Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 25 tháng 3 năm 2023 | 13:9

Báo chí thời cách mạng công nghệ 4.0: Để không bị bỏ lại trong làn sóng AI

Những năm qua, báo chí đã đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của công cuộc đổi mới đất nước. Báo chí đã thông tin định hướng dư luận, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người dân, phản biện xã hội, trở thành công cụ quan trọng của công tác tư tưởng...

Tuy nhiên, trước làn sóng phát triển của AI (trí tuệ nhân tạo), đặc biệt là Chat GPT đang được dự báo sẽ thay thế công việc của nhiều nhà báo, tờ báo, báo chí đang đối diện với nhiều thách thức, cần phải thay đổi để thích nghi.

Nhiều thách thức từ công nghệ AI

Chuyển đổi số đã và đang là xu thế tất yếu diễn ra mạnh mẽ trong hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội hiện nay. Là lĩnh vực phản ứng nhạy bén với mọi biến động của đời sống kinh tế - xã hội, báo chí truyền thông cũng không nằm ngoài “cuộc chơi”.

Thời gian gần đây, Chat  GPT (công cụ hỏi đáp tự động được phát triển bởi công ty công nghệ OpenAI thông qua tích hợp trí tuệ nhân tạo) ra đời, đây là một AI có thể tạo ra nội dung văn bản rất phức tạp chỉ từ những câu lệnh đơn giản của người dùng, giúp tăng tương tác với độc giả và giúp cải thiện trải nghiệm người dùng bằng cách trả lời các câu hỏi cũng như giải đáp thắc mắc của khách hàng.

Chat GPT có nhiều tính năng mới, thú vị nhưng không thể thay thế việc viết báo.

Từ đó, nhiều cơ quan báo chí đã sử dụng trí tuệ nhân tạo để thay đổi cách sản xuất, tổ chức, phân loại, xuất bản cũng như phân phối nội dung tin tức trên các nền tảng khác nhau, từng bước thay đổi trải nghiệm người dùng về nội dung và cả hình thức theo hướng thông minh hơn. 

Trên thế giới, nhiều hãng thông tấn như AP, Yonhap… đã sử dụng robot để viết các tin tức đơn giản. Điều này dẫn đến việc phóng viên, nhà báo mất việc vì AI là có thật.

Chia sẻ về vấn đề này, Nhà báo Hoàng Nhật, Phó Tổng biên tập VietnamPlus, cho rằng, nguy cơ nói trên hoàn toàn có thể xảy ra.

Chẳng hạn như trước đây, muốn sản xuất một bản tin tổng hợp theo dạng video, chúng ta thường mất khoảng 2-3 nhân sự để cho ra một bản tin 5 phút. Giờ nhờ ChatGPT cũng như nhiều ứng dụng khác (dựng video, làm đồ họa, đọc lời bình…) thì chỉ cần một phóng viên (hoặc biên tập viên) cũng có thể hoàn thành khối lượng công việc như vậy trong  khoảng thời gian rất ngắn. Ngoài ra, một khi Chat GPT có thể làm thay phóng viên, biên tập viên ở một số khâu thì đó lại là điều kiện thuận lợi để chúng ta cơ cấu lại tòa soạn, sắp xếp lại bộ máy để cho ra đời những sản phẩm báo chí sáng tạo và hiện đại hơn”, nhà báo Hoàng Nhật cho biết.

Tuy nhiên, vấn đề gì cũng có hai mặt. Bên cạnh những lợi ích mà AI và ChatGPT mang lại cho các toà soạn thì tác hại là điều không thể tránh khỏi.

Theo Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam - ông Lê Quốc Minh, nguy cơ dễ nhận thấy nhất nằm ở hoạt động xuất bản nội dung của AI. Trên thực tế, dù cho bản quyền sở hữu trí tuệ của tin bài thuộc về phóng viên hay AI thì các tòa soạn cũng phải sẵn sàng chịu trách nhiệm về mọi nội dung mà họ xuất bản. Trong đó, bao gồm cả các nội dung bị coi là bôi nhọ hoặc sai lệch do AI viết ra. Dù rằng cho tới nay nhiều công cụ AI không “xuất bản” các câu trả lời cho bất kỳ ai ngoài chính người sử dụng, bất kỳ ai sử dụng các công nghẹ này đều phải chịu trách nhiệm về nội dung mà họ đăng tải. 

Bên cạnh đó, nếu sử dụng AI vào công tác sản xuất nội dung, một nguy cơ lớn khác đối với các tòa soạn xuất bản các tác phẩm do AI khởi tạo là việc tình cờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của bên thứ ba mà không được phép.

Đặc biệt, nếu để Chat GPT “can thiệp” sâu vào tòa soạn sẽ làm đảo lộn mô hình hoạt động của cơ quan, khiến các tòa soạn cắt giảm nhân sự để tiết kiệm chi phí, thậm chí làm giảm doanh thu từ quảng cáo.

Trong Hội thảo “Trí tuệ nhân tạo AI và quản trị sáng tạo nội dung trong toà soạn”, ông Lê Quốc Minh cảnh báo, những công cụ tìm kiếm đang mang lại khoảng 50% traffic cho các cơ quan báo chí, trong khi đó các nền tảng mạng xã hội mang lại trung bình 15 - 20%. Tuy nhiên, với sự ra đời của AI, cách thức trả kết quả của các công cụ tìm kiếm đã hoàn toàn khác. Nguy cơ các cơ quan báo chí mất 50% lượng traffic từ các công cụ tìm kiếm là hiện rõ, kèm theo đó là mất doanh thu từ quảng cáo.

Cần thay đổi để thích nghi

Từ thực tế trên, có thể nhận ra rằng, các phần mềm ứng dụng AI dù có nhiều tính năng ưu việt, nhưng suy cho cùng, đó cũng chỉ là máy móc, không có cảm xúc, không biết cách phân tích nội dung trọng tâm vấn đề để hoàn thành một tác phẩm báo chí như một người cầm bút được. Vì vậy, không thể coi đây là sự thay thế cho lực lượng phóng viên tác nghiệp thực tế.

Ví dụ, các bài viết về điều tra, về xâm nhập thực tế, thông tin đa phần độc quyền, chỉ có phóng viên, nhà báo tìm kiếm, khai thác được những câu chuyện độc đáo đó. Họ phải phân tích, chọn lọc, đào sâu để cho ra được bài viết hoàn chỉnh.

Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam Đỗ Thị Thu Hằng cho rằng, khác với con người, AI không có nhạy cảm chính trị, không có lý tưởng, không có tính nhân văn, hoàn toàn không có trách nhiệm xã hội và đạo đức báo chí. 

Do đó, việc cần làm của một số nhà báo, tờ báo là học cách làm chủ ứng dụng AI, nhưng chỉ nên dùng để có lợi chứ không hùa theo mà mất đi giá trị cốt lõi, phụ thuộc, thậm chí bị kiểm soát.

Muốn làm được điều này, mỗi nhà báo Việt Nam càng phải trau dồi năng lực và phẩm chất của một nhà báo cách mạng, học hỏi, thảo luận để có thể làm chủ công nghệ, không để quá lệ thuộc vào công nghệ và làm chủ chúng ta.

Để có thể ứng phó, thích nghi với sự thay đổi công nghệ và sự phát triển trong một môi trường cạnh tranh thông tin hiện nay, PGS.TS Nguyễn Ngọc Oanh (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho rằng, các nhà báo trước hết phải nâng cao kỹ năng sử dụng công nghệ và ứng dụng các phần mềm trong nghề nghiệp.

Các nhà báo cần phải có khả năng sử dụng các công cụ và phần mềm mới để phân tích dữ liệu, viết bài, sửa bài, biên tập và quản lý các nội dung. Các công nghệ như trí tuệ nhân tạo, học sâu, xử lý ngôn ngữ tự nhiên và dữ liệu lớn cũng đang trở thành những công cụ quan trọng và phải được coi là một trong những yếu tố cần và đủ trong nghề báo. Các nhà báo cần phải có khả năng sản xuất và phát triển các nội dung đa phương tiện như video, âm thanh và hình ảnh để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của độc giả. Đồng thời trau dồi phát triển khả năng thu thập, phân tích và hiểu các dữ liệu số để đưa ra những thông tin và bài viết chính xác và tin cậy.

Rõ ràng, sự phát triển của công nghệ và sự thay đổi của ngành báo chí đang tạo ra nhiều cơ hội mới cho các nhà báo, nhưng cũng đòi hỏi các nhà báo phải có nhiều kỹ năng mới để thích nghi với sự thay đổi này - quy trình tác nghiệp, trình độ và tính lan toả thông tin.

Đây cũng là hồi chuông cảnh tỉnh cho mỗi phóng viên, nhà báo nhận ra thách thức trong thời kỳ công nghệ phát triển mạnh mẽ như hiện nay.

Do vậy, ở mức độ nào đó, tất cả đều phải gắng thích ứng để không bị tụt hậu, tìm giải pháp để vươn lên. Cần tích cự cập nhận thông tin nhằm nhận diện các xu hướng mới trên thế giới mà trí tuệ nhân tạo đang đặt ra, từ đó có những giải pháp nhằm định hướng sáng tạo nội dung cho từng nhà báo và ở mỗi cơ quan báo chí hiện nay.

Đồng thời, bản thân người làm báo phải không ngừng rèn luyện chuyên môn, nghiệp vụ, trau dồi phẩm chất, đạo đức, lối sống, xây dựng và rèn luyện bản lĩnh của người cầm bút để nâng cao trình độ tạo ra các sản phẩm có giá trị, có sự khác biệt mà AI không sao chép, thứ mà AI không tạo ra được. 

Cùng với đó, các cơ quan báo chí cần tiếp tục đổi mới về nội dung lẫn hình thức để truyền thông thiết thực, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của công chúng. Hình thức truyền thông phải phong phú, đa dạng, đi sâu, đi sát với thực tiễn và đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng. Và tạo lập không gian văn hóa trong hoạt động báo chí, nâng cao yêu cầu văn hóa cho đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên.

 

 

Thanh Xuân
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

Top