn Thủ tướng Thoonglun Sisulith đã dành cho đoàn sự đón tiếp chu đáo, ấm áp và thắm tình đồng chí anh em; bày tỏ vui mừng về những thành tựu to lớn, quan trọng mà Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào anh em đã đạt được trong năm qua và bày tỏ tin tưởng rằng Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân Lào sẽ tiếp tục thực hiện thắng lợi nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm lần thứ VIII giai đoạn 2016-2020, xây dựng đất nước Lào ngày càng phồn vinh và thịnh vượng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh quan hệ Việt Nam - Lào là mối quan hệ đặc biệt, cần không ngừng được vun đắp và phát triển; khẳng định Việt Nam luôn đặc biệt coi trọng hợp tác với Lào trong công cuộc phát triển đất nước và luôn làm hết sức mình để thúc đẩy mạnh mẽ mối quan hệ anh em thân thiết, hợp tác chặt chẽ, hiệu quả trong tất cả các lĩnh vực.
Quang cảnh kỳ họp. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Tại kỳ họp, hai bên bày tỏ vui mừng và đánh giá cao kết quả hợp tác toàn diện giữa hai nước. Trong năm 2017, hai bên đã triển khai có hiệu quả các Thỏa thuận cấp cao và các thỏa thuận giữa các bộ, ngành, địa phương; đặc biệt, hai bên đã tổ chức tốt “Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 2017”.
Hợp tác trên các lĩnh vực chính trị, đối ngoại, quốc phòng, an ninh, kinh tế, văn hóa-xã hội, giao lưu nhân dân ngày càng được tăng cường và phát triển sâu rộng, nhất là lĩnh vực giáo dục đào tạo được đẩy mạnh. Hiện nay, đã có hơn 14.000 sinh viên, học sinh của Lào học tập tại Việt Nam.
Cơ chế mới trong điều phối, thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước đã phát huy hiệu quả. Hiện các doanh nghiệp Việt Nam đã đăng ký đầu tư vào Lào 411 dự án với khoảng 3,7 tỷ USD, lũy kế tổng vốn thực hiện đạt trên 1,6 tỷ USD, tương đương 43%, nhiều dự án đã đi vào hoạt động đạt kết quả tốt. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2017 đạt trên 935 triệu USD, tăng gần 13,6% so với năm 2016, hoàn thành vượt mức mục tiêu đề ra.
Hai Thủ tướng chứng kiến lễ ký kết các văn kiện hợp tác. - Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Trong năm 2018, hai bên thống nhất tập trung thực hiện tốt các Tuyên bố chung và Thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước; các thỏa thuận giữa các bộ, ngành, địa phương hai nước, trong đó có thỏa thuận tại kỳ họp này; thúc đẩy quan hệ chính trị-đối ngoại-an ninh quốc phòng, đầu tư, thương mại, phấn đấu đưa kim ngạch hai chiều năm 2018 tăng 10% so với năm 2017; mở rộng hợp tác đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư các dự án hạ tầng giao thông kết nối hai nước, hợp tác quản lý sử dụng bền vững nguồn nước và các nguồn tài nguyên thiên nhiên…
Trên tinh thần tin cậy lẫn nhau, hai nước ủng hộ và hợp tác tốt tại các tổ chức, diễn đàn khu vực và quốc tế.
Tại kỳ họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Lào Thoonglun Sisulith chứng kiến lễ ký 12 văn kiện hợp tác, bao gồm Thỏa thuận về Kế hoạch hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào năm 2018 và Biên bản kỳ họp lần thứ 40 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Lào; Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào về hợp tác đầu tư phát triển cảng Vũng Áng và một số văn bản hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp hai nước.
Sau đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Lào Thoonglun Sisulith đã chủ trì cuộc họp báo chung thông báo kết quả kỳ họp lần thứ 40 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Lào và tham dự lễ trao danh hiệu cao quý của Chính phủ hai nước cho các tập thể và cá nhân có thành tích trong Năm Đoàn kết và Hữu nghị Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 2017.
12 văn kiện hợp tác được ký nhân Kỳ họp thứ 40 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Lào, bao gồm: Thỏa Thuận về Kế hoạch hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào năm 2018 và Biên bản Kỳ họp lần thứ 40 Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác song phương giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào; Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào về hợp tác đầu tư phát triển Cảng Vũng Áng; Biên bản Ghi nhớ hợp tác năng lượng và mỏ giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Năng lượng và Mỏ Lào năm 2018; Thỏa thuận khung hợp tác phát triển thủy điện Luông pha băng giữa Công ty PVP Việt Nam và Công ty TNHN một thành viên PT Lào.Kế hoạch hợp tác giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Bộ Giáo dục và Thể thao Lào năm 2018; Thỏa thuận về việc triển khai Dự án điều tra khoáng sản và Lập bản đồ địa chất tỷ lệ 1/200 000 vùng Bô-ly-khăm-xay tỉnh Xay-xổm-bun, Lào giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam và Bộ Năng lượng và Mỏ của Lào; Thỏa thuận về việc triển khai Dự án xây dựng Trường Phổ thông huyện Hủa Mường, tỉnh Hủa Phăn giữa tỉnh Hòa Bình, Việt Nam và tỉnh Hủa Phăn, Lào; Thỏa thuận về việc triển khai các dự án tại tỉnh Xay-xổm-bun giữa Bộ Tư lệnh Quân khu 4 và tỉnh Hủa Phăn; Biên bản Ghi nhớ về việc mua bán điện từ Nhà máy Nhiệt điện huyện Bua La Pha, tỉnh Khăm Muộn, Lào với Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (EVN); Biên bản ghi nhớ giữa Tập đoàn điện lực Việt Nam, Tổng công ty điện lực Lào, liên doanh công ty cổ phần phát triển điện lực và hạ tầng Hà Nội – Viêng Chăn và Tập đoàn Phông-sặp-thạ-vy về nghiên cứu phát triển dự án đường dây siêu cao áp 500 kv; Biên bản ghi nhớ giữa Tập đoàn điện lực Việt Nam và Công ty TNHH xây dựng thủy lợi – cầu đường Phông-sặp-tha-vy về chủ trương mua điện từ một số dự án thủy điện của Tập đoàn Phông-sặp-tha-vy tại Lào; Thỏa thuận hợp tác đầu tư các dự án thủy điện Nạm Kông 2, Nạm Kông 3, Nạm Y Mun và Nạm Ang giữa Công ty Chaleun Sê Kông và Công ty Cổ phần Sông Đà 5 tại các dự án thủy điện Nạm Kông 2, Nạm Kông 3, Nạm Y Mun và Nạm Ang. |
Đức Tuân
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.