Trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh có nhiều làng nghề và hơn 10 khu công nghiệp tập trung, với 450 nghìn công nhân cho nên áp lực về môi trường là rất lớn. Tuy nhiên, với quan điểm "không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế", tỉnh Bắc Ninh đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt hướng tới tăng trưởng xanh.
Quyết liệt xử lý môi trường làng nghề
Trong đó, đến năm 2030, tỉnh sẽ đóng cửa toàn bộ cơ sở sản xuất hiện tại, có biện pháp hỗ trợ di dời sang cụm công nghiệp mới. Liên quan đến vấn đề ô nhiễm môi trường, thời gian qua, các cơ quan chức năng đã xử phạt 27 trường hợp vi phạm ô nhiễm môi trường, 27 cơ sở vi phạm về an toàn điện, với tổng số tiền gần 1,6 tỷ đồng; tạm đình chỉ 104 cơ sở vi phạm về phòng cháy, chữa cháy, tổng số tiền xử lý gần 10,8 tỷ đồng,...
Theo ông Lê Văn Tấn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh: Thời gian qua, nhiều cơ sở sản xuất đã lắp đặt hệ thống xử lý nước thải, khí thải bảo đảm để hoạt động đến thời điểm di dời ra khu mới. Một số doanh nghiệp đầu tư hệ thống khí nén lò hơi công suất lớn và bán cho những cơ sở khác. Chuyển biến về môi trường tại Phong Khê thời gian qua rất rõ nét.
Nhà máy đốt rác phát năng lượng tại Quế Võ đã sẵn sàng vận hành. Ảnh Phi Trường
Làng nghề cô đúc, tái chế nhôm Mẫn Xá (xã Văn Môn, huyện Yên Phong) với khoảng 550 cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng là điểm nóng về ô nhiễm môi trường. Kết quả quan trắc chất lượng môi trường không khí nơi đây cho thấy, các chỉ tiêu phân tích (tiếng ồn, bụi, SO2, NO2) đều vượt quy chuẩn từ 1,2 đến 2,8 lần. Ðể giải quyết triệt để bài toán này, tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo xây dựng Ðề án tổng thể xử lý môi trường làng nghề xã Văn Môn, giai đoạn 2022-2026.
Năm 2022, huyện Yên Phong đã tổ chức cưỡng chế và thi hành quyết định xử phạt đối với hộ dân tự ý lấn chiếm đất đai, xây dựng lán trại, nhà xưởng trái phép; đóng cửa các cơ sở không bảo đảm quy định. Ðồng thời, đẩy nhanh Dự án thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn tồn đọng tại làng nghề,… Ðầu tháng 3/2023, sau khi kiểm tra việc thực hiện Ðề án xử lý môi trường làng nghề tại Văn Môn và Phong Khê, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn chỉ đạo: Về lâu dài, địa phương cần có lộ trình chuyển đổi, tiến tới xóa bỏ những làng nghề gây ô nhiễm môi trường, vì sức khỏe, cuộc sống người dân… hướng đến sự phát triển mới, xanh hơn, sạch hơn, bền vững hơn.
Hướng tới cuộc sống xanh
Nhằm xử lý triệt để chất thải rắn sinh hoạt, đồng thời, bổ sung nguồn năng lượng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, tỉnh Bắc Ninh đã triển khai bốn dự án xây dựng nhà máy đốt rác phát điện, với tổng công suất 1.800 tấn/ngày đêm. Các dự án gồm: Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt công nghệ cao phát năng lượng (tại thị xã Thuận Thành); Khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung (huyện Lương Tài); Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt công nghệ cao phát năng lượng và Khu liên hợp xử lý chất thải công nghiệp, chất thải rắn sinh hoạt phát điện (thị xã Quế Võ).
Ðến nay, Khu liên hợp xử lý chất thải công nghiệp, chất thải rắn sinh hoạt phát điện do Công ty TNHH môi trường Ngôi Sao Xanh làm chủ đầu tư (tại Quế Võ, công suất 180 tấn rác/ngày đêm, công suất phát điện 6,1MW) đã vận hành thử từ tháng 6/2022. Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt công nghệ cao phát năng lượng ở Quế Võ do Công ty cổ phần môi trường năng lượng Thăng Long làm chủ đầu tư (công suất xử lý 500 tấn rác sinh hoạt/ngày đêm, công suất phát điện là 11,7 MW) đã hoàn thành được hơn 84% khối lượng công việc. Khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung tại huyện Lương Tài do Công ty TNHH năng lượng mới EU-CONCH VENTURE Bắc Ninh làm chủ đầu tư (công suất xử lý rác thải 300 tấn/ngày đêm, công suất phát điện 6 MW) đã đủ điều kiện tiếp nhận rác. Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt công nghệ cao phát năng lượng tại Thuận Thành, đã thi công được 75% khối lượng công việc và dự kiến hoàn thành lắp đặt vào tháng 9/2023.
Ông Vũ Mạnh Tiến, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Môi trường Thuận Thành (Liên danh đầu tư với Công ty JFE-Nhật Bản) cho biết: Nhà máy được đầu tư theo công nghệ tiêu chuẩn châu Âu, có công suất xử lý 500 tấn rác/ngày, với hiệu suất phát điện từ 11 đến 13 MW (có thể vượt tải 10%). Khi đi vào hoạt động, dự án này sẽ bổ sung vào điện lưới quốc gia khoảng 100 triệu kWh/năm.
Nhìn chung, quyết liệt trong giải quyết ô nhiễm môi trường làng nghề và triển khai các nhà máy đốt rác phát điện là kết quả nổi bật của Bắc Ninh sau hơn ba năm thực hiện Ðề án tổng thể bảo vệ môi trường. Theo ông Nguyễn Ðình Phương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh: Bên cạnh các giải pháp nêu trên, địa phương cũng làm tốt công tác vệ sinh môi trường khu vực đô thị, nông thôn và sản xuất nông nghiệp; các khu công nghiệp đều được đầu tư hạ tầng đồng bộ, hệ thống xử lý môi trường bảo đảm theo quy định,... Các cấp chính quyền luôn quan tâm, đổi mới tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường, vì cuộc sống xanh, sạch, đẹp và sự phát triển bền vững của quê hương. Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh thường xuyên quan tâm, chỉ đạo các ban, ngành chức năng sâu sát quá trình triển khai, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi công các dự án…
Sẽ xử lý mạnh tay hàng loạt "điểm đen" ô nhiễm môi trường
Để chấn chỉnh tình trạng này, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh vừa có văn bản yêu cầu Công an tỉnh phối hợp với các ngành chức năng và UBND các huyện, thành phố: Bắc Ninh, Tiên Du, Yên Phong thường xuyên tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm về phòng cháy, chữa cháy; đổ thải, đốt khí thải, nước thải ra môi trường không qua xử lý trên địa bàn phường Phong Khê, Cụm công nghiệp Phú Lâm, làng nghề Văn Môn và xem xét, hỗ trợ thủ tục cấp phép phòng cháy, chữa cháy cho Nhà máy đốt rác phát điện tại Lương Tài…
Đồng thời yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường công tác quản lý Nhà nước về môi trường, thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng, địa phương trong việc quản lý, bảo vệ và xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm.
Tình trạng đổ trộm chất thải công nghiệp nguy hại diễn ra công khai qua nhiều năm tại xã Văn Môn (Yên Phong, Bắc Ninh).
Chủ động tham mưu đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp với UBND tỉnh tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn về ô nhiễm môi trường, góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn.
Yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và UBND các huyện, thành phố rà soát tổng thể và lập phương án tập trung hoàn thành việc cải tạo, nâng cấp các nhà vệ sinh trường học đảm bảo theo chuẩn quốc gia, thời gian hoàn thành trong năm 2023.
Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh chủ trì, phối hợp với UBND thành phố Từ Sơn và các cơ quan, đơn vị liên quan đôn đốc, yêu cầu Chủ đầu tư tập trung hoàn thành và đưa vào vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung Khu công nghiệp Hanaka theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, thời gian hoàn thành trong năm 2023.
Đối với các kiến nghị của 4 Chủ đầu tư khu xử lý rác thải tập trung công nghệ cao phát năng lượng, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan chủ động yêu cầu các Chủ đầu tư khi đủ điều kiện xác định đơn giá theo quy định của pháp luật thì khẩn trương thực hiện việc thẩm định, trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt trong thời gian sớm nhất.
Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan trên cơ sở tiến độ thực hiện dự án của các Chủ đầu tư khu xử lý, cân đối, tham mưu UBND tỉnh về khối lượng vận chuyển tại các huyện, thành phố về các khu xử lý trong thời gian sớm nhất phù hợp với tình hình địa phương.
Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu với UBND tỉnh việc lập dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải, ưu tiên nguồn vốn xây dựng lộ trình đầu tư các hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các làng nghề, Cụm công nghiệp và các đô thị loại IV đảm bảo đáp ứng yêu cầu trước ngày 30/4/2023.
Cũng liên quan đến vấn đề ô nhiễm làng nghề tại Bắc Ninh, GS.TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chia sẻ, việc giải quyết ô nhiễm làng nghề ở Bắc Ninh là một vấn đề khó, bởi các làng nghề ở Bắc Ninh chủ yếu do các hộ gia đình làm theo phương thức truyền thống, ô nhiễm cực kỳ cao như các nghề làm nhôm, làm giấy, thu gom phế liệu… Thu nhập từ các nghề đó không đủ giải quyết ô nhiễm.
Vì vậy, ông Đặng Hùng Võ cho rằng, tỉnh Bắc Ninh cần kiên định mục tiêu xử lý ô nhiễm làng nghề, đặc biệt là định hướng xoá bỏ các làng nghề ô nhiễm, chuyển đổi thành cảng cạn IDC, dịch vụ logicstics và khu đô thị.
"Trong quá trình xoá bỏ làng nghề, địa phương cũng cần quan tâm đến việc hỗ trợ chuyển đổi việc làm cho những người dân làng nghề, những hộ sản xuất nhỏ lẻ", GS.TS Đặng Hùng Võ nhấn mạnh.
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.