Trên chặng đường 98 năm qua, Báo chí Cách mạng Việt Nam luôn thể hiện vai trò quan trọng trong tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, gắn với phát huy sức mạnh, quyền làm chủ của Nhân dân.
Bên cạnh đó, báo chí còn nêu gương điển hình tiên tiến, người tốt - việc tốt; lấy nhân tố tích cực để đẩy lùi tiêu cực, nhân rộng những tấm gương tốt..., góp phần lan tỏa những điều tốt đẹp trong cuộc sống hàng ngày.
Lan tỏa điển hình tiên tiến
Những năm qua, thông qua truyền thông, người nông dân đã được tiếp cận với các kiến thức trong sản xuất, áp dụng quy trình canh tác mới, chủ động đầu tư thâm canh, đưa các giống cây trồng - vật nuôi có năng suất và hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất, chăn nuôi, trở thành nhân tố điển hình trong phong trào sản xuất kinh doanh giỏi ở địa phương.
Điển hình về ý chí vươn lên thoát nghèo trong cộng đồng dân tộc thiểu số, anh Hứa Văn Xuân ở xã Niêm Sơn (Mèo Vạc - Hà Giang) đã tận dụng nương rẫy bỏ hoang để trồng cỏ nuôi bò; mạnh dạn vay vốn để mua 7 con bò cái sinh sản và sửa chữa chuồng trại. Sau 2 năm thực hiện, mô hình chăn nuôi kết hợp với trồng lúa giúp gia đình anh trả được vốn vay ban đầu. Phần tiền lãi, anh Xuân tiếp tục đầu tư xây dựng một cửa hàng tạp hóa nhỏ phục vụ nhu yếu phẩm cho nhân dân. “Gia đình hiện có mức thu nhập ổn định, khoảng 20-30 triệu đồng/tháng”, anh Xuân kể.
Ông Hoàng Văn Đáo ở bản Chiềng Ban 2, xã Mường Kim (Than Uyên - Lai Châu) đã cố gắng vươn lên trong lao động sản xuất, thoát khỏi đói nghèo.
Vốn là một trong những hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của xã, bản thân ông Đáo bị hỏng một bên mắt từ khi mới sinh ra nên khó khăn trong lao động sản xuất, mọi công việc nặng nhọc trong gia đình đều đặt lên vai người vợ.
Nhờ tiếp cận được thông tin trên báo chí về việc Nhà nước tăng cường đầu tư cho công tác giảm nghèo bền vững ở vùng núi, “bản thân tôi được học các lớp đào tạo nghề và được tập huấn kiến thức về chăn nuôi, trồng trọt, giới thiệu các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả. Hai người con được chính quyền giúp đỡ, giới thiệu đi làm việc tại các công ty với mức thu nhập 5 - 7 triệu đồng/tháng. Tôi xây được nhà, mua sắm máy xát gạo và máy tuốt lúa để phục vụ kinh doanh. Nhờ đó gia đình đã thoát nghèo từ năm 2019, hiện là hộ khá trong bản”, ông Đáo vui vẻ kể.
Ông Bạc Cầm Dung bên vườn cam của gia đình.
Cũng với vốn kiến thức tích lũy được qua đọc báo, xem ti vi, ông Bạc Cầm Dung ở xã Mường Lạn (Sốp Cộp - Sơn La) mạnh dạn chuyển đổi phần lớn diện tích sắn, ngô trước đây sang trồng cây ăn quả. Để đảm bảo chắc ăn, ông đã lên mạng internet đọc báo để tìm hiểu cách trồng, chăm sóc cây rồi học theo. Ông chọn các giống cây phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương, trong đó, có cả các loại cây đặc sản của quê hương mình… và đầu tư hơn 300 triệu đồng vào hơn 2ha vườn cây ăn quả.
Đến nay, khu vườn đồi của ông có 800 cây cam, 800 cây xoài, 1.500 cây nhãn, hơn 500 cây mận Hậu và mận Tam Hoa; nuôi trâu và lợn sinh sản. Tính chung, thu nhập từ mô hình vườn - chuồng của ông Dung cho thu nhập gần 100 triệu đồng/năm. Đến nay, vườn cây ăn quả của gia đình ông bắt đầu cho thu hoạch. “Năm đầu tiên, tôi thu được hơn 3 tấn quả, bán được hơn 30 triệu đồng, vườn xoài cho thu hoạch 1,7 tấn quả, thu về hơn 10 triệu đồng”, ông Dung cho biết.
Khơi dậy ước mơ và hy vọng cho học sinh vùng cao
Những điển hình tiên tiến được vinh danh có thể khác nhau về công việc, hoàn cảnh, tuổi đời, nhưng đều có chung một tinh thần không ngại khó, ngại khổ, luôn nỗ lực phấn đấu vươn lên bằng những việc làm tích cực, góp phần lan tỏa tinh thần thi đua ái quốc như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn 100 bài diễn văn tuyên truyền”.
Thầy giáo Ma Văn Gióng, Trường Phổ thông dân tộc bán trú TH và THCS Hồng Quang, tỉnh Tuyên Quang.
Điển hình như câu chuyện, vận động học sinh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đi thi học sinh giỏi của thầy Ma Văn Gióng, Trường Phổ thông dân tộc bán trú TH và THCS Hồng Quang (Tuyên Quang).
Năm 2016, thầy Gióng và đồng nghiệp đã hỗ trợ mua bút, sách vở, tài liệu tham khảo và trực tiếp bồi dưỡng kiến thức cho các em với một quyết tâm vận động học sinh đi thi học sinh giỏi; có lẽ đây là điều mà trước đây ít người nghĩ tới.
“Thời gian đầu gặp rất nhiều khó khăn, nhiều học sinh thấy thầy cô trước cửa nhà là trốn ra phía sau; có khi đưa ra một bài toán nhưng phải hướng dẫn đhiều lần các em mới nắm được cách làm. Nhiều lúc rất mệt và không muốn cố gắng nữa, nhưng thấy học sinh đến với mình, lại thương các em, càng thêm quyết tâm không bỏ rơi học sinh”, thầy Gióng chia sẻ.
Nhờ có sự nỗ lực của thầy Gióng và đồng nghiệp, nhiều học sinh đã mang niềm vui, tự hào về cho ngôi trường vùng khó. Từ năm 2016 đến nay, hơn 30 học sinh của thầy Gióng đã đoạt giải cao thi học sinh giỏi cấp huyện và 3 học sinh đạt giải cấp tỉnh.
Qua đó có thể thấy, thành công đạt được không chỉ là những gương mặt đã bứt phá từ vùng đất khó để giành các giải thưởng cao, mà còn là những câu chuyện ấm lòng về học sinh từ khó khăn trong cuộc sống, học lực nhưng từng bước đột phá dưới sự dìu dắt, động viên của thầy Gióng. Họ chính là những tấm gương tiêu biểu đang ngày ngày cống hiến, sáng tạo và truyền cảm hứng trên khắp các mặt trận khác nhau của đời sống ngày nay, là những bông hoa tươi thắm trong vườn hoa thi đua yêu nước của cả nước trong thời gian qua.
Mang sứ mệnh thắp sáng những điều tốt đẹp
Tại Lễ trao Giải Báo chí quốc gia lần thứ XVI, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ: Báo chí đã phát huy sức mạnh to lớn, tạo niềm tin, góp phần củng cố tinh thần đại đoàn kết, sự chung sức, đồng lòng, ủng hộ của người dân, doanh nghiệp đối với các chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước về “Chiến lược vaccine,” “Chương trình phòng, chống dịch Covid-19” để Việt Nam trở thành một trong số ít nước dẫn đầu về tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới. Báo chí cũng đã lan tỏa lòng nhân ái, nỗ lực thực hiện an sinh xã hội, nghĩa cử của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong mùa dịch; chia sẻ với những vất vả, khó khăn; động viên, tôn vinh, khích lệ các lực lượng tuyến đầu, nhất là bác sỹ, cán bộ, nhân viên y tế, quân đội, công an và cả những cá nhân tự nguyện lên tuyến đầu chống dịch.
Bằng việc lan toả việc khai thác đất đồi hiệu quả khi trồng cây ăn quả, nhiều diện tích đất đồi dốc ở các xã miền núi của tỉnh Sơn La đã được chuyển đổi sang trồng cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao.
Trước yêu cầu, nhiệm vụ phát triển đất nước, đặt nhiều kỳ vọng vào các cơ quan báo chí, người làm báo trong việc chủ động, tích cực, trách nhiệm, xung kích, nâng cao nhận thức, truyền cảm hứng, tạo động lực, quyết tâm, sự đồng thuận trong xã hội. Thủ tướng Phạm Minh Chính gợi mở: Quán triệt mục tiêu xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại theo tinh thần Nghị quyết XIII của Đảng; thể hiện tính cách mạng, đi đầu trong những vấn đề lớn của đất nước; là vũ khí tư tưởng sắc bén bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, lợi ích quốc gia, dân tộc; khơi dậy khát vọng phát triển, những giá trị cốt lõi của đất nước, dân tộc; cổ vũ mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Thủ tướng nhấn mạnh, báo chí tiếp tục đẩy mạnh cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, trung thực, minh bạch, phản ánh, tìm ra những khó khăn, vướng mắc, giải pháp cho những vấn đề thực tiễn; phát hiện, biểu dương những nhân tố mới, người tốt, việc tốt, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu,” “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực” để nhân dân có niềm tin vào các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Trước mắt cần tập trung tuyên truyền về 3 đột phá chiến lược, những chủ trương, chính sách về phục hồi kinh tế; chuyển đổi số, bảo vệ môi trường, phát triển cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội, an ninh, an toàn, an dân và không để ai bị bỏ lại phía sau với mục tiêu cao nhất là vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của Nhân dân.
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.